Tuần 25: Sách Samuel 1 chương 16 – 31

I. ĐAVÍT ĐƯỢC XỨC DẦU PHONG VƯƠNG (đọc 16, 4-13)

1. Cách thế tuyển chọn của Thiên Chúa

Samuel được Thiên Chúa sai đến xức dầu phong vương cho một người con trai của ông Giesê. Thế nhưng những người mà Samuel nghĩ rằng Chúa sẽ chọn lại không phải là người Chúa muốn. Và Người phán: “Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (16,7).

2. Học cách nhìn của Chúa

Ở mọi thời đại, cách riêng trong thời đại ngày nay, người ta chú trọng rất nhiều đến dáng vẻ bên ngoài: trong sản xuất kinh doanh, trong việc đánh giá con người, kể cả trong đường hướng giáo dục, ví dụ chủ nghĩa thành tích dẫn đến bao nhiêu gian dối trong môi trường học đường.

Càng sống trong một môi trường như thế, người Kitô hữu càng cần phải tập sống chiều sâu nội tâm, trau giồi con người bên trong, hơn là chỉ quan tâm đến những hình thức bên ngoài.

II. ĐAVÍT CHIẾN ĐẤU CHỐNG GOLIÁT (đọc 17, 40-47)

Nhìn từ bên ngoài, cuộc chiến giữa Đavít và Goliát quả là cuộc chiến không cân sức. Tương tự như thế là cuộc chiến giữa Giáo Hội và thế gian. Thế nhưng trong cuộc chiến khốc liệt đó, Đavít đã chiến thắng. Vậy bí quyết chiến thắng của Đavít ở đâu? Lời tuyên bố của Đavít đã nói lên tất cả, “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Còn tao, tao đến với mày nhân danh Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa các hàng ngũ Israel mà mày thách thức” (17,47).

Cũng thế, trong cuộc chiến đấu với thế gian, khi nào Giáo Hội chỉ tìm nương tựa vào sức mạnh quân sự hay kinh tế của người đời, Giáo Hội sẽ thất bại. Ngược lại, khi Giáo Hội thực sự nương tựa vào Chúa thì Giáo Hội sẽ chiến thắng. Đó không phải là chiến thắng theo nghĩa lợi lộc cá nhân nhưng là chiến thắng của tình yêu và chân lý.

Mỗi Kitô hữu cũng cần ghi nhớ bài học này cho đời sống thiêng liêng của mình, nhất là khi phải chiến đấu chống lại tội lỗi.

III. VUA SAUL VÀ TÍNH GHEN TỊ

1. Sự kiện

Sau khi Đavít chiến thắng tên Philitinh, dân chúng hò reo ca tụng Đavít, và Sách Thánh ghi nhận rằng “Từ ngày đó về sau, vua Saul nhìn Đavít với con mắt ghen tị” (18, 6-9). Sự ghen tị đó đã thúc đẩy Saul nhiều lần tìm cách giết Đavít (x. 18, 10-12; 19,8-10)

2. Ghen tị

Nguồn gốc của sự ghen tị là tính ích kỷ, không nhìn thấy ích chung, chỉ thấy quyền lợi và địa vị của mình. Từ đó, tìm cách hạ thấp thành công của người khác và vui mừng trước thất bại của người khác. Khi không kềm chế được, sự ghen tị còn có thể dẫn người ta đến chỗ phạm nhiều tội ác khác.

Ghen tị là một thói xấu có mặt nơi mỗi người và có thể gây nhiều tác hại cho đời sống chung cũng như công việc chung, kể cả việc tông đồ. Điều quan trọng là phải ý thức và cố gắng vượt qua. Để chữa trị thứ bệnh phổ biến này, cần tập nhìn vào ích chung và chương trình của Chúa hơn là chỉ nghĩ đến quyền lợi và sở thích riêng của mình. Nếu ta thực sự tha thiết với công trình của Chúa và ích lợi chung của mọi người, ta sẽ vui mừng đón nhận và cộng tác với bất cứ ai phục vụ ích lợi chung và công trình của Chúa.

IV. SỰ QUẢNG ĐẠI CỦA ĐAVÍT

Đối lại sự ghen tị của Saul, Sách Thánh làm nổi bật lòng quảng đại của Đavít. Đavít đã sẵn lòng tha thứ cho kẻ làm hại mình (24,1-8). Động lực của lòng quảng đại này không chỉ là những lý do tự nhiên nhưng sâu xa hơn, chính là tầm nhìn đức tin của Đavít. Ông nhìn Saul là người được Chúa xức dầu, và vì thế không thể ra tay sát hại (24,7).

Tấm gương của Đavít làm nổi bật lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Hãy để Chúa xét xử mỗi người theo việc họ làm. Hãy tập đặt mình vào hoàn cảnh người khác để có thể cảm thông và chia sẻ hơn là lên án và trả thù.

ĐGM. Nguyễn Khảm
Nguồn: tgpsaigon.net
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter