Tông Huấn CATECHESI TRADENDAE Tông Huấn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về DẠY GIÁO LÝ TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

MỞ ĐẦU
Mệnh Lệnh Cuối Cùng của Đức Kitô
Quan Tâm của Đức Thánh Cha Phaolô VI
Một Thượng Hội Đồng Có Kết Quả
Mục Đích của Tông Huấn Này

I. CHÚNG TA CHỈ CÓ MỘT VỊ THẦY, LÀ ĐỨC GIÊSU KITÔ

Đưa Đến sự Hiệp Thông với Con Người Đức KitôTruyền Thụ Giáo Huấn của Đức Kitô

Đức Kitô là Thầy

“Vị Thầy” Duy Nhất

Giảng Dạy qua Toàn Thể Cuộc Đời của Người

II. MỘT KINH NGHIỆM XƯA NHƯ HỘI THÁNH

Sứ Vụ của Các Thánh Tông Đồ

Việc Dạy Giáo Lý trong Thời Các Tông Đồ

Các Giáo Phụ

Các Công Đồng và Hoạt Động Truyền Giáo

Dạy Giáo Lý là Quyền Lợi và Bổn Phận của Hội Thánh

Ưu Tiên của Công Tác Này

Chia Sẻ, nhưng Các Nhiệm Vụ Khác Nhau

Canh Tân Liên Tục và Quân Bình

III. VIỆC DẠY GIÁO LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ VÀ TRUYỀN GIÁO CỦA HỘI THÁNH

Việc Dạy Giáo Lý như Một Giai Đoạn của Phúc Âm Hoá

Việc Dạy Giáo Lý và Việc Rao Giảng Tin Mừng Lần Đầu

Mục Đích Đặc Biệt của Việc Dạy Giáo Lý

Cần Phải Dạy Giáo Lý cho Có Hệ Thống

Dạy Giáo Lý và Kinh Nghiệm Sống

Dạy Giáo Lý và Các Bí Tích

Việc Dạy Giáo Lý và Cộng Đồng Hội Thánh

Việc Dạy Giáo Lý theo Nghĩa Rộng Cần Thiết cho Việc Trưởng Thành và Củng Cố Đức Tin

IV. TOÀN THỂ TIN MỪNG ĐƯỢC MÚC TỪ MỘT NGUỒN MẠCH

Nội Dung của Sứ Điệp

Nguốn Mạch

Kinh Tin Kính, Một Cách Diễn Tả Đức Tin Quan Trọng Đặc Biệt

Những Yếu Tố Không Được Bỏ Qua

Sự Toàn Vẹn của Nội Dung

Dùng Những Phương Pháp Sư Phạm Thích Hợp

Khía Cạnh Đại Kết của Việc Dạy Giáo Lý

Việc Hợp Tác Đại Kết trong Lãnh Vực Giáo Lý

Vấn Đề Sách Giáo Khoa Viết về Các Tôn Giáo Khác Nhau

V. MỌI NGƯỜI ĐỀU CẦN ĐƯỢC HỌC GIÁO LÝ

Tầm Quan Trọng của Việc Dạy Giáo Lý cho Trẻ Em và Người Trẻ

Các Ấu Nhi

Các Trẻ Em

Các Thanh Thiếu Niên

Người Trẻ

Thích Nghi Việc dạy Giáo cho Người Trẻ

Các Người Khuyết Tật

Các Người Trẻ Không Được Nâng Đỡ về Tôn Giáo

Các Người Trưởng Thành

Các Người Hầu Như Tân Tòng

Các Hình Thức Dạy Giáo Lý Khác Nhau nhưng Bổ Túc Cho Nhau

VI. MỘT VÀI CÁCH THẾ VÀ PHƯƠNG TIỆN ĐỂ DẠY GIÁO LÝ

Các Phương Tiện Truyền Thông

Sử Dụng Nhiều Địa Điểm, Cơ Hội và Các Buổi Hội Họp

Bài Giảng

Các Tác Phẩm về Dạy Giáo Lý

Các Sách Giáo Lý

VII. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRUYỀN DẠY GIÁO LÝ

Các Phương Pháp Khác Nhau

Để Phục Vụ Mặc Khải và Việc Hoán Cải

Sứ Điệp Lồng trong Văn Hoá

Sự Đóng Góp của Các Việc Sùng Kính Phổ Thông

Học Thuộc Lòng

VIII…………. NIỀM VUI CỦA ĐỨC TIN TRONG MỘT THẾ GIỚI ĐẦY KHÓ KHĂN

Xác Quyết Đặc Tính Kitô

Trong Một Thế Giới Khác

Sư Phạm Đức Tin Nguyên Thủy

Ngôn Ngữ Thích Hợp Cho việc Phục Vụ Đức Tin

Nghiên Cứu và Sự Chắc Chắn của Đức Tin

Dạy Giáo Lý và Thần Học

IX. NHIỆM VỤ LIÊN QUAN ĐẾN TẤT CẢ CHÚNG TA

Sự Khích Lệ cho Tất Cả Những Ai Có Trách Nhiệm về việc Dạy Giáo Lý

Các Giám Mục

Các Linh Mục

Các Tu Sĩ Nam Nữ

Các Giáo Lý Viên Giáo Dân

Trong Giáo Xứ

Trong Gia Đình

Ở Trường Học

Trong các Tổ Chức

Các Cơ Sở Đào Luyện

KẾT LUẬN

Chúa Thánh Thần là Thầy Dạy Bên Trong

Đức Mẹ Maria, Mẹ và Mẫu Gương của Môn Đệ

MỞ ĐẦU

Mệnh Lệnh Cuối Cùng của Đức Kitô
Hội Thánh luôn luôn coi việc dạy Giáo Lý là một trong những công tác chính của mình, bởi vì trước khi lên cùng Cha Người sau khi phục sinh, Đức Kitô đã ban cho các tông đồ một mệnh lệnh cuối cùng, là hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ, và dạy họ tuân giữ tất cả những gì Người đã truyền[1]. Như thế Người trao phó cho các ông sứ vụ và quyền năng để công bố cho nhân loại những gì các ông đã nghe, đã thấy tận mắt, điều các ông đã chiêm ngưỡng và đụng chạm đến bằng tay, về Lời Hằng Sống[2]. Người cũng trao cho các ông sứ vụ và quyền giải thích cách chính thức những gì Người đã dạy các ông, các lời nói và việc làm của Người, các dấu lạ và các mệnh lệnh của Người. Và Người ban Chúa Thánh Thần cho các ông để chu toàn sứ vụ này.

Danh từ dạy Giáo Lý được dùng rất sớm để chỉ toàn thể cố gắng trong Hội Thánh để làm cho người ta thành môn đệ, để giúp người ta tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, để nhờ tin mà họ có thể có sự sống nhờ Danh Người[3], và để dạy dỗ cùng giáo huấn họ ở đời này và như thế xây dựng Nhiệm Thể Đức Kitô. Hội Thánh không ngừng dốc hết tâm lực để thi hành công tác này.

Quan Tâm của Đức Thánh Cha Phaolô VI
Các Đức Giáo Hoàng gần đây đã dành cho việc dạy Giáo Lý một chỗ đứng quan trọng trong các quan tâm mục vụ của các ngài. Qua các cử chỉ, các bài giảng dạy, việc giải thích chính thức Công Đồng Vaticanô II (mà ngài coi là cuốn Giáo Lý vĩ đại của thời hiện đại), và qua suốt đời ngài, vị tiền nhiệm của tôi là Đức Thánh Cha Phaolô VI đã phục vụ việc dạy Giáo Lý của Hội Thánh một cách đặc biệt. Ngày 18 tháng 3 năm 1971, ngài đã phê chuẩn Sách Hướng Dẫn Chung vế Dạy Giáo Lý được Thánh Bộ Giáo Sĩ soạn thảo, một sách chỉ nam vẫn còn là tài liệu căn bản cho việc khuyến khích và hướng dẫn việc canh tân Giáo Lý trong toàn thể Hội Thánh. Ngài lập ra Hội Đồng Quốc Tế về Dạy Giáo Lý vào năm 1975. Ngài định nghĩa cách khéo léo vai trò và tầm quan trọng của việc dạy Giáo Lý trong đời sống Hội Thánh trong Đaị Hội Giáo Lý Thế Giới lần thứ nhất vào ngày 25 tháng 9 năm 1971[4]; ngài nhắc lại đề tài này cách đặc biệt trong Tông Huấn Evangelii nuntiandi[5]. Ngài quyết định rằng việc dạy Giáo Lý, nhất là cho trẻ em và giới trẻ, phải là đề tài thảo luận cho Đại Hội chung lần Thứ Tư của Thượng Hội Đồng Giám Mục[6], được tổ chức vào thánh 10 năm 1977 mà chính tôi cũng được hân hạnh tham dự.

Một Thượng Hội Đồng Có Kết Quả
Cuối Thượng Hội Đồng này, các Nghị Phụ đã trình lên Đức Thánh Cha một tài liệu rất phong phú, gồm nhiều bài góp ý trong các phiên họp, các kết luận của từng tiểu ban, sứ điệp của các ngài và Đức Thánh Cha sẽ được gửi cho dân Chúa[7], và nhất là liệt kê các đề nghị táo bạo trong đó các ngài trình bày quan điểm của mình về một số lớn chiều kích của việc dạy Giáo Lý ngày nay.

Thượng Hội Đồng đã làm việc trong một bầu không khí tạ ơn và hy vọng khác thường. Thượng Hội Đồng nhìn thấy trong việc canh tân Giáo Lý một món quà quý giá mà Chúa Thánh Thần ban cho Hội Thánh hôm nay, một món quà mà tất cả mọi cộng đồng Kitô ở mọi tầng lớp trên toàn thế giới đã đáp lại với một lòng đại lượng vô biên, và một sự tận tâm có sáng kiến mà ai cũng mến phục. Nhận thức cần thiết khi ấy đã được đưa ra thực hiện qua một thực tế sống động và có thể mang lại ích lợi nhờ việc Dân Thiên Chúa hết sức mở lòng ra để đón nhận ân sủng của Chúa, và các chỉ thị từ Huấn Quyền.
Mục Đích của Tông Huấn Này
Trong cùng một bầu khí Đức Tin và hy vọng mà hôm nay tôi nói với anh em, là các chưhuynh và các con cái thân yêu, về Tông Huấn này. Chủ đề về việc dạy Giáo Lý thật bao la, nhưng Tông Huấn này sẽ đề cập đến một vài khía cạnh có tính cách cục bộ và quyết định nhất của nó, như một sự nhấn mạnh đến những kết quả khả quan của Thượng Hội Đồng. Thực ra, Tông Huấn này tiếp nối những suy tư mà Đức Thánh Cha Phaolô VI đã soạn thảo, và dùng rất nhiều tài liệu mà Thượng Hội Đồng để lại. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I, mà chúng tôi rất thán phục sự hăng say và tài năng của ngài về việc dạy Giáo Lý, đã cầm những tài liệu này trên tay và đang sửa soạn ấn hành, khi ngài bất ngờ được Chúa gọi về. Ngài đã để lại cho tất cả chúng ta một gương dạy Giáo Lý vừa phổ thông, vừa đặt trọng tâm vào những điều thiết yếu, một cách dạy Giáo Lý gồm những lời nói và việc làm đơn sơ có thể đánh động tâm hồn con người. Cho nên tôi được thừa hưởng cái gia tài của hai Đức Thánh Cha để đáp lại lời yêu cầu mà các Đức Giám Mục đã đề ra cuối Đại Hội chung lần Thứ Tư của Thượng Hội Đồng Giám Mục, và đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI đón chào trong bài diễn từ bế mạc[8]. Tôi cũng làm như thế để chu toàn một trong những nhiệm vụ chính của sứ mạng tông đồ của tôi. Dạy Giáo Lý luôn luôn là quan tâm hàng đầu trong thừa tác vụ của tôi như một linh mục và một Giám Mục.

Tôi tha thiết mong ước rằng đối với toàn thể Hội Thánh, Tông Huấn này sẽ củng cố tinh thần hợp nhất trong Đức Tin và đời sống Kitô hữu, làm cho tươi mát và sinh động những sáng kiến đang có sẵn, khuyến khích những sáng kiến mới – cùng với sự đề cao cảnh giác cần thiết – và sẽ giúp cho niềm vui được mang mầu nhiệm Đức Kitô đến cho thế gian được lan tràn trong các cộng đoàn.
I. CHÚNG TA CHỈ CÓ MỘT VỊ THẦY, LÀ ĐỨC GIÊSU KITÔ

Đưa Đến sự Hiệp Thông với Con Người Đức Kitô

5. Đại Hội chung lần Thứ Tư của Thượng Hội Đồng Giám Mục thường nhấn mạnh đến tính quy Đức Kitô (hay đặt Đức Kitô làm trọng tâm) của tất cả việc dạy Giáo Lý chân chính. Ở đây chúng ta có thể dùng từ “quy Kitô” theo hai ý nghĩa, không đối chọi nhau cũng không loại bỏ nhau, nhưng thay vào đó chúng cần nhau và bổ túc cho nhau.

Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng ở trung tâm của việc dạy Giáo Lý chúng ta tìm thấy, trên thực chất, một Con Người, Con Người Chúa Giêsu thành Nadareth, “Con Một đến từ Đức Chúa Cha… đầy ân sủng và chân lý,”[9] Đấng đã chịu nạn và chịu chết cho chúng ta và giờ đây, sau khi đã sống lại, đang ở cùng chúng ta mãi mãi. Chính Chúa Giêsu Đấng là “Đường, là Sự Thật, và Sự Sống,”[10] và sống đời Kitô hữu là theo Đức Kitô, là nối gót Đức Kitô.

Mục đích chính và thiết yếu của việc dạy Giáo Lý, theo cách diễn tả mà Thánh Phaolô, cũng như môn thần học hiện đại thích nhất, là “Mầu Nhiệm Đức Kitô”. Dạy Giáo Lý là một cách dẫn dắt một người để họ học tất cả các khía cạnh của mầu nhiệm này: “để làm cho mọi người thấy chương trình mầu nhiệm… hiểu biết cùng với các thánh cái gì là chiều rộng, chiều dài, chiều cao cùng chiều sâu… biết rằng tình yêu của Đức Kitô vượt trên mọi kiến thức… (và được đổ đầy) bằng tất cả sự sung mãn của Thiên Chúa.”[11] Chính là để mặc khải trong Con Người Đức Kitô toàn thể kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa, là Đấng đã hoàn tất trong Con Người ấy. Để tìm cách hiểu biết ý nghĩa của các việc làm, lời nói, và các dấu lạ Người làm, vì các ý nghĩa này vừa tiềm ẩn vừa được tỏ lộ trong mầu nhiệm của Người. Theo nghĩa đó, mục đích tối hậu của việc dạy Giáo Lý không những là đưa người ta đến tiếp xúc mà còn hiệp thông cách mật thiết với Đức Chúa Giêsu Kitô: Chỉ mình Người có thể đưa chúng ta đến tình yêu của Đức Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và cho chúng ta được chia sẻ đời sống của Chúa Ba Ngôi.

Truyền Thụ Giáo Huấn của Đức Kitô

6. Đặt trọng tâm vào Đức Kitô trong việc dạy Giáo Lý cũng có nghĩa là không có ý dạy giáo huấn của mình hoặc của bất cứ vị thầy nào khác, nhưng chỉ dạy giáo huấn của Đức Chúa Giêsu Kitô, là chân lý mà Người đã truyền lại, hay nói đúng hơn, Đấng là Chân lý[12] . Vì thế chúng ta phải nói rằng trong việc dạy Giáo Lý, chúng ta giảng dạy về chính Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể và Con Thiên Chúa, – mọi điều khác đều được dạy qui vể Người – và cũng chỉ có một mình Đức Kitô là Đấng giảng dạy – người nào khác giảng dạy cũng chỉ vì người ấy là phát ngôn viên của Đức Kitô, để Đức Kitô dùng môi miệng mình mà giảng dạy. Dầu ở mức độ trách nhiệm nào đi nữa trong Hội Thánh, mọi Giáo Lý viên phải luôn cố gắng truyền thụ bằng lời giảng dạy và cách sống của mình giáo huấn và đời sống của Chúa Giêsu. Người ấy sẽ không tìm cách để học viên chú ý đến mình, hay đồng ý với mình và với ý kiến hoặc thái độ của mình. Trên hết, người ấy sẽ không cố gắng ghi khắc vào đầu óc học viên những ý kiến hay sự chọn lựa riêng của mình như là chúng diễn tả giáo huấn của Đức Kitô hay bài học rút ra từ đời sống của Người. Mọi Giáo Lý viên phải áp dụng cho mình những lời mầu nhiệm của Chúa Giêsu:“Giáo huấn của Tôi không phải của Tôi, nhưng của Đấng đã sai Tôi.”[13] Thánh Phaolô đã làm điều này khi ngài trả lời một câu hỏi tối quan trọng: “Tôi cũng truyền lại cho anh em những gì tôi nhận được từ Chúa.”[14] Để một Giáo Lý viên có thể nói: “Những gì tôi dạy không phải của tôi,” người ấy phải chăm chỉ học Lời của Thiên Chúa truyền lại qua Huấn Quyền Hội Thánh như thế nào, phải có sự liên hệ mật thiết với Đức Kitô và Đức Chúa Cha ra sao, phải có một tinh thần cầu nguyện thế nào, và phải từ bỏ chính mình ra sao!

Đức Kitô là Thầy

7. Giáo huấn này không phải là một mớ chân lý trừu tượng. Nó là sự truyền thông mầu nhiệm sống động của Thiên Chúa. Con Người dạy giáo huấn này trong Tin Mừng là Đấng hoàn toàn cao vời trong sự tuyệt hảo, hơn hẳn các vị “thầy” trong dân Israel, và bản chất của học thuyết của Người vượt trên các học thuyết của họ về mọi phương diện, bởi vì sự liên hệ thuần nhất giữa những gì Người nói và làm với chính bản chất của Người. Tin Mừng nói rõ về những trường hợp mà Chúa Giêsu “giảng dạy.” “Người bắt đầu làm và giảng dạy”[15] - với hai động từ này được đặt ngay trên đầu sách Tông Đồ Công Vụ, Thánh Luca vừa nối kết vừa phân biệt hai khía cạnh của sứ vụ Đức Kitô.

Chúa Giêsu đã dạy. Chính những chứng từ mà Người làm cho chính mình: “Hằng ngày Tôi đã ngồi giảng dạy trong đền thờ.”[16] Chính những quan sát đầy ngưỡng mộ của các Thánh Sử, ngạc nhiên khi thấy Người dạy khắp nơi và mọi lúc, dạy bằng một cách thế và với một uy quyền mà chưa ai từng biết đến: “Đám đông lại tụ họp chung quanh Người, và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ;”[17] “và họ ngạc nhiên về giáo huấn của Người, vì Người dạy họ như một Đấng có uy quyền.”[18] Ngay cả những kẻ thù ghét Người cũng có ý dùng việc này làm cớ để tố cáo và kết án Người: “Nó đã khích động dân chúng, bằng cách giảng dạy khắp vùng Giuđêa, từ Galilêa cho đến tận chỗ này.”[19]

“Vị Thầy” Duy Nhất

8. Đấng giảng dạy cách này đáng được tôn phong bằng một tước hiệu “Thầy” độc đáo. Trong toàn thể Tân Ước, nhất là trong các sách Tin Mừng, biết bao nhiêu lần người ta đã gọi Người là Thầy![20] Đương nhiên là Nhóm Mười Hai, các môn đệ khác, và các đám đông dân chúng nghe Người đều gọi Người là “Thầy” cách kính trọng, tin cậy và tế nhị.[21] Ngay cả những người Pharisêu và Xa Đốc, các luật sĩ, các người Do Thái nói chung cũng không ngại gọi Người là: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn xem một dấu lạ từ Thầy;”[22] “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được thừa hưởng sự sống đời đời?”[23] Nhưng trên hết, đặc biệt là chính Chúa Giêsu trong những giây phút long trọng và ý nghĩa nhất đã nhận mình là Thầy: “Các con gọi Thầy là Thầy và là Chúa; và các con nói đúng, vì Thầy chính là thế;”[24] và Người đã công bố tính duy nhất, tính độc nhất của đặc tính của Người như một vị Thầy: “Các con có một Thầy,”[25] là Đấng Kitô. Chúng ta có thể hiểu tại sao trong 2000 năm qua, dân chúng đủ loại, đủ chủng tộc và dân tộc bằng mọi ngôn ngữ trên thế gian, đã gọi Người bằng danh hiệu này với lòng tôn kính, bằng cách tự mình nhắc lại lời công bố của ông Nicôđêmô: “Chúng tôi biết Thầy là Vị Thầy đến từ Thiên Chúa.”[26]

Hình ảnh này của Đức Kitô là Thầy vừa uy phong vừa quen thuộc, vừa đáng phục vừa đáng tin cậy. Hình ảnh ấy được diễn tả bởi ngòi bút của các Thánh Sử và thường được gợi lại sau đó bằng những hình ảnh được vẽ từ thời Kitô giáo sơ khai,[27] là hình ảnh thật hấp dẫn. Đến lượt tôi được hân hạnh gợi lại hình ảnh này để bắt đầu những suy nghĩ về việc dạy Giáo Lý trong thế giới hiện đại.

Giảng Dạy Qua Toàn Thể Cuộc Đời của Người

9. Khi làm như thế, tôi không quên rằng chỉ có thể giải thích được uy phong của Đức Kitô là Vị Thầy cùng sự kiên định độc đáo và tính thuyết phục của giáo huấn của Người bằng sự thật là Lời Người, các dụ ngôn của Người và các lý luận của Người không bao giờ khác biệt với đời sống của Người và bản thể của Người. Như thế, toàn thể đời sống của Đức Kitô là một giáo huấn liên tục: sự im lặng của Người, các phép lạ Người làm, các cử chỉ của Người, các lời cầu nguyện của Người, tình yêu mà Người dành cho dân chúng, lòng quý mến đặc biệt của Người đối với những người bé nhỏ và người nghèo, việc Người chấp nhận hy sinh hoàn toàn trên Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại, và sự sống lại của Người là sự thể hiện Lời Người và làm tròn mặc khải. Vì vậy đối với Kitô hữu, Thánh Giá là một trong những hình ảnh siêu phàm và phổ thông nhất của Đức Kitô là Thầy.

Tất cả những suy nghĩ này, là những suy nghĩ theo các truyền thống vĩ đại của Hội Thánh, và tất cả củng cố lòng nhiệt thành của chúng ta đối với Đức Kitô, là Vị Thầy tỏ lộ Thiên Chúa cho con người và cho con người biết họ là ai, vị Thầy vừa cứu chữa, vừa thánh hoá và hướng dẫn, là Đấng vừa sống, vừa nói, vừa khích lệ, di chuyển, sửa sai, xét xử, tha thứ, và đồng hành với chúng ta mỗi ngày trên đường lịch sử, là vị Thầy đang đến và sẽ đến trong vinh quang.

Chỉ nhờ kết hợp mật thiết với Người mà các Giáo Lý viên có thể tìm thấy ánh sáng và sức mạnh cho một canh tân Giáo Lý chính hiệu và đáng mong ước.
(còn tiếp)
Share:

Bài viết mới

Bài xem nhiều

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

ĐỌC KINH THÁNH

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter