Từ khi hạt giống Tin mừng được các nhà thừa sai gieo vãi trên đất nước Việt nam từ năm 1533, thì đến năm 1580 các vua chúa quan quyền ra chiếu chỉ cấm đạo cho đến năm 1888 mới chấm dứt. Thời gian dài 300 năm bị bách hại đã có trên 130.000 người tử vì đạo. Trong đó, có 117 vị đã được thánh Gioan Phao lô II tôn phong lên bậc hiển thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay.
Lịch sử còn ghi lại những hình phạt mà các vị tử đạo phải chịu đó là: gông cùm, xiềng xích, nhốt trong cũi, đánh đòn, bỏ đói, bị voi giầy, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu lên đầu rồi cho bấc vào đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng v.v. Quyết liệt hơn thì bị trảm quyết, tức là bị chặt đầu, bị xử giảo, tức là bị thắt cổ, hay bị thiêu sống. Bị xử lăng trì, phân thây ra từng mảnh hay là xử bá đao là những hình phạt man rợ và hiểm độc nhất. Tổng số 79 vị bị chặt đầu. 18 vị bị thắt cổ. 8 vị chết rũ tù. 6 bị thiêu sinh. 4 bị phân thây ra từng mảnh. 1 bị tử thương và 1 bị bá đao.
Thế thì, bởi đâu mà các ngài dám đổ máu mình ra như thế? Thưa, chính là tình yêu. Tình yêu khởi đi từ Đức Kitô, khi Ngài nói: "Các con hãy yêu thương kẻ thù, hãy cầu nguyện cho những người làm hại các con, hãy tha thứ cho những kẻ bắt bớ, và chúc phúc cho những kẻ nghiền rủa các con".
Và tình yêu ấy được thể hiện khi Đức Giêsu cầu nguyện trên thánh giá "Lạy Cha, xin Cha tha cho họ vì họ lầm chẳng biết". Noi gương Đức Kitô, các thánh tử đạo đã sẵn sàng tha thứ cho những kẻ hành hạ mình. Cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ, và nói lời tha thứ cho những kẻ giết mình.
Nhờ Chúa ban ơn trợ giúp, những con người vốn mỏng dòn yếu đuối, đã trở nên can đảm phi thường. Chính khi các ngài chịu trăm bề đau khổ, các ngài đã làm chứng cho mọi người biết, đạo Đức Chúa Trời chính là đạo yêu thương.
Thật vậy, chỉ vì tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ trần gian, mà thánh Matthêu Gẫm, đã can đảm không bước qua thánh giá. Ngài trả lời với ông quan tỉnh rằng: "Thánh giá tôi tôn thờ, thì làm sao tôi giẫm lên được?"
Thánh Phaolô Tịnh thưa với quan án: “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý, nhưng linh hồn là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được”
Thánh Anrê Kim Thông nói: “Thà tôi bị lưu đày và phải chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo”…
Cha thánh Phêrô Lựu coi sóc Giáo họ Ba Giồng đã nói với lý hình: "Đạo đã thấm nhập vào xương vào tủy của tôi rồi, tôi làm sao bỏ được".
Vì tin vào Đức Kitô phục sinh, tin có sự sống lại ở đời sau, mà thánh Mỹ vui lòng chịu trăm bề đau khổ, Ngài nói với quan tổng đốc rằng: "Tôi đã suy xét kỹ, và tin nhận đạo Thiên Chúa là đạo thật, nên tôi không chối bỏ đạo này bao giờ".
Chúng ta không thể kể ra đây hết những hình khổ các thánh Tử Đạo đã phải chịu. Chúng ta cũng không thể nói hết được những lời di chúc quí báu của các ngài. Đối với các ngài, Thiên Chúa là trên hết. Thiên Chúa là tất cả. Lập trường của các ngài là: “Thà chết chứ không bỏ đạo, bỏ Chúa”.
Anh chị em thân mến,
Ngày nay không còn hình thức bách hại đạo như thời vua chúa ngày xưa nữa, nhưng Giáo Hội cần có những người dám sống, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời. Cuộc sống làm chứng cho Chúa ngày nay, là một hình thức tử đạo tuy không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống, nhưng đòi chúng ta làm chứng cho Chúa về đạo yêu thương của mình.
Hình thức tử đạo ngày nay tuy không bị ai giết chết, nhưng đòi chúng ta can đảm chết đi cho những đam mê tật xấu, chết đi cho những dục vọng thấp hèn.
Hình thức tử đạo ngày nay, đòi chúng ta noi gương Chúa, sẵn sàng bao dung, tha thứ, và cầu nguyện cho những người xúc phạm đến chúng ta.
Hình thức tử đạo ngày nay tuy ít gặp những khốn khó như bị bắt bớ giam cầm, bị giết chết vì đạo, nhưng để sống đạo làm chứng cho Chúa trong xã hội hôm nay thì không thiếu những thách đố mới.
Ngày nay, đồng tiền đang trở thành thước đo giá trị con người. Phần đông ai cũng muốn có tiền, và để có nhiều tiền, có những người đã hành động trái với lương tâm, trái với những điều Chúa dạy, bất chấp tất cả miễn sao có nhiều tiền là được.
Với thách đố của tiền bạc như thế, người tín hữu muốn sống với lương tâm ngay thẳng, muốn hành động theo đức tin, đòi buộc phải có sự lựa chọn. Thà cam chịu nghèo khổ còn hơn nhận những đồng tiền bất chính. Thà cam chịu thiếu thốn một chút mà sống đẹp lòng Chúa, hơn là có nhiều tiền mà quên mất Chúa.
Sống làm chứng cho Chúa trong thời đại mới đúng là một cuộc tử đạo không đổ máu và anh hùng không kém gì chết vì Chúa. Sống đạo như thế, người tín hữu can đảm góp phần làm chứng cho Chúa, và cho giá trị Tin mừng không kém gì chết vì đạo.
Chúng ta chung lời tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam có những chứng nhân anh hùng Tử đạo là mẫu gương sống đức tin sáng ngời. Xin Chúa qua lời chuyển cầu của các Ngài mà ban cho chúng ta là con cháu biết noi gương các Ngài trung thành sống đức tin, can đảm làm chứng cho Chúa trong thời đại hôm nay. Amen.