Tại Việt Nam và nhất là tại Trung Hoa, người ta có tục tảo hôn, cha mẹ định liệu việc vợ chồng cho con cái từ khi chúng còn nhỏ. Trong tác phẩm “Vượt khỏi Đông và Tây”, tác giả John Wu đã mô tả như sau: “Trước đám cưới, vợ tôi và tôi chả bao giờ thấy mặt nhau. Cả hai chúng tôi đều được giáo dục theo đường lối cổ xưa của người Trung Hoa. Bố mẹ đã đính hôn chúng tôi với nhau khi chúng tôi mới lên sáu. Đến năm mười mấy tuổi tôi mới biết được nhà nàng ở đâu. Tôi khao khát được thoáng nhìn nàng thử xem, nên thỉnh thoảng lúc tan học về, tôi cố tình đi ngang qua nhà nàng, thế nhưng chả bao giờ tôi được may mắn nhìn thấy nàng”.
Từ đoạn văn trên chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được mối liên hệ giữa thánh Giuse và Mẹ Maria trước lúc Chúa chào đời. Theo tập tục Do Thái, mỗi cuộc hôn nhân thường trải qua ba giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất là đính hôn. Việc này thường do cha mẹ hay người mai mối thực hiện, còn đôi bạn trẻ thường chẳng hề biết trước về cuộc đính hôn này.
Giai đoạn thứ hai là hứa hôn. Giai đoạn này thường kéo dài một năm để đôi bạn có dịp quen biết nhau... Khi đã hứa hôn, thì mọi người đều xem đôi bạn như là vợ chồng, mặc dù họ chưa thực sự chung sống với nhau. Lễ hứa hôn này được tổ chức rất long trọng, nên chỉ có sự ly dị mới xoá bỏ được nó.
Giai đoạn thứ ba là kết hôn theo đúng nghĩa. Thánh Giuse hay tin Mẹ Maria có thai khi hai người ở trong giai đoạn thứ hai, tức là đã hứa hôn với nhau.
Tuy nhiên tôi muốn chia sẻ về một điểm khác quan trọng hơn, đó là việc Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thánh Matthêu đã khởi đầu Phúc Âm bằng việc trích dẫn lời tiên tri Isaia: Một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên Con Trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đồng thời thánh Matthêu cũng đã kết thúc Phúc Âm bằng lời hứa của Chúa Giêsu: Này đây Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Vậy thì Thiên Chúa, Ngài đã ở cùng chúng ta như thế nào?
Trước hết, Ngài hiện diện giữa chúng ta qua việc sáng tạo, và đặc biệt qua quyền năng nâng đỡ của Ngài, bởi vì Ngài không phải chỉ tạo dựng mà còn gìn giữ nó được tồn tại trong một trật tự lạ lùng cho đến ngày hôm nay.
Tiếp đến, Ngài còn hiện diện giữa chúng ta qua lời Ngài trong Kinh Thánh. Chúng ta có thể sánh ví Kinh Thánh như là một bức thư của người cha gởi cho con cái mình. Người cha biểu lộ ý nghĩ của mình cho con cái trong bức thư như thế nào thì Thiên Chúa cũng mạc khải ý nghĩ của Ngài cho chúng ta trong Kinh Thánh như vậy.
Cuối cùng Ngài hiện diện giữa chúng ta một cách đặc biệt qua Đức Kitô, Con Một của Ngài. Cùng với việc giáng sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa đã bước thêm một bước khổng lồ để đến và cư ngụ giữa chúng ta. Đồng thời nhờ đó chúng ta có thể nhìn ngắm, lắng nghe chính Thiên Chúa. Hay nói một cách khác với mầu nhiệm Giáng Sinh, Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta qua một cách cụ thể và sống động qua một con người bằng máu thịt của Đức Kitô.