SÁCH GIÁO LÝ VÀ CÔNG CUỘC TÂN PHÚC ÂM HÓA

“Toàn thể công cuộc loan báo của chúng ta phải được đánh giá theo lời của Chúa Giêsu – Kitô: “Giáo lý của Thầy không là của Thầy” (Ga 7,16). Chúng ta không loan báo những lý thuyết và những quan niệm riêng, nhưng là đức tin của Hội thánh mà chúng ta là những người phục vụ. Nhưng điều này tự nhiên không có nghĩa là tôi không dùng hết sức mình để nâng đỡ giáo lý này, và tôi không cần bén rễ chắc chắn vào giáo lý đó”.(Bài phát biểu của ĐHY Mauro Piacenza, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo lý, ngày 19/5/2012 trong một Đại hội)

Tôi sung sướng được phát biểu tại cuộc họp mặt này, được diễn ra trước ngày khai mạc Năm Đức tin, gợi cho chúng ta hai Kỷ niệm quan trọng liên kết mật thiết với nhau: Kỷ niệm 20 mươi năm ban hành Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, và kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Đại kết Vaticanô II.

Trong bài phát biểu này, tôi sẽ đề cập đến ba khía cạnh mà tôi cho là cốt yếu, liên hệ đến đề tài tôi đảm nhận: – Mối tương quan giữa Giáo lý Hội thánh Công giáo và Công đồng Đại kết Vaticanô II, – Một số dạng thức tiếp nhận Giáo lý, – Và sau hết, sự nối kết chặt chẽ giữa Giáo lý và Tân Phúc Âm hóa.

Trước khi khai triển đề tài, tôi muốn xác định rằng, Giáo hội luôn ý thức rõ ràng về “tính bất toàn” của một văn kiện, dù nội dung nó như thế nào, để đề ra những thay đổi hay canh tân theo tinh thần Tin Mừng cách đúng hợp.

Văn kiện là chủ yếu và chúng giúp mỗi bước đường hoán cải và canh tân, bằng cách đưa ra những lý do và chỉ dẫn; nhưng động lực giúp canh tân cá nhân và Giáo hội, cách chắc chắn và ưu việt, luôn phải là sự thánh thiện: sự thánh thiện khách quan của Giáo hội, cũng như sự thánh thiện cá nhân của mỗi thành phần Giáo hội.

Nếu không như thế, thì Công cuộc Tân Phúc Âm hóa, mà từ hơn mười năm nay, chính thức là từ Tông thư “Ngàn Năm mới đang đến” ta vẫn nói đến, có nguy cơ trở thành một khẩu hiệu được lặp đi lặp lại cách mị dân, không quan hệ thật sự với thực tế, với những tình huống cụ thể văn hóa, giáo lý và mục vụ của các cộng đoàn Kitô hữu và Giáo hội địa phương.

1. SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO VÀ CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT VATICANÔ II

Một trong những khía cạnh nền tảng ta cần để ý đối với Sách Giáo Lý của Hội thánh Công giáo, đó là mối liên hệ của nó với Công đồng Đại kết Vaticanô II. Sách Giáo lý ăn rễ sâu trong Công đồng, lớn lên và phát triển từ Công đồng và là một hoa trái chín muồi của Công đồng.

Mọi cách đọc khác có thể không diễn tả hết được một nỗ lực rất cơ bản và phổ quát của Giáo Hội, để soạn thảo “Tổng luận đức tin” này mà cuốn Giáo lý tiêu biểu!

Chân phước Gioan – Phaolô II đã viết trong Tông Hiến Fidei depositum, ngày 11.10.1992: “Từ khi kết thúc, Công đồng không ngừng gây hứng khởi cho đời sống Giáo Hội…Chính trong tinh thần này mà ngày 25/01/1985, tôi đã triệu tập một Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 20 năm kết thúc công đồng. Mục đích của Đại hội này là mừng những ân sủng và hoa trái thiêng liêng của Công đồng Vaticanô II, đào sâu giáo huấn của Công đồng để thêm hiểu biết và cổ động sự nhận thức và áp dụng Công đồng . Nhân dịp này, các Nghị Phụ Thượng Hội đồng…đã biểu lộ lòng mong ước soạn thảo một sách Giáo lý hay tập giản lược toàn thể giáo lý Công giáo… Cuốn sách Giáo lý này sẽ mang đến một đóng góp rất quan trọng vào việc canh tân toàn thể đời sống Giáo hội, được Công đồng Vaticanô II mong muốn và khởi đầu”.

Việc ban hành Bản văn, trong ấn bản đầu tiên bằng tiếng Pháp năm 1992 và trong ấn bản bằng tiếng Latinh năm 1997, luôn kèm theo những tham chiếu rõ ràng Công đồng Đại kết Vaticanô II, hầu như muốn nhắc đến sức thúc đẩy canh tân sâu xa của Công đồng đối với toàn thể Giáo hội.

Với quan điểm thần học, chúng ta được mời gọi nhận biết sự phục sinh đã khai mở một chiều kích mới cho đời sống và thực tế như thế nào, từ đó xuất hiện một thế giới mới, liên tục thấm nhập thế giới chúng ta, biến đổi và lôi cuốn thế giới chúng ta đến với thế giới đó. Tất cả những điều đó diễn ra cách cụ thể ngang qua đời sống và chứng tá Giáo hội; hay đúng ra, chính Giáo hội là sự mới mẻ của cuộc biến đổi này, vì đó là công trình của Thiên Chúa, chứ không phải là việc làm của chúng ta. Và thật chính xác, việc canh tân đúng thực luôn nằm trong công trình của Thiên Chúa. Sự mới mẻ của canh tân, của nhân loại được biến đổi nhờ sự phục sinh của Chúa, chính là Giáo hội. Theo chúng tôi, đổi mới xã hội, có nghĩa là cổ vũ sự phổ biến Giáo hội; và canh tân Giáo hội có nghĩa là trung thành đón nhận “cái mới” Giáo hội đang nhập thân, theo ý muốn và ân ban nhưng không cũng như thường hằng của Thánh Thần, về phía Thiên Chúa.

Do đó, ta không ngạc nhiên về việc thường xuyên nhắc nhở đến Công đồng đại kết Vaticanô II, tất cả những lần mà ta chính thức giới thiệu Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo; bởi lẽ cần phải đón nhận Sách Giáo lý như một tiếng dội vang sâu xa, dùng làm trung gian giữa Giáo hội và Công đồng; và có thể không là gì khác được, vì chỉ có Công đồng mới mang lại cho Giáo hội sức mạnh để biểu lộ đức tin của mình, khi hiệp thông trong một Sách Giáo lý mới, mới theo nghĩa là được đổi mới.

Dù là dễ đón nhận, nhưng tất cả những điều này chỉ trở thành hiện thực với điều kiện: ta thật sự muốn biết, yêu mến và theo sát Công đồng và không phải theo “ý riêng của mình về Công đồng”; ta muốn vâng phục Vaticanô II, và không phải vâng phục những gì mà không bao giờ được cử hành và chỉ sống động trong sự mong ước của một số người.

Vấn đề chú giải đúng bản văn Công đồng, được đặt ra qua những lời trong diễn từ trở thành kinh điển của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, ngày 22/12/2005: nhờ chọn lựa rõ ràng cách chú giải việc canh tân trong sự liên tục của Giáo hội – Chủ thể độc nhất, và nhờ tố giác những tai hại do cái gọi là “chú giải về sự gián đoạn” gây nên. Điều đó cũng tạo ra một cách giải thích đúng đắn mối tương quan giữa Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo và Công đồng.

Không phải chỗ để bước vào một cuộc bàn luận rất phức tạp, với những ý kiến rất khác biệt nhau và đôi khi rất căng thẳng.

Tuy nhiên, có lý để khẳng định rằng, điều mà ta có thể định nghĩa là “sự điều hành tư tưởng” của Đức Thánh Cha, đang mang lại những kết quả, tuy chậm rãi nhưng rất hữu hiệu. Luôn có nhiều dịp, nhiều nhân sự, nhiều nghiên cứu, ngay cả những Giảng đài, đang quan tâm đến Công đồng đại kết Vaticanô II, đang mong ước thực hiện Công đồng cách khoa học nhất, và đặc biệt không bị điều kiện hóa bởi các ý thức hệ liên quan đến những hoàn cảnh văn hóa hay xã hội; nhưng luôn gắn kết ngày càng mạnh mẽ với thực tế, với lịch sử, với các bản văn và việc tiếp nhận chúng sau đó, chủ yếu vẫn nhằm đến một chú giải đúng thực.

Thật vậy, Đức Chân Phước Gioan – Phaolô II đã quả quyết về Sách Giáo lý: “đó là một trình bày đức tin của Giáo hội và Giáo lý của Công giáo, được Thánh Kinh, Truyền thống các tông đồ và Huấn quyền Hội Thánh minh chứng và soi sáng. Tôi công nhận Sách Giáo lý là một dụng cụ giá trị và hợp pháp để phục vụ sự hiệp thông Giáo hội và là một chuẩn mực chắc chắn để giáo dục đức tin. Vì thế, tôi xin các vị mục tử Giáo hội và các tín hữu hãy đón nhận Sách Giáo lý trong tinh thần hiệp thông và năng sử dụng sách đó trong việc thi hành sứ vụ loan báo đức tin và kêu gọi sống Tin Mừng” (Hiến chế Fidei depositum).

2. ĐÓN NHẬN SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Chúng ta sẽ bước sang điểm thứ hai trong bài suy tư: chúng tôi muốn nêu lên một số tiêu mốc giải thích hiện tượng đón nhận Sách Giáo lý.

Như đã nói ở trên, việc đón nhận Sách Giáo lý không hoàn toàn tách biệt với việc đón nhận đúng đắn các văn kiện Công đồng đại kết Vaticanô II, và hôm nay ta vẫn còn gặp thấy một “gián đoạn khác thường” giữa những người xưng mình là nhiệt thành với Công đồng, nhưng lại chống lại sách Giáo lý, muốn nhận ra ở đó một phản bội thật sự với giáo lý Công đồng.

Chúng ta cần nhận định rằng, về phương diện hiệu lực, dù chúng luôn được những phương tiện truyền thông quảng bá, thì vẫn còn ít ỏi và nhỏ bé – mang tính “lặp lại” hơn là “sáng tạo” – thường khó có thể nhận thấy, trong việc phát triển Thân thể duy nhất của Giáo hội, những đóng góp mà Thánh Thần đề nghị theo những thời điểm và cách thức khác nhau.

Trong rất nhiều trường hợp, nơi mọi Giáo hội địa phương trên thế giới, sách Giáo lý đã được đón nhận như một quà tặng cho các mục tử và các tín hữu, như một quy chiếu chắc chắn – và thật sự là như thế – để soạn thảo những sách giáo lý địa phương (quốc gia và giáo phận), và như nhân tố trọng tâm của đức tin Giáo hội.

Chúng ta cũng biết, đã hai mươi năm rồi, bầu khí lúc đó chắc chắn không giống như hiện nay. Với tốc độ của những thay đổi văn hóa xã hội hay truyền thông lúc này ghi nhận, hai mươi năm cũng là một thời gian đủ dài để có thể quả quyết, bầu khí văn hóa chắc chắn đã thay đổi. Điều đó minh chứng rằng sức mạnh của Giáo hội và lòng can đảm của Đức Chân phước Gioan Phaolô II, đối với việc ban hành năm 1992 sách Giáo lý Hội thánh Công giáo.

Trong hai mươi năm qua, việc đón nhận của chính Huấn quyền Giáo hoàng cũng rất lớn. Chắc chắn, Huấn quyền ấy đã không ngừng quy chiếu sách Giáo lý, cũng như quy chiếu các văn kiện Công đồng đại kết Vaticanô II, bằng cách giải thích các bản văn ấy nhờ dụng cụ chắc chắn là Sách Giáo lý. Và ta cũng nhận thấy, sách Giáo lý cũng ảnh hưởng trong các tài liệu của huấn quyền Giáo triều Rôma, cũng như trong Huấn quyền thông thường của các Mục tử.

Vả lại, vẫn còn nhiều bước đường phải hành trình để xác định vị trí mối tương quan đúng đắn giữa Thần học và sách Giáo lý Hội thánh Công giáo. Nếu ý thức sâu xa trách nhiệm của Thần học là đào sâu nhận thức về Chân lý mặc khải, chớ không phải tái khẳng định chân lý ấy, thì công việc của Thần học đã đánh mất một dịp: dịp cống hiến công tác quý giá của mình cho việc đào sâu những lý do để nâng đỡ những khẳng định giáo lý. Thần học có lẽ sẽ phong phú hơn, nếu dành năng lực của mình cách ít phân tán, và tệ hại hơn hầu như ngoài lề, trong tương quan với những chân lý cốt yếu của đức tin.

Huấn thị của thánh bộ Giáo lý đức tin về ơn gọi giáo hội của Thần học gia (ngày 24/5/1990), do Tổng trưởng lúc đó, Đức Hồng y Joseph Ratzinger ký, là một nhắc nhở soi sáng đối với vai trò không thể thay thế và thiết thân đến Giáo hội của Thần học. Và ta nên bắt đầu, nhất là trong những Phân Khoa Thần học, thiết lập những giảng khóa đích thực liên kết đến sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, sự hình thành, việc đón nhận và phát triển của nó, nhất là tích cực sử dụng nó trong công tác mục vụ.

Như Đức Thánh Cha đã nhắc nhở trong bài giảng lễ Thánh lễ Truyền dầu: “Toàn thể công cuộc loan báo của chúng ta phải được đánh giá theo lời của Chúa Giêsu – Kitô: “Giáo lý của Thầy không là của Thầy” (Ga 7,16). Chúng ta không loan báo những lý thuyết và những quan niệm riêng, nhưng là đức tin của Hội thánh mà chúng ta là những người phục vụ. Nhưng điều này tự nhiên không có nghĩa là tôi không dùng hết sức mình để nâng đỡ giáo lý này, và tôi không cần bén rễ chắc chắn vào giáo lý đó”. Đặc biệt câu cuối cùng này, mà Đức Giáo hoàng quả quyết phải tái khẳng định rõ ràng, xác định vị trí của mỗi Kitô hữu phải như thế nào, nhất là mỗi linh mục, thần học gia và giám mục đối với giáo lý được chứa đựng trong Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo.

Là những người phục vụ Giáo lý Hội thánh và hoàn toàn đồng hóa với Hội thánh, đó là một phần thuộc căn tính Kitô hữu và linh mục. Thực ra, đó cũng là đề tài trọng tâm của Năm Linh mục được cử hành vào năm 2009 – 2010.

Con đường chính thức đón nhận Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo có lúc còn rộng hơn là con đường thực tế đón nhận, nhất là giữa các Cộng đoàn, các Gia đình tu sĩ, các Hiệp hội, các Phong trào v.v… Năm đức tin, được triệu tập để mừng Kỷ niệm Công đồng và Sách Giáo lý như đã nói ở trên, cũng có mục đích đó: cổ vũ sự đón nhận Sách Giáo lý, xét như là dụng cụ để quảng diễn giáo lý chắc chắn; đồng thời như một chú giải đúng đắn Công đồng đại kết Vaticanô II.

Có thể đây là lúc thuận tiện cần khẳng định rõ ràng rằng, những ai mà quả quyết “Sách Giáo lý phản bội Công đồng” hay “Sách Giáo lý thụt hậu so với Công đồng” đều nhầm lẫn cách tai hại. Đàng sau những khẩu hiệu thuộc loại này, giấu ẩn, dù bằng cách không quá ngụy trang, sự mất hiểu biết không những về Công đồng, mà còn về toàn thể Giáo hội, là Thân Thể của Đức Kitô. Nhất là, những khẳng định thuộc loại này lại phát xuất từ những môi trường tự nhận là đang chú giải tính gián đoạn và cắt lìa, mà như ta đã nói, bị Đức Thánh Cha coi là phải chịu trách nhiệm về những lộn xộn nghiêm trọng trong Dân Chúa.

Ngoài ra, tôi cho là những hành động như thế đang tạo ra một thứ phục vụ rất xấu đối với Công đồng: bởi vì thật là tai hại, chúng khơi lên những phản ứng loại trừ, được trình bày gây nguy cớ đứt đoạn; và nhất là bởi vì chúng chặn lại, một cách có tính ý thức hệ, sự tiếp cận trong sáng với các bản văn Công đồng, sự đối chiếu với Truyền thống thường hằng và với Giáo lý Hội thánh, và sự chấp nhận phương cách cụ thể giúp hiểu biết các văn kiện Công đồng nền tảng nhờ Huấn quyền liên tiếp: huấn quyền của Tôi tới Chúa Đức Phaolô VI để khởi sự, và nhất là huấn quyền của Chân Phước Gioan – Phaolô II.

Người ta đã làm nhiều, nhưng chắc vẫn còn nhiều điều phải làm để tiếp nhận đúng đắn sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, và chúng ta càng tích cực tiếp nhận sách Giáo lý, thì thực tế công việc này càng phù hợp với công cuộc Tân Phúc Âm hóa.

3. SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO VÀ CÔNG CUỘC TÂN PHÚC ÂM HÓA

Trong bài Giảng lễ Thánh lễ Truyền dầu được nêu trên, Đức Bênêđíctô XVI quả quyết: “Năm Đức Tin, kỷ niệm khai mạc Công đồng Vaticanô II cách đây 50 năm, đối với chúng ta phải là dịp loan báo sứ điệp đức tin, với một nhiệt tình mới và một niềm vui mới. Tự nhiên chúng ta dễ nhận thấy sứ điệp này cách nền tảng và sơ đẳng trong Thánh kinh, mà chúng ta sẽ không bao giờ đọc và suy niệm cho đủ. Nhưng tất cả chúng ta đều cảm nghiệm rằng, chúng ta cần trợ giúp để thông truyền đức tin cách đúng đắn trong hiện tại, để đức tin thật sự chạm đến tâm hồn chúng ta. Sự trợ giúp này ta gặp thấy đầu tiên trong lời giáo huấn của Hội thánh: những bản văn của Công đồng Vaticanô II và sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo là những dụng cụ cốt yếu xác định cách đích thực những gì Giáo hội tin, bắt đầu từ Lời Chúa. Và tự nhiên, toàn bộ kho tàng các văn kiện mà Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan – Phaolô II cống hiến cho chúng ta cũng thuộc lời giáo huấn này, và chúng ta chưa khám phá đến cùng”.

Vì thế, chính Đức Giáo hoàng nhận biết sự liên tục trọn vẹn của Huấn quyền giữa các bản văn Công đồng Đại kết Vaticanô II và sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, khi mời gọi Giáo hội mở kho tàng tư trang hai mươi năm của Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan – Phaolô II, được khám phá còn quá ít.

Dẫn chứng của Đức Giáo hoàng trên đây giúp nêu bật hai khía cạnh trong tương quan giữa sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo và công cuộc Tân Phúc Âm hóa.

- Khía cạnh thứ nhất, ta rút ra từ chính lời nói của Bênêđíctô XVI khi ngài quả quyết: “Tất cả chúng ta đều có cảm nghiệm rằng, ta cần sự trợ giúp để thông truyền đúng đắn [Thánh Kinh] trong hiện tại, để Thánh kinh thật sự chạm đến tâm hồn chúng ta”.

Vì vậy, công cuộc loan báo Tin Mừng không phải là một việc làm đơn thuần của con người, nhưng một cách không thể cưỡng nổi công cuộc này cần một sự trợ giúp siêu nhiên, được biểu lộ qua những nguyên nhân thứ yếu (và sách Giáo lý thuộc loại nguyên nhân này): chúng giúp ta có thể truyền thông đúng đắn đức tin. Việc truyền thông này phải được xảy ra “trong hiện tại”, nghĩa là trong cái hôm nay của đời sống hằng ngày; và trong ý nghĩa đó, công cuộc loan báo Tin Mừng luôn mới, bởi nó là một đổi mới mãi mãi, trong hiện tại, để loan báo Tin Mừng; đồng thời nó canh tân, nó “làm cho mới” người đón nhận nó.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha, với một rung động hầu như mang tính tiên tri, đã tuyên bố rằng tất cả những điều đó đều cấn “để Thánh kinh thật sự chạm đến tâm hồn chúng ta”, khi tái khẳng định – luôn theo nguyên tắc phù hợp giữa đời sống cá nhân và chân lý được ghi nhận – rằng chính trong hành động loan báo Tin Mừng mà tâm hồn người kitô hữu bị đụng chạm, và do đó được mời gọi tự canh tân mình.

Dưới ánh mắt của tất cả những điều đó, một cách hợp lý ta có thể hy vọng rằng công cuộc Tân Phúc Âm hóa sẽ không được rút gọn vào một công việc phải thực hiện trong những năm sắp đến, với những sách lược của con người ít nhiều có thể thành công, nhưng trái lại nó sẽ được thể hiện theo khả năng mà tất cả Thân thể Giáo hội sẽ tuyên xưng đức tin của mình và sẽ được tái truyền giảng Tin Mừng nhờ việc tuyên xưng đức tin ấy. Công cuộc Tân Phúc Âm hóa sẽ không là kết quả của một công việc do các vị mục tử và các tín hữu thực hiện, nhưng nó sẽ trùng hợp với chính hành động loan báo Tin Mừng, mà ngay lúc hành động đó được đặt ra, nó đổi mới người thực hiện nó, và là một hạt hy vọng cho người chiêm ngưỡng và đón nhận nó.

Cách tương tự – xin cho phép tôi xa đề một chút, khi liên kết với công tác của tôi bên cạnh Thánh bộ Giáo sĩ – chúng ta có thể quả quyết rằng, công cuộc Tân Phúc Âm hóa hơi giống như việc thi hành Thừa tác vụ đối với các linh mục: không phải sự việc nào khác, so với con người, căn tính và sứ vụ của họ, nhưng điều đó trùng khớp với họ; chính trong việc thi hành Thừa tác vụ mà các linh mục tuyên xưng đức tin của mình, canh tân đức tin ấy, và đức tin trở thành một sức mạnh loan báo Tin Mừng.

- Khía cạnh thứ hai – và sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo rõ ràng thâm nhập khía cạnh này với tất cả trọng lượng của nó – được trình bày qua mối tương quan giữa việc loan báo Đức Kitô, được đón nhận như Đấng cứu thế và Đấng cứu chuộc đời sống riêng của ta, và sự tiếp nhận những gì Ngài mặc khải cho chúng ta về Ngài, về Chúa Cha, về Giáo hội và về con người.

Nói cách khác, không thể đón nhận Đức Kitô mà lại không đón nhận những gì Ngài dạy dỗ chúng ta về Thiên Chúa; không có cuộc Tân Phúc âm hóa nào lại có thể tách khỏi các chân lý đức tin, tách rời giáo lý: giáo lý nằm ở trong những chân lý ấy và tỏa sáng cho chúng.

Theo nghĩa đó, sự nhận thức, việc phổ biến và sức thấm nhập dần dần của Giáo lý Hội thánh Công giáo vào những tầng lớp Giáo hội, đã làm một công việc của Tân Phúc Âm hóa, bởi nó sẽ không làm gì khác hơn là chiếu tỏa sức mạnh riêng của nó vào trong xã hội dân sự đang cần được tái truyền giảng Tin Mừng.

Ngay bốn phần của sách Giáo lý Hội thánh Công giáo: đức tin được tin tưởng, đức tin được cử hành,đức tin được sống động, và đức tin được cầu nguyện cũng trung thành và đề nghị lại dàn bài của sách Giáo lý Rôma ad parrocos, được soạn thảo sau Công đồng Trentô – Bốn phần này đã manh nha chứa đựng những gì mà ta có thể nhận ra như bốn chiều hướng nền tảng của Tân Phúc Âm hóa.

Đối với tôi, hình như ta có thể nhận thấy, trong bốn chiều kích đức tin đó, cũng là những con đường quyết định cho Tân Phúc Âm hóa. Canh tân đức tin được tin tưởng chắc chắn cũng có nghĩa, như những chỉ dẫn của Thánh bộ Giáo lý Đức tin đề nghị cho Năm Đức tin, là tìm những dịp để tuyên xưng cách công khai, không quên đào sâu văn hóa vẫn luôn cần thiết, và giáo dục dần dần tư tưởng, để tư tưởng ấy sau khi thoát khỏi những mạng lưới của trần gian, có thể bắt đầu từng bước “suy luận” với những não trạng đức tin, nhờ chuyển dịch thành nếp sống cụ thể những chỉ dẫn hữu ích trong Thông điệp Fides et ratio (Đức tin và lý trí) của Đức Chân Phước Gioan – Phaolô II.

Đức tin được cử hành, như phần thứ hai của sách Giáo lý chỉ định, rõ ràng mời gọi ta tái khám phá cách mạnh mẽ ý nghĩa điều thiêng thánh trong mọi cộng đoàn chúng ta đang cử hành các bí tích. Tính hời hợt và đôi khi cả việc tầm thường hóa một số cử hành, đã tạo ra sự ác cảm đối với nghi thức, làm mất đi chiều kích mầu nhiệm của nó; đồng thời nghi thức cũng đánh mất tính hóa trị đầy ý nghĩa của mình. Người nào tin rằng, khi giảm bớt chiều kích thiêng thánh và tôn thờ, những nghi thức trở nên dễ hiểu hơn, sẽ rơi vào một ngờ vực tai hại. Luôn có một đối thoại nhiệm mầu, là công việc của Thánh Thần – và chắc chắn không phải là những cử hành “sôi nổi” của ta – giữa sức mạnh của các Bí tích được cử hành, ân huệ mà các bí tích ấy tặng ban, và linh hồn của mỗi tín hữu. Theo khả năng các Giáo hội địa phương và mỗi cộng đoàn tái khám phá ý nghĩa tôn thờ sâu xa đức tin được cử hành, mà Tân Phúc Âm hóa sẽ nhận được một sự thúc đẩy mạnh mẽ, bởi lẽ đức tin được cử hành, theo những chuẩn mực phụng vụ và trong sự tiếp nối với Truyền thống không bị gián đoạn của Hội thánh, là điều có thể vẫn đang lôi cuốn, và đức tin được cử hành cũng chính là một loan báo Tin Mừng.

Chúng ta biết rằng, chân lý được loan truyền cần được theo sát bằng sức mạnh của chứng tá như thế nào rồi. Ngay từ đầu, Kitô giáo được thiết lập trên sự hợp nhất sâu xa này, giữa chân lý được loan báo và tình yêu được sống động. Phần thứ ba của sách Giáo lý, nếu ta hiểu đúng, là một nâng đỡ quan trọng đối với việc trình bày đức tin được sống động, là đức tin luôn mang trong mình một sức mạnh loan báo Tin Mừng to lớn; bởi vì, không cần nói, nhưng đức tin ấy đang thể hiện một huấn quyền vô địch. Chúng ta đừng quên rằng, thông thường trong lịch sử, để làm cho chân lý câm lặng, người ta đã phải triệt hạ không những người công bố, mà cả kẻ đang sống đức tin. Biết bao các vị tử đạo, trong một quá khứ gần đây và ngay cả hiện nay, đã và đang làm chứng cho đức tin! Sự hợp nhất bền vững giữa đức tin được tin tưởng, đức tin được cử hành và đức tin được sống động sẽ là nhân tố năng động chính yếu của Tân Phúc Âm hóa. Chính nhờ tin tưởng, cử hành và sống động cách đích thực và trung thành hơn, mà Hội Thánh có thể canh tân sức mạnh loan báo Tin Mừng của mình.

Để kết thúc, tôi xin kết luận, Chiều kích cầu nguyện, được sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo trình bày, là trục, là nhựa sống cho Tân Phúc âm hóa. Không gì có thể được tạo lập, dù mọi nỗ lực của ta, nếu tất cả không phát sinh và trở lại với cầu nguyện: nghĩa là với sự kiện đứng trước sự hiện diện của Thiên Chúa, trong tư cách cá nhân cũng như Giáo hội, với thái độ chăm chú lắng nghe Lời Chúa và Thánh ý Chúa, để cầu cho Giáo Hội và Thế giới.

Chỉ có cầu nguyện mới là một năng lực đổi mới đích thực; và thật là khó khăn khi một người nào đó không cầu nguyện mà lại có thể nhận được, hay đúng hơn tự nhận cho mình, những đặc sủng canh tân. Biện pháp đích thực để canh tân Giáo Hội là tinh thần cầu nguyện, cũng như biện pháp của Tân Phúc Âm hóa là cầu nguyện, mà mỗi người chúng ta sẽ tái khám phá trong đời sống riêng của mình, nhờ biết lắng nghe tiếng Chúa, và kết hợp thiêng liêng với các Tông đồ, với Phêrô, trong phòng Tiệc ly chung quanh Đức Maria, Mẹ Giáo Hội.

Nguồn: giaophanphucuong.org
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter