người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy”. Như vậy, yêu mến Chúa thì giữ các điều răn, và ngược lại, giữ các điều răn là yêu mến Chúa.
Các điều răn Chúa nói gì? Và giữ các điều răn thế nào để chứng tỏ chúng ta yêu mến Chúa? Hiểu theo nghĩa chật, đó là bản giao ước được ghi vào bia đá. Bản giao ước đó chính là Mười Điều răn, mà dân Do thái gọi là “Những lời của giao ước” hoặc “Mười Lời”. Hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những điều Thiên Chúa truyền dạy. Ngày nay, đạo của chúng ta cũng dạy rất nhiều điều: nào là Tin Mừng, nào là mười điều răn Đức Chúa Trời, sáu điều răn Hội Thánh, nào là luật Giáo Hội. Trong tất cả những luật ấy, chúng ta không biết điều nào là chính điều nào là phụ, sự phân vân thắc mắc đó, ngay từ xưa chính Chúa Giêsu đã giải đáp: điều chính, điều quan trọng nhất, tóm tắt tất cả những gì mọi Kitô hữu phải giữ và thực hành, đó là điều răn yêu mến “ Mến Chúa, yêu người. Ai giữ hai điều này thì kể là giữ tất cả những điều khác, trái lại, ai giữ tất cả những điều khác mà không thực hành lòng mến Chúa yêu người thì kể như không giữ gì cả.
Tóm lại, người Kitô có nhiều cách để biểu lộ lòng yêu mến của mình đối với Chúa, nhưng cụ thể nhất là giữ các điều răn Chúa dạy, cách riêng là điều răn mến Chúa yêu người. Hơn nữa, chỉ cần xét xem chúng ta có yêu người không là đủ. Nghĩa là muốn biết chúng ta yêu Chúa thế nào thì chỉ cần xét xem chúng ta đã yêu người ra sao. Và tình yêu đó phải được thể hiện bằng những việc làm, những hành động cụ thể.
Truyện cổ tích Ả Rập kể rằng: Có một người bán thịt nướng rất keo kiệt và khó tính, vì tính khí khó chịu của anh ta nên cửa hàng luôn bị ế ẩm, anh đã làm đủ mọi cách để câu khách nhưng chẳng ai thèm mua. Có một người ăn xin ngồi bên lề đường, thèm thuồng nhìn những miếng thịt nướng treo lủng lẳng, rồi ông móc trong bị ra một khúc bánh mì, lẳng lặng đem hơ nóng trên khói, hy vọng khói thịt sẽ ướp vào miếng bánh. Sau đó, ông ngồi ăn miếng bánh cách ngon lành. Anh chàng bán thịt nhìn thấy, chạy ra túm áo người ăn xin đòi tiền. Người ăn xin phân trần: “Tôi đâu có mua thịt của anh, khói thịt đâu có phải là thịt”. Anh bán thịt quát lên: “Khói thịt cũng thuộc về miếng thịt, ông phải trả tiền cho tôi”. Hai người cãi nhau, không ai chịu ai và đưa nhau đến quan tòa xét xử. Vị quan tòa truyền cho người ăn xin móc ra một đồng tiền cắc và ném xuống nền nhà phát ra tiếng kêu, ông nói: “Đây là giải pháp công bằng nhất, người ăn xin hưởng khói thịt của anh ta, và anh thì hưởng âm thanh đồng tiền của ông ta. Thế là công bằng nhé”.
Nghe qua câu chuyện trên, có thể chúng ta sẽ cười chê thái độ ích kỷ, keo kiệt, vớ vẩn của người bán thịt, thế nhưng rất nhiều khi trong cuộc sống chúng ta đã cư xử với tha nhân như thế. Việt Nam chúng ta có câu chuyện về một người cha tham ăn đang nướng mấy con cá, người mẹ dỗ dành vỗ về đứa con nhỏ khóc đòi ăn: “Nín đi, để xem có con nào nhỏ rồi ba cho”. Anh chồng quát lên: “Cho cái gì? Không có con nào nhỏ cả, con nào cũng bằng nhau”.
Tình thương không chia sẻ, không liên đới là tình thương không mạnh đủ hay là tình thương không có thật. Trước những nhu cầu bức thiết của người anh em, nhiều người đã tránh né, chạy trốn bằng những câu trả lời: “Chừng nào tôi đủ ăn, dư mặc tôi sẽ cho”. Hay “Để lúc khác, bây giờ tôi không có thời giờ”. Và cái lúc khác sẽ không bao giờ đến, vì người ta có trăm ngàn lý do để biện minh cho thái độ thiếu lòng thông cảm, thiếu tình thương của mình.
Người Kitô hữu có nhiều cách để biểu lộ lòng yêu mến của mình đối với Chúa, nhưng cụ thể nhất là giữ các điều răn Chúa dạy, cách riêng là điều răn yêu người, nghĩa là muốn biết chúng ta yêu Chúa thế nào thì chỉ cần xét xem chúng ta đã yêu người ra sao. Như vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta biết một bằng chứng, một dấu hiệu để chứng tỏ chúng ta yêu mến Chúa là tuân giữ các điều răn của Chúa, nhất là điều răn yêu người. Chúng ta hãy sống thế nào để lòng yêu mến Chúa không chỉ giới hạn trong việc thờ phượng hay trong những sinh hoạt tôn giáo, mà phải được thể hiện bằng cả cuộc sống yêu thương của chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta luôn xác tín rằng: chỉ bằng cuộc sống yêu thương chúng ta mới thực sự làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu.
Tinmungnet.