Chúa là tình thương và là Đấng hay tha thứ. Chỉ có một phương thế để đáng được tha thứ là: thú nhận tội lỗi và sự yếu hèn của mình, nhận thức rằng chỉ có Chúa mới có thể cứu thoát và hoàn tòan trông cậy và phó thác.
Bài Phúc Âm hôm nay đã cụ thể hóa giáo lý tình thương và tha thứ ấy trong câu chuyện “người đàn bà tội lỗi đến gặp Chúa trong bữa tiệc tại nhà ông Simon”.
Trong khi Matthêu và Marcô luôn trình bày người biệt phái như đối thủ cố chấp của Chúa, thì Luca, viết cho dân ngoại, mô tả một thứ biệt phái lễ độ hơn, biết mời Chúa đến nhà dùng bữa. Hôm nay, chúng ta đang ở trong nhà của ông Simon. Có thể ông mời nhà rabbi trẻ tuổi để có dịp quan sát hơn là vì hiếu khách, nhưng ông tỏ ra có chút lễ độ. Trong nhà có đám tiệc, kẻ ra người vào là thường. Một người đàn bà, ai cũng biết thuộc phường ‘tội lỗi’ lẻn vào đứng sau đám thực khách. Bà mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Rồi quỳ xuống phía chân Chúa, bà khóc nức nở, xức dầu thơm, hôn bàn chân ướt đẫm nước mắt và lấy tóc lau. Mọi người im lặng trối mắt nhìn. Simon coi đó là một cử chỉ quái gở và lẩm bẩm: “Ông này là một nhà tiên tri sao? Không, thật quá rõ ràng. Ai lại để cho hạng đàn bà ấy động đến mình!”.
Chúa Giêsu nhìn thấy tất cả, đọc cả những cảm nghĩ thầm kín của Simon. Với bao tế nhị, Ngài kể dụ ngôn người chủ nợ tha cho hai con nợ không có gì đền trả. Và, theo thói quen thông thường, Ngài để cho thính giả tự trả lời. Ngài hỏi: “Ai trong hai người yêu chủ nợ nhiều hơn?”. Do thái dùng chữ ‘yêu’ để thay thế chữ ‘cảm ơn’, không có trong từ ngữ. Yêu mến vì tri ân. Ông Simon thận trọng trả lời: “Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn”. Đúng vậy.
Bầu khí ngột ngạt đã lắng dịu, Chúa hướng mọi người về phía người thiếu phụ. “Ông thấy người đàn bà này chứ?”. Cách đối xử của bà và của người biệt phái khác biệt nhau biết chừng nào! Nếu ông biết trọng khách, biết yêu mến Ngài hơn thì ông đã không từ chối những cử chỉ lễ phép xã giao đó. Nhưng ông là biệt phái nên ông cho là không phải lệ thuộc ai, kể cả Thiên Chúa.
Và Chúa Giêsu kết luận: “Tội bà rất nhiều nhưng đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều”. Tình yêu là nguyên do hay là kết quả của ơn tha thứ? Dụ ngôn cho thấy tình yêu lớn lao của bà là dấu chỉ của một ơn tha thứ lớn lao hơn của Chúa. Bà đã nghe Chúa giảng dạy, đã hiểu rằng thời hồng ân tha thứ đã đến và bà đã tin. Hôm nay bà đến, tâm hồn nhẹ nhõm vì mình đã được tha thứ để cảm tạ Chúa. Chúa nói với bà một lời bảo đảm: “Tội con đã được tha rồi. Hãy đi bình an”.
Lạy Chúa, “con xưng ra với Chúa tội phạm của con và lỗi lầm của con, con đã không che dấu. Con thú thực điều gian ác của con và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con” (Tv 31).
SƯU TẦM