Nhìn Thầy Giêsu cầu nguyện, các môn đệ cũng muốn học cách cầu nguyện của Thầy: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ của ông". Và Đức Giêsu chỉ dạy một lời kinh duy nhất, đó là kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha là lời kinh mẫu, giúp chúng ta biết cầu nguyện thế nào cho đúng ý Chúa. Bởi vì đến với Chúa, nhiều khi chúng ta cầu xin hơn là cầu nguyện.
Vậy thế nào là cầu nguyện và thế nào là cầu xin?
Cầu nguyện là khi chúng ta đọc "Lạy Cha, chúng con ở trên trời, nguyện cho danh Cha cả sáng", là nói lên mối tương quan tình nghĩa Cha con. Chúa là Cha còn chúng ta là con của Ngài. Thế thì, chúng ta có cảm thấy hạnh phúc vì được gọi Chúa là Cha và chúng ta là con của Ngài không? Đồng thời, người con hiếu thảo là người con cầu mong cho danh Cha mình được nhiều người nhận biết. Bởi lẽ, con người được Thiên Chúa tạo dựng để ca tụng và làm vinh danh Chúa. Vì trong muôn loài muôn vật hữu hình, chỉ con người mới có khả năng nhận biết Thiên Chúa, nên cũng chỉ có con người mới có khả năng tôn thờ và làm vinh danh Chúa.
Tác giả Thánh vịnh xác tín: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo. Muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa thương nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? Chúa dựng con người kém thiên thần một chút. Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8).
Thật vậy, con người chẳng là chi so với muôn vàn tinh tú trên trời, ấy thế mà Chúa đã yêu thương tạo dựng giống hình ảnh Ngài, và còn ban cho làm chủ công trình tay Ngài tác tạo, hơn nữa được vinh dự làm con cái Thiên Chúa. Vì thế, con người nên nhớ rằng: mọi sự mình có là do ân ban của Chúa, cho nên mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng. Đặt Chúa ưu tiên trên hết mọi sự, để danh Chúa được rạng rỡ vinh quang.
Tiếp đến, Đức Giêsu dạy: Lạy Cha chúng con... Xin Cha cho chúng con... Chứ Chúa không dạy: Lạy Cha của con...Xin Cha cho con... Nghĩa là tất cả mọi người là con cùng một cha trên trời. Mọi người đều thuộc về gia đình Thiên Chúa, nên phải sống hiệp nhất yêu thương nhau, và liên đới với nhau trong cả lời cầu nguyện. Như trong bài đọc I, tổ phụ Abraham đã nêu gương sống tình liên đới khi tha thiết cầu nguyện cho thành Sôđôma khỏi bị phạt.
Thứ đến là cầu xin: "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày". Có nghĩa là xin Chúa ban cho lương thực phần hồn, phần xác. Xin Chúa cho mọi người trên trái đất này có công ăn việc làm, nghề nghiệp ổn định. Chúa không hài lòng một số người cứ phòng cơ tích trữ, hay sống xa hoa tiêu xài tiền bạc không hợp lý, đang khi anh em đồng bào còn thiếu nhà ở, còn phải đói khát ăn xin, nằm đầu đường xó chợ… Lại có những người xin Chúa ban lương thực hằng ngày mà cứ mãi mê ăn chơi, hay theo kiểu nằm chờ sung rụng, thì làm sao có lương thực được?
Rồi có những lời cầu xin hết sức vụ lợi. Chẳng hạn như: xin cho con trúng số; xin cho con mua may bán đắc, bạc cắc không cần nhưng cần đôla. Xin cho con cái này, xin cho con cái nọ, xin vài lần mà không thấy Chúa nhúc nhích, thì đâm ra chán nản thất vọng buông xuôi bỏ Chúa đi coi thầy xem bói.
Cuối cùng, xin Chúa gìn giữ chúng ta đừng sa chước cám dỗ, và nhất là giúp chúng ta có tấm lòng bao dung thứ tha cho nhau, như Chúa đã bao lần tha cho chúng ta.
Ngoài kinh Lạy Cha, Chúa còn dạy chúng ta cầu nguyện phải kiên trì - tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha phép tắc và lòng lành vô cùng. Cho dù lời cầu nguyện của chúng ta có vụng về, nhưng Chúa vẫn hiểu, Ngài không nỡ từ chối lời kêu xin chân thành của con cái. Người cha ở đời còn biết cho con cái mình những thứ tốt lành, huống chi là Thiên Chúa là người Cha giàu lòng thương xót sẽ rộng ban những điều hữu ích cho chúng ta. Vì Chúa đã hứa: "Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ thấy; hãy gõ, sẽ mở cho". Cử hành Thánh lễ là cầu nguyện đẹp lòng Chúa nhất. Vì chúng ta cầu nguyện chung với cả Giáo Hội. Cầu nguyện nhờ công nghiệp của Đức Kitô, chính nhờ Người với Người và trong Người. Xin Chúa nhận lời cầu xin của chúng ta dâng lên Chúa trong Thánh lễ hôm nay. Amen.