VƯƠNG QUỐC CỦA TRÍ TUỆ: CUỘC CHIẾN KHÔNG NGỪNG GIỮA ĐỨC TIN VÀ THUYẾT VÔ THẦN

Tác giả: William A. Borst, Ph.D.
Chuyển ngữ: Tuấn Việt
Từ: catholicculture.org

MỤC LỤC

1. Nguồn gốc Pháp quốc

2. Những gã khổng lồ của Thuyết vô thần

3. Xung đột nội bộ

4. Một lực lượng đang hành quân

5. Những người vô thần mới

6. Một Tư tế vô thần

7. Câu trả lời của các Giáo hoàng

WHĐ (12.03.2021) - Trong phần dẫn nhập của cuốn sách The Twilight of Atheism [Thời kì thoái trào của Thuyết vô thần], tác giả Aleister McGrath nhắc đến diễn văn của Winston Churchill tại Đại học Harvard vào năm 1943, trong bài diễn văn đó, Churchill đã tiên báo rằng “vương quốc của tương lai sẽ là vương quốc của trí tuệ” (empires of the future will be empires of the mind). Những ý thức hệ sẽ chi phối tương lai chứ không phải là những quốc gia riêng lẻ. Churchill nói điều này nhằm ám chỉ chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa Cộng sản, tuy vậy, sự tiên đoán của ông vẫn xuất hiện trong các tiêu đề báo chí mỗi ngày.

1. Nguồn gốc Pháp quốc

Điều nguy hiểm nhất trong mọi tư duy mang tính chất thống trị là Thuyết vô thần. Nó bao hàm một phạm vi rộng lớn từ việc không tin vào Thiên Chúa hay một Hữu thể Thiêng liêng nào đó cho đến một sự từ khước mãnh liệt và dứt khoát về bất cứ niềm tin tôn giáo nào và xem đó như là một thứ dụ dỗ và nô lệ. Thuật ngữ atheist xuất hiện trước tiên ở Hy lạp từ thời cổ và được hiểu như là chủ trương phủ nhận tôn giáo của quốc gia thời bấy giờ hơn là không tin Thiên Chúa. Chính vì vậy, những người Kitô hữu tiên khởi từ chối thờ lạy Caesar cũng bị gọi là atheist, đồng thời họ cũng bị gọi là kẻ bội giáo, và họ chịu tử đạo chỉ vì không tin như đồng bào của họ.

Cách mạng Pháp đã đem lại ý nghĩa mới cho hạn từ này. Mặc dù nhiều người lãnh đạo cách mạng căm ghét Giáo hội Công giáo, nhưng họ vẫn không minh nhiên phủ nhận Thiên Chúa. Trong khi Voltaire tìm cách loại trừ Giáo hội và những cái bẫy của việc tôn thờ của tôn giáo, thì những Philosophes, những trí thức bừng bừng ngọn lửa cách mạng đã bổ sung thêm việc phủ nhận Thiên Chúa. Họ tin rằng việc áp dụng phương pháp khoa học một cách triệt để có thể dẫn đến việc phủ nhận Thiên Chúa. Baron Paul-Henri-Dietrich d'Holbach, người đầu tiên trong lịch sử tự tuyên bố mình là người vô thần, đã thề sẽ loại trừ hoàn toàn sự siêu việt (transcendent), để cho thấy tất cả đều phát xuất từ con người. Ông ta tin rằng ông ta đang giải phóng nhân loại ra khỏi vòng xiềng xích mê muội của một niềm tin vô lý vào siêu nhiên. Suy nghĩ của ông đã dẫn tới việc sùng bái lý trí (cult of reason) tách rời khoa học ra khỏi mối dây tôn giáo của nó.

Mặc dù đã cố gắng hết sức, cuộc cách mạng đã không áp đặt Thuyết vô thần như là quốc giáo trong suốt mười năm thống trị. Mãi đến thế kỉ XX, chủ nghĩa cộng sản vô thần mới thiết lập một quốc gia vô thần ở Liên Xô, Trung Hoa và Cuba.

2. Những gã khổng lồ của Thuyết vô thần

Theo McGrath, có ba gã khổng lồ của thuyết vô thần đã xuất hiện từ sau Cách mạng Pháp. Quan điểm, tính khí và suy nghĩ của họ đã xây dựng nền móng cho sự đả phá tín ngưỡng trong Thời Mới (Modern), nhằm phá hoại các niềm tin tôn giáo truyền thống trong hơn một thế kỉ. Ludwig Feuerbach, Karl Marx, và Sigmund Freud được xem như những tư tế vô thần (atheistic priesthood), những người đã biến chuyển một giả thuyết cách mạng táo bạo trở thành điều chắc chắn vững vàng trong suốt một thời kì lịch sử, đặt Kitô giáo vào thế phòng thủ liên tục. Suy tư chung của họ, được nối kết với thuyết hoài nghi (skepticism) của Emmanuel Kant, làm phát sinh học thuyết Thời Mới (Modernism) gây nhiều thiệt hại cho các tôn giáo lớn trong thế kỉ XX và XXI.

Feuerbach sinh ra trong bầu khí cách mạng năm 1804. Ông học tại Đại học Berlin, nơi đây, ông được tiếp cận với tư tưởng của G. W. F. Hegel. Ông rời bỏ Giáo hội đang quá mải mê tập trung vào một thiên đàng xa vời nào đó hơn là chú ý đến những điều kiện sinh sống trên trái đất. Feuerbach muốn tạo nên một cơn động đất về mặt trí tuệ, nhằm làm rung chuyển những cột trụ đức tin ở Tây Phương, để làm sụp đổ toàn bộ kiến trúc Giáo hội. Ông tin rằng nhân loại đã bịa ra ý niệm về Thiên Chúa như là một sự an ủi hoặc để lãng quên những đau khổ của cuộc sống. Trong tác phẩm The Essence of Christianity (Bản chất của Kitô giáo), ông đã tìm cách chứng minh nhân loại bị đàn áp bởi chính phát minh của chính mình.

Karl Marx đã đưa thuyết vô thần sang một chiều kích mới. Ông tin rằng tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Ông cảm thấy rằng các cơ cấu quyền lực sử dụng tôn giáo để ru ngủ quần chúng nhân dân, để quần chúng không nhận ra sự vô ích của cuộc đời và nhận ra những kẻ đang đàn áp họ. Như một loại vũ khí của cơ cấu quyền lực, tôn giáo kìm giữ người nghèo trong tình trạng đói khổ và bất mãn. Marx lý luận rằng nếu xã hội xóa bỏ các điều kiện xã hội tạo nên nhu cầu tôn giáo, tôn giáo tự động sẽ biến mất.

Theo Freud, tôn giáo xuất hiện do một áp lực tâm lý học sâu xa phản ánh lịch sử tiến hóa phức tạp của nhân loại. Tư tưởng tôn giáo không phải là những lừa dối có chủ ý, nhưng chúng phát xuất từ vô thức của con người, từ cái gọi là id. Đối với ông, các thời kì tôn giáo trong lịch sử được xem như những ngày thơ ấu mông muội của nhân loại. Niềm tin vào một Thiên Chúa ngã vị chỉ hơn kém là một ảo giác ấu trĩ (infantile delusion) mà thôi, phát sinh do những ước muốn trong vô thức được bảo vệ, được an toàn. Với thuyết vô thần thời mới (modern atheism), thế giới đang ở trong tình trạng trưởng thành của nó. Một xã hội càng trưởng thành và càng được dân sự hóa, thì nhu cầu tôn giáo giảm sút.

3. Xung đột nội bộ

Những ảnh hưởng khác của cuộc cách mạng Pháp vẫn còn tồn đọng cho đến ngày nay. Thuyết vô thần là buồng năng lượng tăng cường sức mạnh cho thuyết thời mới (modernism) thấm nhuần cuộc chiến văn hóa, cuộc chiến này kéo dài hơn mọi cuộc chiến khác trong lịch sử Hoa Kì cộng lại. Cuộc chiến về mặt trí tuệ và tâm hồn này có thể dễ dàng rút gọn vào cuộc chiến không bao giờ ngừng giữa những niềm tin còn lại từ cuộc Cách mạng Pháp với các truyền thống tôn giáo chán ngán của nền văn minh Tây phương.

Những mặt xung khắc trong cuộc xung đột ý thức hệ này có thể được giải thích tốt nhất bằng hình ảnh của hai thành phố Jerusalem và Athens. Những thành phố lịch sử này đại diện cho hai lực lượng – mặc khải và lý trí – đã đem lại sức sống và tồn tại ở Phương Tây suốt 500 năm. Trong nhiều thế kỉ dưới sự hướng dẫn của Giáo hội, hai lực lượng này hoạt động hài hòa với nhau. Với sự trỗi dậy của thuyết Thời mới ở thế kỉ XIX, mọi thứ đã thay đổi tận căn. Từ đó, hình ảnh Jerusalem và Athens, hay đức tin và lý trí, sẽ không bao giờ xuất hiện trong cùng một hành trình ý thức hệ. Đúng như Churchill đã tiên đoán, những thành phố biểu tượng này đại diện cho một cuộc xung đột nội bộ của trí tuệ diễn ra trong bối cảnh của cuộc tranh luận ý thức hệ trong thế kỉ XXI.

Vào tháng 11, nhà báo Maggie Gallagher đã tường thuật về một cuộc gặp mặt thường niên của Salk Institute for Biological Studies tại La Jolla, California, trong đó bà tỏ rõ thái độ hiếu chiến của Athens nhắm vào Jerusalem. Bà muốn cho thấy khoa học cũng ganh đua với tôn giáo trong việc loan báo tin mừng, khi đặt tên cho bài viết tiêu đề: Người kể câu chuyện vĩ đại nhất chưa từng có (teller of the greatest story ever told). Trong khi nói tới các nhà khoa học tham dự như người hùng mạnh của Athens, nhiều người trong số đó theo thuyết vô thần hoặc bất khả tri, nhưng bà không thể che giấu được được “đôi chân đất” của họ, khi luôn tìm cách đàn áp những người và những ý tưởng đe dọa tư tưởng nền tảng của họ.

Với nỗ lực vô vọng trong việc phá hoại niềm tin tôn giáo, họ đã tỏ ra như những đứa trẻ không bình thường khi tự hỏi làm thế nào Đấng Tạo Hóa nhân lành có thể ở đằng sau sự hiện hữu của chúng ta. Những người khác thì cho thấy sự mênh mông và vẻ đẹp của vũ trụ như là sự vinh quang và vẻ đẹp tuyệt vời hơn bất cứ điều gì khác được miêu tả trong Thánh Kinh, hay từ khái niệm Thiên Chúa, và xem đó như là bằng chứng của việc Thiên Chúa không hiện hữu. Sự dấn thân vào lý trí và luận lý không thể giúp họ nhận ra sự mâu thuẫn đầy châm biếm trong chính quan điểm của họ.

4. Một lực lượng đang hành quân

Tác giả Aleister McGrath nghĩ rằng thuyết vô thần đang ở trong thời kì thoái trào, bởi vì tương lai không hy vọng tìm thấy điều gì giống như một thế giới không tưởng (utopia) mà thuyết vô thần đã hứa. Nó đã vất bỏ những “con đường cao tốc của lịch sử” với cái chết và tàn phế của hàng triệu người. Ông tin rằng những người lạc quan về mặt chính trị và những người nhạy cảm về mặt văn hóa đều đã trở lại với tôn giáo nghiêm túc khi đối diện với sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản.

McGrath đã tính toán sai lầm một cách nghiêm trọng về cái chết yểu của thuyết vô thần. Thật vậy, chính quyền của chủ nghĩa cộng sản đã mất nhiều quyền lực ở phương Tây, nhưng như một lực lượng văn hóa, nó vẫn cổ vũ cho tư tưởng triết học vô thần của nó trên toàn thế giới. Giáo sư Richard A. Shweder đã vẫy tay làm hiệu cho sự hồi sinh của thuyết vô thần trong một bài báo ở trang kế bên trang của ban biên tập (op-ed piece) trên tạp chí New York Times số 11/26, với tựa đề Atheists Agonistes. Ông thông báo rằng những lực lượng vô thần đang trên đường hành quân, bởi vì thực trạng tôn giáo đã khiêu khích họ. Những người vô thần đã tìm thấy sức mạnh mới trong nguồn gốc lịch sử của họ. Họ không nhắm tới Kinh Thánh, nhưng quay trở lại với những ngày Cách mạng Pháp, khi thế giới bừng tỉnh thức dậy vào một buổi bình minh sau một giấc ngủ của những thời kì đen tối và được chiếu sáng với chân lý đích thực.

Những người vô thần không quên rằng Thời kì Ánh sáng đã cung cấp bức phác họa cho một thế giới mới dũng cảm, không có mê tín dị đoan và ngu dốt. Mặc dù McGrath đã rung hồi chuông báo tử, thuyết vô thần vẫn đang trở nên lão luyện hơn trong việc đưa ra những nghi ngờ của mình bằng cách khoác nó vào trong chiếc áo của kinh tin kính thế tục, như là tách rời Giáo hội ra khỏi nhà nước và đề cao chủ nghĩa nữ quyền cực đoan. Trong khi những người vô thần vẫn là con số tối thiểu nhất trong số những người hăng hái đả phá tín ngưỡng, sự nghi ngờ của họ đã thu hút những người quý phái theo chủ nghĩa tự do, có thể nhắc tới một số tên tuổi nổi bật với những khuôn mặt sáng chói như là Kurt Vonnegut, Warren Buffett, Larry Flynt, George Soros, Woody Allen, George Carlin, và sau cùng là Katherine Hepburn. Danh sách những người vô thần có ảnh hưởng lớn sẽ không đầy đủ nếu thiếu Christopher Hitchens, tác giả cuốn sách The Case Against Religion (Vụ kiện chống Tôn giáo) tiếp tục duy trì ngọn lửa chống tôn giáo một cách bất mãn điên cuồng.

5. Những người vô thần mới

McGrath cũng đã quên một lực lượng mới trong số những người vô thần. Mặc dù đã có cuộc đối đầu riêng tư với Thiên Chúa, nhưng Charles Darwin không hoàn toàn là người vô thần. Học thuyết tiến hóa của ông không nhằm chống lại niềm tin tôn giáo, nhưng nhiều người đã sử dụng những đề xướng trong học thuyết ấy để chứng minh sự thiếu hợp lý của Kinh Thánh. Học thuyết ấy được những người vô thần sử dụng từ thế kỉ XVIII. Trước đó, những người vô thần không bao giờ giải thích được quyền sáng tạo tối thượng của Thiên Chúa, mãi cho đến khi tác phẩm Origins of the Species (Nguồn gốc các loài) của Darwin trở nên phổ biến vào năm 1859.

Người đi đầu trong thuyết vô thần Darwin là Richard Dawkins, tác giả của một cuốn sách bán chạy nhất (best seller) năm 2006, The God Delusion (Ảo giác về Thiên Chúa). Trái ngược với niềm tin phổ biến, Dawkins tin rằng việc tiến hóa phải dẫn đến thuyết vô thần. Mô tả sơ lược bài báo được đăng trên Wired Magazine số ra tháng Mười một của tác giả Gary Wolf, với tựa đề The Church of Non-Believers (Giáo hội của những kẻ vô tín) , Dawkins giới thiệu những người theo Thuyết tân vô thần (New Atheists), một nhánh của nhóm những anh em trí tuệ (intellectual brothers) đang ngày càng đẩy mạnh một chiến dịch chống lại niềm tin vào Thiên Chúa. Cuốn sách có sức ảnh hưởng rất lớn của ông, The Blind Watchmaker (Thợ làm đồng hồ mù lòa), mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi, đã đưa Dawkins, vị giáo sư 65 tuổi của Oxford, lên một vị trí đáng chú ý. Ông ghê tởm niềm tin vào Thiên Chúa vì các Giáo hội sử dụng nỗi sợ hãi và phán xét để làm tưởng tổn tâm lý con người. Ông chống lại quyền của cha mẹ trong việc giáo dục con cái theo niềm tin tôn giáo của họ. Ông gọi tôn giáo là thứ hoàn toàn xấu xa (unmitigated evil) cần phải bị tiêu diệt.

Một lực lượng vô thần xung kích khác được mô tả trong bài viết của Wired là Sam Harris. Trong cuốn sách của mình xuất bản năm 2004, The End of Faith: Religion, Terror, and the Future of Religion (Sự kết thúc của Đức tin: Tôn giáo, Nỗi kinh hoàng, và Tương lai của Tôn giáo), Harris đã đề cập nhiều hơn đến phương pháp khải huyền. Ông cho rằng con người phải từ bỏ niềm tin tôn giáo hoặc nó sẽ đánh dấu sự kết thúc nền văn minh, nhưng ông quá dễ dàng quên lãng việc giết chết hơn 175 triệu người trong những bàn tay khát máu của các chính phủ vô thần trong thế kỉ XX.

Trong cuốn sách xuất bản năm 2006 của mình, cuốn Letter to a Christian Nation (Thư gởi một Quốc gia Kitô giáo), Harris bàn luận về thói đạo đức giả của các tôn giáo. Ông đả phá Kitô giáo, đặc biệt Thánh Kinh, vì nó rao giảng một thứ luân lý hẹp hòi. Nó gây ra các cuộc chiến tranh, thảm sát, duy trì chế độ nô lệ, đặt con người ở trong một tình trạng lạc hậu ; ông tuyên bố rằng những người ở trong cái gọi là các tiểu bang đỏ của Hoa Kì có tỉ lệ tội ác và ly dị cao hơn. Cũng như Intelligent Design (Kế hoạch thông minh), ông chỉ ra một số lỗi hỏng trong tự nhiên, như là những con chim không biết bay, những đôi mắt mù lòa, để phủ nhận tính xác thực của nó.

6. Một Tư tế vô thần

Bài viết của Wolf đặc biệt làm nổi bật thực tế đó là: khác với những người vô thần trước đây trong thời kì Khai Sáng luôn tỏ ra chán ngán do mang tính phòng thủ, giờ đây họ đã xông xáo và tích cực hơn trong việc chiến đấu với tôn giáo bằng một sự nhiệt tình đầy giận dữ, một điều chưa từng thấy trong Thời Mời. Các lực lượng vô thần mới sẽ không chấp nhận ảo tưởng của tôn giáo như là vai trò xoa dịu trong việc giúp đỡ con người trong khi đối mặt với những đau đớn của hoạn nạn hoặc chết chóc. Các nhà vô thần thời mới tranh cãi với nhau rằng đây là sự hão huyền và nô dịch. Họ tin rằng Kitô giáo là sự trống rỗng, lố bịch về mặt trí tuệ, áp bức về mặt luân lý và không thể tự biện hộ được.

Những người vô thần xung kích chê bai những người giữ thái độ trung lập như là những người không có can đảm tin theo những lời thuyết phục của họ. Những tư tế vô thần này đang tiến hành một cuộc chiến không khoan nhượng đối với các tín ngưỡng và những tín hữu. Những người vô thần không tham gia trong các cuộc chiến này thì lăng mạ câu cách ngôn của Ernie Pyle rằng: “Không có kẻ vô thần nào khi sắp chết” (there are no atheists in a foxhole), như là một sự phân biệt đối xử không công bằng và không đúng.

Cuộc chiến của họ cũng diễn ra trong các tương quan công cộng. Nhận thức rằng hạn từ “vô thần” đã trở nên chán ngán với phần đông người Hoa Kì, nên vào năm 2003, những người vô thần đã sử dụng một thuật ngữ mới trong Hội nghị thường niên của họ họp ở Florida. Họ tự gọi mình là “Những người thông minh” (Brights), điều này rõ ràng cho thấy có sự nối kết với lối suy nghĩ thời Khai Sáng. Thuật ngữ bright muốn nhắm tới một cái gì đó rộng lớn hơn là một phong trào vô thần. Nó không chỉ đơn thuần phủ nhận Thiên Chúa – một điều mà không còn đứng vững – nhưng nhằm bài bác những lối suy nghĩ mê tín, ma thuật nói chung. Mặc dù họ phủ nhận, nhưng thật khó để không nhận thấy họ nghĩ về chính họ như là những người thông minh siêu phàm, không bị ảnh hưởng bởi những ràng buộc của niềm tin tôn giáo.

7. Câu trả lời của các Giáo hoàng

Theo giáo lý Hội Thánh Công giáo, thuyết vô thần là một tội chống lại nhân đức thờ phượng, bởi vì nó đánh giá sai lầm về con người, loại bỏ khả năng của ý chí tự do, và xem con người như những con vật trong học thuyết Darwin. Đã có khá nhiều tư tưởng xuất hiện trong dòng tư tưởng triết học trong thế kỉ XVI và XVII chống lại chủ nghĩa vô thần, Giáo hội Công giáo đã có một số kinh nghiệm trong việc đối diện với thuyết vô thần thực chứng (positive atheism). Chính cuộc Cách mạng Pháp đã mở ra những buổi ngồi lại của Giáo hội để giải quyết những nguy hiểm về mặt thiêng liêng và thể xác của những kẻ vô tín của thế giới.

Đối với thuyết tân đại và cộng sản, Giáo hoàng đã đưa ra những lưu ý rất hợp thời về những nguy hiểm tiềm tàng trong các học thuyết vô thần ấy. Ngay từ đầu năm 1846, Giáo hoàng Piô IX đã đưa ra những lưu ý liên quan đến sự tục hóa của thế giới với sự nổi lên của chủ thuyết thời mới và cộng sản duy vật. Trong Thông điệp Qui Pluribus, Giáo hoàng đã đưa ra những lên án chính thức đối với học thuyết vô luân của cái gọi là chủ nghĩa Cộng sản, vì trong chủ thuyết đó hoàn toàn trái ngược với luật tự nhiên. Năm 1878, Giáo hoàng Lêô XIII ra Thông điệp Quod Apostolici Muneris, xác định thuyết Cộng sản như là bệnh dịch chết người đã đặt chính mình vào trong một quan niệm rất hẹp hòi về xã hội loài người và sẽ dẫn đến đổ nát. Trong thông điệp Pascendi Dominici Gregis (1910), Giáo hoàng Piô X gọi chủ thuyết Thời mới là tổng hợp của các lạc giáo (synthesis of all the heresies). Năm 1937, Giáo hoàng Piô XI đã viết thông điệp Divini Redemptoris, nhằm trả lời cách dứt khoát với chủ nghĩa cộng sản vô thần. Thông điệp ấy nhắc lại phẩm giá của mọi loài Thiên Chúa dựng nên, và nhấn mạnh đến việc chủ nghĩa cộng sản đã phá hủy không chỉ thân xác nhưng còn linh hồn con người.

Trong khi triều đại Giáo hoàng Gioan XXIII phần nào nới lỏng sự phòng thủ của Giáo hội trước chủ nghĩa cộng sản Soviet, đến Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở thế giới về những tội ác kinh khủng mà chủ nghĩa Cộng sản đã gây ra cho quê hương Ba Lan của ngài sau thế chiến. Theo Michael Novak, Giáo hoàng Benedict nhận thức rằng sự chuyển hướng nhắm tới thuyết vô thần ngày nay đã khác với những gì diễn ra ở thế kỉ XIX, khi nó hướng tới thế giới khách quan của lý trí khoa học. Mô hình mới của nó thì hung hãn hơn vì nó chủ quan thuần túy (pure subjectivism), nó nằm ở trọng tâm của thời hiện đại và cuộc chiến văn hóa ngày nay. Nỗi lo ngại nhất của Giáo hoàng đó là sự độc tài của chủ nghĩa tương đối sẽ đưa thế giới trở về với việc công chính hóa kẻ sát nhân nhân danh lòng khoan dung và sự lựa chọn chủ quan đã thực sự rung lên hồi chuông cảnh báo.

Cũng giống như Churchill, Giáo hoàng Benedict nhìn nhận rõ ràng rằng Giáo hội phải dấn bước vào cuộc chiến đấu chống lại các lực lượng của nền văn hóa sự chết của thuyết vô thần, với những âm mưu xảo quyệt tấn công sự sống trên diện rộng. Có những học thuyết vô thần mới, Giáo hội cũng rất cần có những lực lượng xung kích mới để chống lại sự phát triển nguy hại của những thuyết vô thần này.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 92 (Tháng 01 & 02 năm 2016)
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter