SÁCH DÂN SỐ (chương 25-36)

I. GIÔSUA KẾ NHIỆM MÔSÊ (27,12-23)

Giai đoạn lãnh đạo của Môsê sắp chấm dứt. Đức Chúa ra lệnh cho Môsê đi đến dãy núi Abarim, đến Nebo là nơi Aaron đã qua đời (20,22-26) để từ đó nhìn thấy Đất Hứa (x. Đnl 32,48-52; 33,47; 34,1-6). Đức Chúa cũng cho biết Môsê sẽ không được vào Đất Hứa vì sự bất trung của dân tại Meriba (x. 20,2-13).

Mối quan tâm cuối cùng của Môsê là làm sao dân Chúa có người lãnh đạo “để cộng đồng của Đức Chúa đừng giống như đàn chiên không có mục tử chăn dắt” (27,17). Môsê quả là vị lãnh đạo mẫu mực. Oâng không nghĩ đến bản thân mình. Dù không được đặt chân vào Đất Hứa sau bao nhiêu khó nhọc phải chịu vì dân, ông cũng không buồn phiền khó chịu, mà chỉ nghĩ đến ích lợi của dân, ước mong dân có được người lãnh đạo tốt nhất. Theo nguyên văn, vị lãnh đạo này là người sẽ “ra vào trước họ và dẫn họ ra vào” (27,17). Đây là những từ chuyên môn để mô tả vai trò lãnh đạo về chính trị và quân sự (x. 1Sam 18,13.16; 29,6; Giosua 14,10-11). Như thế, người kế vị Môsê sẽ dẫn dắt dân trong những cuộc chiến chinh phục đất đai và định cư trên vùng đất mới.

Người được chọn là Giôsua, con của Nun. Oâng là người có thần khí nơi mình và đã chứng tỏ có khả năng lãnh đạo (x. 11,28; 14,6.30.38). Nghi thức trao quyền cho thấy sự phân biệt giữa vai trò của tư tế và vai trò của nhà lãnh đạo chính trị. Giôsua đứng trước mặt tư tế Eleazar và toàn thể cộng đồng, và Môsê đặt tay trên ông (27,18), một cử chỉ nói lên việc trao quyền bính cho người kế vị. Tuy nhiên, nếu Môsê là người đã lãnh nhận những chỉ thị trực tiếp từ Đức Chúa (x. 12,6-8), thì Giôsua sẽ nhận sự hướng dẫn qua vị tư tế. Tư tế sẽ “đến trước nhan Đức Chúa mà xin thẻ xăm Urim” cho Giôsua; nhờ đó Giôsua biết được quyết định của Chúa.

Với nghi thức này, Giôsua lãnh nhận quyền bính từ Môsê, để “toàn thể cộng đồng con cái Israel nghe lời ông “ (27,20). Thế nhưng Giôsua và bất cứ vị lãnh đạo nào sau này cũng không thể sánh với Môsê được. Những chi tiết trong trình thuật muốn diễn tả vai trò đặc biệt của Môsê trong toàn bộ lịch sử Israel. Trình thuật này cũng cho thấy từ thời Giôsua, có sự phân biệt giữa quyền bính của các tư tế và quyền lực chính trị. Đây là vấn đề được quan tâm nhiều trong thời hậu lưu đày (x. Ez 45,17; 46,2).

Trình thuật này giúp ta ý thức về vai trò của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội. Sự tuyển chọn không đến từ con người nhưng đến từ chính Thiên Chúa. Môsê đã không tự chọn, ông chỉ nói lên tâm nguyện của mình, và chính Chúa sai Môsê chọn Giôsua. Việc chọn lựa này phát xuất từ tấm lòng yêu thương của Chúa dành cho dân để họ không phải bơ vơ như đoàn chiên không có người chăn dắt. Do đó người lãnh đạo được chọn không để thoả mãn bất cứ tham vọng cá nhân nào của họ nhưng chỉ nhằm mục đích phục vụ dân, và đó cũng là thước đo giá trị của việc lãnh đạo.

II. PHÂN CHIA ĐẤT CANAAN (33,50-56)

Nhiệm vụ đầu tiên khi qua sông Giođan và vào đất Canaan là đuổi mọi dân cư ở đó ra khỏi đất, và phá hủy mọi “hình ảnh, tượng đúc, nơi cao” của họ (33,51). Ngày nay, trong một thời đại đề cao sự khoan dung tôn giáo, ta cảm thấy mệnh lệnh này thật khó hiểu và khó chấp nhận. Thiết nghĩ phải đặt mệnh lệnh này vào trong đúng bối cảnh của nó. Tác giả nhấn mạnh đây là miền đất Đức Chúa ban cho Israel làm gia nghiệp, và đó cũng là dấu chỉ giao ước giữa Đức Chúa và dân Israel (33,54). Tương quan giao ước đòi hỏi tình yêu và sự trung thành tuyệt đối. Vì thế trên miền đất của giao ước, không thể tồn tại bất cứ cái gì không thuộc về Thiên Chúa của Israel.

Cũng vì thế, nếu mệnh lệnh này không được tuân giữ thì dân sẽ phải chịu lời nguyền rủa: “Nếu các ngươi không đuổi các dân cư trong xứ cho khuất mắt, thì những kẻ các ngươi để sót lại sẽ nên như gai chọc mắt, như mũi nhọn đâm sườn; chúng sẽ quấy rối các ngươi trên đất các ngươi ở. Và bấy giờ, Ta sẽ đối xử với các ngươi như Ta đã định đối xử với chúng” (33,55-56). Sau này, trong cảnh lưu đày, dân Israel sẽ thấm thía những lời này hơn bao giờ.

Đức Chúa cũng ra những chỉ thị cụ thể về việc phân chia đất: “Các ngươi sẽ bắt thăm để chia nhau đất ấy làm gia nghiệp…” (33,54). Việc bắt thăm làm nổi bật ý nghĩa đây là miền đất Thiên Chúa ban cho Israel chứ không phải do họ tự chiếm được. Riêng chi tộc Lêvi, vì không có phần đất riêng làm gia nghiệp, nên mỗi chi tộc phải nhường một số thành của mình làm nơi ở và sinh sống cho những người thuộc chi tộc Lêvi (35,2-5).

Như thế, nội dung căn bản ở đây là đòi hỏi trung thành triệt để và không khoan nhượng. Đã ký kết giao ước với Thiên Chúa, dân phải sống tương quan giao ước đó cách triệt để và trọn vẹn. Aâu cũng là đòi hỏi tất yếu của bất cứ tương quan tình yêu nào. Tình yêu vợ chồng tự nó lại chẳng hàm chứa đòi hỏi triệt để và trọn vẹn như thế sao? Nếu ta đọc bản văn này từ tầm nhìn của giao ước tình yêu như thế, đây sẽ là bản văn rất đáng để suy gẫm cho đời sống đức tin, cho tương quan giao ước mà ta đã ký kết với Thiên Chúa, để xem mình đã sống tương quan đó ra sao, và cần phải sửa đổi những gì.

ĐGM. Nguyễn Khảm

Nguồn: tgpsaigon.net
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter