“Yêu là cho đi tất cả”

“Yêu là cho đi tất cả”, quyển sách được Đức giáo hoàng cổ động đã trở thành quyển sách bán chạy trên thế giới.

“Yêu là cho đi tất cả” đã được dịch ra bảy thứ tiếng, trong đó có Nga, Trung quốc, Ả Rập; là tuyển tập ghi lại các lời chứng của các nam nữ tu sĩ Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp.
Quyển sách “Yêu là cho tất cả” ấn bản Việt Nam

Gặp hai nhà làm sách ở Fribourg

Ai có thể tưởng tượng tuyển tập ghi lại các lời chứng của các nam nữ tu sĩ lại thành quyển sách bán chạy trên toàn cầu? Đang được dịch ra trên mười thứ tiếng và được phát hành hàng triệu cuốn? “Yêu là cho đi tất cả” có định mệnh riêng của mình.

Ở nước Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp, 15.000 bản đưa ra thị trường ngày 2 tháng 2 đã bán sạch trong vòng 2 tuần. 15.000 bản phát hành thêm ngày 14 tháng Ba. 150.000 bản ở Pháp và Bỉ. Các bản dịch, các nhà xuất bản ở Canada, Mỹ, Châu Mỹ La Tinh, Nga, Ba Lan, Đức đang làm việc. Ấn bản tiếng Trung quốc đã xong. Tiếng Ả Rập cũng vậy. “Yêu là cho đi tất cả” sẽ được phân phát cho những người tham dự Ngày Giới Trẻ tại Cracovie.

Phải nói là quyển sách đã được quảng bá mạnh nhờ Đức Phanxicô. Sự thúc đẩy của Đức giáo hoàng đã làm cho hai nhà làm sách ở Fribourg phải tiến hành công việc theo tầm mức quốc tế và đi theo cách làm của “kinh tế thị trường”. Cả ông Daniel Pittet, nhân viên thư viện của thư viện Fribourg cũng như nữ tu Anne-Véronique Rossi, Bề trên Dòng Ursuline chưa bao giờ có hợp đồng in ấn trước khi quyển sách “Yêu là cho đi tất cả” xuất hiện.

Nếu Daniel Pittet và Anne-Véronique Rossi không phải là chuyên gia trong ngành in ấn thì họ cũng cho thấy tài năng ngoại hạng của mình trong lãnh vực này. Vì dù Đức giáo hoàng có cổ động cho quyển sách này ở tầm mức toàn cầu thì Vatican cũng không ủng hộ tài chánh cho cuộc phiêu lưu này. Vì thế, ông Daniel Pittet và xơ Anne-Véronique phải vận dụng tài năng hài hước và lòng tin mạnh mẽ của mình để tìm kiếm nguồn tiền để thực hiện cuốn sách này. Từ Fribour, cả hai đi tìm nguồn trợ cấp, từ Hongkong cho đến New York, chính yếu là ở các Dòng, các nhà hảo tâm trong ngành thiết kế, in ấn, dịch thuật…

Theo ngày tháng, làm mà như không làm, “Yêu là cho đi tất cả” đã được hình thành, Jean-Claude Gadmer lo phần hình ảnh, Sophie Toscanelli lo phần thiết kế, in ở Fribourg và Saint-Maurice, quyển sách đang làm thay đổi cái nhìn của thế giới về các tu sĩ. Quyển sách gom lại những lời chứng đơn sơ, lấy đời sống hằng ngày làm gốc đã đem lại một cái nhìn mới cho các nam nữ tu sĩ.
Nữ tu Anne-Véronique Rossi và Ông Daniel Pittet

Nhà in Thánh Phaolô ở Fribourg

Ông Olivier Clément, cố vấn khâu dịch vụ khách hàng dao động một chút: “Tôi chưa hình dung được trọn vẹn”. Niềm xúc động thì thấy rõ trên gương mặt. Ngồi trước mặt ông là ông Daniel Pittet và xơ Anne-Véronique Rossi, họ vừa đưa cho ông đơn đặt hàng: một triệu ấn bản cho thị trường Phi Châu. Tầm mức rộng lớn này đã làm cho họ phải suy nghĩ lại. “Vào cuối năm 2014, chúng tôi ngưng xuất bản báo chí và giới truyền thông tiên đoán một tương lai đen tối. Vậy mà bây giờ người ta cho chúng tôi một hợp đồng lớn mà chúng tôi chưa bao giờ có. Nếu không do Chúa Quan Phòng thì do cái gì?”, ông Thomas Burri, giám đốc nhà in vui vẻ nói.

Trên bàn, có một vài mẫu của quyển sách. Bìa ngoài là hình các nam nữ tu sĩ với nụ cười rạng rỡ trên môi. Bìa sau quyển sách là hình Đức Phanxicô đang đọc “Yêu là cho đi tất cả” và rõ ràng là ngài đang rất thích. Ông Daniel Pittet nói, “đây là lần đầu tiên một quyển sách được Đức giáo hoàng cổ động”.

Vì sao Đức giáo hoàng thích quyển sách này đến mức ngài xin nhanh chóng dịch ra nhanh nhất trong bảy thứ tiếng? Để hiểu chuyện này phải đi ngược về mùa Thu năm 2013. Ông Daniel Pittet là người có óc hài hước bẩm sinh và cũng là người can đảm đương đầu với những thách đố trong cuộc đời. Bố mẹ nghiện rượu, ông cho biết mình lớn lên được là nhờ các nữ tu dạy dỗ. Ông có kinh nghiệm trong ngành in ấn về các tu viện của nước Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp vào năm 1994, lần này ông muốn vinh danh các tu sĩ của vùng.

Nhưng mọi sự khởi đầu không được tốt. Vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp chỉ có 1.300 tu sĩ. Ông Daniel Pittet kêu gọi các vị có trách nhiệm của các nhà dòng, vào khoảng 80 vị. Chỉ có mười người hưởng ứng. Ông chưa biết sẽ in quyển sách dưới hình thức nào để giới thiệu với họ nhưng trong đầu ông đã phác họa một ý tưởng. Ông chỉ nhận sự e dè và thối lui: “Để làm gì? Chúng ta sắp biến mất trên hành tinh này! Người dân bây giờ không hiểu chúng ta nữa”. Nản chí, ông Daniel Pittet quyết định bỏ dự án này.

Và rồi nữ tu Anne-Véronique Rossi xuất hiện. Bà đứng đầu Dòng Ursuline năm 2011. Năm 2013, để kỷ niệm 380 năm các nữ tu có mặt ở Fribourg, các tài liệu của nhà dòng được đem ra triển lãm cho công chúng xem. Đó là tập tài liệuin lại các hình ảnh và lời chứng của từng nữ tu chúng tôi: “Chúng tôi không thích nói nhiều, nhà sáng lập Dòng chúng tôi đã nói ‘Thay vì nói thì làm’. Tôi thuyết phục các nữ tu nhà mình, nói về đời sống tận hiến của mình không phải là khoe nhưng là góp phần vào công việc truyền giáo”, xơ Anne-Véronique Rossi giải thích.

Nhưng làm sao nói với công chúng, những người không còn biết ngôn ngữ cũng như sứ vụ truyền giáo của các tu sĩ? Xơ Anne-Véronique Rossi nói: “Chúng tôi phải tìm cách nào đúng để truyền đạt di sản mà chúng tôi đã nhận và nhờ đó mà chúng tôi sống. Chúng tôi phải nói lên lời sứ mạng của mình để mọi người hiểu, những người ở lứa tuổi từ 15 đến 45, những người không có một quá trình tôn giáo nào”. Khi tiến hành công việc này, các lời chứng nói lên một cách trực tiếp, đơn giản và có thể chia sẻ được. Khi thấy ông Daniel Pittet muốn bỏ dự định làm quyển sách này, xơ đề nghị ông thu gom các lời chứng theo cách xơ làm trong nhà Dòng. Với phương thức mô phạm, xơ gom được 250 bài viết của các tu sĩ ở vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp. Các nam nữ tu sĩ lớn tuổi là chính. Những người trẻ hơn thảo lại. Công việc thật khổng lồ. 80 lời chứng, từ từng câu nhỏ đến các bài viết ngắn được giữ lại.

Một buổi sáng đẹp trời nọ, sau khi đã gom lại các lời chứng, ông Daniel Pittet nghĩ, nếu tu sĩ Dòng Tên Giáo hoàng Phanxicô viết lời nói đầu thì sẽ có hiệu quả. Ông liên hệ với cựu Cận vệ Thụy sĩ, ông Jean-Daniel Pitteloud người Valais. Không nhiều lời, họ liên lạc với ông Guillermo Karcher, thư ký của Đức giáo hoàng. Khi nghe có một quyển sách ghi lại lời chứng của các tu sĩ, Đức Phanxicô nghĩ: năm 2015 sẽ là năm Vatican tuyên bố Năm Đời sống Tận hiến và Tòa Thánh chưa dự trù in tài liệu nào về chủ đề này.

Vậy là có một cuộc hẹn với Đức giáo hoàng. Đức giáo hoàng thân mật nói ngay: “Tựa đề quyển sách ‘Đời sống Tận hiến’ của các con không hay”. “Nhưng các lời chứng thì rất hay. Đơn giản, sâu sát với cuộc sống, nhắm đến mọi người. Các con đã có trong đầu một tên sách nào khác không?”, ngài hỏi ông Daniel Pittet. Rồi ngài trả lời ngay: “Yêu là cho đi tất cả!” Câu này của Thánh Têrêxa Lisiơ. Hăng say với nội dung quyển sách, Đức giáo hoàng lên kế hoạch quảng bá. Vào mùa Thu năm 2015, vào giờ Kinh Truyền Tin, ngài sẽ giới thiệu quyển sách ở Quảng trường Thánh Phêrô. Và quyển sách sẽ chinh phục “cả thế giới, cả thế giới”, ngài nhấn mạnh. “Nhưng tiền đâu?”, ông Daniel Pittet lo lắng. Đức Thánh Cha đáp: “Con cầu nguyện với Thánh Giuse. Mọi chuyện sẽ được. Dịch thuật: đó là việc làm của các con, mạng lưới nhà Dòng và các ân nhân trên thế giới của các con”.

Đó là cách đây sáu tháng. Từ đó, kẻ chủ bại không còn lùi bước. Còn về phần xơ Anne-Véronique Rossi thì khi xơ gặp bất cứ một tu sĩ nào, xơ cũng đề cập đến chuyện dịch thuật và bán quyển sách “Yêu là cho đi tất cả”. “Còn các giáo dân thì họ cho tôi biết, họ tìm ở đó năng lực khi họ phải đương đầu với những thử thách trong cuộc sống.”

Letemps.ch, Lisbeth Kouychoumoff

Marta An Nguyễn chuyển dịch
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter