XƯNG TỘI: có cần thiết không?

Bí tích giải tội là điều mà chính Chúa Giêsu đã truyền dạy. Và điều ấy ta có thể tìm thấy rất rõ ràng trong Thánh Kinh. Các sách Phúc âm ghi nhận rằng Chúa Cha là Đấng hay thương xót và tha thứ (Lc. 5:21). Tình xót thương ấy, Ngài biểu tỏ qua con người và công việc của Chúa Con. Chúa Giêsu đã xác định “Con Người có quyền tha tội dưới đất” (Lc. 5:24). Quyền tha thứ tội lỗi đã được Chúa long trọng trao ban cho Hội thánh, qua các tông đồ. Trước khi về Trời Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con…Những ai các con tha tội thì tội người ấy được tha. Những ai các con cầm buộc thì tội họ sẽ bị cầm lại”. (Jn. 21:20). Đây là những bằng chứng rõ ràng trong Kinh thánh để xác nhận việc chính Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích giải tội và trao quyền này cho các linh mục. Do đó, giáo hội đã quy định các tín hữu phải lãnh nhận bí tích này một năm ít là một lần.
Nhưng các linh mục cũng là người như mọi người, tại sao phải xưng tội với họ và xin họ tha thứ cho mình ?
Đây là một nghi vấn đã có từ thời Chúa Giêsu khi các người Pharisieu nói về Ngài rằng : “Ông này là ai mà có quyền tha tội!” (Lc 5:21). Nghi vấn ấy lại được khai thác trong thời hình thành các Giáo hội Tin lành. Họ là những người không chấp nhận quyền bính thiêng liêng của các vị chủ chăn trong Giáo hội Công giáo.
Điều trọng yếu ta phải nắm vững ở đây là, trong Bí tích giải tội, không phải các linh mục là người tha tội cho ta. Chính Thiên Chúa là người duy nhất có quyền thứ tha tội lỗi nhân loại. Tuy nhiên, Ngài đã ủy thác quyền tha thứ ấy cho Giáo hội, qua các linh mục : “Sự gì chúng con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc. Sự gì chúng con tha cởi dưới đất trên trời cũng tha cởi” (Mt.18:18). Vậy linh mục là người đại diện mà Chúa dùng để lắng nghe, khuyên giải người xưng tội. Qua miệng linh mục, chính Chúa xác nhận với ta rằng Ngài thật sự yêu thương và Ngài tha thứ tội lỗi cho ta. Vì thế, trong lời xá giải, linh mục đọc : “Thiên Chúa Cha đầy lòng nhân ái yêu thương, đã giao hòa với nhân loại tội lỗi qua sự chết của Chúa Giêsu trên Thập giá. Ngài đã sai Thánh Thần xuống để ban ơn xá giải tội lỗi. Chính Ngài ban cho con ơn tha thứ và bình an. Và cha, qua thừa tác vụ của Hội thánh, cha tha tội cho con nhân danh Chúa Cha, Con và Thánh Thần!”

Vậy thì, tại sao mình không xưng thú với Chúa trực tiếp, mau chóng hơn là phải đi đến gặp các linh mục ?
Có ít nhất ba lý do cắt nghĩa việc này.
-Trong truyền thống Giáo hội Công giáo, việc hòa giải với Thiên chúa không chỉ là một chuyện riêng tư, cá nhân. Là thành viên cộng đoàn Giáo hội, khi một tín hữu phạm tội, người ấy xúc phạm đến Chúa, và đương nhiên cũng làm tổn thương đến sự thánh thiện của Nhiệm thể Ngài là Giáo hội. Khi giao hòa với Thiên Chúa, đồng thời người ấy cũng cần giao hòa với Giáo hội nữa. Vì thế, việc hối cải và xin ơn tha thứ của người tín hữu nhất thiết phải mang chiều kích cộng đoàn, qua vị đại diện là linh mục. Ngày xưa, hối nhân phải xưng tội trước mặt vị đại diện hội thánh, rồi làm việc đền tội công khai trước cộng đoàn, theo một tiến trình phức tạp. Từ thế kỷ thứ XI, tập tục ấy được đơn giản hóa nhiều phần để biến thành nghi thức xưng tội hiện nay. Tuy nhiên, nghi thức hiện nay vẫn giữ lại phần cốt lõi là giai đoạn xưng thú lỗi lầm với vị đại diện Chúa trong hội thánh là linh mục, để cho việc xưng tội mang chiều kích hiệp thông với cộng đoàn giáo hội.
-Chiều kích cộng đoàn và tính cách nghi thức của việc xưng tội thật ra bao hàm những lợi ích cụ thể. Xét về mặt tâm lý, khi ta có thể tự mình xá giải cho mình bằng cách ‘xưng thú trực tiếp với Chúa cho mau chóng’, thì dĩ nhiên ta cũng sẽ tái phạm các lỗi lầm cách dễ dàng. Ngược lại, khi phải ‘khổ công’ đi đến tòa giải tội để gặp linh mục, để được lãnh nhận lời xá giải chính thức, ta sẽ thấy rằng ơn giao hòa quả thật đáng giá và cao quý biết bao. Vì thế, ta sẽ nỗ lực hơn trong việc tránh chừa tội lỗi để bảo tồn ơn ấy trong tâm hồn ta. Xét về mặt luân lý, lời khuyên giải của linh mục trong tòa cáo giải còn có tác động hóa giải những lương tâm tự tôn chủ quan; trấn an, yên ủi những lương tâm tự ti, bối rối.
-Quan trọng hơn cả, ta phải hiểu rằng xưng tội là một trong 7 nghi thức bí tích (sacramental rites). Đã là nghi thức thì phải có người thừa tác (sacramental minister). Đó là lý do tại sao khi Chúa Giêsu thiết lập bí tích này, đồng thời Ngài cũng cắt đặt người thừa tác, như trong đoạn Phúc âm trên ghi nhận. Vì thế, để lãnh nhận ơn tha thứ qua bí tích giải tội, ta cần phải qua trung gian là các linh mục trong Giáo hội. Trong Phúc âm, Giakêu, Madalena và những người tội lỗi cũng phải gặp gỡ Chúa Giêsu và nghe lời thứ tha của Ngài mới có thể được ơn hoán cải, và đổi mới cuộc đời.

Lm. Đa Minh Trần Quốc Bảo, DCCT
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter