Nếu Chúa Nhật tuần trước, lời Chúa khiển trách nhà phú hộ kia là “đồ ngốc” vì ông ta có lắm tiền nhiều của mà không biết lo cho linh hồn của mình. Ông tích trử cho thật nhiều của mà không biết sử dụng tiền của để mua lấy Nước Trời. Thì Chúa Nhật này, Lời Chúa dạy chúng ta bài học đón đợi Chúa đến đó là giờ chết của mỗi người bằng việc sống tỉnh thức và sẵn sàng.
Sẵn sàng như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa thì mở ngay cho chủ. Sẵn sàng như chủ nhà canh chừng trộm cướp, không để kẻ trộm vào nhà mình. Sẵn sàng như người quản lý khôn ngoan biết làm theo ý chủ.
Ba dụ ngôn trong Tin mừng hôm nay tuy riêng rẽ, nhưng qui tóm lại cùng một chủ đề duy nhất đó là: "Tỉnh thức và sẵn sàng". Vậy, thế nào là tỉnh thức?
Thứ nhất, tỉnh thức để khỏi rơi vào cơn cám dỗ của ba thù. Đó là: ma quỉ - xác thịt - thế gian. Kẻ thù đáng sợ nhất là ma quỉ.
Đức Giêsu nói: Ma quỷ là cha của sự dối trá, nó đánh lừa chúng ta rất tinh vi, làm chúng ta ươn lười, biếng nhác trong việc đạo đức, cứ từ từ lo gì việc lập công tích đức, nên không ít người đã vấp phải cạm bẫy này. Họ cứ ăn chơi trác táng, cờ bạc, rượu chè, gái gú…vẫn sống bất chính, làm điều trái lương tâm, bất chấp luân thường đạo lý, vì nghĩ rằng đời còn dài, tương lai còn rộng, mình còn trẻ còn khỏe còn lâu mới chết, chờ khi đến khi tuổi già rồi tính sau.
Thế nhưng, trong thực tế, hằng ngày trên báo đài cho biết, có những người chết vì thiên tai bão lụt, có những người chết vì tai nạn giao thông, có những người chết vì bệnh tật, hay đột quỵ mà không phân biệt tuổi tác giàu nghèo. Chính vì thế mà lời Chúa nhắc nhở chúng ta luôn tỉnh thức là như thế.
Tỉnh thức để khỏi rơi vào cơn cám dỗ thứ 2, đó là xác thịt, xác thịt nó gắn liền với con người như người bạn đồng hành. Người ta nói nhu cầu xác thịt còn lớn hơn nhu cầu ăn uống. Chính vì thú vui xác thịt mà ngày nay người ta ngoại tình tràn lan, bất chấp tiếng lương tâm, mà hậu quả là biết bao thai nhi đã bị sát hại không thương tiếc.
Tỉnh thức đừng để rơi vào cơn cám dỗ thứ 3, đó là thế gian. Thế gian ngày nay đầy dẫy những quyến rũ, cám dỗ lôi kéo con người hướng chiều về điều xấu. Thiên Chúa thì vô hình, mắt phàm trần không thấy, mà phần thưởng Chúa hứa lại ở đời sau. Còn những thứ trên trần gian thì mắt thấy, tai nghe, đầy hấp dẫn và lôi cuốn.
Tỉnh thức ở đây không có nghĩa là không ngủ, cũng không phải là cứ ngồi đó chờ đợi, cũng chẳng phải là đọc nhiều kinh, hay bỏ hết mọi công việc đọc kinh dự lễ suốt ngày, không phải như thế. Nhưng tỉnh thức ở đây chính là hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa bằng những việc làm bác ái, yêu thương, siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các Bí tích.
Có ngày sinh rồi cũng có ngày tử, đó là quy luật tất yếu của kiếp nhân sinh, thế nhưng, chúng ta không biết chết lúc nào và chết ở đâu. Vì giờ đó hết sức bất ngờ như lời Chúa đã báo trước: "Vào lúc các con không ngờ thì Con Người sẽ đến"(Lc 12, 40).
Ước gì, mỗi khi cử hành Thánh lễ, chúng ta tuyên xưng việc Chúa chịu chết và sống lại, đồng thời trông đợi Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang.
Xin cho niềm khát khao quê hương Nước trời sẽ là động lực duy nhất, thúc đẩy chúng ta luôn tỉnh thức và sẵn sàng, hi vọng khi nhắm mắt lìa đời, chúng ta được nghe những lời âu yếm mời gọi của Chúa: " Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng hạnh phúc với Ta". Amen.
Home »
suy niệm chúa nhật
» TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC