III. VIỆC DẠY GIÁO LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ
VÀ TRUYỀN GIÁO CỦA HỘI THÁNH
Việc Dạy Giáo Lý như Một Giai Đoạn của Phúc Âm Hoá
18. Việc dạy Giáo Lý không thể được tách rời khỏi hoạt động mục vụ và truyền giáo của Hội Thánh cách chung. Ngoài ra, nó còn có một cá tính đặc biệt đã thành một đề tài được lập lại nhiều lần trong việc chuẩn bị, và trong các buổi họp của Đại Hội chung lần Thứ Tư của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Các câu vấn đề cũng được quần chúng trong và ngoài Hội Thánh quan tâm.Đây không phải là chỗ để đưa ra định nghĩa chính thức và chính xác về việc dạy Giáo Lý, là đề tài đã được giải thích đầy đủ trong Sách Hướng Dẫn Tổng Quát về Dạy Giáo Lý.[47] Việc làm sáng tỏ quan niệm và các chi tiết của nó là nhiệm vụ của các nhà chuyên môn.
Vì có sự mập mờ trong thực hành, nên chúng ta phải nhớ lại những mục tiêu chính – đã được thiết lập vững chắc trong các tài liệu Hội Thánh – là những điều cần thiết để hiểu đích xác việc dạy Giáo Lý, mà không có chúng, chúng ta có thể không nắm vững được hoàn toàn ý nghĩa và tầm quan trọng của việc dạy Giáo Lý.
Cách chung, chúng ta có thể nói ở đây rằng dạy Giáo Lý là việc giáo dục trẻ em, thanh thiếu niên, và người trưởng thành về Đức Tin, trong đó bao gồm đặc biệt việc dạy về các giáo thuyết Kitô giáo được phổ biến một cách có hệ thống, với ý định dẫn đưa người nghe vào sự sung mãn của đời sống Kitô hữu. Do đó, mặc dầu không chính thức đồng hoá với sứ vụ mục vụ của Hội Thánh, việc dạy Giáo Lý được xây dựng trên một số yếu tố mục vụ nào đó hàm chứa diện Giáo Lý, sửa soạn cho việc dạy Giáo Lý, hay phát sinh từ việc dạy Giáo Lý. Các yếu tố ấy là: việc rao giảng Tin Mừng lần đầu hay giảng dạy truyền giáo qua việc công bố Tin Mừng (kerygma) để gợi cho người nghe về Đức Tin, hộ giáo hay xét lại lý do tại sao tin, cảm nghiệm đời sống Kitô hữu, cử hành các Bí Tích, tháp nhập vào cộng đồng Hội Thánh, và làm nhân chứng bằng việc tông đồ hay truyền giáo.
Trước hết chúng ta phải nhớ rằng không có sự phân cách hay trái ngược giữa việc dạy Giáo Lý và Phúc Âm hoá. Nhưng chúng cũng không giống nhau. Thay vào đó, chúng liên hệ mật thiết với nhau, nên chúng có thể hoà hợp và bổ túc cho nhau.
Tông huấn Evangelii nuntiandi, ngày 8 thành 12 năm 1975 về Phúc Âm hoá trong thế giới hiện đại, đã nhấn mạnh đúng rằng việc Phúc Âm hoá – với mục đính là đem Tin Mừng đến cho toàn thể nhân loại, để tất cả mọi người có thể sống theo Tin Mừng này – là một thực thể phong phú, phức tạp và năng động, gồm có nhiều yếu tố, hay có thể nói là nhiều giai đoạn, tất cả đều cần thiết và khác nhau, và phải được để tâm đến cùng một lúc.[48] Dạy Giáo Lý là một trong những giai đọan này – một giai đoạn rất đặc biệt – trong toàn thể tiến trình Phúc Âm hoá.
Việc Dạy Giáo Lý và Việc Rao Giảng Tin Mừng Lần Đầu
19. Đặc tính riêng của việc dạy Giáo Lý, khác với việc rao giảng lần đầu để đem đến việc ăn năn hoán cải, có hai nhiệm vụ là làm cho Đức Tin ban đầu được trưởng thành, và giáo dục các môn đệ chân chính của Đức Kitô bằng cách cung cấp cho họ một sự hiểu biết sâu xa và có hệ thống hơn về Con Người và sứ điệp của Đức Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta.[49]
Nhưng trong khi thực thi việc dạy Giáo Lý, thứ tự kiểu mẫu này phải để ý đến một sự kiện là thông thường thì việc rao giảng đầu tiên cũng chưa xảy ra. Một số các trẻ em được rửa tội từ bé đến để học Giáo Lý trong các giáo xứ mà chưa nhận được một sự khai tâm nào vào Đức Tin, và vẫn chưa có một sự gắn bó cá nhân rõ ràng nào với Đức Chúa Giêsu Kitô; các em chỉ có khả năng tin được đặt vào lòng các em qua Bí Tích Thánh Tẩy và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần; và những thành kiến cố hữu từ quá trình không phải Kitô giáo hay tinh thần thực chứng của nền giáo dục của các em, làm nảy sinh sự phản kháng một cách nhanh chóng. Hơn nữa, lại có những trẻ em khác chưa được rửa tội và cha mẹ các em chỉ đồng ý cho học về tôn giáo trễ: vì những lý do thực tiễn, giai đoạn dự tòng của các em này phần lớn thường được xảy ra trong khi dạy Giáo Lý thông thường. Lại có nhiều thiếu niên và thanh niên đã được rửa tội, đã học Giáo Lý cách hệ thống và đã lãnh nhận các Bí Tích, nhưng vẫn còn chần chờ lâu năm chưa chịu điều chỉnh đời sống mình cho phù hợp Đức Chúa Giêsu Kitô, trong khi đó các em không viện cớ tự do mà tránh né việc giáo dục tôn giáo. Sau cùng, ngay cả những người trưởng thành cũng chưa chắc đã không bị cám dỗ để nghi ngờ hay chối bỏ Đức Tin, nhất là vì bị ảnh hưởng bởi môi trường vô tín ngưỡng chung quanh. Điều này có nghĩa là “việc dạy Giáo Lý” không những phải quan tâm đến việc nuôi dưỡng và dạy về Đức Tin, nhưng cũng phải quan tâm đến việc không ngừng khơi dậy Đức Tin với sự trợ giúp của ân sủng, với tâm hồn cởi mở, với hoán cải, và sự sửa soạn cho việc hoàn toàn sống theo Chúa Giêsu đối với những người còn đang ở ngưỡng cửa Đức Tin. Quan tâm này sẽ một phần nào quyết định phong thái, ngôn ngữ và phương pháp dạy Giáo Lý.
Mục Đích Đặc Biệt của Việc Dạy Giáo Lý
20. Tuy nhiên, mục đích đặc biệt của việc dạy Giáo Lý là để, nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa, phát triển Đức Tin ban đầu, cùng thăng tiến đến mức viên mãn, và nuôi dưỡng mỗi ngày đời sống Kitô hữu của các tín hữu, trẻ cũng như già. Mục đính này đúng ra là làm tăng trưởng, ở mức độ hiểu biết và đời sống, hạt giống Đức Tin đã được Chúa Thánh Thần gieo cùng với việc rao giảng lần đầu, và được truyền lại cách hiệu nghiệm qua Bí Tích Thánh Tẩy.
Cho nên mục đích của việc dạy Giáo Lý là mở rộng sự hiểu biết về mầu nhiệm Đức Kitô dựa vào Lời Chúa, để tất cả nhân loại được thấm nhuần bởi Lời ấy. Được biến đổi bởi tác động của ân sủng thành một tạo vật mới, như thế Kitô hữu tự mình theo Đức Kitô và học hỏi càng ngày càng nhiều trong Hội Thánh để suy nghĩ như Người, phán đoán như Người, hành động theo mệnh lệnh của Người, và hy vọng như Người mời gọi chúng ta.
Nói cách chính xác hơn, trong toàn thể tiến trình Phúc Âm hoá, mục đích của việc dạy Giáo Lý là khúc đường giáo huấn và trưởng thành, có nghĩa là, giai đoạn mà trong đó người Kitô hữu, sau khi đã nhờ Đức Tin mà chấp nhận Con Người Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa duy nhất, và đã hiến dâng trọn vẹn cho Người bằng cách thành tâm hoán cải, cố gắng biết nhiều hơn về Chúa Giêsu này, là Đấng mà mình đã hoàn toàn phó thác: để biết “mầu nhiệm” của Người, của Nước Thiên Chúa mà Người rao giảng, những đòi hỏi và những lời hứa chứa đựng trong các sứ điệp Tin Mừng, và những con đường mà Người đã đặt ra cho tất cả những ai muốn theo Người.
Quả thật, là một Kitô hữu có nghĩa là thưa “xin vâng” cùng Đức Chúa Giêsu Kitô, nhưng chúng ta hãy nhớ rằng lời “xin vâng” này có hai mức độ: một là phó thác cho Lời Chúa và tin cậy vào đó, nhưng cũng có nghĩa ở giai đoạn sau, là luôn luôn cố gắng hiểu và hiểu rõ hơn ý nghĩa sâu xa của Lời này.
Cần Phải Dạy Giáo Lý cho Có Hệ Thống
21. Trong diễn từ bế mạc Đại Hội chung lần Thứ Tư của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã hân hoan “thấy mọi người chú tâm đến nhu cầu tuyệt đối là cần có một cách dạy Giáo Lý có hệ thống, bởi vì chính sự học hỏi về mầu nhiệm Kitô giáo trong suy niệm này phân biệt môn Giáo Lý với tất cả những phương pháp trình bày Lời Chúa khác.”[50]
Bởi vì những khó khăn trong thực hành, nên phải chú ý đến một vài đặc điểm của việc giảng dạy này:
Nó phải là một việc giảng dạy có hệ thống, không tùy hứng, nhưng có kế họch để đạt đến một mục đích rõ ràng;
Nó phải đề cập đến những gì thiết yếu, mà không có ý giải quyết mọi vấn đề đang trong vòng bàn cãi, hoặc biến thành một nghiên cứu thần học hay chú giải khoa học;
Nhưng nó phải khá đầy đủ, không ngừng lại ở việc loan báo mầu nhiệm Đức Kitô lần đầu như chúng ta làm ở kerygma;
Nó phải là một khai tâm Kitô giáo toàn diện, mở ra cho tất cả các nhân tố của đời Kitô hữu.
Tôi cũng không quên tầm quan trọng của nhiều dịp để dạy Giáo Lý liên quan đến đời sống cá nhân, gia đình, xã hội và Hội Thánh – phải dùng những dịp này, và tôi sẽ đề cập đến nó ở Chương VI – nhưng tôi nhấn mạnh rằng cần phải có một giáo huấn Kitô giáo có tổ chức và hệ thống, bởi vì nhiều nơi có khuynh hướng coi nhẹ tầm quan trọng của nó.
Dạy Giáo Lý và Kinh Nghiệm Sống
22. Không có ích gì khi đem chính hành ra mà chọi với chính truyền: trong Kitô giáo cả hai không tách rời nhau được. Những xác tín vững chắc và được suy nghĩ chín chắn đưa đến hành động can đảm và ngay chính, cố gắng giáo dục các tín hữu sống như những môn đệ của Đức Kitô ngày nay đòi hỏi và tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám phá sâu xa mầu nhiệm Đức Kitô trong lịch sử cứu độ.
Thật là vô ích khi tranh đấu đòi loại bỏ những nghiên cứu nghiêm chỉnh và có thứ tự về sứ điệp của Đức Kitô nhân danh những phương pháp dựa vào cảm nghiệm. “Không ai có thể tìm thấy toàn thể chân lý chỉ dựa vào một vài cảm nghiệm đơn giản riêng tư, nghĩa là, không cần những giải thích đầy đủ về sứ điệp của Đức Kitô, Đấng là ‘Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống’ (Ga 14:6).”[51]
Cũng không thể đưa ra những đối chọi giữa việc dạy Giáo Lý dùng đời sống làm khởi điểm với một cách dạy Giáo Lý có hệ thống dựa vào truyền thống tín lý.[52] Việc dạy Giáo Lý chân chính luôn luôn là một dẫn nhập có thứ tự và hệ thống vào mặc khải, là Thiên Chúa đã ban Chính Mình cho nhân loại trong Đức Chúa Giêsu Kitô, một mặc khải được khắc ghi sâu đậm trong ký ức Hội Thánh và trong Thánh Kinh, cùng được liên tục thông truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng một truyền thống sống động và linh hoạt. Tuy thế, mặc khải này không được tách ra khỏi đời sống, hay chỉ được đặt cách nhân tạo bên cạnh đời sống. Mặc khải này liên quan đến ý nghĩa tuyệt đối của cuộc đời và soi sáng toàn thể đời sống, để khích lệ hay phê phán nó bằng ánh sáng của Tin Mừng.
Đó là lý do tại sao chúng ta có thể áp dụng vào việc dạy Giáo Lý một thành ngữ mà Công Đồng Vaticanô II đã dùng để đặc biệt ám chỉ các linh mục: “Những thầy giáo (về con người và đời sống của họ) trong đức tin.”[53]
Dạy Giáo Lý và Các Bí Tích
23. Việc dạy Giáo Lý tự bản chất được nối kết với toàn thể hoạt động phụng vụ và bí tích, vì chính trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, mà Đức Chúa Giêsu Kitô hoạt động một cách viên mãn trong việc biến đổi con người.
Trong Hội Thánh thời sơ khai, Giáo Lý dự tòng và sửa soạn cho việc lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy và Thánh Thể là một. Mặc dầu trong các nước đã là Kitô giáo lâu đời Hội Thánh đã thay đổi cách thức thực hành về lãnh vực này, nhưng không bao giờ bỏ Giáo Lý dự tòng; ngược lại, nó đang được phục hồi ở những nước này[54] và thi hành cách phong phú trong các Hội Thánh truyền giáo trẻ trung. Trong bất cứ trường hợp nào, việc dạy Giáo Lý luôn luôn nhắc đến các Bí Tích. Một mặt, một hình thức dạy Giáo Lý quan trọng nhất là dạy Giáo Lý để chuẩn bị cho việc lãnh nhận các Bí Tích, và những hình thức dạy Giáo Lý khác đều cần phải dẫn đến các Bí Tích của Đức Tin. Mặt khác, việc thực thi các Bí Tích cách chân chính cần phải có một khía cạnh về Giáo Lý. Nói cách khác, đời sống nhiệm tích trở nên nghèo nàn và chẳng bao lâu biến thành chủ nghĩa nghi thức rỗng tuếch nếu không đặt nền tảng trên sự hiểu biết nghiêm chỉnh về ý nghĩa của các Bí Tích, và việc dạy Giáo Lý trở thành nặng về trí thức nếu nó không trở nên sống động nhờ thực thi các Bí Tích.
Việc Dạy Giáo Lý và Cộng Đồng Hội Thánh
24. Sau hết, việc dạy Giáo Lý liên hệ mật thiết với hoạt động có trách nhiệm của Hội Thánh và của các Kitô hữu trên thế gian. Một người đã bằng lòng theo Đức Chúa Giêsu Kitô qua Đức Tin và cố gắng củng cố Đức Tin ấy bằng việc học Giáo Lý cần phải sống trong sự hiệp thông với những người đang cùng chung bước. Việc dạy Giáo Lý sẽ có nguy cơ trở nên trơ trụi nếu không có một cộng đồng Đức Tin và đời sống Kitô giáo đón nhận người dự tòng ở một giai đoạn nào đó của chương trình học Giáo Lý của người ấy. Đó là lý do tại sao cộng đồng Hội Thánh ở mọi tầng lớp đều có hai trách nhiệm đối với việc dạy Giáo Lý: một là nhiệm vụ chuẩn bị cho việc huấn luyện các thành viên của mình, nhưng cũng có nhiệm vụ đón chào họ vào một môi trường mà ở đó họ có thể sống cách trọn vẹn càng nhiều càng tốt những điều họ đã học.
Cũng thế, việc dạy Giáo Lý còn mở ra cho động lực truyền giáo. Nếu việc dạy Giáo Lý được thực thi tốt đẹp, các Kitô hữu sẽ hăng say làm chứng cho Đức Tin của họ, truyền thụ Đức Tin ấy cho trẻ em, làm cho người khác biết đến nó, và phục vụ cộng đồng nhân loại bằng mọi cách.
Việc Dạy Giáo Lý theo Nghĩa Rộng Cần Thiết cho Việc Trưởng Thành và Củng Cố Đức Tin
25. Như thế nhờ việc dạy Giáo Lý mà kerygma về Tin Mừng (việc loan bao Tin Mừng lần đầu cách hăng say mà nhờ đó một người một ngày nào đó bị tràn ngập và đi đến quyết định phó thác cho Đức Chúa Giêsu Kitô qua Đức Tin) được đào sâu từ từ, được phát triển bằng những kết quả ngấm ngầm, được cắt nghĩa bằng ngôn ngữ hữu lý, và dẫn đến việc sống đời Kitô hữu trong Hội Thánh và trong thế gian. Tất cả điều này không ít thuộc về Tin Mừng hơn là việc rao giảng đầu tiên, bất kể có một số người cho rằng việc dạy Giáo Lý cần phải được hợp lý hoá, cô đọng và sau cùng phải diệt tất cả những gì là sinh động, tự phát và đầy sinh lực của kerygma. Các chân lý học được trong Giáo Lý cũng là các chân lý đã đánh động tâm hồn con người khi người ấy lần đầu tiên nghe biết chúng. Thật ra, thay vì làm cho các chân lý này cùn nhụt hay kiệt sức, thì việc biết chúng nhiều hơn làm cho chúng trở nên thách đố hơn và dứt khoát hơn trong đời sống người ấy.
Trong những nhận thức được trình bày ở đây, việc dạy Giáo Lý giữ toàn thể quan niệm mục vụ của Thượng Hội Đồng. Ý nghĩa rộng rãi này của việc dạy Giáo Lý không tài nào trái ngược, nhưng bao gồm và vượt xa ý nghĩa hẹp mà người ta thường gán cho việc dạy Giáo Lý trong những bình luận có tính cách mô phạm, là đơn thuần dạy những công thức diễn tả Đức Tin.
Sau cùng, việc dạy Giáo Lý không những cần thiết cho sự trưởng thành Đức Tin của các Kitô hữu, mà còn cho việc làm họ trở thành nhân chứng trên thế gian: mục đích của việc dạy Giáo Lý là đem các Kitô hữu đến để “đạt được hiệp nhất Đức Tin và sự hiểu biết về Con Thiên Chúa, để có nhân cách trưởng thành, để lớn lên theo kích thước và tầm vóc của sự sung mãn của Đức Kitô;”[55] việc dạy Giáo Lý cũng nhằm giúp họ sửa soạn để có thể trả lời cho những ai thắc mắc về niềm hy vọng của họ.[56]
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ. CÒN TIẾP…
Home »
giáo lý
» Tông Huấn CATECHESI TRADENDAE của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về DẠY GIÁO LÝ TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA