Giáo hội như người mẹ hiền hàng ngày mừng lễ các con cái Người. Nhưng vì đoàn con được hưởng phúc trên trời nhiều quá, Giáo hội không thể không biết hết được; vì thế, Giáo hội hằng năm chọn một ngày mừng chung tất cả các con cái, để không ai bị lãng quên hoặc bỏ sót, đồng thời cũng để khơi lên trong tâm hồn con cái còn ở trần gian những niềm hân hoan vui sướng và lòng can trường khát mong về quê trời là nơi tất cả những anh chị em Chúa đã gọi về trước đang chiêm ngưỡng thánh nhan Ngài.
Từ thế kỷ thứ IV Giáo hội Đông phương đã có một ngày lễ kính chung tất cả các thánh tử đạo khắp hoàn cầu, được tổ chức vào những ngày khác nhau tùy từng địa phương. Về sau Giáo hội Bizantina đã đổi ngày lễ này thành lễ các thánh, ở Tây phương ngày lễ các thánh có muộn hơn và có một lịch sử khá phức tạp.
Để tóm tắt tích ngày lễ các thánh, chúng ta nên biết rằng: Giáo hội đã thánh hóa một ngày của lương dân và thay thế bằng ngày lễ kính các thánh. Xưa ở Rôma có một đền thờ rất nguy nga, lộng lẫy của những người lương dân gọi là vạn thần miếu. Ở đây họ thờ đủ tất cả mọi thứ thần minh, ngẫu tượng. Quân Rôma trong thời kỳ đi chinh phạt những nước láng giềng nhỏ bé để lập đế quốc, đi đến đâu, họ cũng thu nhận thần các nước ấy đem về chính quốc lập đền mà thờ, bất kể thần lành thần dữ. Quãng thế kỷ VII, Hoàng đế Phoca (602-609) đã dâng vạn thần miếu cho Đức Giáo Hoàng Bônifaciô IV, Đức Giáo Hoàng đã biến đổi đền thờ đó thành một nhà thờ cung hiến cho Đức Mẹ trọn đời đồng trinh và tất cả các thánh tử đạo. Đồng thời Đức Giáo Hoàng truyền hằng năm phải dâng lễ kính các thánh vào chính ngày đã cung hiến đền thờ ấy ngày 13 tháng 5. Trước chỉ có giáo hữu Rôma mừng lễ ấy thôi, nhưng sau Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IV đã truyền cho cả Giáo hội phải dâng lễ kính các thánh nam nữ trên trời ngày 01 tháng 11 hằng năm, cũng là để thánh hóa một ngày lễ vô cùng long trọng của nhiều dân tộc thời ấy.
Để mừng lễ các thánh cách sốt sắng, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngưỡng những vị chiến sĩ nước trời đã chiến thắng tình dục, ma quỷ, thế gian bằng những chiến công có khi rất âm thầm nhưng đã được thêu dệt bằng lòng mến Chúa, yêu người và từ bỏ mình đến độ anh hùng. “Tôi thấy đoàn người đông vô kể, thuộc mọi quốc gia, chủng tộc, ngôn ngữ, mình mặc áo trắng, tay cầm ngành lá chiến thắng, miệng hoan hô chúc tụng Thiên Chúa”.
Đối với chúng ta, ngày lễ các thánh phải là ngày lễ của gia đình, vì hôm nay cùng với Giáo hội, chúng ta tưởng nhớ đến tất cả những người thân yêu Chúa đã gọi về trước, và tất cả những linh hồn chúng ta tưởng nhớ trong thánh lễ mỗi buổi sáng. Họ là những người đã cương quyết theo Chúa bằng con đường tám mối phúc thật. Chúng ta tưởng nhớ đến tất cả những bạn hữu đã cùng chúng ta làm trọn bổn phận của người con ngoan của Chúa và Giáo hội, trong gia đình ngoài xã hội, ở thành thị náo nhiệt cũng như ở thôn quê hẻo lánh, trên ghế nhà trường cũng như ở nơi xưởng máy, hay nơi chợ búa ồn ào… Những người bạn đó ngày nay không còn nữa. Là người con ngoan của Giáo hội chúng ta hãy hợp với Giáo hội để dâng lời chúc tụng những linh hồn thánh thiện ấy và ước chi các ngài ban cho chúng ta chính nghị lực của các ngài, để chúng ta vững mạnh trên con đường các ngài đã đi trước.
Ngày hôm nay cũng là ngày lễ của hết thảy chúng ta, những con người đang sống trong ơn nghĩa Chúa, bởi vì tất cả những linh hồn sạch tội trọng đều được gọi là thánh theo một ý nghĩa rộng rãi của danh từ.
Nhìn lên các thánh, chúng ta hãy tâm niệm lại lời của Chúa: “Ta mang lửa xuống thế gian, Ta ước mong gì nếu không là mong cho lửa ấy cháy bùng lên”. Lửa đó chính là lửa mến Chúa yêu người, ngọn lửa đã làm cho tâm hồn các thánh nóng nảy thi hành mệnh lệnh của Chúa: “Các con hãy nên toàn thiện như Cha các con ở trên trời là Đấng Thánh”. Đã lần nào chúng ta thấy sốt ruột khi đọc lời thánh Phaolô: “Thánh ý Thiên Chúa là anh em hãy nên thánh”. Nên thánh là bổn phận của chúng ta phải chu toàn. Nhìn lên các thánh, chúng ta lại được dịp chiêm ngưỡng sự thánh thiện của Thiên Chúa. Sự thánh thiện nơi các thánh chỉ là phản ảnh phần nào sự thánh thiện vô cùng của Thiên Chúa. Mỗi vị thánh chỉ bộc lộ một phần rất nhỏ sự thánh thiện của Chúa.
Các thánh là những bức gương lôi cuốn cho hết thảy mỗi người chúng ta. Các ngài đã thuật lại đời sống Chúa Kitô, không phải bằng nét bút nhưng bằng đời sống thực tế của con người. Đời sống Chúa Kitô đã được các thánh thích nghi với mọi thời đại, xứ sở, hoàn cảnh, mọi hạng tuổi và tính tình. Đời sống các thánh chính là đời sống Chúa Kitô được trình bày trong muôn vàn trạng thái cụ thể. Chúng ta học được nơi các thánh gương thánh thiện của một trẻ thơ măng sữa vừa thấy ánh sáng mặt trời, đã vội vã vĩnh biệt trần gian, của người giầu kẻ nghèo, của nhà bác học hay của bác thợ thuyền, bác nông phu quê mùa chất phác, của đấng trượng phụ hay của một nhi nữ chân yếu tay mềm. Nhìn vào đoàn thể các thánh, chúng ta nhớ lại lời thánh Âutinh: “Ông kia bà nọ nên thánh, sao tôi lại không?” Những tấm gương sống động ấy làm chúng ta phấn khởi. Những khuyết điểm trong đời sống các thánh cũng có thể khích lệ ta. Nhìn thấy các ngài chiến đấu với những yếu hèn của con người còn sống nơi dương thế, chúng ta cảm thấy các ngài cũng là người như chúng ta, và bởi đấy chúng ta không bao giờ được thất vọng trong sự nghiệp nên thánh.
Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại một điểm trong kinh Tin kính: “Tôi tin các thánh cùng thông công”. Những vinh hiển hay những đau khổ của các thánh là những vinh hiển và đau khổ của chúng ta. Lúc sinh thời, lời cầu nguyện của các thánh còn có hiệu nghiệm, lẽ nào lúc các ngài được vinh hiển, lời cầu nguyện của các ngài lại kém đi được? Như những chi thể trong thân thể mầu nhiệm, các thánh sẽ là những vị nâng đỡ, dìu dắt chúng ta trên bước đường về quê trời. Chúng ta hãy kính cẩn nghiêng mình nhớ đến các thánh, xin các ngài ban cho chúng ta chút nghị lực để bước theo con đường các ngài đã đi, để sau mấy chục năm sống ở trần gian, chúng ta được gia nhập đoàn thể các thánh mà thánh Gioan đã chiêm ngắm trong sách Khải huyền. Để được như thế, chúng ta hãy nhớ luôn rằng: “Tôi chỉ là thánh trên thiên đàng một khi đã là thánh dưới trần gian, và nên thánh đó là nghĩa vụ buộc tất cả mọi người”.