Nội Dung các Bài chia sẻ của Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên trong tuần Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Xuân lộc


Đề tài chung của tuần tĩnh tâm :
“Linh mục của Lòng Chúa thương xót”

Nội dung bài giảng khai mạc, chiều thứ hai 06-06-2016 :
Linh mục cần được thương xót

1-Một nhân loại rất cần đến lòng thương xót
Hằng ngày, chúng ta khởi đầu Thánh lễ bằng lời kinh sám hối "Tôi thú nhận" và lời van xin: “Xin Chúa thương xót chúng con!”. Đây là lời van xin của người mù thành Giêricô; của những người phong cùi, bệnh nạn; của người cha có đứa con ốm sắp chết… Đây cũng là lời van xin liên lỉ của nhân loại và vũ trụ đang sống dưới ách thống trị của tội lỗi và sự dữ. Khi xướng lên lời van xin: “Xin Chúa thương xót chúng con”, chúng ta vừa nói lên niềm xác tín vào lòng thương xót của Chúa, vừa nói lên thân phận khốn khó, đáng thương của cả nhân loại và cá nhân mỗi người chúng ta.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I đã dùng hình ảnh người bị đánh nhừ tử nằm bên đường đi từ Giêrusalem đến Giêricô, để diễn tả tình trạng đáng thương của nhân loại. Chúa Giêsu là người Samaritanô nhân hậu đã đến băng bó vết thương, cứu chữa và cho con người được phục hồi tình trạng nguyên thủy. Quả thật, nhân loại đáng thương do tội lỗi, ích kỷ.

Để có thể diễn tả lòng Chúa xót thương trong khi thi hành sứ vụ, trước hết linh mục phải cảm nhận một điều, đó là mình cũng rất cần đến lòng thương xót của Chúa.

2-Chúa Giêsu và niềm khao khát lòng thương xót của con người.

Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy những người đến với Chúa Giêsu đều là những người đang khao khát tình thương. Ta hãy xem trường hợp ông Nicôđêmô, bà Mađalêna, người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp. Những người bệnh tật đủ loại, kể cả người đã chết. Đến với Chúa Giêsu, họ đều nhận được lòng thương xót của Người. “Không phải những người khỏe mạnh cần thấy thuốc nhưng là những người đau yếu… Ta không đến để kêu gọi người công chính nhưng kêu gọi người có tội” (Mc 2,17).

Có những người trực tiếp đến với Chúa và đã "chạm tới" lòng thương xót của Người, nhưng cũng có những người nhờ trung gian để cầu xin ơn chữa lành, hoặc có người âm thầm, nghĩ rằng mình chỉ cần chạm vào Chúa là được những ơn mình mong ước. Dù qua trung gian hay trực tiếp, lòng tin đã giúp họ toại nguyện.

Tuy vậy, cũng có những người khước từ không muốn đón nhận lời giáo huấn của Chúa. Đó là những luật sĩ và biệt phái. Họ bị Chúa lên án gay gắt vì sống giả hình. Chúa Giêsu đã tuyên bố: Trên trời vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là 99 người công chính không cần hối cải. Thực ra, 99 người này tự cho mình là công chính, chứ nếu chấp nhận hối cải thì họ đã là người công chính rồi. Họ không cần đến lòng thương xót của Chúa.

3-Linh mục cần đến lòng thương xót

Linh mục cần được thương xót, vì lãnh nhận thiên chức cao cả nơi một con người mỏng giòn. Hồng ân linh mục là một quà tặng của Thiên Chúa. Vì là một quà tặng, nên người này được mà người kia thì không, có người giữ được, nhưng cũng có người đánh mất. Linh mục cần có ơn Chúa để trung thành với ơn gọi và lý tưởng mình đã chọn lựa.

Một bệnh nhân đến với thày thuốc phải nhận mình có bệnh, đồng thời lắng nghe và thực hiện lời khuyên của thày thuốc mới hy vọng chữa khỏi. 1 Cr 9,27: "Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại".

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các linh mục:

-"Hãy trở thành khí cụ của lòng thường xót vì chính chúng ta là những người đầu tiên nhận được lòng thường xót của Thiên Chúa" ( (Misericordiae Vultus n0 14).

-"Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi nhấn mạnh rằng các cha giải tội là dấu chỉ xác thực cho lòng thương xót của Chúa Cha. Chúng ta không tự động trở thành những cha giải tội tốt. Chúng ta chỉ trở thành cha giải tội tốt khi, trên tất cả mọi sự, chúng ta để cho mình thành những hối nhân tìm kiếm lòng thương xót của Ngài. Chúng ta
không bao giờ được quên rằng là cha giải tội nghĩa là dự phần vào chính sứ mệnh của Chúa Giêsu để trở nên một dấu chỉ cụ thể cho sự bất biến của tình yêu tha thứ và cứu rỗi của Thiên Chúa" (Misericordiae Vultus n0 17).

-Bước đầu tiên và duy nhất cần thiết để có được kinh nghiệm về lòng thương xót, Đức Phanxicô giải thích, là nhìn nhận mình đang cần đến lòng thương xót. "Đức Giêsu đã đến vì chúng ta, khi chúng ta nhìn nhận rằng chúng ta là những tội nhân. Đừng làm như người Pharisiêu đừng trước bàn thờ, ưỡn ngực để cám ơn Thiên Chúa vì mình "không như những người khác, hay là "như tên thu thuế kia". Người Biệt phái này không bao giờ có được niềm vui cảm nhận lòng thương xót này (Phanxicô, cuộc đời, ý tưởng, lời nói, tr. 176).

Khi cảm nhận mình rất cần được Chúa thương xớt, lời giảng dạy của chúng ta sẽ bớt đi sự cứng cỏi và câu nệ vào lý thuyết, nhưng mang tâm tình và sự cảm thông. Cũng thế, nhờ ý thức mình còn nhiều yếu đuối và lỗi lầm, cung cách làm việc mục vụ của chúng ta sẽ trở nên khiêm tốn, nhẫn nại và bao dung, bởi lẽ chính chúng ta cũng là những người cần được Chúa xót thương.

Kinh Năm Thánh: “Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng mặc lấy sự yếu đuối để có thể cảm thông với những người mê muội lầm lạc, xin làm cho tất cả những ai tiếp cận với các ngài đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa quan tâm, yêu mến và thứ tha".
Cần được Chúa thương xót, linh mục cũng cần được mọi người giáo dân cảm thông tha thứ. Thái độ khiêm tốn trong đời sống hằng ngày và trong khi thi hành sứ vụ sẽ làm cho việc tông đồ sinh nhiều hiệu quả. Thánh Luca đã ghi lại hình ảnh của hai người lên Đền thờ cầu nguyện, Tư thế của người thu thuế nói lên 4 yếu tố:

+Đứng đàng xa: Nhìn nhận khoảng cách giữa sự thánh thiện của Thiên Chúa và tội lỗi của con người.

+Chẳng dám ngước mắt lên: Nhận mình là tội nhân.

+Đấm ngực: hành vi sám hối

+Kêu xin lòng thương xót của Chúa.

Hai câu hỏi của Chúa, rất cần thiết cho Linh mục trong tuần tĩnh tâm: "Ađam, ngưoi đang ở đâu?" (St 3,9); "Ca-in, em ngươi đâu? (St 4,9).

Câu hỏi giúp xét mình:
-Tôi có chuẩn bị và ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của tuần tĩnh tâm này không?
-Năm Thánh Lòng Thương Xót có tác động đến đời sống thiêng liêng của cá nhân tôi không?


Nội dung bài giảng 2, sáng ngày 07-06-2016:
Giáo Hội là nơi con người gặp được lòng thương xót của Chúa

1-Một xã hội thiếu vắng lòng thương xót

-Những thành phố làm nơi náu ẩn trong cựu ước (x. Dnl 19,1-10; Ds 35,9-28; Gs 20,1-9).

-Giữa một xã hội điên đảo và gian dối tràn lan, chúng ta hy vọng các cộng đoàn tôn giáo nói chung, trong đó có những cộng đoàn công giáo là những nơi con người có thể tìm thấy sự thật.

2-Sứ mạng của Giáo Hội: thực thi lòng thương xót

-Đức Thánh Cha Phanxicô: "Trụ cột nâng đỡ đời sống Giáo Hội chính là lòng thương xót. Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải được thấm đẫm sự dịu dàng; không một sứ điệp và chứng từ nào của Giáo Hội trước thế giới lại có thể vắng bóng lòng thương xót. Giáo Hội "vô cùng khao khát trao ban lòng thương xót" (Tông huấn Evangelii Gaudium, 24)… Không có chứng từ của sự tha thứ, thì đời sống sẽ cằn cỗi không sinh hoa trái, như bị cô lập trong vùng hoang mạc trống vắng (Misericordiae Vultus, số 10).

-Chân lý đầu tiên của Giáo Hội là tình yêu Chúa Kitô. Giáo Hội muốn trở thành nữ tỳ và người trung gian của tình yêu ấy, một tình yêu tha thứ và tự hiến. Vì thế, nơi đâu có Giáo Hội hiện diện, thì nơi đó lòng thương xót của Chúa Cha phải được tỏ hiện. Trong các giáo xứ, các cộng đoàn, hiệp hội và phong trào, nói chung, ở đâu có các Kitô hữu hiện diện, thì ở đấy bất cứ ai cũng sẽ gặp thấy một tụ điểm chan hòa lòng thương xót (Misericordiae Vultus, số 12).

-Đức Phanxicô: "Hãy làm cho Giáo Hội luôn trở thành một địa điểm của lòng thương xót và hy vọng, nơi đó, mọi người đều được đón tiếp, yêu thương và tha thứ".

3-Một sứ mang làm nên căn tính của Giáo Hội

Chúng ta cần phải liên tục chiêm ngắm mầu nhiệm của lòng thương xót. Đó là suối nguồn của niềm vui, sự thanh thản và bình an. Ơn cứu rỗi của chúng ta phụ thuộc vào đó. Lòng Thương Xót: là từ ngữ mạc khải các mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Lòng Thương Xót: là hành động cuối cùng và tối thượng qua đó. Thiên Chúa đến gặp chúng ta. Lòng Thương Xót: là luật cơ bản ngự trị trong con tim của mỗi con người đang nhìn chân thành vào đôi mắt của anh chị em mình trên đường đời. Lòng Thương Xót: là cầu nối liên kết giữa Thiên Chúa và con người, trong khi mở lòng chúng ta ra cho một niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi bất chấp tội lỗi ngập tràn của chúng ta (Misericordiae Vultus, số 2)

4-Một sứ mạng làm thành tính khả tín của Giáo Hội trong thế giới hôm nay

-Chính sự khả tín của Giáo Hội được nhìn thấy trong cách thức Giáo Hội thể hiện tình yêu thương xót và trắc ẩn….(Misericordiae Vultus, số 10).

5-Người Samari nhân hậu:

*Một nghịch lý: Ai cũng muốn người khác là bạn tốt của mình, nhưng ít ai chân thành muốn trở nên người bạn (cộng sự, hàng xóm, đồng nghiệp) tốt đối với người khác. Câu hỏi của người thông luật: Ai là người thân cận của tôi? Người thông luật muốn đặt mình làm trung tâm. Tôi hiện diện ở đây, người khác quy hướng về tôi như một lẽ đương nhiên.

*Đối diện với câu hỏi của người Luật sĩ: “Ai là tha nhân của tôi?”, Chúa Giêsu trả lời bằng một câu hỏi khác: Ai đã tỏ ra là người thân cận của người bị thương? Câu hỏi nhằm tới người khác (tha nhân) là trung tâm.

*Người Samari nhân hậu: Chạnh lòng thương (Etre saisi de compassion). Đây chính là tâm tình của Chúa Giêsu khi nhìn thấy dân chúng đông đảo. Ngài chạnh lòng thương vì họ như chiên không có người chăn. Nhiều lần, các tác giả Tin Mừng dùng thành ngữ này để diễn tả tâm tình của Chúa Giêsu.

*Hai người đi qua bỏ mặc người bị thương: Tư tế và Lê vi.

Mối quan tâm của hai người này: Những quy định về thanh sạch. Họ bị ràng buộc bởi những quy định lý thuyết. Qua người bị thương, Thày tư tế và Lê vi nhìn thấy nguyên nhân của sự nhơ uế

*Mối quan tâm của người Samari: con người. Người Samari nhìn thấy một con người bầm dập đáng thương.

Kết luận: Thày tư tế và Lê vi quá chú trọng đến lý thuyết và những nguyên tắc nên đã trở nên vô cảm. Người Samari không lý luận, nhưng thực hành.

*"Hãy đi và làm như vậy". Đây là lời mời gọi xây dựng một xã hội vẫn chưa hiện hữu. Làm như vậy, tức là nhận mọi người xa lạ là tha nhân, là anh em. Chúa Giêsu không nói người bị nạn là người Do Thái hay Samari. Người ấy là chúng ta, là những nhân sinh trong cuộc đời. Chúa Giêsu là người Samari nhân hậu. Người đã trở nên người thân thiết với chúng ta. "Ngôi Lời đã làm người và ở với chúng ta".

"Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi". Người Samari đã thực hiện giới răn này cách hoàn hảo, mặc dù anh là "người ngoại". Câu chuyện đã dẫn chúng ta đi vượt qua biên giới, giải toả quan niệm hẹp hòi, coi thường những người không phải là Do Thái.

“Điều con người ngày nay cần nhất là những chứng từ của chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa, để sưởi ấm con tim, đánh thức niềm hy vọng, và lôi kéo người ta đến với điều thiện” (Đức Phanxicô, Bài giảng nhà nguyện Thánh Marta, 7-7-2013.

Câu hỏi gợi ý xét mình:
1-Đâu là mối ưu tư hàng đầu của tôi với tư cách là linh mục và là cha xứ?
2-Cộng đoàn giáo xứ của tôi có phải là môi trường thân thiện và yêu thương, nơi đó con người đau khổ tìm được nơi "trú ẩn"?



Nội dung bài giảng 3, chiều ngày 07-06-2016:
Linh mục: Dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa


1-Linh mục phản ánh lòng thương xót của Thiên Chúa qua căn tính của mình
“Anh em đừng gọi ai dưới đất là cha…” (Mt 23, 8-10).

Kinh nghiệm của một Linh mục sau 25 năm: Luôn đặt ưu tiên l’être hơn le faire. Nói cách khác, Linh mục được mời gọi hoàn thiện bản thân như mối quan tâm hàng đầu. Nếu chăm lo hoàn thiện bản thân (l’être), thì những việc làm (le faire) mới có ý nghĩa và sinh hoa trái lâu bền.

-"Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu. Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo như đã được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này. Nơi Đức Giêsu Nazareth, lòng thương xót đã trở nên sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh. Chúa Cha, Đấng "giàu lòng thương xót" (Ep 2,4),(Misericordiae Vultus, số 1).

*Misericorde : Mang trái tim đau khổ với người khác. Cái chết trên thập giá trái tim bị đâm thâu

-Căn tính linh mục: "Thánh chức linh mục, tuy lãnh nhận sau các bí tích khai tâm Ki-tô giáo, nhưng lại được trao ban qua một bí tích đặc biệt, ghi khắc một ấn tín đặc thù nơi các linh mục nhờ việc xức dầu của Chúa Thánh Thần, và như thế, các ngài nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô Linh mục, đến nỗi có quyền hành động với tư cách là hiện thân của Đức Ki-tô là Đầu” (LM, số 2).

Trước câu hỏi đầy khinh bỉ "Mày là ai?" của viên chỉ huy, Thánh Maximilian Kolbe đã trả lời: Tôi là Linh mục. Ngài đã hành động nhân danh căn tính linh mục của mình.

2-Linh mục phản ánh lòng thương xót của Thiên Chúa qua đời sống

*Sự khác biệt giữa Linh mục với công chức:
+Một ơn gọi chứ không phải là một nghề nghiệp
+Một lý tưởng chứ không phải một công chức
+Một tình trạng chứ không phải một nhiệm vụ
+Một lời thề hứa vĩnh viễn chứ không phải một loại hình phục vụ tạm thời
+Một căn tính chứ không phải một vai trò.
+Chức Linh mục và cuộc đời Linh mục là MỘT.

3-Linh mục phản ánh lòng thương xót của Thiên Chúa qua công việc mục vụ.

Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình (Ga 8,1-11).

Đấng duy nhất vô tội có thể kết án và ném đá là Chúa Giêsu, nhưng Người đã không lên án: "Tôi không kết án chị".

Dù mọi người đã bỏ đi, người phụ nữ vẫn đứng đó. Chị ngỡ ngàng, lúng túng vì chưa có ai nói với chị lời tuyên bố (tuyên án) sau cùng, để giải phòng chị khỏi vòng kim cô ràng buộc, tức là dự luận và thành kiến.

"Hãy về và đừng phạm tội nữa!" Một lời tuyên bố chị được tha, cũng là một lời sai đi và một lời khuyên hãy đổi đời. Người phụ nữ đang bị kết án trở thành người có tương lai. Lề Luật vẫn được tôn trọng. Chúa Giêsu trở thành vị Thày khôn ngoan và nhân đạo. Đây cũng là lời tuyên bố của Linh mục khi kết thúc bí tích Hoà giải.

Đức Phanxicô: "Cả chúng ta nữa, nhiều lúc chúng ta cũng thích đánh đập và lên án người khác"(Phanxicô, cuộc đời, ý tưởng, lời nói, tr. 173).

Là hiện thân của Chúa Giêsu, Linh mục cần có những cử chỉ và tâm tình của Người, trong khi thi hành bổn phận mục vụ.

Đức Phanxicô: “Với các cha giải tội, tôi chỉ muốn nói: hãy nói, hãy kiên nhẫn lắng nghe, nhưng trước hết hãy nói với những người đến gặp mình, rằng Thiên Chúa yêu họ. Và nếu cha giải tội không thể xóa tội thì cha phải giải thích tại sao, nhưng dù sao cha cũng phải ban phép lành, dù không ban phép giải tội”.

Câu hỏi gợi ý xét mình:

1-Tôi có phản ánh trung thực hình ảnh của Đức Giêsu Mục tử trong đời sống và trong sứ vụ không?

2-Hình ảnh đời Linh mục của tôi nơi những người lương dân xung quanh như thế nào? 



Nội dung bài giảng 4, sáng ngày 08-06-2016:
Linh mục loan báo lòng thương xót với trái tim mục tử

Công việc mục vụ của Linh mục chỉ đem lại hiệu quả nếu được thực hiện với trái tim mục tử. Thiếu trái tim, những việc làm này sự miễn cưỡng chiếu lệ.

1-Người Mục Tử tốt lành

-Chúa Giêsu "chạnh lòng thương" trước nỗi đau của con người.

-Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên ta và các chiên ta biết ta. Sự gắn bó thân mật giữa mục tử và đoàn chiên là một điều kiện cần thiết để sứ mạng mục tử thành công và sinh hoa kết trái.

-Các môn đệ còn ghen tỵ vì thấy người khác nhân danh Chúa Giêsu để làm phép lạ (Mc 9,38-40).

2-Câu chuyện ông Giona:

Sự khác biệt giữa lối suy nghĩ thiển cận của con người và tình thương bao la của Thiên Chúa.

Bối cảnh.

A-Xây dựng nhân vật vị ngôn sứ: Giona là một người không ưa người ngoại giáo, và nếu Thiên Chúa cứu độ họ thì ông không muốn hy sinh bản thân vì chuyện đó. Dưới con mắt của ông, thành Ninivê là một thành đáng ghét.



a-Theo ý mình chứ không theo ý Chúa. (Chúa bảo đi một nơi, mình lại đi một nẻo!).

b-Khi mọi người đang lo lắng cứu tàu trong cơn bão, Giona vẫn ngủ say (vô trách nhiệm trong những việc chung).

b-Muốn thành công bằng mọi giá. Mong lời loan báo tai hoạ của mình xảy đến để tăng thêm uy tín cá nhân. Đặt mình làm trung tâm của sứ vụ tông đồ chứ không phải Chúa.

c-Vô cảm trước đau khổ và mất mát của con người (Thành Ninivê gồm hơn 120,000 người).

d-Vì coi sứ vụ rao giảng Lời Chúa như của riêng mình, do tài cán cá nhân, nên dễ chán nản và bi quan khi gặp thất bại.

e-Tức giận vô cớ, quở trách con sâu và cây dầu. Quở trách những người cộng tác.


B-Những nghịch lý:

a-Vị ngôn sứ không cầu nguyện - trong khi những người ngoại lại cầu nguyện và chúc tụng Chúa.

b-Người được sai đi lại chống lệnh của Chúa, khiến ông bẽ bàng khi trúng rút thăm.

c-Ngôn sứ chỉ là người được sai đi - nhưng lại tự coi như mình có quyền tất cả (Trong Tin mừng: đầy tớ vô dụng).

e-Tự cao tự đại cho mình là được tuyển lựa (Giona đại diện cho người Do Thái).

C-Lòng thương xót của Thiên Chúa và sự ích kỷ của con người:

a-Lòng thương xót của Chúa bao la - Suy nghĩ và quan niệm của nhà truyền giáo lại quá hẹp hòi. Cây dầu chỉ là loài thảo mộc, Giona chẳng có công trồng mà còn buồn khi nó chết, trong khi đó, dân thành Ninivê được cứu sống mà Giona lại buồn bã. Cf: chim sẻ, hoa huệ. Sự quan phòng của Thiên Chúa.

b-Chúa bao dung nhân từ - Con người lại buồn và thậm chí trách móc vì Chúa tốt lành.

c-Ơn cứu độ của Chúa mang tính phổ quát - Con người lại muốn đóng khung nơi một dân tộc hoặc một số ít.

e-Thiên Chúa yêu thương và thứ tha - Con người thích loan báo sự trừng phạt (Prophète des malheurs).

Kết thúc: im lặng nặng nề. Kết lửng để độc giả tiếp tục chìm sâu trong suy tư.

3-Tâm tình của nhà truyền giáo hôm nay: noi gương Chúa Giêsu

-Có trái tim biết thương cảm, không dửng dưng trước nỗi đau của con người.. Luôn đặt con người là mục đích của sứ vụ. "Ơn cứu rỗi các linh hồn là luật tối thượng trong Giáo Hội" (Gl 1572, Điều cuối cùng).

-Chúa Giêsu than khóc trước nỗi đau của con người: Thành Thánh Giêrusalem, dân thành. Người rơi lệ trước cái chết của Lagiarô.

-Anh em hãy đến với con chiên lạc nhà Israen.

-Chúa Giêsu luôn tìm thánh ý của Chúa Cha. "Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời". "Lương thực của Thày là làm theo thánh ý Chúa Cha". Người luôn cầu nguyện với Chúa Cha để tìm thánh ý Ngài. Người luôn ý thức mình là người được Chúa Cha sai đến trần gian.

-Ta thương xót dân này (Cựu ước)…/ Tân ước: Ta thương xót dân này, vì họ lang thang như chiên không có người chăn vì đã ba ngày đàng không có gì ăn.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Sứ giả của lòng thương xót.

-Ngài khuyên các cha giải tội: "Tôi muốn nhắc nhớ các linh mục rằng toà giải tội không phải là một buồng tra tấn nhưng là một nơi gặp gỡ lòng từ bi của Chúa, thúc đẩy chúng ta làm hết sức mình (Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 44).

"Một con tim truyền giáo ý thức về những giới hạn này và làm cho mình trở nên “yếu với người yếu... mọi sự cho mọi người” (1Cr 9,22). Nó không bao giờ đóng kín mình, không bao giờ lui về nơi an toàn của mình, không bao giờ chọn thái độ cố chấp hay tự vệ. Nó hiểu rằng nó phải gia tăng sự hiểu biết của mình về Tin Mừng và nhận ra các đường lối của Thần Khí, vì vậy nó luôn luôn làm bất cứ điều tốt lành nào có thể, dù trên đường đi, chân nó có thể bị lấm bùn(Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 45).

"Bí tích Thánh Thể, tuy là sự sung mãn của đời sống bí tích, nhưng không phải là một phần thưởng cho người hoàn thiện, mà là một phương thuốc và lương thực cho người yếu đuối...Hội Thánh không phải là một trạm thu phí; Hội Thánh là Nhà Cha, có chỗ cho mọi người, với tất cả các vấn đề của họ" (Nt số 47).

"Tôi mong rằng, thay vì sợ đi lạc, chúng ta nên sợ bị giam hãm trong những cấu trúc làm cho chúng ta có một cảm giác an toàn giả tạo, những qui tắc biến chúng ta thành những quan toà tàn nhẫn, với những thói quen làm chúng ta cảm thấy an thân, trong khi ở ngoài cửa người ta đang chết đói và Đức Giêsu không ngừng nói với chúng ta: “Anh em hãy cho họ ăn đi!” (Mc 6:37) (Nt số 49).

-Đức Phanxicô nói đến tình trạng Linh mục bị "giải dầu", tức là những Linh mục đánh mất lòng từ tâm, hoặc xao lãng sứ vụ để chuyên kinh tài, hay khô khan trong đời sống thiêng liêng, xa rời dân chúng. Ngài nói: "Những Linh mục như thế đặt sức mạnh của họ nơi những điều hời hợt, trong sự háo danh… Bao nhiêu lần ta đau lòng khi nghe nói: Kìa, đó là một Linh mục huênh hoang, một Linh mục không có mối liên hệ với Chúa Giêsu, một Linh mục đã đánh mất sự xức dầu, một Linh mục không có trái tim mục tử" (Bài giảng ngày 11-1-2014 tại nhà nguyện Thánh Mátta).

-Mỗi cá nhân đều có giá trị trước mặt Chúa và được Ngài yêu thương. Dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc bị mất đã chứng minh điều đó.

-Linh mục cần có trái tim mục tử, qua đó người tín hữu cảm nhận được hình ảnh của Thiên Chúa là Cha thương xót.

-Linh mục là người được sai đi để thực hành ý Chúa. Người được sai phải luôn luôn làm theo ý người sai. Thực thi ý của người sai mình sẽ đem lại niềm vui.

Câu hỏi gợi ý:

1-Trong khi thi hành sứ vụ linh mục, tôi tìm ý Chúa hay tìm ý riêng mình?

2- Tôi có biết cảm thương những người bất hạnh, những người tội lỗi hay những người "ngăn trở" trong giáo xứ, hay tôi có trái tim vô cảm trước nỗi đau của họ ?

 Nguồn  http://giaophanxuanloc.net/tin-giao-phan/noi-dung-cac-bai-chia-se-cua-duc-cha-giuse-vu-van-thien-trong-tuan-tinh-tam-linh-muc-5444.html                                                                                               
Share:

Bài viết mới

Bài xem nhiều

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

ĐỌC KINH THÁNH

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter