Lc 4,16-30
THÀNH KIẾN
Suy niệm: Thành kiến được định nghĩa là một suy nghĩ, một cái nhìn cố định khó thay đổi về việc gì đó. Khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình “như đúng rồi” lại còn úp lên đó cái khung cứng nhắc của cảm tính, người thành kiến sẽ không thể nhìn người khác đúng như họ là, mà trái lại sẽ đánh giá theo kiểu: “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo.” Chẳng những thế, người thành kiến lại thích đeo cặp kính đen để chỉ nhìn thấy phương diện xấu xa, bi quan, tiêu cực của sự việc. Những người đồng hương đương thời với Đức Giê-su đã nhìn Người với đôi mắt thành kiến như thế. Đối với họ thì gà thì đẻ ra gà chứ không thể đẻ ra công được. Với cái nhìn thành kiến, họ không thể nào nhận ra Đức Giê-su mà họ vẫn tưởng là con bác thợ mộc Giu-se lại là Con Thiên Chúa được.
Mời Bạn: Thành kiến khiến người ta không thể đón nhận được chân lý, và cũng không thể nhận ra hình ảnh của Chúa nơi người anh em. Hơn nữa họ đánh mất khả năng hoán cải nơi chính mình và cũng không thể đón nhận sự hoán cải nơi người khác. Để có thể phá đổ thành kiến, chúng ta cần nhớ rằng mình có thể sai; đồng thời cũng ý thức rằng người khác dù xấu xa thế nào đi nữa, cũng có những mặt tốt đẹp và nhất là, cũng có thể hoán cải.
Sống Lời Chúa: Tìm cách khám phá ra ít là một ưu điểm của người bên cạnh, nhất là nơi người mà mình đang có thành kiến.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là chân lý và tình thương. Xin thông ban cho chúng con tình thương và chân lý của Chúa, để chúng con biết nhìn người anh chị em với lòng thiện cảm và trân trọng.
05/09/17 THỨ BA TUẦN 22 TN
Lc 4,31-37
SỨC MẠNH LỜI CHÚA
Suy niệm: Nhiều người thán phục về những lời giảng dạy đầy uy quyền của Chúa Giê-su. Nhưng quyền uy đó không đến từ chiêu thức mị dân của các nhà chính trị: tung tiền bạc, cho cơm bánh để mua chuộc sự ủng hộ. Lời Chúa quả thật có sức mạnh xua đuổi được ma quỷ. Lời Ngài phán ra bệnh nhân được chữa lành. Ngay cả khi Chúa cho đám đông hàng nghìn người được ăn no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài cũng đã rao giảng Lời Ngài cho họ, và Ngài còn cảnh báo họ đừng tìm kiếm Ngài để chỉ có của ăn mau hư nát mà hãy đến với Ngài để lãnh nhận được Lời ban sự sống đời đời. Quả thật, Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Lời đã sáng tạo vũ trụ càn khôn, là Sự Thật và là Sự Sống dẫn đưa nhân loại đến với Chúa Cha là nguồn mạch của sự sống đời đời.
Mời Bạn: Nhiều người thường tìm cách lấy lòng, hay tặng quà cho người khác để họ tin đạo và chịu phép rửa trước khi nói về Lời Chúa. Bạn nghĩ quan niệm ‘có thực mới vực được đạo’ như thế có phải là cách tốt nhất không? Theo bạn, phải gặp gỡ và chia sẻ với họ thế nào để Lời càng tỏa lan, và nhiều người tin đạo vì yêu Lời trước khi yêu cái bụng của mình?
Sống Lời Chúa: Gương thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê, bổn mạng của các xứ truyền giáo, nhờ nghe Lời: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì” (Mt 16,26) đã bỏ ghế giáo sư triết học tại đại học Paris để sống khó nghèo, khiết tịnh, và hăng say truyền giáo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ được lành sạch. Amen.
06/09/17 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 4,38-44
CẦU NGUYỆN VÀ RAO GIẢNG
Suy niệm: Dân chúng mộ mến Đức Giê-su vì Ngài làm cho họ biết bao điều tốt đẹp: chữa bệnh, trừ quỷ, rao giảng… Thật dễ hiểu khi họ muốn giữ Người ở lại với họ. Điều đó không sai. Nhưng Chúa Giê-su không chấp nhận một tầm nhìn hạn hẹp như vậy. Ngài nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa… Tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” Để thắng cơn cám dỗ đi sai lệch trọng tâm của sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Chúa Giê-su vẫn luôn kết hiệp với Chúa Cha qua đời sống cầu nguyện: Từ sáng sớm, Người đi ra một nơi hoang vắng để cầu nguyện, để sống thân mật với Chúa Cha, để lắng nghe Chúa Cha và nói lại cho dân chúng. Cầu nguyện trước đã rồi mới loan báo Tin Mừng, hai thực hành này hòa quyện với nhau trong con người và hoạt động của Chúa Giê-su.
Mời Bạn: Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy đi rao giảng Tin Mừng. Thế nhưng, có lẽ chúng ta chẳng biết đi đâu và loan báo gì, vì chúng ta chưa quỳ gối cầu nguyện để lắng nghe tiếng Chúa phán dạy và hướng dẫn. Mỗi sáng sớm, bạn dành riêng ít phút thinh lặng để lắng nghe Chúa muốn bạn hôm nay làm gì.
Chia sẻ: Bạn dành thời giờ cầu nguyện với Chúa thế nào?
Sống Lời Chúa: Dành vài phút thinh lặng để cầu nguyện với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa vẫn luôn miệt mài cầu nguyện để biết thánh ý Chúa Cha. Xin cho chúng con yêu mến đời sống cầu nguyện, để cuộc đời con luôn thuộc về Chúa, lúc đó, lời nói và đời sống của con mới là lời rao giảng về Chúa. Amen.
07/09/17 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,1-11
DỰA VÀO LỜI THẦY
Suy niệm: “Không thầy đố mày làm nên.” Phê-rô rất ý thức sự thật này qua lời tuyên bố đầy xác tín: “Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà chẳng được gì, nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Ông gác qua kinh nghiệm đánh cá dày dạn của mình và nghe theo lời Thầy trong chính chuyện… đánh cá! Phê-rô đã thể hiện cái tâm “tầm đạo” của ông bằng thái độ cởi mở, hoàn toàn phá chấp, sẵn sàng lắng nghe. Và ông trúng đậm: một mẻ cá đầy đến gần rách cả lưới! Nhưng đó mới chỉ là ‘khúc dạo đầu’ có tính tượng trưng thôi; từ đây Phê-rô bỏ mọi sự mà theo Đức Giê-su để trở thành một tay ‘đánh lưới người’. Từ đây, ông lấy lời của Thầy làm động lực và điểm tựa cho cả cuộc đời ông.
Mời Bạn: Đâu là động lực mạnh nhất đang lèo lái tư tưởng và hành động của con người hôm nay? Phải chăng đó là tinh thần độc tôn lợi nhuận của nền kinh tế toàn cầu hoá? Phải chăng đó là chủ nghĩa hưởng thụ, hưởng lạc được hỗ trợ bởi đủ thứ tiện nghi và dịch vu, và được quảng bá bởi cả một cỗ máy truyền thông đồ sộ? Phải chăng đó là tham vọng quyền lực dẫn người ta đến chỗ phe cánh kình chống triệt hạ nhau, sẵn sàng dùng mọi phương tiện miễn sao đạt mục đích của mình?
Chia sẻ: Là môn đệ của Đức Ki-tô, ta phải làm gì để Lời Chúa thật sự trở thành “ngọn đèn soi cho con bước,” trở thành động lực sâu xa nhất của đời ta?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dành thời giờ suy niệm Lời Chúa, để Lời Chúa thấm nhập và dẫn dắt mọi việc của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Thầy dạy đích thực. Xin cho con luôn biết nghe và thực hành Lời Chúa.
08/09/17 THỨ SÁU TUẦN 22 TN
Sinh nhật Đức Trinh Nữ Ma-ri-a.
Mt 1,18-23
ĐỜI TÔI LÀ MỘT BÀI CA CẢM TẠ
Suy niệm: Không một ai dám nghĩ rằng Thiên Chúa cao cả lại gần gũi với con người. Hơn nữa, cũng chẳng có ai dám tưởng tượng Thiên Chúa đã chọn một con người không có chút thế giá nào trong xã hội để đảm nhận vai trò vinh dự là làm Mẹ Thiên Chúa như thế. Thế mà, người được chọn lại là Đức Ma-ri-a. Mẹ không thuộc hàng thượng tế để đại diện cho Do Thái giáo. Mẹ cũng chẳng phải là người nam để được nhìn nhận trong xã hội. Mẹ chỉ là một thiếu nữ ở Na-da-rét, một vùng quê chẳng được lưu ý gì trong Kinh thánh. Không lạ gì Mẹ Ma-ri-a đã phải ngạc nhiên khi hành động “ở cùng” của Thiên Chúa xảy ra trong cuộc đời Mẹ. Đối với Mẹ, việc Thiên Chúa đến ở với là một bất ngờ làm Mẹ choáng ngợp, đến nỗi chỉ biết thốt hai tiếng “xin vâng”. Thật ra, không lời nào diễn tả hết niềm hạnh phúc vừa lãnh nhận, cũng chẳng có ngôn ngữ sâu xa nào cho bằng ngôn ngữ của thinh lặng, của “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng.” Mẹ nhận ra cuộc đời của Mẹ nằm trong kế hoạch đầy yêu thương của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Không một giây phút nào trong cuộc đời bạn nằm ngoài tình yêu của Thiên Chúa. Trong thinh lặng của chiêm niệm bạn sẽ nhận ra hạnh phúc này và ngạc nhiên vì Chúa yêu bạn.
Chia sẻ: Kể cho nhau những cảm nhận của bạn về tình Chúa dành cho mình.
Sống Lời Chúa: Thinh lặng hướng lòng về Chúa và thầm cảm tạ vì những ơn lành Ngài ban.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con muốn cùng Mẹ trong giây phút này chìm đắm trong niềm vui vì được Chúa ở cùng con.
09/09/17 THỨ BẢY TUẦN 22 TN
Th. Phê-rô Cla-ve, linh mục
Lc 6,1-5
ĐẸP BIẾT BAO ĐƯỢC LÀ KI-TÔ HỮU!
Suy niệm: Trả lời phỏng vấn trước ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2005 tại Kôn (Kӧln), nước Đức, đức thánh cha Bê-nê-đi-tô cho biết Ngài sẽ nói với các bạn trẻ khắp thế giới rằng được làm người Ki-tô hữu thật tốt đẹp biết bao, bởi vì đây đó vẫn phổ biến một quan niệm rằng Ki-tô giáo chỉ gồm những luật lệ cấm đoán mà ta phải tuân giữ. Vị đại diện Đức Ki-tô cho thấy đời sống Ki-tô hữu có những luật lệ nhưng đó là đôi cánh để đưa ta lên cao. Hôm nay Lời Chúa nói với chúng ta rằng Ngài là chủ của ngày sa-bát, nghĩa là Ngài có quyền qui định luật lệ cho ngày lễ nghỉ nói riêng và mọi luật lệ trong cuộc sống nói chung, bởi vì Ngài là mục đích, nguyên nhân và động lực của mọi luật lệ tôn giáo. Chính những luật lệ ấy nâng chúng ta lên cao khỏi những khuynh hướng thấp lè tè của bản năng để đến gần và nên giống Đức Ki-tô hơn.
Mời Bạn: Xem lại quan niệm của bạn về việc giữ luật: có như một gánh nặng, bị áp đặt hay đó là đôi cánh giúp bạn bay bổng? Hiểu ý Đức Ki-tô rồi, mời bạn giữ luật của Ngài với niềm yêu mến để được nên giống Ngài. Và bạn có thể hoà chung niềm vui với các bạn trẻ tại Kôn trong niềm xác tín “đẹp biết bao, được là Ki-tô hữu”.
Chia sẻ: Tôi sẽ làm gì để biến lề luật thành đôi cánh giúp tôi bay cao?
Sống Lời Chúa: Trung thành tuân giữ một điều luật nhỏ với lòng yêu mến (đọc kinh tối, làm việc bác ái theo tinh thần Tin Mừng, tránh làm một điều xấu theo bản năng…).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ý thức hạnh phúc và nét đẹp được là Ki-tô hữu. Chúng con cảm tạ Chúa vì ân huệ này.
5 phút Lời Chúa