Ngày của Chúa

Ngày của Chúa tức là Chúa Nhật, ngày thứ nhất trong tuần, ngày rất quen thuộc và mật thiết với người Công Giáo. Không người Công Giáo nào còn xa lạ với ngày này và quên được bổn phận của mình trong ngày đó, trừ ra đã bỏ đạo hay “khô khan nguội lạnh”.

Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người, trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong sáu ngày và ngày thứ bảy, Người nghỉ ngơi : “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người.” (St 2, 1-3)

Công Dồng Va-ti-ca-nô II đã dành cho ngày Chúa Nhật một vị trí hết sức đặc biệt. Ngày này được coi là đại lễ và các lễ buộc trong Hội Thánh hiện nay đều dồn vào Chúa Nhật, trừ lễ Chúa Giáng Sinh.

Ngay từ xa xưa, trong Thời Cựu Ước, ngôn sứ Nơ-khe-mi-a đã nói đến ngày này (Nkm 8.1-8) mà hiện nay, các nhà thờ vẫn còn đang tiếp tục thi hành vào các ngày Chúa Nhật. Ngày đó, ông Ét-ra là kinh sư đem sách luật Mô-sê ra trước mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đứng trên bục gỗ đã đóng sẵn, mở sách Luật ra đọc trước mặt dân.

Phụng vụ ngày Chúa Nhật hiện nay, cũng đặt một giảng đài trang trọng để công bố và giảng giải lời Chúa.

Chúa Nhật là ngày vui mừng, ngày dân Chúa như nếm cảm được tiền vị của thiên đường, nên ông Nơ-khe-mi-a, tổng đốc, ông Ét-ra, tư tế, kiêm kinh sư cùng các thầy Lê-vi là những người đã giảng Luật Chúa cho dân chúng nói với họ rằng : “Hôm nay là ngày thánh hiến cho Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc lóc. Ông Ét-ra còn nói với dân chúng rằng : “Anh em hãy về, ăn thịt béo, uống rượu ngon và gửi phần cho những người không sẵn của ăn, vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta. Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em.” (Nkm 8,9-10)

Có lẽ vì thế, những nước Âu châu thấm nhuần tinh thần và truyền thống Ki-tô giáo đã biến ngày này thành một ngày đặc biệt. Họ không làm việc nặng nhọc trong ngày đó để giữ luật truyền, hầu có thời giờ đi lễ, nghỉ ngơi, giải trí, thăm viếng người thân, người nghèo, người già trong các viện dưỡng lão, người đau yếu trong các bệnh viện. Ngày xưa, nhiều “nhà chung” ngoài Bắc, ngày Chúa Nhật, có thói quen phân phát gạo tiền cho những người nghèo tập trung ở sân “nhà gạo”, nơi tích chứa gạo thóc của nhà chung, để làm công việc từ thiện. Ngày nay, các nhà thờ cũng dành ra một phần trong số tiền giáo dân “bỏ giỏ” để giúp cho “kẻ khó”.

Thành ra theo kiểu cách và tinh thần Ki-tô giáo, ngày Chúa Nhât có một vẻ gì hết sức đặc biệt, cả trong bầu khí lẫn trong sinh hoạt. Tại Đức và Pháp, ngày Chúa Nhật, người Công Giáo nghỉ ngơi, ăn mặc theo y phục ngày lễ, nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ, có khi trưng bông, trải khăn bàn ăn và các món ăn khá hơn ngày thường. Tất cả những điều đó có ý nhắc cho mọi người hiểu rằng, mai sau trên Thiên Quốc mình sẽ được hưởng cảnh an nhàn thư thái gấp bội trước nhan Thiên Chúa, mà kiên trì tiếp tục cuộc hành hương trên cõi đời này, dù còn phải đương đầu với những khó khăn thử thách trong việc “làm tôi” thờ phượng Chúa.

Như vậy, Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày tín hữu đến nghe Lời Người để ca tụng và đón nhận phúc lành của Người, trong niềm hân hoan và tinh thần liên đới với mọi người chung quanh. Ước chi người Công Giáo thấu hiểu và thục thi giáo huấn của ngày đáng trân trọng này.
Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p..Vietcatholic.news
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter