SỬA LỖI CHO NHAU LÀ MỘT CHIỀU KÍCH CỦA GIỚI RĂN YÊU MẾN

Vì yêu thương nhau mà sửa lỗi cho nhau. Đó không phải là trách nhiệm hay bổn phận chỉ dành cho những người có thẩm quyền, nhưng là của mỗi thành viên trong một nhóm, một tổ chức, một cộng đoàn đối với nhau. Tuy nhiên, phải sửa lỗi cho nhau như thế nào? Bài Tin Mừng hôm nay thuộc phần diễn từ về đời sống huynh đệ trong cộng đoàn Giáo Hội. Trong Bài Tin Mừng này, Đức Giêsu đã đưa lên nguyên tắc khi sửa lỗi cho nhau: từ kín đáo đến công khai, từ cá nhân với nhau đến trong tập thể. Trước hết, chỉ tôi với người ấy. Nếu người có lỗi không chịu nghe, thì cần đến hai hay ba người làm chứng để thuyết phục người đó hơn. Nếu người ấy cũng không chịu nghe, thì hãy đi thưa với Giáo Hội, để với lời thuyết phục của cộng đoàn và người có trách nhiệm, người đó dám nhận lỗi của mình mà sửa đổi. Tuy nhiên, đến mức độ như thế mà người ấy cũng chẳng nghe, thì đó là dấu hiệu cho thấy người đó không còn thuộc về cộng đoàn nữa. Vì vậy, Đức Giêsu nói: “hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” chứ không thuộc về dân Chúa.

Cộng đoàn là một tổ chức, trong đó các thành viên sống liên đới và hỗ tương với nhau. Do đó, lỗi của một thành viên cũng làm ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn. Quả thật, ơn huệ của Thiên Chúa đến với cộng đoàn qua từng người, nên lỗi của một người cũng làm tắc nghẽn dòng chảy ơn huệ Thiên Chúa, và cắt đứt cả mối dây hiệp thông huynh đệ với nhau. Do đó, để bảo toàn tương quan hiệp thông trong cộng đoàn, cần phải sửa lỗi cho nhau.

Việc sửa lỗi là cách thể hiện một chiều kích của điều răn “yêu thương người thân cận”. Vì thế, phải lấy tình thương mà sửa dạy lẫn nhau trong tinh thần bác ái huynh đệ. Khi đã áp dụng các cấp độ sửa dạy, ngay cả đã được những người có thẩm quyền nhân danh Giáo Hội sửa dạy, mà người có lỗi cũng không chịu nghe, thì việc xem họ như người ngoài đôi khi là cần thiết. Đó là áp dụng kỷ luật của Giáo Hội. Giáo Hội có thể đưa ra những phán quyết vì dựa trên quyền “ràng buộc” hay “tháo cởi” mà Đức Giêsu đã ban cho. Hơn nữa, Giáo Hội, với tư cách là một cộng đoàn dân Chúa, khi nhân Danh Đức Giêsu để làm một điều gì đó, thì có Người ở giữa Giáo Hội và cùng hành động với Giáo Hội.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng việc sửa lỗi hay thậm chí xem người có lỗi như người ngoài không có mục đích nào khác hơn là để họ có dịp sám hối ăn năn, giúp họ sửa đổi thành người tốt, để kéo họ về sống hiệp thông với cộng đoàn, chứ không phải để loại trừ.
Share:

Bài viết mới

Bài xem nhiều

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

ĐỌC KINH THÁNH

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter