SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN XI THƯỜNG NIÊN A

THỨ HAI TUẦN 11 TN

Tin Mừng (Mt 5, 38-42)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe bảo: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thìcon hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ”.

TIN MỪNG BẤT BẠO ĐỘNG

Luật dạy rằng: “Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em, đừng chống cự người ác. Trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, hãy giơ cả má bên trái nữa.” (Mt 5,38-39)

Suy niệm: Phương châm của Luật xưa thật là rõ ràng và “công bằng” (!) vì “mắt đền mắt, răng đền răng” mà. Còn Đức Giê-su lại dạy: “Đừng chống cự lại ngươi ác!” mà còn hơn thế nữa: “Bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái nữa!” Sống theo Tin Mừng như thế phải chăng là khiếp nhược?

Mời Bạn nhớ lại một kinh nghiệm khi bạn phải hứng chịu một sự nhục nhã, một điều xúc phạm. Phải chăng lúc đó, cứ theo tính tự nhiên, bạn thấy phương châm “mắt đền mắt” trên đây thật là công bằng và chí lý? Nhưng không phải là Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta sống nhân từ theo Tin Mừng đáp lại sự xúc phạm là đi ngược lại tính tự nhiên đâu. Sống nhịn nhục trước bất công không phải là hèn nhát và khơi sâu thêm hố bất công đâu. Chúa chất vấn để nói lên tiếng nói của lẽ phải đấu tranh cho công bằng và nhân phẩm: “Nếu tôi nói sai thì hãy chỉ cho tôi biết sai ở chỗ nào. Còn nếu tôi nói phải thì sao lại đánh tôi?” Nhưng đồng thời Ngài vẫn luôn hiền từ dịu dàng để trên thập giá còn có thể thốt lên: “Xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.”

Sống Lời Chúa:tìm một dịp – mà dịp này chắc cũng không thiếu gì trong đời thường của bạn – để sống phương châm : yêu thương, yêu cả kẻ thù – yêu thương như Chúa Giêsu yêu thương.

Cầu nguyện:Lạy Chúa, xin giúp con biết miệt mài đấu tranh cho công bằng và sự thật mà vẫn luôn dịu hiền yêu thương và quảng đại tha thứ như Chúa đã nêu gương cho con. Amen.


THỨ BA TUẦN 11 TN

Tin Mừng (Mt 5, 43-48)

Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy: “Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù“. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con: để như vậy các con nên con cái Cha các con, Đấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm như thế ư? Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo”.

TÌNH CHÚA KHÔNG BIÊN GIỚI

“Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5,45)

Suy niệm: Một người khi vừa vượt biên thành công sang nước láng giềng liền bốc một nắm đất nơi anh đang đứng và nói: đất này cũng giống đất ở nước anh, thế nhưng chính đường biên giới do con người vạch ra đã làm cho đất bên ấy khác với đất bên này. Tình yêu Thiên Chúa bao la xoá bỏ mọi thứ biên giới. Đấng cho “mặt trời mọc lên soi sáng cho cả kẻ xấu lẫn người tốt, cho mưa xuống người công chính cũng như kẻ bất lương,” Đấng ấy mời gọi chúng ta hãy sống như Ngài, yêu thương mọi người cách bình đẳng không loại trừ ai, yêu thương không chỉ anh em mình, mà phải yêu cả những kẻ khó ưa và cả kẻ thù của mình nữa.

Mời Bạn: Trong thông điệp Phục Sinh 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Hãy đến và xem! Tình yêu Thiên Chúa mạnh mẽ dường nào, Tình yêu ấy trao ban sự sống và Tình yêu ấy làm cho hy vọng nở hoa nơi sa mạc.” Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới đủ sức mạnh để phá đổ mọi bức tường ngăn cách. Thiên Chúa hôm nay vẫn đang tiếp tục thể hiện Tình yêu ấy nơi mỗi người chúng ta khi ta biết mở lòng đón nhận và làm theo chỉ dẫn của Ngài trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Sống Lời Chúa: Làm việc bác ái cụ thể cho người đang sống bên cạnh bạn nhất là những người mà tự nhiên bạn không ưa thích, những người bạn đang có mối bất hoà.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương xót con và để con có khả năng thương xót và yêu mến mọi người xung quanh con như chính Chúa đã yêu con.

THỨ TƯ TUẦN 11 TN

Tin Mừng (Mt 6, 1-6. 16-18)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không, các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bíẩn, sẽ trả công cho con. “Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con. “Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”.

CHỈ DÀNH CHO CHÚA MÀ THÔI!

“…Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.” (Mt 6,4)

Suy niệm: Chúa Giê-su đặt mọi hành vi đạo đức vào một bối cảnh mới. Chúng không còn được coi như những phương thế giúp tô điểm cho sự hoàn thiện bản thân nữa. Dưới cái nhìn của Chúa Giê-su, mọi việc, đặc biệt những việc đạo đức, là những cách diễn tả lòng sùng mộ của người con hiếu thảo chỉ dành riêng cho Đấng là Thiên Chúa và là Cha của mình. Dĩ nhiên khi làm điều tốt, khi sống đạo đức, cứ sự thường, tôi sẽ được người đời đánh giá cao, được khen tặng. Nhưng vấn đề trọng tâm của người con cái Chúa từ nay không phải là ở chỗ người đời có nhận biết việc họ làm hay không. Điều mong mỏi duy nhất của họ là sau khi hoàn thành mọi việc, họ được nghe Chúa nói: “Đây là con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về con.”

Mời Bạn: Bạn có thuộc vào số những người con cái Chúa đó không nhỉ? Hỏi tức là đã trả lời. Câu trả lời của bạn không chỉ đơn thuần là “có”, nó phải bao hàm việc chuyển đổi tất cả động lực làm việc của bạn: làm mọi việc vì yêu Chúa và chỉ vì yêu Chúa mà thôi.

Chia sẻ: Tìm hiểu về cách phân định các động lực làm việc của mình.

Sống Lời Chúa: Trước hoặc sau mỗi việc làm, tập phân định động lực làm việc của mình: Tôi đang một làm việc với động lực nào, “để phô trương công đức trước mặt người đời”, hay “để Chúa Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo” trả công cho tôi?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết phụng sự Chúa hết lòng mà không chờ đợi một phần thưởng nào khác, ngoài việc nhận biết con đã làm theo thánh ý Chúa mà thôi. Amen.

THỨ NĂM TUẦN 11 TN: Th. Rô-moan-đô, viện phụ

Tin Mừng (Mt 6, 7-15)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Đừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:

“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ýCha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Đấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.

THÁNH RÔ-MOAN-ĐÔ, viện phụ

Rô-moan-đô thuộc gia đình quý tộc Onesti, sinh năm 952 tại Ravenna nước Ý. Lúc 20 tuổi, ông chứng kiến tận mắt cha mình giết một người quí tộc như thế nào. Chán nản, ông bước vào dòng Biển Đức ở Classe gần Ravenna.

Ông cảm thấy dòng chưa đủ khổ hạnh, nên vào năm 974, ông liên kết với ẩn sĩ Marinus, rồi vào năm 978, cùng với vị ẩn sĩ này và Pietro I Orseolo đi vào vùng Pirênée của Pháp, nơi ông bắt đầu tạo luật dòng ở tu viện St. Michel.

Năm 988, Rô-moan-đô trở về Ý, vừa đi vừa giảng dạy từ nơi này, sang nơi khác. Ngài cũng tới Monte Cassino, nhưng không tạo được ảnh hưởng gì với việc canh tân nghiêm nhặt của ngài. Cuối cùng, vào năm 1012, ngài thành lập ở miền trung nước Ý tu viện Camaldoli, tu viện chính yếu của dòng Camaldulense sau này.

Con người khổ hạnh này đã thu hút rất nhiều người. Trong luật dòng, ngài cố gắng liên kết đời sống khổ tu với đời sống cộng đoàn mà luật dòng Biển Đức đã thấy trước. Rô-moan-đô qua đời vào năm 1027. Thánh Phêrô Đamianô ghi lại tiểu sử của thánh nhân.

TRÍCH HẠNH THÁNH RÔ-MOAN-ĐÔ DO THÁNH PHÊRÔ ĐAMIANÔ SOẠN

“Khi người ta đã làm xong phòng và ngài định vào đó, để sống ẩn dật, thì thân thể ngài càng ngày cáng thêm đau yếu nặng nề và còng xuống vì tuổi tác hơn là bệnh tật.

Một ngày kia, thân thể ngài đã mất dần sức lực và trở nên kiệt quệ vì bệnh tật gia tăng. Lúc mặt trời gần lặn, ngài bảo hai anh em đang giúp ngài hãy đi ra và đóng cửa lại. Chỉ sáng hôm sau họ mới được vào để cùng ngài đọc “Kinh sách”.

Nhưng sợ rằng ngài sắp lâm chung, nên họ chỉ ra một cách bất đắc dĩ; họ không đi nghỉ ngay, vì áy náy sợ thầy mình chết, họ tìm chỗ ẩn gần phòng ngài, để quan sát kho tàng quí giá của họ.

Họ ở như thế một chút. Rồi cố ý lắng tai nghe, họ không nghe tiếng cơ thể ngài động đậy hay miệng ngài nói gì nữa. Đoán biết sự việc đã xảy ra, họ đẩy cửa chạy vào thắp đèn và thấy thân thể ngài nằm yên ở đó còn linh hồn ngài đã lên trời. Ngài nằm như một viên ngọc trời, bị bỏ lại ở đó, để rồi sẽ được long trọng đưa lên đặt trong kho Vua Cả trời đất” (PVCGK trang 216-217).

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha đã dùng thánh Rô-moan-đô để canh tân đời sống ẩn tu trong Hội Thánh. Xin cho chúng con biết từ bỏ chính mình mà theo chân Đức Kitô, hầu đạt tới hạnh phúc Nước Trời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

CẦU NGUYỆN NHƯ CHÚA DẠY

“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại…” (Mt 6,7a)

Suy niệm: Cầu nguyện “lải nhải như dân ngoại” là não trạng coi thần linh như những “thần đèn A-la-đin” và lời cầu nguyện là những “mệnh lệnh” họ truyền cho ông thần coi kho ngay lập tức cung cấp cho họ những thứ họ cần. Và như thế càng “lải nhải” nhiều lời càng tốt! Trái lại, cầu nguyện như Chúa Giê-su dạy là trước tiên đặt mình trong tâm thế người con thảo ngỏ lời với Thiên Chúa cũng là Cha mình. Tiếp đó là lời cầu xin cho vinh danh Thiên Chúa và cho chương trình của Ngài là Nước Trời được thể hiện. Những điều cao cả được rồi thì, sau đó những nhu cầu bản thân, những “chuyện nhỏ” hơn nhiều, chắc chắn Chúa sẽ nhậm lời.

Mời Bạn: Bạn có thấy hãnh diện vì được chính Chúa Giê-su dạy cho biết cầu nguyện? Và bạn có thấy hạnh phúc, an tâm vì khi cầu nguyện chúng ta gặp được chính Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su, được là con cái trong gia đình Chúa Ba Ngôi và được gọi Ngài là Cha? Là con cái Chúa, bạn đặt lời cầu nguyện trong sự quan phòng của Chúa, trong ước mong thực thi ý Chúa dành cho bạn trong chương trình lớn lao của Người, vì Thiên Chúa là Đấng dựng nên bạn và Người biết rõ bạn.

Sống Lời Chúa: Khi cầu nguyện bạn thưa với Chúa như Chúa Giê-su thưa cùng Chúa Cha trong vườn Cây Dầu: “Xin đừng theo như ý con, một xin theo ý Cha.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa đã dạy chúng con biết cầu nguyện, đã dạy chúng con biết sống theo thánh ý Chúa để chúng con biết thực thi công việc bổn phận hằng ngày với lòng mến trong tâm tình khiêm nhường và phó thác. Amen.

THỨ SÁU TUẦN 11 TN

Tin Mừng (Mt 6, 19-23)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất: là nơi ten sét mối mọt sẽ làm hư nát, và trộm cướp sẽ đào ngạch lấy mất, nhưng các con hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời: là nơi không có ten sét, mối mọt không làm hư nát, trộm cướp không đào ngạch lấy mất: Vì kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó. Con mắt là đèn soi cho thân xác con. Nếu mắt con trong sáng, thì toàn thân con được sáng. Nhưng nếu mắt con xấu kém, thì toàn thân con phải tối tăm. Vậy nếu sự sáng trong con tối tăm, thì chính sự tối tăm, sẽ ra tối tăm biết chừng nào?”

ĐẦU TƯ ĐÚNG CHO

“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi.” (Mt 6,19-20)

Suy niệm: Bền-rẻ-đẹp là ba tiêu chuẩn của đa số chúng ta khi sắm đồ dùng. Có khi chúng ta sẵn sàng chi thêm chút tiền để có sản phẩm bền hơn. Còn khi đầu tư làm ăn cũng thế, ta thường nhắm vào những lãnh vực nào bền vững, và ít rủi ro hơn cả. Từ tâm lý chung đó, Đức Giê-su nói với ta rằng cần đầu tư cả cuộc đời mình cho những gì giá trị bền vững, không chỉ dăm ba năm hay vài ba chục năm, nhưng là có giá trị muôn đời, kéo dài vĩnh viễn. Dĩ nhiên, ta cần tiền bạc, tiện nghi, thú vui… nhưng đó không phải là tất cả, mà chỉ là một phần nhỏ của kiếp người. Đầu tư tất cả cuộc đời để chỉ có những thứ mau qua thì không gì sai lầm bằng.

Mời Bạn định hướng lại cuộc đời, để biết đầu tư cho những của cải không mối mọt nào đục nát được. Đó là sự quên mình, là biết giúp đỡ người khác, là sự từ tâm của con tim, là niềm vui, bình an của tâm hồn…

Chia sẻ: Tôi có quan tâm quá đến của cải vật chất, thú vui… mà chểnh mảng việc đầu tư của cải tinh thần không ?

Sống Lời Chúa: Tôi xét mình xem tôi đang nỗ lực đầu tư cho những thứ của cải nào, và điều chỉnh theo lời mời gọi của Chúa Giêsu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giàu sang, danh vọng, khoái lạc là những điều hấp dẫn chúng con. Xin giải phóng chúng con khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất, nhờ được cảm nghiệm được phần nào sự phong phú của kho tàng trên trời. Amen (Rabbouni).


THỨ BẢY TUẦN 11 TN: Th. Lu-y Gôn-da-ga, tu sĩ

Tin Mừng (Mt 6, 24-34)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được. Vì thế, Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? “Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy màcó thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin. Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.

Thánh Luy Gonzaga, Tu sĩ

Thánh Luy là con trưởng của Ferrante, bá tước lâu đài Castiglione miền Lombardic. Ông đã nhượng chức tổng chỉ huy cho hiệp sĩ của vua Henry VIII vì thích triều đình Tây Ban Nha hơn, tại Marid, Ferrante gặp Martha Tana đi theo hoàng hậu Isabelle. Ông lập gia đình với Martha năm 1566. Ngày 9 tháng 3 năm 1568, Luy chào đời.

Thân mẫu thánh nhân là người đạo đức. Bà đã dạy cho Luy biết kính sợ và yêu mến Chúa ngay từ hồi còn thơ ấu. Vì vậy, thánh nhân hay được gọi là “thiên thần con”. Thân phụ Ngài trái lại đã muốn hứơng dẫn con mình vào nghề binh đao. Hồi lên 4 tuổi, Ngài được dẫn tới Casal để dự cuộc duyệt binh. Thân phụ Ngài cho Ngài mặc như một sĩ quan và vui mừng khi thấy con dẫn đầu đoàn quân, với quân phục vừa tầm cậu. Luy sống ở đây nhiều tháng và có dịp nghe những lời tục tĩu của lính tráng, dầu không hiểu gì. Một ngày kia, khi binh sĩ đang ngủ, Luy ăn cắp thuốc nạp vào súng khai hóa và suýt chết vì súng giật. Bá tước định trừng phạt đứa con của mình nhưng nhờ binh sĩ can thiệp, cậu được thả. Tuy nhiên đây là một lỗi lầm mà Luy than khóc suốt đời.

Năm 1577, Luy cùng với em trai là Rôđôlfo được gởi đi học tại Florence. Tại đây, Luy đã khấn giữ mình trinh khiết trước ảnh Đức Mẹ truyền tin nhà nguyện dòng Tôi Tớ Đức Mẹ. Chẳng bao lâu sau, Ngài trở về Castigliône, và quyết định hiến mình cho Thiên Chúa, Ngài tăng thêm việc đạo đức và coi đó như bổn phận: quỳ đọc kinh nhật tụng Đức Mẹ, các thánh vịnh sám hối và những kinh nguyện khác. Tại Castigilione, Đức Hồng y Carrôlô Borrômeô đã cho Luy rước lễ lần đầu. Đức hồng y đã ngạc nhiên trước nhiệt tình và sự khắc khổ của thánh nhân và thốt lên: “Đứa trẻ này có thể làm gương cho chính các tu sĩ”.

Bá tước Ferrante được đặt làm quan thị vệ của vua Tây Ban Nha, Luy trở thành thị đồng của hoàng tử, Luy nhiệt tình phục vụ hoàng tử Diogô, nhưng vẫn tìm cách sống tại triều đình như là sống trong tu viện. Nhưng rồi cái chết của Diegô dẫn Luy tới quyết định dứt khoát từ bỏ thế gian để gia nhập dòng Chúa Giêsu. Thân phụ Ngài bất mãn vì quyết định ấy và Luy phải đợi ba năm để được sự ưng thuận của thân phụ. Năm 18 tuổi, Ngài vui vẻ nhượng quyền thừa tự và bước vào đời sống tu trì.

Tại tu viện Luy muốn được hoàn toàn quên lãng. Ngài lo chuyện bếp núc, giúp đỡ người nghèo đeo bị đi ăn xin ngoài phố. Đối với gia đình, Ngài chỉ còn muốn nghĩ tới trong kinh nguyện mà thôi. Sau 2 năm trong dòng, ngày 25 tháng 11 năm 1587, Ngài tuyên khấn và lãnh phép cắt tóc gia nhập hàng giáo sĩ ít lâu sau đó.

Nhưng gia đình bỗng có chuyện tranh chấp sau khi thân phụ Ngài qua đời. Tháng 9 năm 1589, bề trên cho phép Luy về Castiglione để giàn xếp. Luy được tiếp đón như một thiên thần từ trời xuống. Mẹ Ngài không cầm mình nổi, đã quì xuống trước mặt con. Từ khắp ngả người ta nói với nhau: chúng ta thấy Một Vị Thánh.

Cuộc dàn xếp ổn thỏa, Luy được lãnh giảng thuyết trước khi đi. Ngài đã diễn thuyết một cách kỳ diệu đến nỗi hơn 700 thính giả đã tới tòa cáo giải ngay. Giã từ mẹ, Luy trở lại Milan ngày 22 tháng 3 năm 1590 để tiếp tục lớp thần học và được dời về Rôma ngay năm đó để diễn thuyết trước mặt nhiều giám mục nước Ý. Chính tại đây Ngài qua đời như là nạn nhân của lòng bác ái. Lúc ấy có một bệnh dịch tàn phá Rôma. Thánh Luy hiến trọn xác hồn phục vụ các bệnh nhân, Ngài làm nhiệm vụ khuân vác giúp đỡ mọi người, có khi vác cả xác chết nữa. Tận tụy làm việc cho đến ngày 20 tháng 6 năm 1591 thì bị bất tỉnh. Hôm sau tỉnh dậy Ngài chào anh em, rước của ăn đàng rồi từ trần.

Thánh Luy Gonzaga đã nêu gương cho chúng ta về đời sống đạo đức, xả thân phục vụ tha nhân. Xin Chúa vì công nghiệp của thánh Nhân, ban cho chúng ta ơn biết sống hy sinh quên mình vì tình yêu Đức Kitô.

KHÔNG THỂ CHỌN CẢ HAI
“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.” (Mt 6,24)

Suy niệm: Có những giá trị có thể cùng tồn tại, không loại trừ nhau: tình bạn có thể song hành với tình yêu; người ta có thể xây dựng gia đình hạnh phúc đồng thời dấn thân cho sự nghiệp. Nhưng Thiên Chúa và Tiền Của (viết hoa) thì không, không đội trời chung! Tiền Của là của cải vật chất, và sâu xa hơn là lòng tham lam, đam mê hưởng thụ, là hiện thân của Sa-tan, kẻ không bao giờ ngủ yên nhưng luôn luôn chống đối Thiên Chúa và xúi giục con người chống đối Ngài. Những ai muốn làm môn đệ Chúa Ki-tô, không thể chọn cả hai, không thể “hai lòng”. Lòng tham lam hưởng thụ khiến người ta quyến luyến với Tiền Của đến mức trở thành “nghiện”, và do đó không còn tự do để thờ phượng Thiên Chúa nữa. Vì thế mà Chúa Giê-su cũng nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19,24).

Mời Bạn: Thực tế cho thấy nhiều người sống bất an vì nhiều tiền của. Hơn nữa, nhiều người còn ăn không ngon, ngủ không yên vì làm giàu bất chính. Chỉ có thể bình an khi biết dùng tiền của đời này để tích luỹ cho Nước Trời mai sau.

Sống Lời Chúa: Tâm niệm để xác tín vào Lời Chúa: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa… còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết chúng con cần tiền của để nuôi sống bản thân và gia đình; và Chúa cũng biết tiền của có thể tác hại chúng con thế nào. Xin đừng để chúng con trở thành nô lệ cho tiền của; xin giúp chúng con biết ra công làm việc không phải vì tiền của chóng qua nhưng để đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu. Amen.
Share:

Bài viết mới

Bài xem nhiều

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

ĐỌC KINH THÁNH

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter