CÁ NHÂN.
Gia đình là gì và nắm giữ vai trò nào ?
Mở cuốn “Tự điển Việt Nam” của Lê văn Đức, tôi thấy tác giả đã đưa ra ba định nghĩa như sau :
Trước hết, gia đình là một đơn vị, một nhà gồm hai vợ chồng và con cái mình. Đó là ý nghĩa chặt chẽ nhất chúng ta thường dùng để nói về gia đình.
Tiếp đến, gia đình là một dòng họ, gồm tất cả ông bà, cha mẹ, con cháu cùng chung một huyết thống. Đó là ý nghĩa rộng rãi hơn.
Từ đặc tính này, chúng ta đi tới một nghĩa bóng, một ám chỉ, gia đình là một đoàn thể, một tổ chức như khi chúng ta nói : Gia đình giáo xứ An sơn, gia đình con Đức Mẹ….
Theo tôi nghĩ thì gia đình là nơi qui tụ những người cùng sống dưới một mái nhà, liên hệ với nhau bằng sợi giây tình thương.
Mỗi định nghĩa đều có lý và nói lên một góc cạnh nào đó. Nhưng điều quan trọng và cần thiết đó là gia đình nắm giữ vai trò nào trong đời sống ?
Trước hết là trên bình diện cá nhân.
Sống trong gia đình, nhiều lúc chúng ta cảm thấy bực tức khó chịu vì phải đụng chạm với người này, người khác. Thế nhưng , khi phải lìa xa gia đình, chúng ta thường nghĩ về nó với những kỷ niệm, với những hình ảnh đẹp đẽ nhất của những người thân yêu.
Nói tới gia đình chúng ta cảm thấy có một cái gì êm đềm và đầm ấm, như thế đủ chứng tỏ gia đình có một chỗ đứng không thể thiếu vắng trong tình cảm cá nhân của mỗi người chúng ta.
Hơn thế nữa, Công đồng Vaticanô II còn xác định :
- Gia đình chính là mái trường đầu tiên dạy cho chúng ta những bài học làm người.
Thực vậy, trong cuốn “Cổ học tinh hoa”, có một mẩu chuyện về thày Mạnh tử như sau :
Thuở còn nhỏ, gia đình thày ở gần nghĩa địa. Một hôm, bà mẹ thấy Mạnh tử bắt chước người ta, cũng đào huyệt rồi lăn ra khóc lóc. Cho là không ổn, nên bà liền dời nhà tới một nơi gần chợ búa buôn bán.
Bà lại thấy Mạnh tử bắt chước người ta tập thói điêu ngoa, xảo trá và gian dối. Cho là không ổn, nên bà đã dời nhà đến cạnh trường học.
Bà thấy một lần nữa, Mạnh tử bắt chước người ta, đua đòi học tập và lễ phép với mọi người. Lấy làm mừng, nên bà đã quyết định ở lại đấy.
Ngày kia, thấy người ta làm thịt heo, Mạnh Tử bèn hỏi :
- Thưa mẹ, người ta giết heo để làm gì thế ?
Bà vui miệng trả lời :
- Để cho con ăn đó.
Tức thì bà cảm thấy hối hận vì lời nói dối ấy, nên đã vội vã mua thịt về cho con ăn, mặc dù gia đình bà lúc đó rất túng thiếu.
Ngày khác Mạnh Tử trốn học về nhà chơi, giữa lúc bà ngồi dệt lụa. Thấy vậy, bà liền cầm dao chặt đứt tấm lụa đang dệt và nói :
- Con đi học mà bỏ về, cũng như mẹ đang dệt mà chặt đứt tấm lụa vậy.
Mạnh Tủ nghe lời mẹ dạy, chuyên tâm học hành và sau này đã trở thành một nhà hiền triết.
Với câu chuyện này, chúng ta tự hỏi :
- Tại sao Mạnh Tử đã trở lên một nhà hiền triến tài giỏi.
Tôi xin thưa :
-Đó là nhờ nền giáo dục mà Mạnh Tử đã hấp thụ trong bầu không khí yêu thương của gia đình.
Chính vì thế, tôi xin lập lại một lần nữa tư tưởng của Công đồng Vaticanô II :
- Gia đình chính là mái trường đầu tiên, dạy cho chúng ta những bài học làm người.
Trong mái trương đầu tiên này, cha mẹ là những giáo viên chuyên cần, dạy chúng ta từng lời nói, từng bước đi , từng việc làm như tục ngữ cũng đã bảo :
- Học ăn, học nói, học gói, học mở.
Vì cha mẹ là những người hiểu chúng ta hơn hết, yêu thương chúng ta hơn hết.
Một đứa trẻ mồ côi, sống trong cô nhi viện, dù được nuôi dưỡng đầy đủ thì nó vẫn cảm thấy lạc lõng bơ vơ. Tại sao thế ? Vì nó thiếu vắng một tình thương chăn sóc và ủi an. Bởi đó tục ngữ Việt Nam mới nói :
- Thà ăn bắp hột chà vôi,
Chẳng thà giầu có mồ côi một mình.
XÃ HỘI.
Tiếp đến là trên bình diện xã hội.
Người xưa đã bảo :
- Tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ.
Xem đó chúng ta thấy :
- Gia đình không phải chỉ ảnh hưởng trên cá nhân, mà còn là nền tảng cho cả xã hội nữa.
Thực vậy, nhìn vào cách thức tổ chức, chúng ta sẽ nghiệm ra rằng : nhiều gia đình họp lại thành thôn ấp, và cứ thế đi lên tới xã, huyện, tỉnh, quốc gia và cộng đồng quốc tế.
Bởi đó, gia đình đã trở nên một yếu tố căn bản để xây dựng xã hội. Gia đình tốt làm cho cá nhân tốt đã đành, mà hơn thế nữa, gia đình tốt còn làm cho cả xã hội đều được tốt. Trái lại gia đình xấu, thì chắc hẳn xã hội cũng sẽ bị ung thối.
Gia đình là con tim của nhân loại. Nếu như con tim mà đau, thì chắc chắn toàn thân sẽ bị bải hoải. Một vài thí dụ để chúng ta hiểu được điêu đó .
Những năm về trước, tệ nạn “đi bụi đời” bành trướng mạnh mẽ trong giới trẻ. Vậy những kẻ đi bụi đó là ai ? Họ là những thanh thiếu niên không hẳn là nghèo túng, trái lại nhiều khi còn là những người thuộc gia đình giầu sang và tiếng tăm. Tiền nhiều bạc lắm, nhưng họ chỉ thiếu một điều, đó chính là tình thương trong gia đình.
Theo các bản thống kê cho biết thì đa số họ không tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc trong gia đình. Hoặc vì cha mẹ cãi cọ lục đục với nhau, hoặc vì cha mẹ quá đam mê chạy theo tiền bạc, bắt mối “áp phe” mà quên mất việc chăm sóc giúp đỡ con cái mình, hoặc vì cha mẹ cờ bạc, rượu chè, vợ nọ con kia mà không để ý đến gia đình.
Hay như một ông giám đốc, nếu không tìm thấy sự thoải mái trong gia đình, thì khi đến công sở, chắc hẳn sẽ cau có với nhân viên và dễ đi đến những quyết định lệch lạc mà hậu quả nhiều lúc thật trầm trọng.
Xem đó, chúng ta có thể đi đến kết luận : gia đình là viên đá đầu tiên, làm nền móng cho xã hội. Nền móng có vững chắc, thì tòa nhà mới bảo đảm. Gia đình là một tế bào sống động của xã hôi. Nếu tế bào mà èo uột, thì chắc hẳn xã hội cũng sẽ không thể nào phát triển.
Bởi đó, Đức Thánh Cha Lêô XIII đã nói :
-Gia đình nào, xã hội nấy.
Muốn canh tân xã hội, thì việc đầu tiên phải làm, đó là phải canh tân gia đình. Đúng vậy, phải tề gia trước đã, rồi sau mới trị quốc và bình thiên hạ. Nếu không bảo ban được vợ con, thì làm sao bảo ban được người khác trong cuộc sống.
GIÁO HỘI
Sau cùng là trên bình diện Giáo Hội.
Nhìn vào cơ cấu tổ chức của Giáo Hội, chúng ta cũng sẽ thấy được điều đó. Nhiều gia đình hợp lại thành giáo xứ. Nhiều giáo xứ hợp lại thành một giáo phận. Nhiều giáo phận hợp lại thành Giáo Hội toàn cầu. Xem đó, gia đình cũng là nền tảng cho Giáo Hội.
Nếu vì hoàn cảnh, chúng ta không còn các linh mục, các tu sĩ. Nếu vì sinh kế chúng ta phải sống ở một nơi hẻo lánh, không có nhà thờ, không có họ đạo, thì lúc bấy giờ chính gia đình của chúng ta phải là một giáo xứ nhỏ bé, ở đó người gia trưởng sẽ đóng vai trò linh mục, có bổn phận cử hành phụng vụ như giờ kinh tối, thực thi đức tin và loan truyền Tin Mừng bằng một đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương .
Thánh Augustinô đã viết :
- Gia đình là một Giáo Hội “cỡ nhỏ”, một Giáo Hội được thu hẹp, tại đây Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện và sống động, tại đây Chúa Giêsu tiếp tục chịu chết và sống lại.
Gia đình là sự nối tiếp của Giáo Hội và làm cho Giáo Hội có mặt ở mọi nơi và trong mọi lúc. Gia đình là nơi kết nạp các phần tử lại với Đức Kitô. Gia đình có lên tới Chúa thì Giáo Hội mới được phát triển.
Tóm lại : làm sao anh em lương dân có thể tin tưởng và thờ kính Thiên Chúa khi họ nhìn thấy các gia đình Công Giáo luôn bất hòa và lục đục với nhau…