Tuần 29: Sách Các Vua 1 (chương 12-22)

I. CHÍNH TRỊ VÀ TÔN GIÁO

Sau cuộc ly khai về chính trị, Giơroboam làm vua toàn Israel, chỉ còn Giuđa theo nhà Davit (12,20). Giơroboam quyết định đặt 2 bò mộng bằng vàng ở Bethel và Dan nhằm mục đích chính trị là để dân khỏi phải lên Giêrusalem để làm việc thờ phượng, và như thế ông giữ dân ở lại với mình (12,26-33). Như thế, tôn giáo đã bị lợi dụng để phục vụ cho ý đồ chính trị.Đây là điều tái diễn thường xuyên trong lịch sử nhân loại. Hãy thử nhớ lại tôn giáo thờ hoàng đế trong đế quốc Roma. Hãy thử nhớ đến chính sách trong các chế độ độc tài khi người ta tìm cách thần thánh hoá một con người để thay thế Thiên Chúa đích thực, hoặc sử dụng tôn giáo như công cụ cho ý đồ chính trị của mình. Thiên Chúa không còn là Đấng được tôn thờ nhưng chỉ là phương tiện phục vụ những tính toán quyền lực của con người. Đương nhiên Thiên Chúa không thể chấp nhận điều đó (13, 1-5), và Hội Thánh phải luôn luôn cảnh giác trước nguy cơ này.

II. TRUNG THÀNH VỚI LỜI CHÚA

Sách 1V 13,11-32 kể lại một câu chuyện thật khó hiểu. Người của Thiên Chúa đã trung thành với Lời Chúa đến nỗi khước từ lời mời của nhà vua, thế rồi một người khác cũng tự xưng là tiên tri đã đến khuyến dụ và người của Thiên Chúa đã nghe theo. Cũng vì thế mà ông phải chịu hình phạt khủng khiếp là bị sư tử vồ. Tại sao Thiên Chúa lại khó khăn và độc ác như thế? Người ta bị lừa dối chứ đâu phải cố tình làm trái mà bị Thiên Chúa trừng phạt?

Ta có thể nêu lên những câu hỏi tương tự, tuy nhiên bài học cần quan tâm ở đây là sự trung thành tuyệt đối với Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh. Bài học này cần thiết cho các tín hữu ngày nay hơn bao giờ. Ngày nay ta đang đối diện với cơn cám dỗ thoả hiệp với thế gian và sự thoả hiệp này được biện minh bằng những lý do hết sức tốt đẹp. Chẳng hạn, tại sao Giáo Hội không cho phép ly dị, bắt người ta phải sống trong cảnh đau khổ mãi? Tại sao Giáo Hội không cho phép sử dụng những phương tiện ngừa thai để hạn chế sinh sản và bảo vệ hạnh phúc cho nhân loại? Tại sao Giáo Hội lại loại trừ những người đồng tính luyến ái, không biết cảm thông với họ? …

Cũng ở đây, ta mới hiểu tại sao Giáo Hội Công giáo cương quyết trong nhiều lập trường về đức tin và luân lý, là vì Giáo Hội muốn trung thành với Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh, và xác tín rằng chỉ có Lời Chúa mới đem lại sự sống đích thực và vĩnh cửu cho con người.

III. TẬP TRUNG VÀO TIÊN TRI ELIA

1. Một vài ghi nhận về Elia

Tên gọi của tiên tri Elia có nghĩa: Giavê là Thiên Chúa của tôi. Ta không có đầy đủ những sử liệu về việc sinh hạ và thiếu thời của tiên tri. Tuy nhiên, ta biết chắc rằng tiên tri Elia đã hoạt động dưới thời các vua Ahab, Ahaziah, và Jehoram (873-843 BC). Các vua thời đó thờ phượng Thiên Chúa nhưng cũng chạy theo các thần ngoại (Baal và Ashera) để cầu mưa nhằm làm tươi tốt đất đai. Nhiều tiên tri và tư tế khác cũng chạy theo, nhưng Elia cương quyết đòi hỏi một niềm tin trọn vẹn và tinh tuyền vào Giavê. Hoàng hậu Jezabel là người Phoenician, cũng là người đỡ đầu cho những việc thờ cúng ngoại giáo này, và tiên tri Elia đã gặp nhiều khó khăn với bà hoàng hậu này.

2. Lòng nhiệt thành của Elia

Sách Các Vua kể lại việc tế lễ trên núi Carmel (18, 20-40). Với con người ngày nay, có nhiều chi tiết trong câu chuyện này khó được chấp nhận, ví dụ tiên tri Elia thách đấu với các tư tế Baal, cuối cùng đã ra lệnh bắt và giết họ… Thiết nghĩ cần vượt lên trên những chi tiết trên để nắm bắt ý nghĩa chính của câu chuyện. Dân Chúa lúc đó là những kẻ hai lòng, đi khập khiễng (18,20-21), và tiên tri Elia đã làm mọi cách để lôi kéo mọi người về với niềm tin đích thực là niềm tin vào Thiên Chúa của giao ước. Tất cả làm nổi bật lòng nhiệt thành của vị tiên tri đối với công việc của Chúa (19,4).

Lòng nhiệt thành của tiên tri Elia chất vấn đức tin và lương tâm Kitô giáo của mỗi chúng ta. Tình trạng mà Elia gọi là khập khiễng, hai lòng, nghĩa là không toàn tâm toàn ý với Chúa, không phải là không có trong đời sống đức tin của ta. Ta cũng không dám chiến đấu cho chính nghĩa của Chúa như Elia đã chiến đấu, chủ yếu là vì sợ hãi, sợ mất quyền lợi, địa vị hay một thứ gì khác … trong khi điều đáng sợ nhất là đánh mất chính Chúa thì lại không sợ!

3. Nỗi chán nản của vị tiên tri

Vì nhiệt thành với công việc Nhà Chúa, tiên tri Elia phải đối diện với mối đe doạ đến từ chính bà hoàng Jezabel, và phải chạy trốn (19, 1-3). Trên đường chạy trốn, vì quá mệt mỏi, ông than thở với Chúa, “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi vì con chẳng hơn gì cha ông của con” (19,4). Nỗi chán nản của Elia khiến ta nhớ đến tâm trạng của thánh Gioan Tẩy giả trong ngục thất (x. Lc 7,18-23) và của chính Chúa Giêsu trong Vườn Ghetsemani.

Trong đời sống đức tin, người Kitô hữu cũng có những giây phút mệt mỏi, chán nản, đôi khi ngã lòng và sinh ra nghi nan vì thấy mình phải chịu nhiều thiệt thòi trên đường theo Chúa, và dường như Chúa không hành động gì cả. Trong những giây phút đó, hãy nhớ đến Elia, Gioan Tẩy giả và chính Chúa Giêsu để gặp được ở đó những người bạn đồng hành.

4. Chúa luôn đồng hành với tôi tớ Ngài

Chúa vẫn luôn đồng hành với Elia. Khi vị tiên tri mỏi mệt và chán nản, có thiên sứ đem bánh và nước đến cho ông (19, 5-8) để ông có sức đi tiếp hành trình đến núi của Thiên Chúa. Ở đó vị tiên tri đã gặp gỡ Chúa không phải trong cơn động đất kinh hoàng hay lửa cháy bừng bừng nhưng trong tiếng gió hiu hiu (19,12).

Cũng thế, Chúa không bao giờ bỏ rơi ta trong hành trình đức tin. Người luôn đồng hành với ta và ban sức mạnh cho ta. Bánh Thánh Thể chính là lương thực thần linh cho lữ khách trên đường hành hương, là nguồn sức mạnh cho người chiến sĩ trong cuộc chiến của đức tin. Hình ảnh Elia gặp gỡ Chúa trong tiếng gió hiu hiu cũng là lời mời gọi ta biết trở về trong tĩnh lặng; ở đó ta có thể gặp gỡ Chúa và lắng nghe tiếng gọi thầm kín của Người.

ĐGM. Nguyễn Khảm
Nguồn: tgpsaigon.net
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter