I. PHẦN KẾT SÁCH GIÊRÊMIA (52,1-34)
1. Giêrusalem sụp đổ (52,1-16)
Cuộc vây hãm bắt đầu vào tháng giêng năm 588 trước Công nguyên và kết thúc vào tháng 7 năm 587. Binh lính bỏ chạy, bị bắt, vua Zedekiah bị đâm mù mắt… những điều này đã được nói đến ở chương 39,5-7. Một tháng sau, Nebuzaradan, quan chỉ huy thị vệ của vua Babylon, đến để giám sát việc phá hủy thành phố và đưa dân đi đày.
2. Lưu đày (52,24-30)
Đem dân thua trận đi lưu đày là cách thế hiệu quả nhất để ngăn chặn những cuộc nổi loạn có thể bùng phát. Assyria đã từng làm như thế (x. 2V 17). Lưu đày không có nghĩa là đưa toàn bộ dân chúng sở tại đi, nhưng chỉ đưa những người có thế lực và ảnh hưởng đi vì sự hiện diện của họ có thể khơi dậy các cuộc phản kháng và chống đối. Câu 28-30 đưa ra những con số dân lưu đày thuộc 3 nhóm: năm 597, 587, và năm 582.
3. Vua Jehoiachim được tha (52,31-34)
Năm 598, Ông vua trẻ này lên nối nghiệp cha mới được 3 tháng thì bị đày sang Babylon làm con tin. Ông được trả về năm 561. Nhiều người Do thái đang bị lưu đày cũng như đã được về quê hương nhìn vị vua này là vị vua chính thức (chứ không phải vua Zedekiah). Vì thế việc ông ra khỏi tù được coi là dấu chỉ hi vọng cho tương lai. Cách đối xử đặc biệt mà vua Babylon dành cho vị vua này cũng nhằm nói lên ý nghĩa này: nhắc nhớ cho dân Israel lời tiên tri của Giêrêmia rằng thời lưu đày sẽ chấm dứt và họ sẽ được trở về miền đất quê hương.
II. TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA TIÊN TRI GIÊRÊMIA
Giống như Môsê và Chúa Giêsu, Giêrêmia sống vào thời điểm bước ngoặt của lịch sử, và đóng vai trò cầu nối giữa giai đoạn cũ và giai đoạn mới. Trong thị kiến mở đầu, sứ vụ tiên tri của ngài được mô tả là “để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng” (1,10). Trong thực tế, ngài đã làm đúng từng chữ như thế. Ngài đã thấy đế quốc Assyria biến mất khỏi vũ đài lịch sử, và Babylon bước lên thay thế. Ngài đã loan báo sự sụp đổ của vương quốc Giuđa và giao ước Sinai, đồng thời tiên báo việc thiết lập Giao Ước Mới. Ngài đã tuyên bố rằng các vua dòng dõi Davít bị ruồng bỏ, đồng thời loan báo một Đavít mới.
Có thể nói về Giêrêmia rằng không có ai đóng góp nhiều cho dân tộc mình bằng ngài nhưng lại là người bị đối xử tệ hại nhất. Tuy nhiên điều quan trọng không phải là những đau khổ ngài phải chịu, mà là sự phục sinh của một dân tộc. Sự phục sinh này là một trong những kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa lại làm việc qua con người, và Giêrêmia là người đóng góp tích cực nhất.
Khi ngài bắt đầu xuất hiện vào năm 626 trước Công nguyên, khó có người Israel nào có thể hình dung Giêrusalem sẽ bị vây hãm và Đền thờ bị phá huỷ. Ai cũng nghĩ rằng Thiên Chúa đã tuyển chọn các vua dòng dõi Đavít và đã gắn bó với Giêrusalem, nên Giêrusalem bất khả xâm phạm. Việc họ đánh bại Sennacherib thời Isaia lại càng làm cho họ vững tin hơn. Đây là lý do giải thích tại sao họ chống lại Babylon và đến phút cuối, vẫn hi vọng Chúa sẽ can thiệp và hạ gục vua Babylon.
Giêrêmia đã cố gắng chống lại quan điểm tôn giáo sai lầm này. Ngài nhắc cho dân chúng nhớ rằng Thiên Chúa có thể hủy diệt Giêrusalem và ruồng bỏ hàng vua chúa thuộc dòng dõi Đavít. Điều ngài nhấn mạnh là việc Giêrusalem thất thủ không phải là do đế quốc Babylon nhưng là công việc của Chúa, và Chúa dùng Babylon như khí cụ. Thế là ngài bị chế giễu, khinh khi, nguyền rủa. Các tiên tri giả chiến thắng!
Thế nhưng khi Ngày của Đức Chúa đến, khi Giêrusalem bị tàn phá, khi vua chúa bị lưu đày… người ta nhớ lại lời của Giêrêmia. Và lời rao giảng của ngài, những dụ ngôn (bằng lời và hành động) của ngài được nhìn trong ánh sáng mới. Dân Chúa học được bài học đó đã là đáng quý nhưng phải trả giá quá đắt.
Điều đáng mừng là lời tiên tri của Giêrêmia không dừng ở đó. Bên cạnh thúng vả xấu, còn có thúng vả tốt (24,1-10); bên cạnh lời loan báo hủy diệt, còn có lời hứa hi vọng: “Khi mãn 70 năm, Ta sẽ viếng thăm để trừng phạt Babylon và dân ấy vì tội lỗi của chúng…” (25,12) và “Người ta sẽ còn tậu nhà cửa, ruộng nương, vườn tược trong xứ này” (32,15). Và những lời loan báo về giao ước mới (31,31-34; 32,40) cũng như lời hứa về một Đavít mới (33,14-26).
Trong cảnh tang thương, người ta nhớ lại lời tiên tri Giêrêmia và hiểu ra rằng tương lai của dân tộc tùy thuộc vào việc người ta trung thành hay bất trung với giao ước đã ký kết với Thiên Chúa. Trong ánh sáng đức tin, người ta hiểu được ý nghĩa những biến cố xảy ra. Và đức tin ấy tiếp tục được thắp lên giữa tăm tối của thời lưu đày, trở thành gạch nối giữa một Israel đau khổ của lưu đày và một Israel được hồi sinh từ nấm mồ lưu đày để bước vào một trang mới của lịch sử Dân Chúa. Giêrêmia là người đã đóng góp phần tích cực nhất cho lịch sử đó.
ĐGM. Nguyễn Khảm
Nguồn: WGPSG
Home »
học hỏi thánh kinh
» Tuần 45-Sách Giêrêmia chương 40 – 52