Kính thưa quý vị thính giả, như chúng tôi đã đưa tin, ngày 12.12 vừa qua, Đức Thánh Cha đã công bố sứ điệp đầu tiên của ngài về ngày hòa bình thế giới 1.1.2014, với chủ đề “Tình huynh đệ, nền tảng và con đường dẫn tới hòa bình”
Sứ điệp này của Đức Thánh Cha bao gồm 10 số, trong đó Ngài bàn đến nhiều khía cạnh của cuộc sống, mà tâm điểm là tình huynh đệ. Ngài đã dựa vào câu chuyện của ông Cain và Aben trong sách Sáng Thế để nhận định rằng tình huynh đệ là ơn gọi và cũng là khao khát cháy bỏng của mọi con người. Nhưng con người đã vì những ích kỷ của mình mà phản bội lại ơn gọi này khi nỡ ra tay sát hại đồng loại, gây ra biết bao tai ương cho nhau. Ngài cũng trích dẫn một số Thông Điệp của các vị tiền nhiệm để gợi nhắc lại ý nghĩa của chữ “hòa bình”. Để có thể có được bình an, nhất thiết, con người không thể xem nhau như người đối nghịch nhưng như những anh chị em thân cận để quan tâm và chăm sóc. Ngài còn cho biết, con người cũng sẽ không thể có được tình huynh đệ thực sự nếu không quy chiếu đến một tình Phụ tử chung là tình yêu của Thiên Chúa.
Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quý vị toàn văn sứ điệp này của ngài:
1. Trong Sứ Điệp đầu tiên của tôi nhân ngày Hòa Bình Thế Giới, tôi xin gửi đến từng người, các cá nhân và mọi dân tộc, lời cầu chúc mong cho mọi người có được một cuộc sống đầy tràn niềm vui và an bình. Ngay nơi tâm điểm của từng người nam nữ đều có một khao khát sống một cuộc sống tròn đầy, trong đó bao hàm một khát vọng không thể kiềm chế về tình huynh đệ vốn là điều lôi kéo chúng ta đến mối hiệp thông với người khác và cho phép chúng ta nhìn đến họ không phải như những kẻ thù hay đối nghịch, như là những người anh chị em được đón nhận và được ôm ấp.
Tình huynh đệ là một chiều kích căn cốt của con người vì chúng ta là những hữu thể có tương quan. Một ý thức sống động về tương quan này sẽ giúp chúng ta nhìn nhận và đối xử với người khác như là anh chị em thực sự của mình; không có tình huynh đệ, chúng ta không thể xây dựng một xã hội công bằng và một nền hòa bình kéo dài và bền vững. Chúng ta nên nhớ rằng tình huynh đệ được học cách chung trước hết nơi gia đình, mà trên hết nhờ vào vai trò trách nhiệm và bổ túc của từng thành viên, cách riêng là của các bậc cha mẹ. Gia đình là nguồn mạch của tất cả các tình huynh đệ, và như thế nó là nền tảng và là con đường chính yếu dẫn tới hòa bình, vì ơn gọi của gia đình là lan tỏa tình yêu của nó ra thế giới chung quanh.
Số lượng các mối liên hệ đan xen và truyền thông không ngừng gia tăng trên thế giới ngày nay làm cho chúng ta ý thức cách mạnh mẽ về sự hiệp nhất và vận mệnh chung của các quốc gia trên trái đất. Trong những năng động của lịch sử cũng như trong sự đa dạng của các nhóm thiểu số, các xã hội và các nền văn hóa, chúng ta thấy được hạt mầm của lời mời gọi làm nên một cộng đồng gồm những anh chị em, những người đón nhận và chăm sóc cho nhau. Nhưng tiếng gọi này vẫn còn thường xuyên bị chối từ và làm ngơ trong một thế giới bị đánh dấu bởi một “sự lạnh nhạt mang tính toàn cầu”, vốn làm cho chúng ta khó cảm nhận được những nỗi đau khổ của người khác và chỉ đóng khung trong chính mình.
Tại nhiều vùng miền trên thế giới, dường như vẫn còn vô số những sự xúc phạm nặng nề chống lại các quyền cơ bản của con người, đặc biệt là quyền được sống và quyền tự do tôn giáo. Hiện tượng đáng buồn nhất là chuyện buôn người, trong đó cuộc sống và nỗi tuyệt vọng của người khác bị đem đi kiếm lời một cách không thương tiếc, là một ví dụ mạnh tiếng nhất về việc này. Những cuộc xung đột võ trang kéo dài bớt minh nhiên hơn nhưng không hề bớt đi sự tàn độc trong các lãnh vực kinh tế và tài chính bằng những phương tiện có thể gây ra sự hủy hoại cho sự sống, gia đình và việc kinh doanh.
Việc toàn cầu hóa, như Đức Biển Đức 16 đã nói, làm cho chúng ta gần nhau hơn, nhưng thực tế nó đã không giúp chúng ta trở thành anh chị em của nhau. Bên cạnh đó, những tình cảnh bất bình đẳng, nghèo đói, bất công là những dấu chỉ, không chỉ phản ánh việc không có một tình huynh đệ sâu sắc, nhưng còn nói lên sự thiếu vắng của một nền văn hóa liên đới. Các ý thức hệ mới, được đặc tính hóa bởi chủ nghĩa cá nhân lan tràn, chủ nghĩa quy kỷ và chủ nghĩa tiêu thụ của cải vật chất đã làm suy yếu đi các mối dây xã hội, cổ xúy cho tư tưởng “loại trừ” vốn dẫn đến việc khinh thường và bỏ mặc những người yếu thế nhất và những ai bị xem là “vô dụng”. Cứ theo lối ấy, việc con người đồng hiện hữu với nhau càng dẫn đến chuyện chỉ đơn thuần là do ut des [có qua có lại], đầy tính thực dụng và ích kỷ.
Đồng thời, dường như rất rõ là các hệ thống đạo đức đương đại không có khả năng sinh ra những mối dây huynh đệ chân thực vì tình huynh đệ mà không quy chiếu đến một vị Cha chung như là nền tảng tối hậu của nó thì không thể kéo dài lâu được. Một tình huynh đệ thực sự giữa con người giả định và đòi hỏi có một tình Phụ Tử siêu việt. Dựa trên việc nhận biết tình phụ tử này, tình huynh đệ của con người mới được củng cố: mỗi người trở nên một “người thân cận” chăm sóc cho người khác.
“Em ngươi đâu? (St 4:9)
2. Để hiểu được đầy đủ hơn ơn gọi huynh đệ giữa con người với nhau, để có thể nhận ra rõ ràng hơn những ngăn trở còn đó trong việc thực thi và xác định những cách thế để vượt qua chúng, điều quan trọng hàng đầu là phải để kế hoạch của Thiên Chúa hướng dẫn mình, vốn được trình bày cách hiển nhiên trong Kinh Thánh.
Theo trình thuật sách sáng thế, tất cả các dân tộc đều xuất phát từ tổ tiên chung là Adam và Eva, cặp đôi được Thiên Chúa dựng nên giống Người và theo hình ảnh của Người (x. St 1:26), cũng là người đã sinh ra Cain và Abel. Nơi câu chuyện của gia đình đầu tiên này, chúng ta thấy những nguồn gốc của xã hội và sự tiến hóa của các tương quan giữa các cá nhân và dân tộc.
Abel là người chăn súc vật, Cain là nông dân. Căn tính sâu sắc và ơn gọi của họ là anh em với nhau, dù có những sự khác biệt trong hành vi và văn hóa của họ, trong cách thức họ có mối tương quan với Thiên Chúa và với các thụ tạo. Việc Cain giết Abel đã là một bằng chứng đau buồn cho việc Cain loại bỏ cách triệt để ơn gọi là anh em giữa họ. Câu chuyện của họ (x. St 4:1-16) mang đến những nhiệm vụ khó khăn mà tất cả mọi người nam nữ được mời gọi sống như người một nhà, mỗi người chăm lo cho nhau. Cain, kẻ đã không chấp nhận được sự ưu ái của Thiên Chúa dành cho Abel khi ông này dâng lên Chúa con vật tốt nhất trong đàn – “Đức Chúa đoái nhìn đến Aben và lễ vật của ông, nhưng Cain và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn” (St 4:4-5), đã giết Abel vì ganh tị. Theo đó, ông cũng không chịu xem Abel là anh em mình, từ chối có tương quan tích cực với ông, và từ chối sống trước mặt Chúa, chối bỏ trách nhiệm quan tâm và bảo vệ người khác. Khi hỏi ông “em ngươi đâu?”, Thiên Chúa muốn ông phải suy nghĩ về những gì ông đã làm. Ông trả lời: “Con không biết. Con có phải là người canh giữ em con đâu?” (St 4:9). Rồi, sách Sáng Thế kể lại cho chúng ta: “Ông Cain đi xa khuất mặt Đức Chúa” (St 4:16)
Chúng ta cần phải tự vấn chính mình đâu là những nguyên do chính dẫn Cain tới việc không đếm xỉa tới mối dây huynh đệ và đồng thời, là mối dây hiệp thông vốn nối kết ông với người anh em Abel. Chính Thiên Chúa đã kết án và quở trách sự thông đồng của Cain với sự dữ: “Tội lỗi đang nằm phục ở cửa” (St 4:7). Nhưng Cain từ chối chống lại sự dữ, thay vào đó, ông vẫn quyết định đưa tay lên “chống lại em mình là Abel” (St 4:8), ông khinh thường kế hoạch của Thiên Chúa. Như thế, ông đã phá hỏng ơn gọi nguyên thủy là con cái Thiên Chúa và sống với nhau trong tình anh em.
Câu chuyện của Cain và Abel dạy chúng ta rằng chúng ta có một ơn gọi cố hữu trở thành anh chị em của nhau, nhưng chúng ta cũng có khả năng phản bội lại ơn gọi ấy. Điều này được phản ánh trong những hành vi ích kỷ hàng ngày của chúng ta, vốn nằm ngay nơi tâm điểm của các cuộc chiến tranh và những bất công: nhiều người đã chết dưới bàn tay của anh chị em mình, những người đã không nhìn nhận họ như là những hữu thể được dựng nên cho một mối dây hỗ tương, cho sự hiệp thông và trao ban chính mình.
“Còn tất cả anh em đều là anh em của nhau” (Mt 23:8)
3. Câu hỏi tự nhiên bộc lên: liệu mọi người trên thế giới này có bao giờ đáp lại cách trọn vẹn khao khát một tình huynh đệ mà Thiên Chúa đã đặt trong họ chưa? Họ đã nỗ lực bằng sức của mình để vượt qua những lạnh nhạt, chủ nghĩa ích kỷ và căm ghét, và để đón nhận những khác biệt chính đáng làm nên cá tính của anh chị em mình chưa?
Diễn giải lại những lời nói của Đức Giêsu, chúng ta có thể tóm tắt lại câu trả lời mà Người đã đưa ra: “Vì anh em chỉ có một Cha trên trời, là Thiên Chúa, nên tất cả các con là anh chị em của nhau” (x. Mt 23:8-9). Căn bản của tình huynh đệ được tìm thấy nơi tình phụ tử của Thiên Chúa. Chúng ta không nói về một tình phụ tử theo giống loài, xa xăm và chẳng có tác dụng gì về mặt lịch sử nhưng đúng hơn là một tình yêu cá vị cụ thể đặc biệt và ngoại thường của Thiên Chúa dành cho mỗi người nam và nữ (x. Mt 6:25-30). Thế nên, đó là một tình phụ tử làm phát sinh ra tình huynh đệ, vì tình yêu của Thiên Chúa, khi được đón nhận, sẽ trở thành phương tiện có sức mạnh mẽ nhất làm biển đối sự hiện hữu và tương quan với người khác, giúp con người mở ra với sự liên đới và sự sẻ chia tích cực.
Cách đặc biệt, tình huynh đệ giữa con người với nhau được tái tạo lại trong và nơi Đức Giêsu Kitô qua cái chết và sự phục sinh của Người. Thánh giá là “quy điểm” tuyệt đối của nền tảng tình huynh đệ mà con người không thể tự mình làm phát sinh ra. Đức Giêsu Kitô, Đấng đã mặc lấy xác phàm để cứu độ con người, yêu mến Chúa Cha đến nỗi chết trên cây thập giá (x. Pl 2:8), đã qua cái chết của Người mà làm cho chúng ta trở thành một nhân loại mới, trong sự hiệp thông trọn trẹn với thánh ý Thiên Chúa, với kế hoạch của Người, vốn bao hàm một sự hiện thực trọn vẹn ơn gọi của chúng ta là anh chị em với nhau.
Ngay từ đầu, Đức Giêsu đã mang lấy kế hoạch của Cha, chân nhận tính ưu tiên của nó trên mọi thứ khác. Nhưng Đức Kitô, qua việc hiến mình cho đến chết vì tình yêu dành cho Cha, đã trở nên một nguyên lý mới và dứt khoát dành cho tất cả chúng ta; chúng ta được mời gọi để nhìn nhận nhau như là anh chị em trong Người, vì chúng ta đều là con cái của cùng một Cha. Chính Người là giao ước mới; nơi con người của Người, chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa và với anh chị em mình. Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá cũng mang đến cái kết cho sự chia rẽ giữa các dân tộc, giữa dân của Giao Ước và dân ngoại, những người bị tước mất niềm hy vọng vì cho đến giây phút ấy, họ bị xem không phải là một phần của Lời Hứa. Như chúng ta đọc thấy trong Thư gửi tín hữu Êphêxô, Đức Giêsu Kitô là Đấng đã giao hòa tất cả mọi người trong Người. Người là sự bình an, vì Người đã làm cho hai dân tộc thành một, phá vỡ đi bức tường ngăn cách chia rẽ họ, chính là sự thù nghịch giữa họ. Người đã sáng tạo nơi Người một dân duy nhất, một con người mới duy nhất, một nhân loại mới duy nhất (x. Ep 2:14-16).
Những ai đón nhận cuộc đời của Đức Kitô và sống trong Người thì cũng nhìn nhận Thiên Chúa là Cha và trao dâng chính mình hoàn toàn cho Người, yêu Người trên hết mọi sự. Người nào đã được hòa giải thì nhìn thấy nơi Thiên Chúa hình ảnh vị Cha chung của tất cả và kết quả là, người ấy được thúc đẩy đến việc sống một cuộc sống huynh đệ mở ra với tất cả. Trong Đức Kitô, người khác được đón nhận và được yêu thương như một người con của Thiên Chúa, như anh chị em, chứ không phải như một người lạ, càng không phải như người đối nghịch hay thậm chí là kẻ thù. Trong gia đình của Thiên Chúa, nơi tất cả đều là con cái của cùng một Cha, và vì họ được đính vào Đức Kitô, những người con trong Người Con, không hề có “những cuộc sống bị bỏ đi”. Tất cả mọi người cùng vui hưởng một phẩm giá ngang bằng và bất khả xâm phạm. Tất cả mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương. Tất cả mọi người đều được cứu chuộc bởi Bửu Huyết của Đức Kitô, Đấng đã chết trên cây Thập Giá và phục sinh cho tất cả. Đó là lý do giải thích vì sao không ai có thể dửng dưng trước số phận của anh chị em mình.
Tình huynh đệ, nền tảng và con đường dẫn tới hòa bình
4. Như những gì vừa được nói, thật dễ dàng để nhận ra rằng tình huynh đệ là nền tảng và là con đường dẫn tới hòa bình. Những thông điệp xã hội mà các Vị Tiền Nhiệm của tôi đã viết có thể rất hữu ích trong vấn đề này. Lấy từ các định nghĩa thế nào là hòa bình trong các Thông điệp Populorum Progressio của Đức Phaolô VI và Sollicitudo Rei Socialis của Đức Gioan Phaolô II thiết nghĩ cũng đã đủ rồi. Trong Thông Điệp thứ nhất, chúng ta thấy rằng sự phát triển trọn vẹn của các dân tộc là cái tên mới của chữ hòa bình. Trong Thông Điệp thứ hai, chúng ta kết luận rằng hòa bình là một opus solidaritatis [hoa trái của tình liên đới].
Đức Phaolô VI đã nói rằng không chỉ các cá nhân nhưng là các quốc gia cũng phải gặp gỡ nhau trong tinh thần huynh đệ. Ngài nói: “Trong tình bằng hữu và sự hiểu biết hỗ tương này, trong mối hiệp thông thánh này, chúng ta cũng phải … làm việc cùng nhau để xây dựng một tương lai chung của toàn nhân loại”. Một mặt, nhiệm vụ này thuộc về những người có ưu thế nhất. Những nghĩa vụ của họ được bám rễ trong tình huynh đệ vừa mang tính siêu nhiên và vừa mang tính con người, và được diễn tả theo ba cách: nghĩa vụ liên đới vốn đòi hỏi những quốc gia giàu hơn trợ giúp cho những quốc gia kém phát triển hơn; nghĩa vụ công bằng xã hội vốn đòi hỏi việc tái cấu lại các tương quan giữa các dân tộc mạnh hơn và yếu hơn để nhắm tới sự công bằng lớn hơn; và nghĩa vụ bác ái phổ quátvốn đòi hỏi sự xây dựng một thế giới nhân văn hơn cho tất cả, một thế giới mà trong đó mỗi nước đều có cái gì đó để cho đi và nhận lãnh, mà không có chuyện nước này gây cản trở cho sự phát triển của người khác.
Nếu chúng ta xem hòa bình như là opus solidaritatis, chúng ta không thể không thừa nhận rằng tình huynh đệ là nền tảng cốt yếu của nó. Hòa bình như Đức Gioan Phaolô II đã nói, là một điều tốt lành không thể chia cắt. Hoặc là nó tốt cho tất cả hoặc là chẳng tốt cho ai. Nó có thể thực sự được đạt tới và vui hưởng, như là điều cao cả nhất của cuộc sống và là một sự phát triển nhân văn hơn và có thể đạt được, chỉ khi tất cả mọi người đều được sự liên đới hướng dẫn như “một quyết định chắc chắn và bền bỉ trong việc dấn thân của mỗi người dành cho công ích”. Điều đó không có nghĩa là được hướng dẫn bởi một “khát vọng lợi ích” hay một “khát khao quyền lực”. Điều cần thiết là sẵn sàng “quên mình” vì lợi ích của người khác hơn là khai thác họ, và “phục vụ họ” thay vì áp bức họ vì lợi ích của riêng chúng ta. […]“Cái khác này – dù là một con người, dân tộc hay quốc gia – không được xem như chỉ một thứ công cụ nào đó, có khả năng làm việc và sức mạnh thể lý để bị khai thác với bất cứ giá nào, và rồi vứt bỏ đi khi không còn hữu ích nữa, nhưng phải được nhìn nhận là “người thân cận” của tôi, một “sự trợ giúp” của tôi.”
Tình liên đới Kitô giáo giả định rằng người thân cận của chúng ta được yêu mến không chỉ như “một con người với những quyền lợi riêng của họ và một sự ngang bằng nền tảng với người khác, nhưng như là một hình ảnh sống động của Thiên Chúa Cha, được bửu huyết của Đức Giêsu Kitô cứu chuộc và được đặt dưới tác động miên viễn của Thánh Thần”, như người anh chị em. Như Đức Gioan Phaolô II đã lưu ý: “Ở điểm này, một ý thức về tình phụ tử chung của Thiên Chúa, tình huynh đệ của tất cả trong Đức Kitô – ‘con trong Người Con’ – và sự hiện diện và hành vi trao ban sự sống của Thánh Thần, sẽ mang đến cho thế giới quan của chúng ta một tiêu chí mới để giải thích nó”, để thay đổi nó.
Tình huynh đệ, một điều kiện tiên quyết trong cuộc chiến chống lại nghèo đói.
5. Trong Thông Điệp Caritas in Veritate, Vị Tiền Nhiệm của tôi đã nhắc nhở thế giới việc thiếu đi tình huynh đệ giữa các dân tộc và giữa con người với nhau là một nguyên nhân quan trọng cho cái nghèo như thế nào. Trong nhiều xã hội, chúng ta đang trải nghiệm một cái nghèo tương quan sâu sắc như kết quả của việc thiếu đi những mối tương quan cộng đồng và gia đình bền chặt. Chúng ta bận tâm nhiều về sự gia tăng của những kiểu khốn khổ khác nhau, việc loại trừ ra bên lề xã hội, của việc cô lập và các hình thức lệ thuộc bệnh hoạn khác. Kiểu nghèo này chỉ có thể được vượt qua nhờ việc tái khám phá và đánh giá các mối tương quan huynh đệ nơi tâm điểm của các gia đình và cộng đồng, qua việc chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn và những thành công vốn là một phần của cuộc sống con người.
Hơn nữa, nếu một mặt chúng ta đang thấy sự suy giảm trong cái nghèo tuyệt đối, thì đằng khác chúng ta không thể không thừa nhận rằng có một sự gia tăng nghiêm trọng trong cái nghèo tương đối, đó là những trường hợp bất bình đẳng giữa các dân tộc và nhóm người sống với nhau trên những vùng lãnh thổ nào đó hay trong một bối cảnh văn hóa-lịch sử xác định nào đó. Theo nghĩa này, thật cần thiết biết bao khi có những chính sách hiệu quả để thăng tiến nguyên tắchuynh đệ, đảm bảo cho con người – vốn bình đẳng về nhân phẩm và các quyền cơ bản – có được “nguồn vốn”, các dịch vụ, nguồn giáo dục, chăm sóc sức khỏe và kỹ thuật để mỗi người có thể có được cơ hội diễn tả và nhận ra dự phóng cuộc đời của họ và phát triển trọn vẹn như một con người.
Người ta cũng thấy nhu cầu cần có những chính sách giúp làm nhẹ bớt sự bất quân bình thái quá giữa các nguồn thu. Chúng ta không được quên rằng giáo huấn của Giáo Hội trên cái gọi là thế chấp xã hội, cho rằng “là hợp pháp, như Thánh Tôma Aquinô nói và thật sự cần thiết khi con người có quyền sở hữu tài sản”, trong mức độ liên quan đến việc sử dụng, “họ sở hữu chúng không chỉ như của riêng nhưng còn như của chung, theo nghĩa là không chỉ riêng mình họ nhưng cả người khác cũng được hưởng lợi từ tài sản”.
Cuối cùng, cũng có một hình thức khác giúp thăng tiến tình huynh đệ - và vì thế loại trừ nghèo đói – vốn phải nằm ở nền tảng của tất cả những hình thức khác. Đó là việc bức mình ra của những ai chọn sống một lối sống chín chắn và căn bản, những người nỗ lực trải nghiệm mối hiệp thông huynh đệ với những người khác bằng việc chia sẻ của cải của mình. Đây là yếu tố nền tảng của việc bước theo Đức Giêsu Kitô và trở thành một Kitô hữu thực thụ. Đó không chỉ là trường hợp của những người sống đời thánh hiến tuyên khấn khó nghèo, nhưng còn là của nhiều gia đình và các công dân có trách nhiệm, những người đã xác quyết tin nhận rằng chính mối tương quan huynh đệ của họ với những người chung quanh mới làm nên điều tốt đẹp quý giá nhất của họ.
Tái khám phá tình huynh đệ trong môi trường kinh tế
6. Những cuộc khủng hoảng lớn về kinh tế và tài chính hiện nay – vốn bắt nguồn từ việc con người càng ngày càng xa Thiên Chúa và xa nhau, thể hiện một phần trong việc theo đuổi tham vọng của cải vật chất, mặt khác là việc làm kiệt quệ các tương quan cộng đồng và tương quan liên vị - đã đẩy con người đến chỗ tìm kiếm thỏa mãn, hạnh phúc và an toàn trong việc tiêu thụ và thu nhập cao hơn so với nguyên lý của nền kinh tế lành mạnh. Vào năm 1979, Đức Gioan Phaolô II đã gợi nhắc đến “một mối nguy có thể nhận thấy thực sự là trong khi sự thống trị của con người trên thế giới vật chất đang đạt được những thuận lợi đáng kể, thì con người cũng đánh mất đi những kết nối cần thiết trong việc thống trị và trong nhiều cách thế khác nhau, con người để nhân tính của mình bị lệ thuộc vào thế giới và chính mình trở nên lệ thuộc vào những lươn lẹo theo nhiều cách – thậm chí những lươn lẹo này thường không được nghiệm thấy cách trực tiếp – thông qua toàn bộ cơ cấu đời sống cộng đồng, qua hệ thống sản xuất và qua áp lực từ các phương tiện truyền thông xã hội.”
Một chuỗi nối tiếp nhau các khủng hoảng kinh tế có thể mang đến các cơ hội tái suy nghĩ về những kiểu mẫu phát triển kinh tế của chúng ta và một sự thay đổi trong các nếp sống. Những khủng hoảng ngày nay, thậm chí là với những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống con người, cũng có thể cung cấp cho chúng ta một cơ hội tốt để tái khám phá lại các nhân đức khôn ngoan, can đảm, công bằng, tiết độ. Những nhân đức này có thể giúp chúng ta vượt qua những giây phút khó khăn và phục hồi lại những mối dây huynh đệ nối kết chúng ta lại với nhau, với một sự tin tưởng sâu thẳm rằng nhân loại cần và có thể đạt được cái gì đấy lớn hơn là tối đa hóa lợi ích cá nhân mình. Trên hết, những nhân đức này rất cần thiết để xây dựng và bảo tồn một xã hội phù hợp với phẩm giá con người.
Tình huynh đệ dập tắt chiến tranh
7. Trong năm qua, rất nhiều anh chị em của chúng ta đang phải tiếp tục chịu đựng những kinh nghiệm hủy hoại của chiến tranh, vốn đã tạo ra những vết thương nặng nề và sâu thẳm gây tổn hại đến tình huynh đệ.
Rất nhiều trong số đó là những cuộc xung đột diễn ra ngay giữa những lạnh lùng nói chung. Đối với những ai sống trong những vùng đất, nơi xảy ra những vụ khủng bố và phá hủy với những loại vũ khí, tôi bảm bảo rằng cá nhân tôi và toàn Giáo Hội luôn ở gần bên các bạn, vì sứ mạng của Giáo Hội là mang tình yêu của Đức Kitô đến cho những nạn nhân không có sức kháng cự của những cuộc chiến tranh qua lời cầu nguyện xin ơn bình an, và việc phục vụ dành cho những ai bị thương, người đói, người tị nạn, người bị trục xuất và tất cả những ai đang sống trong sợ hãi. Giáo Hội cũng lên tiếng xin các nhà lãnh đạo hãy nghe tiếng khóc than đau đớn của những nỗi khốn khổ và mau kết thúc mọi hình thức căm hờn, lạm dụng và xâm phạm các quyền căn bản của con người.
Vì lý do này, tôi mạnh mẽ thỉnh cầu những ai đang gieo rắc bạo lực và cái chết bằng sức mạnh vũ trang: đừng nhìn thấy nơi con người ngày nay chỉ như một kẻ thù cần phải gây chiến, nhưng hãy nhìn nhận họ như những anh chị em của mình và hãy rút tay lại! Hãy từ bỏ các hình thức vũ khí và đi ra gặp gỡ người khác trong đối thoại, tha thứ và hòa giải, để có thể tái dựng xây hòa bình, niềm tin và hy vọng chung quanh các bạn! “Từ quan điểm này, rõ ràng là, đối với mọi dân tộc trên thế giới, những cuộc xung đột vũ trang luôn luôn là một sự phủ nhận có cân nhắc sự hòa hợp quốc tế, và tạo ra những chia rẽ sâu sắc và những vết thương sâu thẳm mà phải nhiều năm sau mới chữa lành được. Chiến tranh là một sự chối từ cụ thể công cuộc theo đuổi những mục tiêu xã hội và kinh tế to lớn mà cộng đồng quốc tế đã tự mình thiết định”.
Tuy nhiên, trong khi một lượng lớn các võ khí đang lưu hành ở hiện tại, thì người ta có thể viện nhiều cớ mới để phát động những cuộc chiến tranh. Vì thế, tôi xin mượn lời thỉnh nguyện của các vị tiền nhiệm của tôi, mong các bạn hãy hạn chế các loại võ khí tiêu diệt hàng hoạt và giải giáp các bên tham chiến, bắt đầu với việc giải giáp các loại vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không quên nhìn nhận rằng các thỏa thuận quốc tế và luật quốc gia – dù đã đủ và rất lý tưởng – tự bản thân chưa đủ để bảo vệ nhân loại khỏi nguy cơ xung đột võ khí. Một sự hoán cải của con tim là rất cần thiết vốn cho phép mỗi người nhận ra nơi người khác một người anh chị em của mình để chăm sóc và cùng làm việc với nhau để xây dựng một cuộc sống tròn đầy hơn cho tất cả mọi người. Đây chính là tinh thần đã giúp soi sáng cho nhiều sáng kiến trong xã hội dân sự, bao gồm cả các tổ chức tôn giáo, để thăng tiến hòa bình. Tôi tỏ bày niềm hy vọng của mình rằng những dấn thân hằng ngày của tất cả mọi người sẽ tiếp tục sinh hoa kết trái và sẽ có một sự ứng dụng hiệu quả trong luật pháp quốc tế về quyền được hưởng hòa bình như một quyền cơ bản của con người và là một điều kiện tiên quyết cần thiết cho các quyền khác.
Tham nhũng và tội phạm có tổ chức đe dọa tình huynh đệ
8. Biên cương của tình huynh đệ cũng phải kể tới nhu cầu đạt đến sự tròn đầy của mỗi người. Những tham vọng chính đáng của con người, đặc biệt là của những người trẻ, không được bị ngăn trở hay phản đối, và cũng không được để hy vọng hiện thực hóa chúng của con người bị đánh mất đi. Tuy nhiên, tham vọng không được lầm lẫn với lạm dụng quyền lực. Trái lại, con người phải cạnh tranh với nhau trong một sự tôn trọng lẫn nhau (x. Rm 12:10). Khi gặp những bất đồng, vốn là điều không thể tránh được trong cuộc sống, chúng ta phải luôn nhớ rằng chúng ta là anh chị em của nhau và vì thế, chúng ta phải dạy bảo nhau không được xem người thân cận như kẻ thù hay như một kẻ đối nghịch cần phải bị loại trừ.
Tình huynh đệ tạo ra hòa bình xã hội vì nó kiến tạo một sự quân bình giữa tự do và công lý, giữa trách nhiệm cá nhân và sự liên đới, giữa thiện ích của các cá nhân và thiện ích chung. Và vì thế, một cộng đồng chính trị phải hành xử sao cho minh bạch và trách nhiệm vì tất cả những điều này. Các công dân phải cảm thấy chính mình được các thẩm quyền công đại diện trong sự tôn trọng tự do của họ. Tuy nhiên, thường thì các lợi ích phe phái cứ làm chia rẽ các công dân với các cơ chế, làm méo mó tương quan này, gây ra một bầu khí xung đột kéo dài.
Một tinh thần huynh đệ chân thực sẽ vượt qua được những ích kỷ cá nhân vốn là cái xung khắc với khả năng sống trong tự do và hòa hợp với nhau của con người. Về mặt xã hội, dù được thể hiện dưới những hình thức tham nhũng, hay rộng rãi hơn ngày nay trong việc hình thành những tổ chức tội phạm, kiểu ích kỷ ấy đã phát triển từ những nhóm nhỏ đến các nhóm có tổ chức ở phạm vi toàn cầu. Những nhóm này đã làm lũng đoạn nền pháp lý và công bình, tấn công vào ngay tâm điểm của phẩm giá con người. Những tổ chức này chống lại Thiên Chúa cách nặng nề, chúng gây tổn thương cho người khác và làm hại đến công trình tạo dựng, càng nguy hại hơn khi nó mang sắc thái tôn giáo.
Tôi cũng nghĩ đến những thảm kịch đau lòng của việc nghiện ngập, trục lợi với một sự xem thường luật luân lý và pháp luật nhà nước. Tôi nghĩ đến việc tàn phá các tài nguyên thiên nhiên và vấn đề ô nhiễm đang diễn ra và việc bóc lột sức lao động. Tôi cũng nghĩ đến việc buôn bán tiền tệ bất hợp pháp và đầu cơ tài chánh, vốn gây ra những hậu quả không tốt và tai hại cho toàn bộ các hệ thống xã hội và kinh tế, đẩy hàng triệu người đến chỗ nghèo túng. Tôi nghĩ đến chuyện mại dâm, một nghề làm giàu từ các nạn nhân vô tội, đặc biệt là người trẻ, cướp đi tương lai của họ. Tôi nghĩ đến những kinh tởm của việc buôn người, tội phạm và lạm dụng chống lại những người yếu thế, tình trạng nô lệ vẫn còn đang tồn tại ở một số vùng trên thế giới; tình trạng thường xuyên bị bỏ quên của những người tị nạn, vốn là nạn nhân của những thao túng phi pháp đáng hỗ thẹn. Như Đức Gioan XXIII có viết: “Một xã hội đặt nền trên các tương quan quyền lực thì chẳng có gì gọi là nhân văn. Thay vì tìm cách giúp con người lớn lên và hoàn thiện, xã hội ấy chỉ cổ võ những áp bức và giới hạn tự do của con người”. Tuy nhiên, con người có thể thay đổi; họ không bao giờ được thất vọng trong việc có thể thay đổi cuộc sống của mình. Tôi mong ước đây là một thông điệp hy vọng và tin tưởng cho tất cả mọi người, kể cả những ai đã thực hiện những tội ác nặng nề, vì Thiên Chúa không muốn tội nhân phải chết nhưng muốn người ấy hoán cải và được sống (x. Ez 18:23)
Trong bối cảnh rộng lớn các mối tương quan xã hội con người, khi chúng ta nhìn thấy tội ác và hình phạt, chúng ta không thể không nghĩ đến những điều kiện phi nhân trong nhiều nhà tù, nơi mà những ai bị giam cầm thường bị giáng xuống tình trạng thấp hơn con người với một sự vi phạm nhân phẩm và ý muốn và khát khao phục hồi của họ bị làm hao mòn. Giáo Hội hoạt động rất nhiều trong những môi trường này, phần lớn là trong thinh lặng. Tôi ủng hộ và khuyến khích mỗi người hãy làm hơn nữa, với một niềm hy vọng rằng những nỗ lực được thực thi trong lĩnh vực này của rất nhiều các thiện nam tín nữ ngày càng được nâng đỡ, cách công bằng và chân thành, bởi các thẩm quyền dân sự.
Tình huynh đệ giúp bảo tồn và nuôi dưỡng thiên nhiên
9. Gia đình nhân loại đã nhận được từ Tạo Hóa một món quà chung: thiên nhiên. Cái nhìn Kitô hữu về tạo dựng bao hàm một cái nhìn tích cực về tính hợp pháp của những can thiệp vào thiên nhiên khi những can thiệp ấy nhằm hưởng lợi từ chúng và được thực thi một cách có trách nhiệm, nghĩa là, qua việc thừa nhận những “quy luật văn phạm” được ghi khắc trong thiên nhiên và sử dụng cách khôn ngoan các nguồn tài nguyên nhằm ích chung, tôn trọng nét đẹp, cùng đích tính và hữu dụng tính của mỗi sinh vật và vị trí của chúng trong hệ sinh thái. Tắt một lời, thiên nhiên nằm trong sự định đoạt của chúng ta và chúng ta được mời gọi để quản lý chúng một cách có trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng ta thường bị những tham vọng và sự ngạo mạn của việc chiếm hữu, sở hữu, lươn lẹo và khai thác lôi kéo; chúng ta không bảo tồn thiên nhiên; cũng không coi trọng nó hay xem nó như một món quà quý báu mà chúng ta phải chăm sóc và sử dụng để phục vụ anh chị em mình, kể cả các thế hệ tương lai.
Cách đặt biệt, lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất hàng đầu với thiên hướng chủ yếu là cải tạo và bảo vệ các nguồn tài nguyên để nuôi sống con người. Thế nên, tình trạng nghèo nói liên tục trên thế giới thúc đẩy tôi đến việc chia sẻ với các bạn câu hỏi này: Chúng ta đang sử dụng các tài nguyên của trái đất như thế nào? Các xã hội đương đại cũng nên suy nghĩ về thứ bậc những ưu tiên mà việc sản xuất hướng đến. Đích thực là nghĩa vụ cấp bách khi ta sử dụng các nguồn tài nguyên của trái đất sao cho mọi người đều được thoát khỏi cái nghèo. Những sáng kiến và các giải pháp có thể nghĩ ra thì rất nhiều, nhưng lại không giới hạn vào việc tăng gia sản xuất. Ai cũng biết việc sản xuất hiện tại là đủ, nhưng lại có hàng triệu người tiếp tục chịu đau khổ và chết đói, và đây là một đáng ô nhục thực sự. Thế nên, chúng ta cần tìm ra cách thức giúp nhiều người có thể thụ hưởng được những lợi ích từ những hoa quả của trái đất, không chỉ là tránh khoảng cách càng ngày càng lớn giữa những người có nhiều và những người phải cố gắng hài lòng với những mảnh vụn, nhưng trên hết vì đó là vấn đề của công bình, bình đẳng và tôn trọng mỗi người. Theo đó, tôi xin gợi nhắc mọi người về mục tiêu phổ quát cần thiết về tài sản vốn là một trong những nguyên tắc nền tảng của giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Tôn trọng nguyên tắc này là điều kiện thiết yếu để dễ dàng mang đến cho người khác một cách hiệu quả và công bằng những sản phẩm thiếu yếu và quan trọng mà mỗi người đều cần và có quyền thụ hưởng.
Kết luận
10. Tình huynh đệ cần được khám phá, được yêu mến, được trải nghiệm, được loan báo và làm chứng. Nhưng chỉ có tình yêu, được trao ban như một tặng phẩm từ Thiên Chúa, mới có thể giúp chúng ta đón nhận và trải nghiệm tình huynh đệ cách tròn đầy.
Chủ nghĩa hiện thực cần thiết của các nền chính trị và kinh tế không thể bị giản lược thành một kiểu cơ cấu kỹ thuật, mất đi các lý tưởng và bỏ qua chiều kích siêu việt của con người. Khi con người không mở ra với Thiên Chúa, thì từng hành vi của con người cũng sẽ bị kiệt quệ và nhân vị sẽ bị giản lược thành đối tượng để có thể bị khai thác. Chỉ khi chính trị và kinh tế mở ra để đi vào trong không gian rộng mở được đảm bảo bởi Đấng yêu mến từng người một thì chúng mới có thể đạt được một cấu trúc trật tự đặt nền tảng trên một tinh thần bác ái huynh đệ chân thực và trở nên khí cụ hữu hiệu cho sự phát triển và hòa bình trọn vẹn của con người.
Những người Kitô hữu chúng ta tin rằng trong Giáo Hội, chúng ta là những chi thể của cùng một thân thể duy nhất, tất cả chúng ta cần đến nhau, vì mỗi người chúng ta được trao ban cho một đặc ân tùy theo thước đo ân sủng của Đức Kitô và vì công ích (x. Ep 4:7,25; 1 Cor 12:7). Đức Kitô đã đến trong thế giới này để mang đến cho chúng ta ơn sủng từ trời, nghĩa là, khả năng thông dự vào sự sống của Người. Điều này đòi buộc chúng ta phải đan quyện một khung các tương quan huynh đệ, đánh dấu bằng sự hỗ tương, sự tha thứ và hoàn toàn hiến thân mình, theo như chiều rộng và chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người trong Đấng đã nhờ cái chết và sự phục sinh lôi kéo chúng ta đến với Người: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em. Người ta sẽ biết anh em là môn đệ Thầy nếu anh em yêu thương nhau” (Ga 13:34-35). Đây chính là tin vui đòi hỏi từng người chúng ta thực hiện một bước tiến nữa, thực hành liên lỉ sự cảm thông, lắng nghe những nỗi đau khổ và hy vọng của nười khác, thậm chí là những ai ở xa chúng ta nhất và bước đi trên con đường tình yêu ấy, một tình yêu sẽ giúp ta biết phải trao ban thế nào và dùng chính mình cách tự do vì lợi ích của anh chị em mình.
Đức Kitô đã ôm trọn lấy toàn thể nhân loại và không muốn ai bị lạc mất. “Vì Thiên Chúa đã sai Con của mình đế thế gian, không phải để kết án thế gian, nhưng là để thế gian được cứu độ nhờ Người (Ga 3:17). Người đã làm điều đó mà không cưỡng bức hay ép buộc ai mở cho Người cánh cửa của con tim và tâm trí. “Người lớn nhất trong các con phải trở thành người nhỏ nhất và người đứng đầu phải là người phục vụ” – Đức Giêsu Kitô nói – “Ta ở giữa các con như người phục vụ” (Lc 22:26-27). Vì thế, mỗi hành vi được trở nên cao quý nhờ thái độ phục vụ những người khác, đặc biệt là những người ở xa và ít được biết đến. Phục vụ là linh hồn của tình huynh đệ xây dựng hòa bình.
Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ Đức Giêsu, giúp chúng ta hiểu và sống mọi ngàytình huynh đệ vốn bắt nguồn từ thánh tâm con Mẹ, để chúng ta có thể mang bình an đến cho mọi người trên trái đất yêu dấu này của chúng ta.
Từ Vatican, 8.12.2013
(chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ)