Thứ Hai
Chủ đề ơn gọi. Những mong ước của con người thể hiện nơi người luật sĩ trong tin mừng: ‘Dù Thầy đi đâu con cũng sẽ theo Thầy’, ‘Cho phép tôi về …trước..’ đối nghịch với những yêu sách của Đức Giêsu. Loan báo tin mừng, hiến thân cho người khác, phục vụ cho Nước Thiên Chúa, đòi hỏi một thái độ vượt trên những giới hạn của con người. Trong khi tất cả đều biết những điều kiện tối thiểu của tổ ấm, gia đình, của sự thoải mái, thì người theo Đức Giêsu bị đòi hỏi từ bỏ hoàn toàn tất cả, tựa cách thức của Đấng ‘không có chỗ gối đầu’. Những lời của Đức Giêsu thật quyết liệt: ‘Hãy theo Thầy’. Những lời này vẫn còn hiệu lực cho hôm nay cũng như cho thời của Đức Giêsu. Lòng quảng đại theo Đức Giêsu không thiếu, cũngkhông thiếu ý muốn theo Đức Giêsu. Nhưng điều cần thiết là hiểu được đòi hỏi triệt để của tin mừng. Chúng ta thường làm cho đòi hỏi ấy nhẹ bớt bằng những chỉ dẫn, những điều kiện, nhữnggiải thích, để không bị thương tổn… Chỉ có một điều cần: ‘Hãy theo Thầy’. Con tim quảng đại sẽ đáp trả tiếng gọi rõ ràng này.Thứ Ba
Thánh Irênê
Lời nguyện nhập lễ: Lạy Thiên Chúa, Chúa đã ban ơn cho thánh Giám Mục Irênê củng cố Giáo hội Chúa trong chân lý và bình an…’ bằng cách chỉ rõ công việc mà thánh nhân đã thực hiện, trong cương vị là Giám mục Giáo hội tại Lyon vào thế kỷ thứ II.
Vào thời đó giáo lý kitô giáo bị đe dọa bởi thuyết ngộ đạo, biến tất cả thành trừu tượng; Irênê, qua việc rao giảng và các công việc của mình, đã bảo vệ tính vẹn toàn của giáo lý kitô giáo bằng cách đào sâu việc hiểu biết Kinh Thánh và những mầu nhiệm đức tin: Ba Ngôi, Đức Kitô trung tâm của lịch sử, Thánh Thể nuôi dưỡng chúng ta bằng Mình Máu thánh Đức Kitô ‘làm cho xác thịt của ta làm vui lòng của Thiên Chúa’.
Irênê là một vị thánh hết sức lạc quan. Lời tuyên bố của Ngài: Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động’. Có nghĩa là gì?
Tin mừng hôm nay nói về vinh quang: ‘Vinh quang mà Cha đã ban cho con, con đã ban cho chúng, để chúng nên một như chúng ta là một. Vinh quang là sự hiệp nhất mọi người trong tình yêu, phản ánh sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhân tính, trở nên hoàn hảo trong sự hiệp nhất’, là vinh quang của Thiên Chúa, gương phản chiếu vinh quang của Thiên Chúa trong Đức Kitô.
Cổ xúy cho chân lý, Irênê còn là người đề xướng cho hòa bình trong Giáo hội, tự mình làm trung gian hòa giải trong tranh luận về ngày mừng lễ Phục Sinh, là việc chẳng có gì quan trọng, nhưng lại đe dọa tính hiệp nhất và hòa bình của các kitô hữu vào thế kỷ ấy.
Ta hãy cầu xin, nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân, cho Giáo hội hôm nay: Lạy Thiên Chúa, Chúa đã ban ơn cho thánh Giám Mục Irênê củng cố Giáo hội Chúa trong chân lý và bình an, xin ban cho chúng con biết đổi mới trong đức tin và trong tình yêu và luôn tìm kiếm điều cổ xúy sự hiệp nhất và hòa thuận.
+++
Vì Đức Chúa là Chúa Thượng không làm điều gì mà không bày tỏ kế hoạch của Người cho các ngôn sứ, tôi tớ của Người được biết. Sư tử đã gầm lên, ai mà không sợ hãi? Đức Chúa là Chúa thượng đã phán, ai chẳng nói tiên tri?
Vương đế, tư tế và ngôn sứ: là những ân ban của bí tích Thánh Tẩy. Việc hiến thánh cho Thiên Chúa ban cho ta chức bậc này. Phụng vụ hôm nay nhấn mạnh đến ân ban ngôn sứ. Làm ngôn sứ là ân ban sự sống thân tình đặc biệt với Thiên Chúa, Đấng tỏ cho các ngôn sứ biết những mong ước kín nhiệm của Người, là ‘điều chưa tỏ ra’ trong lịch sử, trong đời sống. Các ngôn sứ dự phần vào chương trình của Thiên Chúa, biết được chương trình đó và phải làm tất cả để cho chương trình đó có thể được con người nhận biết, yêu mến, thực hiện trong thời gian.
Sự thân tình là dấu chỉ của chiều kích này: sự hiểu biết do năng tiếp xúc với Thiên Chúa làm cho không chỉ đức tin, mà ngay cả lòng cậy trông vào Người tiếp tục phát triển. Trang tin mừng hôm nay là một bằng chứng. Cơn giông bão bất ngờ xảy ra đặt các tông đồ vào tình trạng thử thách. Lòng tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa làm cho ta có tầm nhìn vượt lên trên những biến cố của giây phút hiện tại. Cơn giông bão xảy đến không che kín cái nhìn đầy hy vọng về điều sắp đến. Và giúp ta sống vì điều đó.
Lạy Chúa, ước gì không phải sự sợ hãi, chủ nghĩa cơ hội ngăn cản lời hy vọng của chúng con. Xin biến chúng con nên ngôn sứ can đảm trong một thế giới đang chờ đợi chân lý, công bình và nhiều lần bị chết dần mòn vì sự nhỏ nhen và bất công
+++
Sao nhát thế, hỡi những kẻ kém lòng tin? Chúa đang ở trên con thuyền của Giáo hội đang vượt qua biển đời, giữa những bách hại của thế gian và những an ủi của Thiên Chúa, và luôn phải tin tưởng vào duy một mình Thầy. Sao nhát thế, hỡi những kẻ kém lòng tin?Chúa ở cùng chúng ta, trên con thuyền đời, ngay cả khi những điều tồi tệ xảy đến và chúng ta có cảm tưởng như mình đang chìm do những biến cố hoặc do những giới hạn của ta hoặc do rủi ro. Sao nhát thế, hỡi những kẻ kém lòng tin?Chắc chắn tất cả chúng ta muốn biển phẳng lặng như chiếc mặt bàn, nhưng không bao giờ có được như thế đâu. Giông bão dạy ta cách lèo lái giữa sóng gió, học biết khi nào ra đi với con thuyền hoặc lúc nào phải ở lại nhà! Sao nhát thế, hỡi những kẻ kém lòng tin? Chúa đang hiện diện, ngay cả khi hình như Ngài đang ngủ. Và chúng ta mệt mỏi, ý thức mình là những thủy thủ nước ngọt (những nhà hàng hải có khả năng vượt qua các đại dương một mình), cuối cùng có khả năng nhận ra những giới hạn hiển nhiên của mình….Sao nhát thế, hỡi những kẻ kém lòng tin?
+++
Cùng thuyền với Chúa Các bài đọc hôm nay cho chúng ta hai bài học bổ túc cho nhau. Một đàng chúng ta được mời gọi chiêm ngắm việc Thiên Chúa ân cần cứu ông Lót, để cứu ông thoát khỏi những tai ương chụp xuống Sôđôma và Gômôra; đàng khác, trong tin mừng, chúng ta lại nghe Đức Giêsu khuyên giữ vững đức tin khi hiểm nguy ập tới.
Sự ân cần của Thiên Chúa cứu ông Lót thật ấn tượng, và đoạn văn nhấn mạnh: ‘Các thiên thần giục ông Lót rằng: Đứng lên! Đưa vợ và hai con gái ông ở đây đi đi, kẻo ông phải chết lây khi thành bị phạt’. Lót không vội vã, chần chừ, muốn ở lại nhà mình, bầu khí quen thuộc, muốn chờ xem nguy hiểm có thực sự xảy ra ngay không; nhưng các thiên thần đã nắm lấy tay ông, đưa ông ra để bên ngoài thành. Và còn căn dặn ông: ‘Ông hãy trốn đi để cứu mạng sống mình! Đừng ngoái lại đằng sau, đừng dừng lại bất cứ chỗ nào trong cả vùng. Hãy trốn lên núi kẻo bị chết lây’. Lót một lần nữa lại chần chừ, nại cớ rằng tai ương sẽ đuổi kịp ông.
Thiên Chúa mau mắn cứu chúng ta. Còn chúng ta thường thì thinh lặng, uể oải, chẳng chút quan tâm đến những nguy hiểm; chúng ta muốn ở lại trong những thói quen, bám vào của cải, vào những tình huống thường ngày của cuộc sống. Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy đi theo con đường chắc chắn, lương thiện, còn chúng ta lại thích những con đường mòn tăm tối, nước đôi, chúng ta không muốn từ bỏ cách quyết liệt những tình trạng nguy hiểm. Thiên Chúa luôn nhẫn nại. Phúc cho chúng ta có được Người Cha ân cần như thế, Đấng biết những hiểm nguy rõ hơn chúng ta và kêu gọi chúng ta lắng nghe Ngài, và đi theo Ngài để tìm được sự sống viên mãn.
Trong bài tin mừng, tình cảnh khác hơn. Các Tông Đồ đang lênh đênh trên biển, trên thuyền cùng với Đức Giêsu. ‘Bỗng nhiên biển động mạnh’. Đối với người trên thuyền khi giông bão ập đến, không có lựa chọn nào khác là: phải đối mặt với nguy hiểm, không thể trốn chạy được. Lời cầu xin. Các Tông đồ chạy đến kêu cầu Chúa Giêsu, (đang ngủ) và đánh thức Ngài: ‘Lạy Thầy, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!’. Chúa Giêsu chỗi dậy ngăm đe gió và biển. Biển liền lặng như tờ.
Ngài quở trách các tông đồ. Lời cầu xin của các ông không xuất phát từ lòng tin mạnh mẽ nhưng chỉ vì sợ hãi. ‘Sao nhát thế? Hỡi những kẻ kém lòng tin’! Cùng đồng thuyền với Đức Giêsu, chúng ta không có gì phải sợ hãi. Điều quan trọng là có Chúa Giêsu trong thuyền cuộc đời mình, dù hình như Ngài đang ngủ, chúng ta chắc chắn được bảo vệ. Điều đó không có ý muốn nói là chúng ta sẽ có cuộc sống an bình, khỏi mọi đau khổ, mọi thử thách; nhưng chỉ muốn nói rằng chúng ta bảo đảm được Chúa trợ giúp và đạt đến chiến thắng.
Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Roma đã viết với giọng thách thức: ‘Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?...Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta’ (Rm 8,35-37). Nếu chúng ta ở với Đức Kitô, chúng ta sẽ là người chiến thắng. Do đó chúng ta có tinh thần của người chiến thắng; không nhượng bộ sự sợ hãi, nhưng tin tưởng chạy đến Chúa trong cơn nguy hiểm, trong mọi thử thách, trong nỗi gian truân. Van xin tình yêu của Ngài tặng ban cho ta sự giải cứu khỏi cảnh khó khăn, bởi vì luôn luôn trong tình yêu của Ngài có ơn giải cứu. Nếu chúng ta biết lo lắng để lưu lại trong tình yêu của Đức Kitô, chúng ta có thể luôn bảo đảm là những kẻ chiến thắng.
Cả hai bài đọc đưa đến kết luận: điều thiết yếu là kết hiệp với Thiên Chúa trong tình yêu, một kết hiệp giả thiết phải từ bỏ bao nhiêu điều phụ thuộc. Chỉ những ai biết từ bỏ những điều phụ thuộc mới có thể được cứu, mới có thể đạt đến chiến thắng: ‘Chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta’. Thánh Phaolô nói: ‘Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta’.
Thứ Tư
Lễ Trọng Kính Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông Đồ
Để hiểu được tác động và toàn bộ vẻ đẹp của bài tường thật tin mừng, cần phải biết bối cảnh địa lý của nó. Vùng Xêdarê Philiphê trải dọc theo chân núi Ermon. Một trong những hang động được dành cho thần Pan và các trinh nữ [theo thần thoại Hy-lạp, Pan là vị thần, yêu thích cả phái nữ và phái nam. Khi không thành công trong việc đeo đuổi đối tượng đam mê của mình, Pan sẽ buông thả theo những trò dâm dật]. Trên đỉnh núi đá, Hêrôđê đã cho xây một đền thờ để kính Hoàng Đế Xêdarê Augustô, sau đó Philíphê, con trai ông, đã mở rộng thêm và đặt tên là Xêdarê. Tôn thờ một ngẫu thần hay một con người, đối với dân Do thái, được xem là một việc làm ma quỷ, cho nên hang động đó cũng được xem như là cửa dẫn vào vương quốc Satan: hoả ngục. Người ta mong đợi, một ngày nào đó, các vực thẳm âm phủ sẽ làm rung chuyển núi đá và sẽ nuốt chửng ngôi đền phạm thánh đó.
Chính tại nơi đáng sợ ấy lại diễn ra cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống và Simon, con ông Giona. Đức Giêsu nói đến một đá tảng khác, trên đó Ngài sẽ xây một đền thờ khác, Hội Thánh của Thiên Chúa. Không một quyền lực hỏa ngục nào có thể thắng nó được. Simon, trong cương vị người có trách nhiệm bảo vệ, đã nhận lãnh chìa khóa, và như thế có quyền cầm buộc cũng như tháo cởi, nghĩa là quyền dạy dỗ và quản trị Hội Thánh. Nhờ đó, Simon trở thành đá tảng hữu hình, bảo đảm trật tự, đoàn kết và sức mạnh của Hội Thánh. Satan và tử thần không thể thắng được Hội Thánh, bởi lẽ chính Đức Kitô sống và hoạt động trong Hội Thánh. Mỗi vị Giáo Hoàng là Phêrô cho thời đại của mình.
+++
Đôi mắt nhận ra ơn cứu độThật cảm động câu chuyện của Agar thất thểu trong sa mạc, cùng với đứa con thơ sắp chết khát. ‘Sao cho tôi đừng nhìn thấy đứa bé chết’. Agar không nghĩ đến việc cầu nguyện, nhưng Thiên Chúa sắp đặt kế hoạch cho đứa bé ‘và từ trời sứ thần Thiên Chúa gọi Agar và nói: ‘Sao thế Agar? Đừng sợ…Đứng lên! Đỡ đứa trẻ dậy và ôm nó trong tay…’ Hoàn cảnh lúc đó theo con người thì hoàn toàn thất vọng, nhưng Thiên Chúa trung tín, đã ra tay can thiệp. Những lời của Thiên Chúa: ‘Thiên Chúa mở mắt cho nàng, và nàng thấy một giếng nước’. Đã có sẵn giếng nước nhưng sự thất vọng quá lớn làm mờ mắt nàng: can thiệp của Thiên Chúa làm cho nàng thấy sự cứu thoát.
Ta cần luôn xin Chúa mở mắt cho ta nhìn thấy, cầu xin Chúa trong kinh nguyện. Nếu Thiên Chúa ban cho ta ánh sáng của Ngài, ta có thể nhìn mọi sự trong thực trạng của chúng và tìm ra những giải pháp tích cực trong sự rối rắm không chắc chắn.
Ta cần cầu nguyện xin Chúa mở mắt những người có trách nhiệm trên thế giới, để họ tìm ra những giải pháp đúng đắn và nhân bản cho biết bao xung đột, bất công, để họ biết đề nghị những luật lệ công bình xứng đáng với phẩm giá mỗi người. Cầu nguyện để những người mù quáng do tính ích kỷ hoặc do sự chản nản, cuối cùng mở mắt nhìn ra con đường cứu thoát chân thật. Chúng ta ở bên Đấng cứu thoát nhưng chúng ta lại không thấy Ngài. Trái lại, chúng ta thường làm như dân thành Gađara đã làm sau khi thấy hai người bị quỷ ám được chữa lành: ‘Bấy giờ cả thành ra đón Đức Giêsu, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ’. Họ đã nhìn thấy Người, nhưng với những đôi mắt trần tục, mù quáng vì ích kỷ. Họ không nhận ra Người là đấng cứu thoát quyền năng trên ma quỷ, nhưng chỉ là người gây ra sự thiệt hại đàn heo và họ không biết rằng họ đang tự tách mình xa khỏi ơn cứu độ.
Thứ năm
Khốn khổ và thương xót. Đó là lời tổng kết của thánh Augustinô về công trình cứu độ của Đức Kitô. Khốn khổ của con người. Lòng thương xót của Thiên Chúa. Phép lạ của Đức Kitô, tha thứ tội lỗi và chữa lành bệnh tật, tuyên bố rằng lòng thương xót của Thiên Chúa thì mạnh hơn nỗi khốn khổ của con người. Tuyên bố giữa loài ngưòa ơn cứu độ của Đấng Messia mà các ngôn sứ đã loan báo: người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người què nhảy như nai.
Đức Giêsu là ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chính tên của Ngài nói lên điều đó. Ơn cứu độ của Thiên Chúa, chữa lành, cứu rỗi và làm cho sống. Được Thiên Chúa xức dầu, Đức Kitô chúc lành cho bản tính con người chúng ta cùng với sự sống của ngài; và đỉnh cao của ân sủng ngài: tái tạo chúng ta. Làm cho chúng ta nên tạo vật mới. ‘Này đây Ta đổi mới mọi sự’ (Kh 21,5). Do đó những kẻ nhìn ngắm phép lạ của Đức Kitô thì kinh ngạc và thán phục trước ơn cứu độ được thực hiện ngay trước mắt họ, và họ vỡ lỡ trong tiếng ca khen. Lời ca khen và niềm vui là lời đáp trả của con người được cứu rỗi, lìa xa lỗi tội và nô lệ tội; là lời đáp trả duy nhất của ai nhận ra Đấng hay thương xót cúi xuống trên mình.
+++
Thấy họ có lòng tin như vậy…Đứng dậy mà đi, đức tin con đã chữa con. Đức Giêsu thường kết thúc các phép lạ của mình như thế: nêu bật đức tin của người van xin và lòng nhân lành vô cùng của Thiên Chúa là nguyên do làm nên phép lạ. Trong đoạn tin mừng hôm nay có một ngoại lệ: là đức tin của những người khiêng người bất toại, nằm bất động trên chõng chờ nhận phép lạ. Và chính Chúa đã tuyên bố: Thấy họ có lòng tin, Đức Giêsu nói với người bất toại: ‘Này con, cứ an tâm, tội con được tha rồi’. Là một giáo huấn thật hay cho ta: Đức Giêsu mang lấy tội lỗi của ta, chúng ta cũng mang những điều dữ của tha nhân để van xin, trongtình bác ái, sự can thiệp của Chúa cho người anh em mình. Đức tin và lòng bác ái của ta thay thế cho sự thiếu sót nơi anh em và giúp họ nhận được sự chữa lành hồn xác. Thật thú vị khi nhận thấy rằng Đức Giêsu tha thứ tội lỗi trước rồi sau đó mới thực hiện phép lạ chữa lành thân xác người bất toại. Ai không sống trong tình yêu của Thiên Chúa không hiểu được những can thiệp đầy lòng thương xót của ngài: ‘Vài người luật sĩ nghĩ thầm: Ông này nói phạm thượng’. Họ nhầm lẫn tình thương tha thứ với tội phạm thượng! Đám đông ngược lại đầy lòng kính sợ, tôn vinh Thiên Chúa, cho dù họ chưa hiểu rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa; họ cho rằng quyền tha tội đã được ban cho loài người. Chính Đức Kitô đã ban quyền này cho các tông đồ và những kẻ kế vị các ngài.
+++
Thiên Chúa sẽ liệu Chúng ta đang có trước mặt trang sách súc tích nhất về hy tế của Abraham. Thiên Chúa đòi ông một điều ‘khủng khiếp’: ‘Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaac, hãy đi…mà dâng nó làm lễ toàn thiêu’. Abraham không chối từ, không giữ cho mình đứa con yêu. Ông đã hiểu ý nghĩa đích thực của hy tế, ông biết đó là hành vi kết hiệp với Thên Chúa, đó là hành vi của Thiên Chúa hơn là của con người, vì chỉ duy mình Thiên Chúa mới có thể thánh hóa và điều gì được dâng hiến làm hy lễ thì được thánh hóa. Ông ra đi. Không hiểu cũng không biết Thiên Chúa sẽ hành động như thế nào, nhưng một mực tin tưởng vào Ngài, ông tiến bước trong đức tin, như thánh Phaolô viết, vì ‘Ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết chỗi dậy’ (Dt 11,19). Một hy sinh luôn là một sự sống lại, bởi vì đó là hành động của Thiên Chúa; nếu đó là hành động của con người, thì sẽ chỉ đưa đến hủy diệt, nhưng không, đó lại là hành động của Thiên Chúa.
Thật tuyệt đẹp cuộc đối thoại giữa Abraham và Isaac trong trình thuật sách Sáng Thế chương 22. ‘Isaac thưa với cha là ông Abraham: Cha! Ông Abraham đáp: Cha đây con! Cậu nói: Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?’. Chuyện kể cho biết con chiên chính là Isaac, nhưng cậu ta không biết nên mới hỏi như thế. Abraham đáp: ‘Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu con ạ!’ Không phải là cách tránh né câu hỏi: quả thực chính ông cũng chẳng biết lấy đâu ra chiên. Ông làm điều ông nghĩ mình phải làm để thi hành mệnh lệnh Thiên Chúa, nhưng ông trực giác có điều gì đó sẽ xảy ra, rằng Thiên Chúa sẽ lo liệu tế vật làm lễ toàn thiêu. Và lòng tin của Abraham đã được khen thưởng. Giây phút cuối cùng, Thiên Chúa can thiệp: ‘Abraham! Abraham!...Đừng giơ tay hại đứa trẻ…Bây giờ ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa, đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc’. Isaac không bị sát tế nhưng thay vào đó là con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. ‘Sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi Abraham một lần nữa và nói: bởi vì ngươi đã làm điều đó…nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi…Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được chúc phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta’.
Ngày nay chúng ta biết rằng trang thánh kinh này là lời sấm ngôn về hy tế của Đức Giêsu, là con chiên mà Thiên Chúa tiên liệu làm lễ toàn thiêu. Con chiên không phải là Isaac, cũng chẳng phải con cừu đực, mà là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian như Tin Mừng nói đến. Isaac vác củi dùng để đốt lễ toàn thiêu, chính là hình ảnh của Đức Giêsu, vác cây thập giá, lên đồi Calvariô, tự hiến chính mình. Thánh Phaolô viết: Thiên Chúa đã không dung tha chính Con mình, nhưng đã trao nộp vì tất cả chúng ta. Hy tế duy nhất đẹp lòng Chúa Cha là hy tế của Đức Giêsu, là ân ban cao cả nhất của Chúa Cha cho con người. Chúng ta cần phải tháp nhập vào hy tế này, để tăng triển trong sự kết hiệp với Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin cho chúng ta được ơn hiểu thấu ý nghĩa đích thực của hy tế cuộc đời chúng ta và nhận ra, với cùng một niềm tin phó thác như Abraham, rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện: ‘Trên núi Đức Chúa sẽ liệu’. Chúng ta hiến dâng, Thiên Chúa thánh hóa. Khi Thiên Chúa mời gọi chúng ta hy sinh, thông thường chúng ta không hiểu hết ý nghĩa, và ta cảm thấy hình như không có lối thoát. Chính lúc đó lại là lúc của lòng phó thác cao độ: ‘Thiên Chúa sẽ lo liệu’. Ngài đã lo liệu con chiên để làm lễ toàn thiêu và Ngài thực hiện nơi chúng ta hy tế theo cách thức riêng của Ngài, luôn luôn tích cực và ích lợi.
Thứ sáu
Việc Đức Kitô tiếp đón các người tội lỗi và người thu thuế đã làm cho người khác khó chịu. Cộng đoàn bàn ăn ở Đông phương là một hình thức của hiệp thông, vượt lên trên việc tham dự bàn tiệc. Điều này muốn diễn tả tình bạn hữu, tình thân mật, tình huynh đệ; là một cách cho người khác cơ hội để bước vào trong sự thân tình của mình. Những kẻ tưởng mình là thanh sạch và hoàn hảo loại trừ khỏi bàn ăn của họ những kẻ tội lỗi theo luật của nhóm Biệt phái.
Đức Giêsu gọi một người thu thuế tội lỗi, ông Matthêu, và được ông mời dự tiệc, cùng đồng bàn có những người thu thuế (tội lỗi) khác. Làm như thế, Đức Giêsu mời gọi những ai đang cần, bước vào sống tình bạn hiệp thông với Thiên Chúa. Nơi Ngài, chính Thiên Chúa để mình được mời vào bàn những kẻ tội lỗi đáng thương. Chúng ta biết rằng thái độ của Đức Giêsu trong trường hợp này là một trong những nguyên do thúc đẩy thượng hội đồng lên án chết cho Ngài. Đây là mầu nhiệm của nghịch lý kitô giáo: Thiên Chúa đến cứu độ con người, lại bị lên án bởi những kẻ tưởng mình công chính; Thiên Chúa, đấng trao ban tình bạn cho con người, lại bị lên án do những kẻ không nhận biết lòng thương xót. Chỉ có những ai như Matthêu, tự nhận mình là tội nhân, mới có được hạnh phúc nhìn thấy Thiên Chúa đồng bàn với mình, và tránh khỏi kiêu căng tự cho mình là công chính.
+++
Matthêo là một con người thực tế: một người thu thuế, một cộng tác viên cho đế quốc Lamã, lúc nào cũng đút đầy túi mình. Là một người phản quốc, một tên trộm vì đòi người ta phải nộp thuế cao hơn mức ấn định; khác xa với mẫu mực của người môn đệ đạo đức thịnh hành lúc bấy giờ nơi nhóm biệt phái: Mathhêu không chút ngại ngùng, ngồi nơi bàn thu thuế tại Caphanaum, để thực hiện ước mơ quyền lực của mình. Rồi một ngày Đức Giêsu đi ngang qua, gọi ông. Điều gì khiến ông đứng dậy? Cái nhìn? Nụ cười? Lêvi đứng dậy và đãi tiệc, trở thành môn đệ. Matthêu diễn tả ơn gọi của mình khoảng ba mươi năm sau những biến cố ấy, đưa vào câu chuyện của riêng mình trong tin mừng được viết cho cộng đoàn những người kitô hữu gốc do thái. Thật chẳng bỏ công! Matthêu không chút hối tiếc, trái lại ta còn đọc thấy qua những trang tin mừng của ngài niềm vui sâu xa của việc chọn lựa này.
Hôm nay, ta hãy nhớ lại ngày mà ta nhận biết Thầy Giêsu. Và trong thinh lặng cầu nguyện hãy thưa với Chúa: Lạy Chúa, thật chẳng bỏ công làm môn đệ Chúa!
Thứ bảy
Sự mới mẽ của Đức Giêsu –trong lời nói cũng như trong hành động- không gặp thấy trong Cựu ước. Khi Đức Kitô xuất hiện, đồng thời cũng xuất hiện Chân Lý, Khôn Ngoan, Sự Sống. Là phu quân mà Israel mong chờ. Là Đấng Messia.
Việc Đức Kitô đến được sánh ví như rượu nho, biểu tượng của niềm vui thời thiên sai. Đức Giêsu tại Cana đã ban cho rượu ngon, mà người ta không biết từ đâu ra, vì chỉ duy mình Thiên Chúa mới có thể ban cho, vào giờ của Người. Đức Giêsu là rượu làm hoan lạc con tim Giáo hội; là đấng ban tặng rượu cứu độ; là ân ban của Thiên Chúa cho con người.
Để hiểu được Đức Giêsu, hay đúng hơn, để đón nhận Ngài, điều cũ kỹ không còn đủ nữa. Cần tái sinh, từ nước và Thần khí. Luật Môsê không đủ; cần phải đón nhận các mối phúc. Ăn chay không đủ; cần có tinh thần nghèo, nghĩa là thái độ thiêng liêng (thuộc linh) giúp ta đón nhận bất cứ điều gì từ Thiên Chúa. Đức Kitô không phải là kết quả của những nỗ lực của riêng ta, nhưng là ân ban của Chúa Cha; không phải là hoa quả của việc chúng ta tìm kiếm, nhưng là vinh quang của Thiên Chúa chiếu dọi cách vô vị lợi cho nhân loại. Điều cũ đã qua. Công trình tạo dựng mới đã bắt đầu.
+++
Thiên Chúa hào phóng Bài tin mừng tường thuật việc các môn đệ của Gioan khó chịu vì thấy các môn đệ của Đức Giêsu không ăn chay; còn chúng ta, có lẽ cũng lấy làm khó chịu khi nghe bài đọc 1 thuật lại việc bà Rêbecca đánh lừa Isaac làm thiệt hại cho đứa con cả. Cả hai bài đọc có chung một giáo huấn: chúng ta cần bỏ đi cách suy nghĩ của chúng ta để hiểu rằng ơn của Thiên Chúa là điều hoàn toàn mới mẽ, nhưng không, gây kinh ngạc. Một bài học mà Đức Giêsu lập đi lập lại nhiều lần. Đối với ân sủng của Thiên Chúa, con người không có quyền đặt ra những quy luật. Thiên Chúa tự do, quảng đại, và chúng ta cần đón nhận lòng quảng đại vô cùng của Ngài, vượt quá sự chờ đợi của con người. Đúng vậy, ‘Ngài lật đổ người quyền thế khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Ngài ban cho kẻ đói khát dư đầy ân phúc và để người giàu có trở về tay không’: ai nghĩ mình có quyền trên ân sủng của Thiên Chúa, người ấy sẽ không nhận được, trong khi đó chỉ dành cho người không bám víu vào bất cứ quyền thế nào. Cần loại bỏ đi những phạm trù suy tư của chúng ta về công nghiệp, quyền lợi, để mở lòng ra cách đơn sơ và khiêm tốn cho điều lạ lùng của ân sủng. Là việc chúng ta cần khởi động mỗi ngày, bởi vì chúng ta luôn cắm rễ sâu vào lối lý luận chật hẹp của tâm trí chúng ta: chúng ta sống trung thành, nên chúng ta đáng hưởng ân sủng, Thiên Chúa phải ban cho ta điều này điều kia. Trái lại, Thiên Chúa không hề bị giam hãm trong lối lý luận của con người. Những người thợ làm giờ cuối cùng, trong dụ ngôn của Đức Giêsu, được trả lương truớc tiên và trả cùng một mức lương như những người đã chịu đựng nắng nôi khó nhọc suốt cả ngày. Là một xì-căng-đan. Nhưng ông chủ vườn nho vẫn bình tỉnh: ‘Lẽ nào tôi không được làm điều tôi thích sao’? Hãy tập làm quen với lối hành động của Thiên Chúa và chúng ta sẽ hài lòng vì sự hào phóng của Ngài, Đấng ban tặng dư tràn cho những ai chẳng có công trạng gì, cho người tội lỗi, Đấng yêu thích những kẻ bé mọn. Những kẻ quyền thế phải sống khiêm tốn: khi đó họ cũng sẽ được nhận lãnh dư tràn, không phải do công trạng của họ, nhưng do họ tự đặt mình vào địa vị của những người bé mọn. Bài học quan trọng mà ngay cả thánh Phaolô cũng nói đến khi viết rằng Thiên Chúa tự do khi thi ân: Ngài đã yêu Giacób và ghét Esau; Ngài đã chọn điều không không, những kẻ nghèo, những người yếu đuối và ban cho họ sức mạnh, ân sủng, tình yêu của Ngài.
Chúng ta phải vui mừng và nhảy mừng trong tự do, không nên khép mình trong sự nhỏ nhen của tính toán nhân loại. Như thế chúng ta làm chứng cho niềm vui của những con cái Thiên Chúa, vì lòng quảng đại vô cùng của Chúa Cha trên trời.
Thánh Tôma Tông Đồ
Tin mừng trình bày cho chúng ta cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với vị Tông đồ muốn thấy mới tin. Nên nhiều người gọi kẻ cứng lòng tin là Tôma. Thực ra sứ điệp tin mừng hôm nay thật khác hẳn. Rất sâu xa và rất hiện thực.
Ga 20,24-25: Nghi ngờ của Tôma. Tôma, một trong nhóm Mười Hai, không có mặt khi Đức Giêsu hiện ra cho các môn đệ tuần lễ đầu tiên. Ông không tin vào lời chứng của các người khác nói lại: ‘Chúng tôi đã được thấy Chúa’. Ông đặt điều kiện: ‘Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin’. Không! Ông muốn nhìn thấy những thương tích trên bàn tay, bàn chân và cạnh sườn! Ông không tin vào Đức Giêsu vinh quang, tách rời khỏi Đức Giêsu đau khổ trên thập giá. Khi thánh Gioan viết tin mừng, vào cuối thế kỷ thứ nhất, có nhiều người cũng không chấp nhận Con Thiên Chúa trong bản tính con người (2 Ga 7; 1Ga 4,2-3). Đó là những người theo ngộ đạo thuyết, họ khinh chê thân xác vật chất. Thánh Gioan trình bày bận tâm của Tôma để chỉ trích những kẻ theo ngộ đạo thuyết: ‘thấy mới tin’. Sự nghi ngờ của Tôma cũng khơi lên cho thấy sự khó khăn tin vào sự phục sinh!
Ga 20,26-27: Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin. Trình thuật kể lại: ‘Tám ngày sau’ khi cộng đoàn họp nhau, họ đã trải nghiệm cách sâu xa sự hiện diện của Đấng phục sinh ở giữa họ. Các cửa đóng kín không ngăn được sự hiện diện của Đức Giêsu giữa những kẻ tin vào Ngài. Ngày nay cũng thế. Khi chúng ta họp nhau, dù cửa có đóng kín, Đức Giêsu cũng hiện diện giữa chúng ta. Cho đến nay và mãi mãi, lời đầu tiên của Đức Giêsu vẫn là: ‘Bình an cho anh em’. Điều ấn tượng là lòng nhân lành của Đức Giêsu. Ngài không chỉ trích, cũng không xét sự cứng lòng của Tôma, nhưng chấp nhận sự thách thức: ‘Tôma, đặt ngón tay vào đây và xem tay Thầy!’ Đức Giêsu chứng thực xác tín của Tôma và của cộng đoàn, nghĩa là, Đấng phục sinh vinh quang cũng chính là Đấng đã bị đóng đinh. Chính là Đức Giêsu đã sống trên trần gian và trên thân xác Ngài vẫn còn thương tích của cuộc khổ nạn. Những thương tích ấy vẫn còn thấy nơi những nỗi đau, nơi những đói khổ, những vết tích của tra tấn, của sự bất công của con người ngày hôm nay. Và Đức Giêsu hiện ra giữa chúng ta nơi những con người phản kháng, tranh đấu cho sự sống, không để mình bị đè bẹp. Tôma tin vào chính Đức Kitô ấy và cả chúng ta nữa ngày nay nữa!
Ga 20,28-29: Phúc thay những người không thấy mà tin. Cùng với Tôma chúng ta tuyên xưng: Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con! Ân ban của Tôma là thái độ lý tưởng của đức tin. Và Đức Giêsu kết thúc sứ điệp: ‘Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc cho những người không thấy mà tin!’ Đức Giêsu tuyên bố phúc cho chúng ta vì đang sống trong cùng cảnh ngộ: không thấy, nhưng chúng ta tin Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, chính là Đấng đã chết trên thập giá!
Từ Đức Giêsu bị đóng đinh và sống lại, chúng ta nhận được cùng một mệnh lệnh như Ngài đã nhận từ Chúa Cha: ‘Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con’. Trong lần hiện ra thứ hai này, Đức Giêsu cũng lập lại: ‘Bình an cho các con’. Xây dựng bình an là thành phần của sứ vụ. Bình an mang ý nghĩa bao quát hơn là việc vắng bóng chiến tranh. Nghĩa là xây dựng một chung sống hòa hợp trong đó mọi người có được tất cả những gì thiết yếu để sống, sống chung trong hạnh phúc và bình an. Đó là sứ vụ của Đức Giêsu và cũng là sứ vụ của mỗi người chúng ta.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê