THỨ HAI TUẦN 12 TN
Tin Mừng (Mt 7, 1-5)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét. Các con đoán xét thể nào thì các con cũng bị đoán xét như vậy. Các con dùng đấu nào mà đong, thì cũng sẽ đong lại cho các con bằng đấu ấy. Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt ngươi?
Hoặc sao ngươi bảo anh em: “Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh”, và này: cái đà đang ở trong mắt ngươi. Đồ giả hình, hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt anh em ngươi”.
SỬA MÌNH TRƯỚC ĐÃ
“Sao anh thấy cái rác trong mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình lại không để ý tới?… Lấy cái xà khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.” (Mt 7,3.5)
Suy niệm: Có ba cái nhìn về một người: cái nhìn khách quan của người khác về ta, cái nhìn chủ quan của ta về chính mình và cái nhìn của Thiên Chúa về ta. Người khác nhìn ta từ bên ngoài, nên không thấy rõ mọi ngóc ngách của tâm hồn ta. Cái nhìn chủ quan của ta về mình cũng có thể sai lạc vì mình thường nghĩ tốt về mình. Chỉ mình Thiên Chúa mới có cái nhìn chính xác về ta, vì vậy chỉ mình Ngài mới có đủ khả năng và thẩm quyền để xét đoán ta.
Chúa dạy ta đừng vội xét đoán người anh em. Lý do: thói thường nhìn người khác chỉ thấy điều xấu, còn nhìn chính mình thì chỉ thấy điều tốt. Vì thế, trước khi sửa lỗi người khác, hãy sửa lỗi mình trước. Có lẽ ai cũng thấy được ta chẳng bao giờ sửa cho hết các thói hư tật xấu của mình, do đó, ta chẳng khi nào dám sửa lỗi anh em, khi không cần thiết.
Mời Bạn: Kiểm điểm bản thân để tháo gỡ những cái xà to tướng đang che khuất mắt mình, nhờ đó có cái nhìn khách quan và bao dung hơn đối với những khuyết diểm của anh em.
Sống Lời Chúa: Lâu nay bạn hay chỉ trích ai? Theo lời Chúa mời gọi hôm nay, bạn sẽ chừa bỏ thói xấu này bằng một hành động tích cực: nhận ra một đức tính tốt nơi người anh em đó và cầu nguyện cho người đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con thật bất công và lỗi bác ái khi xét đoán người anh em mà con không ưa thích. Xin Chúa tha thứ cho con. Xin giúp con nhớ rằng con không được quyền xét xử ai. Amen.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là tình yêu và là con đường dẫn đến suối nguồn tình yêu. Chúa không chỉ trao ban cuộc sống cho nhân loại mà còn thí mạng sống vì chúng con. Chúa không chỉ trao ban lời hằng sống mà còn tặng ban chính Mình Máu Thánh Chúa trở nên của ăn, của uống nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Chúng con xin tạ ơn tình thương vô bờ bến mà Chúa đã dành cho chúng con.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã yêu thương chúng con bằng tình yêu vô bờ bến. Chúa không toan tính thiệt hơn. Chúa càng không chấp nhất tội chúng con. Xin cho chúng con biết sống yêu người như Chúa đã yêu thương chúng con. Xin cho chúng con biết từ bỏ cái tôi ích kỷ để mở rộng tâm hồn đến với tha nhân. Xin cho chúng con không chỉ trao tặng nhau lời nói, ánh mắt cảm thông mà còn cả cuộc sống sẵn sàng phục vụ anh em. Xin cho chúng con luôn quảng đại yêu thương và phục vụ tha nhân với tất cả nhiệt thành và khả năng mà Chúa đã trao ban. Xin Chúa thêm ơn nâng đỡ để chúng con biết sống và tuân hành ý Chúa trong bổn phận hằng ngày, trong cách sống phục vụ tha nhân.
Lạy Chúa Giê- su tình yêu, xin uốn lòng chúng con nên giống Chúa trong cuộc sống hôm nay để mai sau chúng con cùng được vinh phúc cùng với Chúa trên quê trời. Amen.
THỨ BA TUẦN 12 TN: Sinh nhật th. Gioan Tẩy Giả
Tin Mừng (Lc 1, 57-66. 80)
Khi đến ngày sinh, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Dacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan”. Họ bảo bà rằng: “Không ai trong họ hàng bà có tên đó”. Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: “Tên nó là Gioan”. Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết đều để bụng nghĩ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó”. Con trẻ lớn lên, mạnh mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel.
LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
Ngoại trừ Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria, chỉ còn có thánh Gioan Tẩy Giả là vị thánh được mừng ngày sinh nhật của mình, ngày sinh ra trong trần thế; các Đấng Thánh khác đều mừng vào ngày sinh nhật trên trời, tức là ngày qua đời. Lễ này đã có từ thế kỷ thứ V và đặt vào ngày 24/6, có nghĩa là 6 tháng trước ngày sinh của Chúa Cứu Thế.
Gioan Tẩy giả là ai?
Theo tường trình của Phúc Âm thánh Luca, Gioan Tẩy Giả – hay còn gọi là Gioan Baotixita, Gioan Tiền Hô, Gioan Tiền Sứ – là con của thầy tư tế Dacaria và bà Êlisabét, chị họ của Đức Maria. Hai ông bà đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa có con. Cả hai không ngừng cầu khẩn xin Chúa ban cho một người con nối dõi tông đường. Nhận thấy lòng đạo đức của họ, Chúa dủ lòng thương sai sứ thần đến báo: “Dacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi. Elisabéth vợ ngươi sẽ sinh hạ cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên con trẻ là Gioan…” (Lc 1,13).
Dacaria hoài nghi, vì thế Chúa để ông bị câm trong suốt hơn 9 tháng trời, cho đến ngày đặt tên cho Gioan. Gioan lớn lên và được giáo dục trong bầu không khí đạo đức. Đến năm thứ 5 đời hoàng đế Tibêriô, tức năm 28 sau công nguyên, có tiếng Thiên Chúa gọi Gioan trong hoang địa, tức vùng đồi núi Giuđê. Gioan sống khắc khổ: ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo lông lạc đà và ngang lưng thắt dây da. Cuộc đời Gioan thật gương mẫu.
Có lần Chúa Giêsu đã công khai nói với dân Do Thái: “Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”. (Mt 11,11).
Thánh Gioan Tẩy Giả đã làm gì?
Ngài đi khắp vùng sông Giođan rao giảng và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. Lời nói và nếp sống khổ hạnh của ngài đã lay chuyển cả những tâm hồn cứng cỏi nhất. Họ đã đến với ngài thật đông đảo để được nghe giảng dạy và được nhận phép rửa. Có người đã lầm tưởng ngài là Đấng Thiên Sai mà dân Do Thái hằng mong đợi, nhưng ngài khiêm tốn trả lời : “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!” (Lc 3,16).
Thánh Gioan Tẩy Giả đã chết thế nào?
Trong khi ngài đang rao giảng sám hối thì một vụ tai tiếng đã xảy ra tại cung điện Hêrôdê Antipa. Nhà vua đã cưới con gái của Arêta phương nam làm hoàng hậu. Thế nhưng, trong một chuyến đi Rôma, ghé thăm người em cùng cha khác mẹ là Hêrôđê Philipphê, nhà vua lại say mê sắc đẹp của Hêrôdia, người em dâu và tìm cách chiếm đoạt. Hêrôđia có một người con riêng là Salômê có tài múa hát. Câu chuyện tới tai Gioan Tẩy Giả. Với tất cả lòng cương nghị của một người công chính, Gioan cảnh cáo Hêrôđê: “Nhà vua không được cướp vợ em mình” Câu nói đó đã khiến Hêrôđê phải giam Gioan vào ngục. Nhưng Hêrôđia vẫn chưa hài lòng, vì Gioan luôn là mối cản trở cho hành động ngang trái của bà. Bà lìm cách đế giết Gioan. Chính vì thế, trong bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê, lợi dụng khi nhà vua đã ngà ngà say, bà xúi Salômê xin chiếc đầu của Gioan. Thế là Gioan đã phải chết.
So với Tân Ước, Thánh Gioan Tẩy Giả vẫn còn thuộc về Cựu Ước; ngài được Thiên Chúa gọi để chuẩn bị dân chúng đón Chúa Giêsu đến bằng các bài giảng nói về nước Thiên Chúa và lời kêu gọi sám hối. Chính Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa thống hối từ tay thánh nhân và những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu cũng xuất thân từ đám môn đệ của Gioan. Chính Gioan tự giới thiệu mình là tiếng kêu trong hoang mạc, người Tiền Hô cho Đấng vĩ đại đang đến. Còn Chúa Giêsu gọi ông là kẻ lớn nhất do người nữ sinh ra trong thời Cựu Ước và là ngôn sứ Êlia đã trở lại (Mt 11,8.11.14).
NIỀM VUI CHÀO ĐỜI
Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?”(Lc 1,66)
Suy niệm: Câu chuyện ngày Gio-an chào đời bắt đầu bằng niềm vui của láng giềng và kết thúc bằng một dấu hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Dễ hiểu niềm vui này: vui vì một con người được sinh ra, hơn thế nữa, vui vì em bé này là đứa con của lòng dạ son sẻ. Và còn một niềm vui nữa mà láng giềng chỉ mới cảm nhận lờ mờ: Em bé này có một sứ mạng gắn liền với Đấng Mê-si-a, trong kế hoạch của Thiên Chúa. Thế nhưng nếu như biết trước được rằng Gio-an sẽ kết thúc cuộc đời bằng những ngày tăm tối và cái chết bi thảm trong tù ngục, thì liệu niềm vui chào đời này có trở thành vô duyên, hụt hẫng không? Câu hỏi “đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây” đưa chúng ta đến chỗ cảm nghiệm đầy đủ ý nghĩa của niềm vui trong toàn bộ đời sống và sứ mạng của Gio-an: đó là sinh ra để thi hành sứ mạng ngôn sứ dọn đường cho Đức Ki-tô và chết đi cũng là để hoàn thành sứ mạng ấy.
Mời Bạn: Mỗi chúng ta hẳn đã từng được người xung quanh nhìn và tự hỏi “đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Mỗi người chúng ta tự đặt câu hỏi ấy với chính mình. Và mỗi chúng ta đều đang hằng ngày vén mở câu trả lời cho dấu hỏi ấy, bằng những sự chọn lựa và thái độ sống của mình.
Sống Lời Chúa: Theo gương Gio-an, tôi sống gắn chặt với sứ mạng của Chúa Giê-su, để làm cho sự kiện chào đời của mình trở thành thực sự là “hồng ân sự sống”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con chỉ biết sống và chết cho Chúa, vì đó là cách tốt nhất để con sống đời con. Amen.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con xin tôn kính và thờ lạy Chúa là Đấng tạo thành chúng con. Chúng con tin Chúa đang ngự thật trong tấm bánh bé nhỏ nơi bí tích Tình Yêu này. Chúng con xin chúc tụng và ngợi khen tình yêu vô biên của Chúa dành cho chúng con.
Lạy Chúa, dân Do Thái đã từng hãnh diện và hô to rằng: “có dân tộc nào được Chúa ở giữa như dân tộc này”. Chúng con thật hãnh diện vì Chúa đang ở giữa cộng đoàn giáo xứ chúng con. Chúa còn đang đi vào từng cuộc đời chúng con. Chúa đến từng gia đình chúng con. Chúa thăm viếng và ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Xin giúp chúng con biết đón nhận hồng ân Chúa cho xứng đáng. Xin giúp chúng con luôn biết sống dưới cái nhìn của Chúa. Chúa thấy hết mọi sự, thế nên chúng con phải sống thánh thiện, công bình và bác ái trước mặt Chúa. Chúa sẽ xét xử công minh, thế nên chúng con phải sống trung thực và chu toàn bổn phận của mình trước mặt Chúa. Xin giúp chúng con cũng trở nên chứng nhân cho tình yêu của Chúa khi chúng con biết sống cho tha nhân. Xin đừng để chúng con vì lười biếng mà bê trễ bổn phận và sống thiếu trách nhiệm với tha nhân.
Lạy Chúa, xin thanh tẩy môi miệng, trí lòng chúng con luôn trong sạch, thánh thiện hầu xứng đáng là đền thờ cho Chúa ngự trị. Amen.
THỨ TƯ TUẦN 12 TN
Tin Mừng (Mt 7, 15-20)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy coi chừng các tiên tri giả. Họ mặc lốt chiên đến cùng các con, nhưng bên trong, họ là sói dữ hay cắn xé. Hãy xem quả thì các con sẽ biết được chúng. Nào ai hái được trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi găng sao? Cũng thế, cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt. Các cây không sinh trái tốt sẽ bị chặt đi và ném vào lửa. Vậy coi trái thì các con sẽ nhận biết được chúng”.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.”(Mt 7,15-16)
Suy niệm: Xem quả thì biết cây. Chúa Giê-su áp dụng nguyên tắc vàng đó cho việc phân định hành vi tốt xấu của con người. Theo kinh nghiệm thông thường về trồng trọt, cây giống tốt sẽ sinh trái ngon ngọt; và ngược lại cây giống yếu chỉ có thể sinh trái chua chát quắt queo. Chúa Giê-su dạy muốn phân định một ngôn sứ giả hay thật đừng chỉ dựa vào một số hành vi bên ngoài và nhất thời. Trái lại hoa trái đạo đức đích thực phải là kết quả của cả cuộc sống lâu dài bền bỉ và sâu thẳm từ trong tâm hồn.
Mời Bạn: Tôi có đang “chứa chấp” một “ông ngôn sứ giả” nào đó ngay trong lòng tôi, qua lối sống bên ngoài có vẻ đạo đức, từ bi bác ái làm vỏ bọc cho bản chất “tham, sân, si” bên trong hay không? Có khi nào tôi đã khởi đầu công việc với tâm tình đơn sơ thánh thiện nhưng rồi sau đó để mình bị lèo lái bởi những mong ước ích kỷ, những đam mê dục vọng tối tăm? Sau khi làm xong một việc, tôi cảm thấy bình an hay xáo trộn trong tâm hồn? Mời bạn tự vấn bằng những câu hỏi trên để phát hiện những “ngôn sứ giả” ẩn nấp trong lòng bạn.
Chia sẻ: Có phân định được “ngôn sứ giả” trong lòng bạn thì mới có thể phân định “ngôn sứ giả” trong đời sống hằng ngày của bạn.
Sống Lời Chúa: Thực hiện nghiêm túc phút xét mình trong giờ kinh tối.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con hãy xem quả để biết được cây. Xin ban ơn thêm sức để chúng con trung thành thực thi Lời Chúa mỗi ngày một trọn vẹn hơn. Amen.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Qua bí tích Thánh Thể chúng con được sống nhờ sức sống của Chúa. Chúng con được kết hợp nên một với Chúa ngõ hầu được sinh hoa kết trái qua đời sống thánh thiện và yêu thương. Xin Mình Thánh Chúa gìn giữ chúng con trong tình yêu để cuộc đời chúng con luôn là hoa thơm trái ngọt dâng tặng cho đời thêm tươi vui và hạnh phúc.
Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ vì những lần chúng con nuôi dưỡng trong mình những hận thù, những ích kỷ, những đam mê tầm thường, nên chúng con chỉ trao tặng cho đời những trái đắng, trái sâu làm đau lòng mẹ cha, đau lòng nhiều người. Xin giúp chúng con biết nuôi dưỡng trong mình những tư tưởng thanh cao, những ước muốn thanh sạch và tình yêu cao đẹp để chúng con có thể trao tặng cho đời những hoa trái của yêu thương và hạnh phúc.
Lạy Chúa, là Đấng thánh thiện vô cùng, xin gìn giữ chúng con trong ân sủng và tình yêu của Chúa. Xin đừng để chúng con ra ô uế bởi đời sống tầm thường và nuông chiều theo cám dỗ xác thịt. Xin cho chúng con được mãi mãi sống trong ân nghĩa với Chúa. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 12 TN
Tin Mừng (Mt 7, 21-29)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không phải tất cả những ai nói với Thầy: “Lạy Chúa, Lạy Chúa”, là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời. Trong ngày đó, nhiều người sẽ nói với Thầy rằng: “Lạy Chúa, Lạy Chúa, nào chúng con đã không nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, và nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó ư?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với chúng rằng: “Ta chẳng hề biết các ngươi, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta”. “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây và đem thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà đó vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên đá. Và hễ ai nghe những lời Thầy nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn”.
Khi Chúa đã nói xong những lời trên, dân chúng kinh ngạc về giáo lý của Người: vì Người dạy dỗ họ như Đấng có quyền, chứ không như luật sĩ và các biệt phái của họ.
LỜI CHÚA LÀ NỀN MÓNG CHO CUỘC ĐỜI
“Ai nghe lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà mình trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão tố ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.” (Mt 7,24-25)
Suy niệm: Tuỳ vào mục đích của công trình, người ta chọn vật liệu cho tương xứng. Làm một nhà kho tạm thì không cần tốn kém mua vật liệu tuổi thọ cao, nhưng làm một lâu đài hay một thánh đường thì cần sử dụng vật liệu bền bỉ. Huống hồ công trình ấy là chính là con người, không chỉ có giá trị ở đời này, mà còn cả đời sau, nên Chúa dạy phải xây dựng cuộc đời ta trên nền đá là chính Lời của Ngài. Những ai nghe và giữ Lời Chúa là người khôn ngoan xây dựng đời mình vững chắc trước những cơn sóng dữ. Đức Bê-nê-đi-tô XVI nhận định rằng, đức tin Ki-tô hữu hôm nay như con thuyền đang bị sóng đánh tư bề; những làn sóng từ chủ nghĩa vô thần đến chủ nghĩa tự do, từ tự do phóng túng đến tôn giáo hỗn độn, hòng vùi dập đức tin và số mệnh Ki-tô hữu. Trước những cơn sóng dữ này, nghe lời Chúa và thực hành lời Chúa dạy là khôn ngoan hơn cả, vì bấy giờ, nền tảng cho cuộc đời Ki-tô hữu là chính Chúa Giê-su, Tảng Đá góc tường của đời Ki-tô hữu.
Mời Bạn: Bạn đang đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày chứ? Có gì trở ngại khiến bạn chưa trung thành xây dựng đời mình dựa trên Lời Chúa? Mời bạn tái khẳng định tầm quan trọng của lời Chúa trong đời bạn.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành 5 phút đọc Lời Chúa và cầu nguyện với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho đời con gắn bó với Lời Chúa, vì Lời Chúa là lời hằng sống, là nơi con nương tựa.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Thánh Thể là hồng ân và là quà tặng cao quý mà Chúa tặng ban cho trần thế. Là hồng ân vì chúng con được sống bởi sức sống của Chúa. Là quà tặng, vì có Chúa ở cùng chúng con. Xin giúp chúng con biết kết hợp mật thiết với Chúa để nhờ ơn Chúa, chúng con luôn biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa.
Lạy Giê-su mến yêu, người đời thường sống với nhau “bằng môi bằng mép”. Thói đời vẫn còn đó những người “giả nhân giả nghĩa” để đánh lừa người khác. Cuộc sống vẫn còn đó thói giả hình, nặng phần trình diễn hơn là chú trọng đến nội tâm, đến lòng mến. Xin Chúa thứ tha cho chính chúng con cũng nhiều lần sống thiếu chân thật với tha nhân. Xin cho các đôi vợ chồng biết sống chung thuỷ với nhau, cho con cái biết sống chân thật với cha mẹ, cho mọi người biết sống tin tưởng lẫn nhau. Xin giúp chúng con đừng xây dựng đời mình bằng những giả dối bên ngoài, nhưng biết xây dựng một đời sống chân thật từ trong sâu thẳm lòng mình. Xin cho lời con nói, việc con làm luôn “ngôn hành như nhất” để mọi người có thể nhận ra chúng con là môn đệ của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho niềm tin chúng con tuyên xưng trên môi miệng diễn đạt một trái tim yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân như chính mình. Amen.
THỨ SÁU TUẦN 12 TN: Thánh Tâm Chúa Giê-su
Tin Mừng (Mt 11, 25-30)
Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng nói rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mạc khải cho.
“Tất cả hãy đến cùng Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.
Lịch sử việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu
“Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu qua”. (Ga 19, 37)
Trái Tim Chúa Giêsu được người ta tôn thờ ngay từ lúc Người thở hơi cuối cùng trên thánh giá.
Thánh Giuse và Nicôđêmô tháo đanh và hạ xác Chúa Giêsu xuống, Ðức Mẹ giơ tay ẵm lấy. Ðức Mẹ xiết vào lòng xác con đã lạnh giá, đầy những thương tích. Nỗi lòng đau không xiết kể, nhất là khi Người nhìn thấy vết thương cạnh sườn mở quá rộng, để lộ một con tim nhợt máu vì đã bị ngọn giáo thâu qu
Đến thời Trung cổ, đạo Chúa bị bách hại, các bè rối nổi lên phản nghịch cùng Hội Thánh. Tinh thần đạo sa sút, giáo dân bỏ đạo thật theo đạo rối. Để chống lại cơn cuồng phong ấy, Thiên Chúa toàn năng đã dự định một phương thế thần diệu là Trái Tim Chúa Giêsu. Thiên Chúa muốn cho người ta tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu, để nhờ đó ngọn lửa mến đã hầu tắt đi, được bùng cháy lại mạnh mẽ.
Để truyền bá việc tôn thờ Trái Tim Chúa, Chúa đã dùng một nữ tu khiêm hạ ẩn kín trong tu viện là nữ tu Magarita Maria Alacoque người nước Pháp. Trong sách truyện, Thánh nữ sinh năm 1647, qua đời năm 1690. Thánh nữ kể về gốc tích tôn thờ Trái Tim Chúa như sau:
“Năm 1678, một hôm, lúc tôi đang chầu Mình Thánh Chúa trong tuần Tĩnh tâm với các chị em Dòng tại Paray-le Monial (Nước Pháp). Chúa Giêsu hiện ra cho tôi thấy Trái Tim Chúa bừng cháy ngọn lửa tình yêu nhân loại, rồi Người phán: “Cha muốn tỏ ra cho loài người biết Cha yêu thương chúng chừng nào. Trái Tim Cha là nguồn mạch mọi ơn cứu rỗi chúng đời đời. Cha muốn chọn con để quảng bá lòng Tôn thờ Trái Tim Cha cho loài người. Con hèn yếu, nhưng Cha muốn chọn con để mọi người biết rằng việc này là của Cha chứ không phải của con. Con chỉ là dụng cụ hèn mọn Cha dùng“.
Nghe những lời ấy, tôi rùng mình kinh khiếp, liền sấp mình kêu van Chúa chọn người tài giỏi xứng đáng hơn, tôi vừa kém đức lại là phận đàn bà yếu hèn sao làm nổi việc ấy. Nhưng Chúa Giêsu không nghe, Người phán rằng: “Cha chọn con, chỉ vì con thấy mình yếu đuối hèn hạ. Tự sức riêng con, con không làm gì được. Nhưng con hãy vững lòng, chớ sợ, Cha sẽ giúp sức cho con. Cha sẽ ban ơn dư dật cho con. Con không biết Cha hay dùng sức yếu mà phá đổ cường quyền ư? Cha thường dùng người yếu hèn để làm những công việc cao cả, vì người khiêm hèn chỉ cốt làm vinh danh Cha“.
Tôi thưa lại: Vậy lậy Chúa, xin ban cho con những ơn cần để con có thể làm việc Chúa truyền dạy. “Chúa phán: chỉ có một sự rất cần là con phải khiêm nhượng và tin thật, nếu không có Cha giúp, con chẳng làm gì được. Con hãy tin tưởng mạnh mẽ, Cha sẽ giúp con thành công trong việc Cha truyền“.
Rồi Người mở trái tim cho tôi xem, tôi thấy lửa ở trái tim bốc ra lan tràn. Lúc ấy lòng tôi nóng ran như lửa, chịu chẳng được tôi phải kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con, con yếu hèn quá”. Chúa ngọt ngào an ủi tôi: “Con đừng sợ, Cha sẽ thêm sức cho con, con chỉ nên ghi lòng những mệnh lệnh của Cha. Đây là ơn trọng sau hết Cha ban cho các tội nhân. Ai từ chối sẽ phải hư mất đời đời, vì Cha chẳng còn ban ơn nào hơn được nữa“.
Từ đấy, Chúa còn hiện ra nhiều lần dạy tôi những việc phải làm và những nhân đức phải giữ để tôn sùng Trái Tim Chúa. Tôi vâng giữ các điều Chúa truyền dạy, hết sức khuyên giục chị em dòng và giáo dân tôn kính Trái Tim Chúa Giêsu trong suốt đời tôi.
Hầu hết các vị Giáo hoàng từ Đức Innocent XII (1691-1700) đã tôn sùng và cổ súy cho việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa.
- Năm 1765 Đức Clêmentê XIII (1758 -1769) chuẩn y cho các Giám mục Ba Lan và Hội Huynh Đệ Thánh Tâm ở Rôma được thiết lập một lễ kính Thánh Tâm Chúa.
- Năm 1794 trong Sắc thư Auctorem Fidei, Đức Piô VI (1775-1799) đã chính thức chuẩn nhận việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa, vì Thánh Tâm Chúa được kết hợp nhị tính (hai bản tính) với Thiên Chúa, nên đáng được phụng thờ.
- Năm 1856, Đức Piô IX (1746 – 1878) nới rộng việc cử hành lễ Thánh Tâm, ngày thứ Sáu sau tuần bát nhật lễ kính Mình Thánh Chúa, cho toàn thể Giáo hội và như thế đã thực hiện lời thỉnh cầu của Thánh Tâm Chúa qua nữ Thánh Margarita Maria Alacoque.
- Năm 1899 đức Lêo XIII (1878-1903), qua Thông Điệp Annum Sacrum, nhìn nhận việc tôn thờ Trái Tim Chúa là “một việc đạo đức hảo hạng”. Ngài muốn kiện toàn công việc này bằng cách tận hiến thế giới cho Thánh Tâm Chúa và Ngài hy vọng việc tận hiến này đem lại cho nhân loại những ơn ích phi thường trường cửu cho nhân loại.
Việc này được đức Piô X (1914-1922) ra lệnh phải thi hành hằng năm: “Việc tôn thờ Trái Tim cực Thánh Chúa Giêsu là trường học hữu hiệu nhất về TÌNH YÊU THIÊN CHÚA. Bởi vì Tình Yêu vốn là nền tảng của Nước Trời, phải được xây dựng trong các Linh Hồn, các gia đình và các Quốc Gia”. (Pio X)
Thông Ðiệp về Lòng Sùng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu
- Năm 1925, Đức Piô XI với Thông Điệp Quas Primas thiết lập lễ Chúa Kitô Vua như một hệ luận của việc Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa. Năm 1928, Ngài ra Thông Điệp Miserentissimus Redemptor đặt nền tảng cho việc đền tạ đối với Thánh tâm Chúa, một việc mà mọi giáo hữu phải làm trong tình yêu thương Thiên Chúa.
Ngày 09-05-1928, Ðức Giáo Hoàng Piô XI đã ra Thông Ðiệp Miserentissimus Redemptor nói về sự cần thiết phải thực hành việc đền tạ Thánh Tâm. Trong thông điệp này, ngài nhấn mạnh rằng việc đền tạ Thánh Tâm là bổn phận đòi hỏi mọi Kitô hữu phải thực hiện. Lòng sùng kính Thánh Tâm được diễn tả như một “sự tổng hợp của toàn bộ đạo giáo của chúng ta” (totius religionis summa), nếu được thực hiện “sẽ rất chắc chắn dẫn chúng ta đến việc biết Chúa Kitô một cách thân mật và sẽ làm cho tâm hồn chúng ta yêu mến Người cách dịu dàng hơn và kết thân với Người một cách quảng đại hơn”. Ðức Piô XI cũng chỉ ra những nhu cầu khẩn cấp của thời đại đòi hỏi các tín hữu phải “thực hành việc đền tạ Thánh Tâm”.
Ngày 15-05-1956, nhân kỷ niệm 100 năm Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX thiết lập Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu cho toàn thể Giáo Hội. Ðức Giáo Hoàng Piô XII ra Thông Ðiệp Về Lòng Sùng Kính Thánh Tâm (Haurietis Aquas) dạy về nền tảng đức tin và căn bản Thánh Kinh của lòng sùng kính Thánh Tâm, bản chất cũng như sự cần thiết và lợi ích lớn lao của lòng sùng kính này.
Trong thông điệp này, Ðức Piô XII nhấn mạnh rằng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa được Giáo Hội nhìn nhận và nhiệt liệt cổ võ không phải vì đã được mạc khải riêng cho Thánh Margarita Maria, nhưng vì lòng sùng kính này hoàn toàn phù hợp với bản chất của Kitô giáo, thực chất là đạo của tình yêu.
Ngài viết: “Vậy nên, thật hiển nhiên, những mạc khải được tiết lộ cho Thánh Margarita Maria đã không thêm gì vào đạo lý Công Giáo. Ý nghĩa của những mạc khải ấy dựa vào điều này, Chúa Kitô khi biểu lộ Thánh Tâm Người một cách ngoại thường và đặc biệt, muốn kêu gọi tâm trí con người chiêm ngắm và tôn kính mầu nhiệm tình yêu rất thương xót của Thiên Chúa dành cho loài người”.
Ðức Piô XII cũng chỉ ra ý nghĩa căn bản của lòng sùng kính Thánh Tâm như sau: “Chúng ta sẵn sàng hiểu rằng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cốt yếu là lòng sùng kính đối với tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta qua Chúa Giêsu và đồng thời cũng là tình yêu làm sống động tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và con người. Hay, nói cách khác, lòng sùng kính này được hướng tới tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta để ta thờ lạy Người, cảm tạ Người và suốt đời noi gương Người”.
Cũng trong thông điệp này, Ðức Thánh Cha Piô XII đã cho thấy lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là tinh hoa và tổng hợp của tất cả mọi lòng sùng kính cần thiết và lành mạnh khác trong Giáo Hội như việc suy tôn Thánh Giá, việc tôn sùng Thánh Thể và lòng biệt kính Ðức Mẹ.
Đức Piô XII (1939-1958) đã khẳng định: “Lòng sùng kính Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu quan trọng đến nỗi khi được thực hành đúng đắn có thể được coi như sự tuyên xưng đức tin Kitô giáo cách hoàn hảo. Nó không phải chỉ là một hình thức đạo đức bình thường mà ai nấy tùy ý thực hiện như thể không có hiệu quả gì hay bỏ qua một bên như là thua kém các việc đạo đức khác”. (Trong Thông Điệp Haurietis Aquas, 15/05/1956).
Đức Phaolô VI (1963-1978), vị giáo hoàng đã được đắc cử đúng vào Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu ngày 21/06/1963 và đã góp phần hoàn tất Công Đồng Chung Vaticanô II cách tốt đẹp, nêu lên tính cách hợp thời của lòng sùng kính Thánh Tâm như sau: “Lòng sùng kính Thánh Tâm là phương thế hữu hiệu nhất để đóng góp vào việc canh tân tâm linh và luân lý của thế giới như Công Đồng Vaticanô II đã kêu gọi”. (Diễn văn trước Tổng Công Nghị Lần 31 của Dòng Tên).
Trong Huấn dụ về “Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu” được Đức Phaolô VI ban hành ngày 6/2/1965 để kỷ niệm 200 năm thành lập Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Ngài viết: “Sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là việc rất cao quý và ĐẶC BIỆT CẦN THIẾT cho thời đại này”.
Ta ước mong việc này được tổ chức với Nghi thức Phụng Vụ để phát triển mỗi ngày mỗi rộng lớn hơn, hầu cho mọi Kitô hữu được say sưa lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa và nhờ đó được đổi mới về mọi phương diện. Việc tôn sùng này cốt yếu là kính thờ Chúa Giêsu một cách xứng đáng và đền tạ Thánh Tâm Chúa về tội lỗi của ta”. Roma ngày 6/2/1965/ ĐGH Phaolô VI
Lòng sùng kính Thánh Tâm trong Giáo Hội hôm nay
Có lẽ lòng vì sùng kính Thánh Tâm chưa được thực hiện đầy đủ như lòng Chúa lòng muốn, nên Chúa đã tiếp tục gửi đến nhân loại sứ điệp khẩn cấp của tình yêu nồng cháy của Thánh Tâm Người qua một số linh hồn ưu tuyển trong thế kỷ 19&20.
Chúng ta có thể kể đến ba sứ giả nổi bật của Thánh Tâm là Chị Bêninha Consolata (1885-1916) người Ý thuộc Dòng Thăm Viếng, Chị Josefa Menendez (1889-1923) người Pháp thuộc Dòng Thánh Tâm và Thánh Maria Faustina Kowalska (1905-1938) người Ba lan thuộc Dòng Nữ Tu Ðức Mẹ Thương Xót. Và chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều điều hữu ích để gia tăng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu qua các sứ điệp của những linh hồn ưu tuyển này.
Sứ điệp của Thánh Tâm gửi qua Chị Bêninha có thể đọc được nơi cuốn Tình Dịu Dàng Chúa Giêsu; qua Chị Josefa Menendez nơi cuốn Tiếng Gọi Tình Yêu -Thông Ðiệp Gửi Thế Giới; và qua Thánh Maria Faustina Kowalska nơi cuốn Diary – Divine Mercy in My Soul.
Trong tất cả những sứ điệp này, cũng như trong những gì Chúa Giêsu mạc khải cho Thánh Margarita Alacoque, Chúa đã thiết tha kêu gọi con người đừng tiếp tục xúc phạm đến Thánh Tâm qua các tội ác của họ, đừng dửng dưng và vô ơn trước tình yêu thương xót vô biên của Thánh Tâm Chúa Giêsu nơi Thánh Thể, hãy tín nhiệm tuyệt đối nơi lòng thương vô biên của Người để hoán cải đời sống, vươn lên sự thánh thiện và tận hưởng ơn cứu độ.
Với những ai muốn trở nên bạn thiết của Thánh Tâm, Chúa kêu mời họ hãy quảng đại trong việc vui lòng đón nhận thật nhiều hy sinh đau khổ để hiệp nhất với các đau khổ của Chúa trong cuộc Thương Khó mà góp phần cứu rỗi các linh hồn. Chúa kêu gọi mọi người, nhất là những ai đã dâng mình cho Chúa, siêng năng sốt sắng tôn thờ Trái Tim Sống Ðộng của Người trong Bí Tích Thánh Thể để đền tạ Thánh Tâm.
Các vị giáo hoàng cận đại: Ðức Piô XII, Chân Phước Gioan XIII, Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan-Phaolô II có thể nói được đều là các vị giáo hoàng của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong thiên niên kỷ 21 ĐGH Gioan Phaolô II cũng kêu gọi dân Chúa như sau: “Trong thế kỷ 21 hiện nay, nhu cầu đền tạ Thánh Tâm càng thêm khẩn thiết trước sự lan tràn của tội ác phá thai; sự phổ biến của các hành động ngừa thai nhân tạo, triệt sản, ly dị, giới trẻ được giáo dục sai lạc ngay cả nơi phần đông các gia đình Công giáo; lo mưu cầu lợi ích cá nhân, đam mê hưởng thụ, ích kỷ… Và quay lưng lại với Đấng Tạo Hoá; Tôn thờ văn hoá sự chết, thiếu xác tín hay bất phục giáo huấn chân thực của Hội thánh ngay cả trong hàng ngũ giáo sĩ, tu sĩ”.
Sự cần thiết của việc đền tạ Thánh tâm Chúa Giêsu
Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là một việc đạo đức nhằm kính thờ Trái Tim Chúa Giêsu, biểu hiệu cho Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, đối tượng chính của sự Tôn sùng là Tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu được Chúa mặc khải trong Cựu ước, và thực hiện trong đời sống của Chúa Giêsu ở trần thế. Tình yêu này cần phải được đền đáp bằng chính tình yêu của con người, là tạo vật do Chúa dựng nên; tuy hèn kém, bất xứng nhưng lại được Chúa đợi chờ.
Sự đền đáp này được thể hiện bằng những hành động sau:
- Đền tội cho chính mình, cầu nguyện cho những người thờ ơ, vô ơn bội bạc hay còn chìm đắm trong tội lỗi, không biết đến hay không màng gì đến tình yêu hải hà của Thiên Chúa.
- Vinh danh Trái Tim Chúa Giêsu như Ngài đã ước muốn, và cũng chính vì Trái Tim Ngài đáng được vinh danh và tôn thờ nơi mỗi người, mỗi gia đình, cũng như trong toàn thể nhân loại.
- Đặt hết tin tưởng và phó thác vào Trái Tim Tình Yêu Chúa Giêsu.
- Loan truyền lòng Tôn Sùng Trái Tim Chúa, tạo cơ hội cho nhiều người đón nhận ơn ích của Trái Tim Chúa, một Trái Tim rộng lượng, bao dung và sẵn sàng ban tràn đầy cho những ai muốn đón nhận.
Khi đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng chính tình yêu của mình; bằng cách thực hiện những điều Chúa mong đợi trên, là chúng ta đã an ủi được Trái Tim yêu thương của Chúa.
Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu có nghĩa là:
- “Đền tạ những sai sót lỗi lầm mà con người xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa,
- Ý thức tín thác hoàn toàn vào tình yêu và lòng thương xót vô biên của Chúa đối với gia đình nhân loại,
- Và quyết tâm loan báo Tin Mừng cùng mở rộng Nước Chúa là Nước chan hoà ánh sáng Chân Lý và Tình Yêu, ánh sáng an bình”. (Lời chỉ dẫn của ĐHY TGM Saigon)
- Một khi chúng ta đã hiểu biết bản chất, sự tuyệt đối cần thiết, những ích lợi lớn lao và lịch sử của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta được Trái Tim Chúa Giêsu mời gọi thiết tha để noi gương Mẹ Maria, cùng Mẹ, nhờ Mẹ và với Mẹ để trở nên tri kỷ, trở nên tông đồ và chiến sĩ của Thánh Tâm. Như vậy, chúng ta sẽ tiếp tục viết lên những trang tình sử tuyệt vời của chính mỗi người với Thánh Tâm Giêsu trong lòng Hội Thánh.
VUI MỪNG VỚI TỪNG CON CHIÊN
“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất sao?” (Lc 15,4)
Suy niệm: Ở Pa-lét-tin, đàn chiên là tài sản chung của cả làng, thường được giao cho vài ba người chăn. Nếu chiều tối các người chăn dẫn đàn chiên về làng mà báo tin có chiên đi lạc, thì cả làng nóng lòng chờ mong. Vì thế, khi thấy người chăn chiên trở về từ đàng xa với con chiên lạc trên vai, cả làng reo lên vui mừng và cảm tạ Chúa. Đức Giê-su đã dùng hình ảnh vui tươi ấy để nói cho chúng ta biết niềm vui chẳng những của của Thiên Chúa mà của cả Hội Thánh khi một người tội lỗi hối cải trở về. Chúng ta cứ ngỡ chuyện một người tội lỗi hoán cải là chuyện nhỏ, chuyện vụn vặt thường ngày không đáng kể. Dụ ngôn này giúp ta có nhận thức đúng hơn về tấm lòng của Chúa.
Mời Bạn nhận ra mỗi người đều có chỗ quan trọng trong Trái Tim Chúa, quan trọng đến độ Chúa không đủ kiên nhẫn chờ một người lầm lạc thong thả trở về, nhưng đích thân Ngài đi tìm để đưa người lầm lạc ấy về với lòng yêu thương của Ngài.
Sống Lời Chúa: Lâu nay bạn có dửng dưng trước những Ki-tô hữu đang lạc xa Chúa không? Bạn hãy uốn nắn trái tim của mình cho giống Trái Tim Chúa, bằng cách quan tâm hơn đến một người Ki-tô hữu đang lạc xa Chúa, và giúp người ấy trở về với Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lâu nay chúng con chưa quan tâm đến những anh em tín hữu đang lạc xa Chúa, vì vậy chúng con không cảm nhận được niềm vui lớn lao của Chúa khi tìm được một con chiên lạc. Xin cho trái tim con biết quảng đại như Trái Tim Chúa.
Tin mừng hôm nay chứa đựng những lời ngọt ngào, êm dịu của Chúa Giêsu. Ngài gởi đến chúng ta hai lời mời gọi sau đây:
Thứ nhất: “Hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng. Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi”.
Chúa Giêsu nhìn thấu những khó nhọc của kiếp người chúng ta. Ngài không làm ngơ trước nỗi khổ đau của chúng ta, nhưng muốn nâng đỡ và bổ sức. Ngài không cất khỏi khó nhọc của chúng ta nhưng sẵn sàng ban ơn trợ giúp để chúng ta có thể đón nhận và lướt thắng những khó nhọc ấy.
Biết bao nhiêu lần chúng ta gặp khó khăn trong cuộc sống. Có những lúc chúng ta đối diện và chiến đấu bằng sức của riêng mình. Thậm chí, có khi chúng ta than trách Chúa vì cho rằng Chúa để những khó nhọc đó đến với chúng ta. Hãy chạy đến Chúa mỗi khi chúng ta gặp khó khăn. Hãy để cho Chúa đưa tay nâng đỡ chúng ta. Hãy tin vào Chúa vì Ngài sẵn sàng nâng đỡ bổ sức cho chúng ta. Tin vào lời Chúa nói: “Ơn Cha đủ cho con”.
Thứ hai: “Hãy học cùng Ta vì ta hiền lành và khiêm nhường”.
Với người Do thái, mang lấy ách có nghĩa là nhận lấy, học hỏi những điều gì đó từ nơi một vị thầy. Chúa Giêsu muốn chúng ta mang lấy ách của Ngài.
- Ách của Ngài là những lời Ngài dạy chúng ta về Thiên Chúa, về Nước Trời.
- Ách của Ngài là cách sống của Ngài, là đời sống hiền lành, khiêm nhường và yêu thương.
- Mang lấy ách của Ngài là đón nhận những lời Ngài rao giảng.
- Mang lấy ách của Ngài là học theo cách sống hiền lành, khiêm nhường và yêu thương như Ngài.
Nghe lại những lời này trong lễ Thánh Tâm, biểu tượng của tình yêu, chúng ta được nhắc nhớ:
- Chúa chính là nguồn cậy trông, trợ lực cho chúng ta. Hãy chạy đến với Ngài để Ngài nâng đỡ bổ sức cho chúng ta.
- Lời dạy và cách sống của Chúa là gương mẫu cho chúng ta. Hãy đón lấy lời dạy của Ngài và hãy noi gương Ngài sống hiền lành, khiêm nhường và yêu thương.
Lạy Chúa, xin giúp chúng ta luôn tin cậy vào Chúa và luôn biết sống như Chúa là hiền lành, khiêm nhường và đầy lòng yêu thương. Amen.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Sứ điệp từ Thánh Thể của Chúa gởi cho trần thế chính là tình yêu. Chúa đã sống trọn một cuộc đời trong yêu thương và phục vụ. Ngày nay, qua bí tích Thánh Thể, Chúa lại tiếp tục dâng hiến cuộc đời mình để nuôi dưỡng chúng con. Chúng con xin tri ân tình yêu cao vời mà Chúa đã dành cho chúng con.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, tình yêu của Chúa luôn dành cho hết mọi người. Chúa không phân loại hạng người. Chúa không kỳ thị bất cứ ai. Chúa luôn thi ân cho kẻ lành người dữ. Chúa chúc phúc cho từng người chúng con. Xin giúp chúng con biết sống như Chúa. Xin loại trừ nơi chúng con những cái nhìn thành kiến, thiên vị. Xin cho chúng con đừng nhìn anh em mình với cái nhìn khinh khi, xem thường, nhưng luôn tôn trọng và đối xử tốt với hết mọi người.
Lạy Chúa, xin Chúa chữa lành tâm hồn bất toại và con tim chai đá của chúng con, để chúng con biết sống cho Chúa và cho tha nhân. Amen.
THỨ BẢY TUẦN 12 TN: Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Tin Mừng (Lc 2, 41-52)
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrsalem để tìm Người.
Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta.
Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria
Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được dựa trên nền tảng Phúc Âm. Trong Tân Ước, sách Tin Mừng theo Thánh Luca có hai lần nhắc đến Trái Tim Mẹ Maria trong đoạn 2 câu19: “Maria ghi nhớ những điều này và suy niệm trong lòng” và “Còn Mẹ Ngài thì ghi nhớ những điều này trong lòng.” (Lc 2, 51). Trong Cựu Ước, trái tim dược xem như biểu tượng thẳm sâu trong tâm lòng con người, là trung tâm của mọi chọn lựa và cam kết. Đối với nhân loại, đó là biểu tượng của tình yêu. Trong sách Đệ Nhị Luật ta đã nghe rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết tâm lòng, hết sức lực và trí khôn ngươi.” (6,5). Khi các biệt phái chất vấn Đức Kitô về giới răn nào trọng nhất, Ngài đã nhắc lại đoạn Kinh Thánh này để trả lời cho họ (Mác-cô 12, 29-33).
Cũng chính Trái Tim Mẹ đã đáp trả bằng tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa. Đó là lời đáp cho sứ thần Truyền Tin. Do sự ưng thuận vì tình yêu, Mẹ Maria trước hết đã cưu mang Đức Giêsu trong trái tim mình và rồi cũng cưu mang trong cung lòng của Mẹ. Đức Kitô, chính Ngài: khi được người phụ nữ trong đám đông ca tụng phúc cho cung lòng người nữ đã sinh thành ra Chúa, thì Ngài đã trả lời: “Ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa thì có phúc hơn.” (Lc 11,28). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong thông điệp đầu tiên, Đấng Cứu Chuộc Con Người, đã viết, “Mầu nhiệm của Cứu Độ đã được hình thành trong trái tim của Đức Trinh Nữ Thành Nazaret khi Mẹ thưa lời Xin Vâng.’ (RH #22).
Theo lịch sử, việc tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ được tìm thấy đầu tiên vào thế kỷ 12 với nhiều sử gia như Thánh Anselm (1109) và Thánh Bernard thành Clairvaux (1153) là thánh viết rất tài tình về việc tôn sùng thánh thiện này. Thánh Bernadine thành Siena (1380-1444) đã được gọi là Tiến Sĩ về lòng sùng kính Trái Tim Mẹ vì những trước tác về Trái Tim Mẹ. Ngài viết, “từ trái tim Mẹ, như lò lửa của Tình Yêu Rất Thánh, Đức Trinh Nữ Maria đã nói lên ngôn ngữ tuyệt vời nhất của một tình yêu mãnh liệt.” Thánh John Eudes (1601-1680) qua các bài viết của Ngài đã giúp khơi lại lòng sùng kính này. Đức Thánh Cha Lêô XIII và Piô X gọi ngài là “cha, thầy dạy và là tông đồ phụng vụ lòng sùng mến Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria.” Trước hai thập niên trước khi những phụng vụ vinh danh Trái Tim Rất Thánh Chúa Giêsu, Thánh John Eudes và những người theo ngài đã dành ngày 8 tháng 2 trong khoảng năm 1643 để kính nhớ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Về sau, Đức Piô VII cho mở rộng ngày mừng kính để các giáo xứ hoặc hội đoàn nào muốn tôn sùng thì cũng được phép.
Việc tôn sùng Trái Tim Mẹ Maria có một truyền thống đẹp đẽ hơn nữa qua tấm ảnh đeo của Thánh Catarina Laboure năm 1830 và việc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima. Từ ngày 13 tháng 5 đến 13 tháng 10 năm 1917, Mẹ đã hiện ra với 3 trẻ, Jacinta, Francisco Marto và người chị họ là Luica DosSantos tại Fatima, Bồ Đào Nha. Trong ngày 13 tháng 7, Mẹ đã cho các trẻ này biết rằng” “để cứu những người tôi lỗi, Thiên Chúa đã ước ao thiết lập việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ.” Toàn bộ lời nhắn nhủ của Mẹ là một lời cầu nguyện, thống hối và bằng những việc hy sinh, đền bù phạt tạ Thiên Chúa về những xúc phạm đến Ngài.
Vào năm 1942, kỷ niệm 25 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Đức Thánh Cha Piô XII đã dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Cũng vào năm ấy, ngài đã chọn mừng lễ này vào ngày 22 tháng 8, một tuần sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời. Ngày 4 tháng 5 năm 1944, ngài loan báo mở rộng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm cho Giáo Hội hoàn vũ. Với những cải cách về phụng vụ trong Công Đồng Vatican II, lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ được dời về một ngày ngay sau Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chính là ngày là thứ bảy sau chúa nhật thứ hai sau Lễ Hiện Xuống.
Lời cầu nguyện nhập lễ của phụng vụ trong lễ Trái Tim Vô Nhiễm giúp chúng ta hướng về sứ điệp quan trọng của lễ mà chúng ta mừng kính này: “Lạy Chúa, Chúa đã chuẩn bị trái tim tinh tuyền của Mẹ Maria để trở thành nơi trú ngụ của Chúa Thánh Thần. Xin cho chúng con là dân Chúa tuyển chọn, được trở thành những đền thờ của vinh quang Ngài. Xin Mẹ giúp chúng con, là những người con thiêng liêng của Mẹ, được kết hiệp luôn mãi trong tình thắm thiết với Con của Mẹ và không bao giờ để tội lỗi làm chúng con lìa xa Chúa.”
ƠN CỨU ĐỘ DÀNH CHO MỌI NGƯỜI
Câu nói của Đức Giêsu hôm nay đã làm cho không biết bao nhiêu người sững sờ, chưng hửng:“… nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.
Đây là nỗi băn khoăn, lo lắng, thắc mắc của bao nhiêu người, đặc biệt dân Do Thái thời đó.
Thật vậy: “… những người không do lỗi của mình mà không biết đến Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và nhờ ơn sủng của Ngài mà hành động để làm trọn thánh ý Ngài theo như lương tâm của họ mặc khải và truyền dạy cho họ, thì những người này có thể đạt tới ơn cứu độ muôn đời” (x. SGLGHCG, số 847; LG, số 16; DS 3866-3872).
Còn: “Những ai đã biết rằng Giáo Hội Công Giáo, được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu-Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong đó thì không thể được cứu rỗi” (x. LG, số 14; SGLGHCG, số 846).
Như vậy, điều quan trọng là muốn được cứu hay khước từ? Nếu muốn được hưởng ơn cứu độ của Chúa thì:
Trước tiên, “hãy phấn đấu qua cửa hẹp mà vào”. Cửa hẹp là những gian nan thử thách, dù gặp khổ cực đến đâu phải biết quyết tâm sống theo lời Chúa dạy. Phải chịu rèn luyện mới được gặt hái những hoa trái; phải “có công mài sắt mới có ngày nên kim”; phải chịu: “lửa thử vàng, gian nan thử đức”.
Thứ hai, hãy vào cho kịp thời: “Một khi chủ đã đứng dậy và khóa cửa lại mà anh còn đứng ngoài… thì chỉ còn ở đó, khóc lóc nghiến răng thôi”. Nước trời không dành cho những người khô khan lười biếng, thờ ơ, chểnh mảng, say sưa, ăn chơi, gian ác vì nước đến chân nhảy không kịp nữa. Chúa sẽ bảo: “Hỡi quân gian ác, đi cho khuất mắt Ta”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết làm theo ý Chúa muốn để được vào Nước Trời, chính là vào qua cửa hẹp và vào kịp thời để không bị loại ra ngoài. Amen.
ĐỒNG CẢM VỚI TRÁI TIM CHÚA
Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con !” (Lc 2,48)
Suy niệm: Thảm họa chìm phà Sewol ở Jindo, Hàn Quốc ngày 16/4 đã cướp đi sinh mạng của hơn 400 hành khách trong đó có 324 học sinh trung học. Thân nhân, trong đó rất nhiều bà mẹ, đau đớn than khóc vì mất con; họ chỉ con mong tìm lại được thân xác con mình đang chìm trong làn nước giá lạnh. Đức Ma-ri-a cũng thổn thức trái tim của người mẹ “cực lòng đi tìm” con yêu dấu bị lạc mất. Đức Ma-ri-a chưa kịp bày tỏ niềm vui khi tìm lại được con thì Đức Giê-su lại hé mở cho Mẹ thấy việc “lạc mất con” còn mang một ý nghĩa thiêng liêng mầu nhiệm: con phải làm tròn việc “bổn phận trong nhà Cha con”. Mẹ được chuẩn bị để đón nhận việc “lạc mất con”lớn hơn trong cuộc Thương Khó của Đức Giê-su. Trong lần này, trái tim Mẹ đã đồng cảm với trái tim Chúa Giê-su để cùng với Con mình làm tròn việc bổn phận Chúa Cha trao phó là cứu chuộc toàn thể nhân loại
Mời Bạn: Helen Keller, cô gái mù và điếc, là tác giả của 13 cuốn sách và vô số bài báo, đã nhận định: “Những điều tốt đẹp nhất trên trần gian này không thể thấy bằng mắt cũng không thể chạm bằng tay, mà phải cảm nhận bằng trái tim.” Khi trái tim bạn đồng cảm với trái tim Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a, bạn đang đạt tới điều tốt đẹp nhất trong tất cả mọi thứ tốt đẹp trên đời.
Sống Lời Chúa: Dành thời gian trong ngày suy ngắm cuộc đời Mẹ Ma-ri-a và xin ơn được đồng cảm với trái tim Mẹ.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, con yêu mến Mẹ nhiều. Xin cho trái tim con chung nhịp đập với trái tim Mẹ. Amen.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúng con xin được tôn kính và thờ lạy Chúa là Thiên Chúa uy nghi cao cả. Vì yêu thương chúng con nên đã xoá mình để trở nên tấm bánh đơn sơ tặng ban cho chúng con. Xin cho chúng con được rước Chúa với lòng yêu mến và biết ơn. Xin Chúa Giê-su Thánh Thể cũng khơi dạy nơi chúng con tình yêu hiến dâng để phục vụ tha nhân trong tinh thần hy sinh quảng đại.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa là Thiên Chúa đầy yêu thương. Chúa yêu thương nhân loại chúng con mà không phân biệt màu da sắc tộc, tôn giáo hay không tôn giáo. Chúa luôn nhìn đến con người đang cần giúp đỡ. Chúa không xét lý lịch. Chúa không phân loại sang hay hèn. Chúa thi ân giáng phúc cho hết thảy mọi người.
Nhưng Chúa ơi, ở đời chúng con lại quá ích kỷ và cục bộ. Chúng con chia nhóm. Chúng con phân loại để đối xử. Chúng con thiếu tình yêu vô vị lợi. Thế nên, ở đời vẫn còn đó những kiểu lợi dụng lẫn nhau. Ở đời vẫn còn đó cái đắng cay của sự lừa dối, của ích kỷ và thiếu lòng bác ái bao dung. Xin tha thứ và giúp chúng con canh tân sửa đổi. Xin Chúa uốn lòng chúng con nên giống trái tim tình yêu của Chúa. Amen.
Home »
suy niệm ngày thường
» SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN XII THƯỜNG NIÊN A