Giáo Phận Xuân Lộc mở Năm Thánh mừng Kim Khánh Giáo Phận (4/10/2014-10/2015), đây là “ngày cứu độ”, mùa ân phúc mà Thiên Chúa ban tặng cho cộng đoàn Giáo Phận. Vì thế, để mọi thành phần dân Chúa hưởng ân phúc Năm Thánh cách hiệu năng, chúng ta cần nhắc lại một vài ý niệm cũng như ý nghĩa và quy định của Toà Ân Giải Tối Cao về Năm Thánh (tại Giáo Hội Địa Phương).1. NỀN TẢNG THÁNH KINH
Năm Thánh Công Giáo bắt nguồn từ thời Cựu Ước. Năm Thánh là một thời kỳ mà qua đó Thiên Chúa ban ơn đặc biệt cho con người khi mở lòng canh tân và thống hối.
Theo luật Môsê, sau 6 năm, đến năm thứ 7, đất đai phải được nghỉ ngơi và nô lệ được tự do, nợ nần được tha (chỉ một phần hay không được đòi nợ), đồng thời dân chúng phải sống trong hoà bình yêu thương, hoà giải với mọi người. Năm thứ 7 này được gọi là năm Hưu Lễ. Và sau 7 lần 7 năm như vậy, (7x7 = 49; năm thứ 49 cũng vẫn là năm Hưu Lễ), đến năm thứ 50 cử hành trọng thể Năm Yobel, Năm Hồng Ân (cũng được gọi là năm Toàn Xá).
Theo Lv 25,1-17; Xh 23,10-11; Lv 25,1-28; Đnl 15,1-6: Người Do Thái cử hành Năm Hồng Ân này theo hai khía cạnh: tôn giáo và kinh tế xã hội như sau:
- Về mặt tôn giáo, trong Cựu Ước, Năm Hồng Ân là dịp người Do Thái tưởng nhớ và cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân trọng đại khi giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ Ai Cập. Đồng thời cũng nhắc nhớ rằng Thiên Chúa mới là Chủ Tể thật sự trên trái đất, trên mọi loài và mọi người. Vì thế, đó là năm mà mọi sự được giải thoát, được tha thứ.
- Về mặt kinh tế xã hội: Năm thứ 50 này mọi nô lệ đều được trả tự do, mọi thứ nợ đều được tha bổng. Ai về nhà nấy, không còn nợ nần, không còn nô lệ, và mọi người lại bắt đầu một cuộc sống mới.
Trong Tân Ước, mặc dầu tiếp nối truyền thống của Cựu Ước, Giáo Hội Công Giáo đã cử hành thời kỳ hồng ân này với một ý nghĩa trọn vẹn hơn, một ý nghĩa phát xuất từ niềm tin vào Đức Giêsu, Đấng đã đem lại thời hồng phúc, thời cứu rỗi cho nhân loại (x. Lc 4,16-30). Năm Thánh là thời gian giúp thánh hoá cuộc sống, củng cố đức tin, tạo điều kiện thuận lợi để người tín hữu giao hoà với Thiên Chúa và hiệp thông với mọi người, thống hối và canh tân đời sống để được tha thứ những hình phạt do tội lỗi gây ra.
2. TÊN GỌI VÀ THỜI GIAN
Theo nguyên ngữ Latinh ‘Annum Jubilaei’, bắt nguồn từ tiếng Do Thái Jôbel ("thổi tù và báo hiệu năm đại xá"), như thế, thời gian hồng ân ấy được gọi tên là “Năm Đại Xá” hay “Năm Toàn Xá”.
Đức Bonifacio VIII mở năm Toàn xá đầu tiên (Jubilaeum) năm 1300, và ấn định cử hành cứ 100 năm một lần.
Đức Clemente VI (1342-1352) rút lại 50 năm. Sau đó, Đức Urbano VI (1378-1389) ấn định cử hành Năm Toàn xá 33 năm một lần, để kính nhớ thời gian Chúa Giêsu sống ở trần gian.
Đến Đức Phaolô II (1464-1471), ấn định cử hành Năm Toàn xá cứ 25 năm một lần và quyết định đổi cách gọi “Năm Toàn xá”(Jubilaeum) thành“Năm Thánh” (Annus Sanctus). Ngài hy vọng sẽ được mở Năm Thánh vào năm 1475, nhưng đã qua đời cuối tháng 7 năm 1471.
Đức Sixto IV (1471-1484), kế vị, công bố Sắc chỉ "Salvator noster Dei Patris" (26/3/1472), để xác nhận lại các quyết định của Vị Tiền nhiệm đã được ghi trong Sắc chỉ "Ineffabilis Providentia" về giáo lý ơn toàn xá, về việc lãnh ơn toàn xá, với những điều kiện đã được quy định. Rồi ngài nhắc lại : Năm Thánh sẽ được cử hành năm 1475.
3. CÁC HÌNH THỨC NĂM THÁNH
Năm Thánh được toàn thể Giáo Hội cử hành có 2 loại : thông thường và ngoại thường.
Năm Thánh Thông Thường là Năm Thánh được cử hành theo định kỳ như đã nói (từ 1300 đến nay Giáo Hội đã 26 lần cử hành Năm Thánh).
Năm Thánh Ngoại Thường, là những Năm Thánh được cử hành không vào thời gian đã ấn định, nhằm kỷ niệm những hồng ân trọng đại. (từ năm 2000 đến nay đã cử hành 02 Năm Thánh ngoại thường là : năm 1933, Đức Thánh Cha Piô XI công bố kỷ niệm 1900 năm Ơn Cứu Độ được ban cho nhân loại. Năm 1983 khi Đức Gioan Phaolô II khai mở nhân dịp mừng kỷ niệm 1950 năm Đức Kitô tử nạn và phục sinh hầu đem ơn Cứu Rỗi.)
Ngoài Năm Thánh được toàn thể Giáo Hội cử hành, có những Năm Thánh được mở ra cho các Giáo Hội địa phương : (quốc gia, giáo phận, kể cả giáo xứ, hay cộng đoàn dòng tu).
Giáo Hội Việt Nam từ đầu thế kỷ này đã cử hành 02 Năm Thánh:
- Năm Thánh Truyền Giáo 2003, ghi dấu 470 năm Tin Mừng được loan báo trên quê hương Việt Nam (1533-2003), từ lễ Giáng Sinh 25/12/2003 đến lễ Hiển Linh 02/01/2005.
- Năm Thánh 2010, kỷ niệm 350 năm thiết lập Giáo Hội tại Việt Nam, kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam cùng 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn.
Giáo Phận Xuân Lộc từ 04/10/2014 đến cuối tháng 10 năm 2015, sẽ cử hành Năm Thánh nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận, đây là lần đầu tiên Giáo Phận Xuân Lộc mở Năm Thánh.
4. Ý NGHĨA NĂM THÁNH
Năm Thánh được cử hành với những ý nghĩa sau:
* Năm Thánh là năm xin ơn tha thứ: đây là thời gian cầu xin Thiên Chúa ban ơn cách đặc biệt để tha các hình phạt do tội gây ra. Một trong những đặc điểm của Năm Thánh là Ơn Toàn Xá được lãnh nhận rộng rãi theo những quy định của Giáo Hội về thời gian và địa điểm.
* Năm Thánh là năm Sám Hối và Canh Tân: sám hối và canh tân chính là điều kiện để lãnh nhận ơn tha thứ.
* Năm Thánh là năm Hoà Giải: Con người luôn được mời gọi sống trong mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, với tha nhân và với mọi loài thụ tạo. Điều này chỉ có thể được thực hiện khi mỗi cá nhân hay tập thể nhìn ra những lỗi tội của mình để đền bù cách công bằng ; đồng thời cũng phải biết tha thứ cho những cá nhân hay tập thể đã có những sai lỗi thiếu sót đối với mình, để mọi người có được sự an bình và sống xứng đáng với nhân phẩm và ơn gọi làm con Thiên Chúa.
Có thể đúc kết ý nghĩa Năm Thánh bằng lời của ĐTC Bênêđictô XVI trong sứ điệp gởi GHVN dịp Năm Thánh 2010: “Năm Thánh là một thời điểm chứa chan ân sủng, thuận lợi cho việc hoà giải với Thiên Chúa và anh em đồng loại. Trong ý hướng đó, chúng ta nên nhìn nhận những sai lỗi đã phạm trong quá khứ và hiện tại đối với an hem đồng loại”.
5. NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA TÒA ÂN GIẢI TỐI CAO VỀ VIỆC LÃNH NHẬN ƠN XÁ TRONG NĂM THÁNH
Để có thể hưởng nhờ mọi ân phúc của Năm Thánh, các mục tử cần nhắc nhớ cho các tín hữu một vài quy định của Toà Ân Giải Tối Cao (Paenitentiaria Apostolica) ban hành Sắc Lệnh đề ngày 28.11.1998 đề cập đến Tinh Thần, Ơn Xá, Điều Kiện, Thời Gian và Không Gian, cũng như Những Người Liên Hệ tới việc lãnh nhận ơn xá.
1/ Tinh Thần
Phần đông các tín hữu coi việc lãnh nhận Ơn Xá là một “lợi dụng thiêng liêng”, họ cho rằng với Ơn Xá họ sẽ được phần rỗi linh hồn mà không nhất thiết phải canh tân đời sống đức tin, chừa cải tội lỗi, tuân giữ các giới răn, nhất là thi hành luật công bằng và yêu thương.
Dựa trên giáo huấn của Giáo Hội về ơn xá được ĐTC Phaolô VI trình bày trong Tông Hiến Indulgen-tiarum doctrina, (1.1.1967) và Giáo Lý HTCG, Toà Ân Giải Tối Cao đã liệt kê các ơn xá và nói rõ những áp dụng cụ thể để lãnh nhận ơn xá. Toà Ân Giải đặc biệt đề cập đến tinh thần của người lãnh nhận ơn xá như sau:
“Tiên vàn phải có ý hướng quay về với Thiên Chúa trong cuộc sống ; phải có đời sống đức tin sâu đậm qua việc lãnh nhận bí tích Hoà Giải, cũng như bí tích Thánh Thể; phải có ý chí canh tân đời sống và dứt khoát với tội lỗi; phải thể hiện đức tin qua việc bác ái ; phải có sự hiệp thông với Giáo Hội được diễn tả qua việc cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha; và phải làm một số việc Giáo Hội dạy: như viếng nhà thờ, đọc một số kinh, làm một số việc hãm mình.
Do đó, tinh thần cần phải có để lãnh nhận ơn xá là quyết tâm trở về với Thiên Chúa bằng lòng thống hối và đức tin ; Đi đến với tha nhân bằng công bằng và đức ái. Phải có tinh thần siêu nhiên này mới lãnh nhận Ơn xá cách hiệu năng, đồng thời Ơn xá giúp thụ nhân hoàn thiện tinh thần này.
2/ Ơn Xá Năm Thánh Là Ơn Xá Nào?
Ngày nay chỉ còn phân biệt hai loại ơn xá: Ơn Toàn Xá và Ơn Xá Từng Phần (ơn tiểu xá).
Ơn Xá Năm Thánh là Ơn Toàn Xá (Indul-gentia plenaria). Tín hữu có quyền chỉ Ơn xá này cho các linh hồn nơi luyện ngục (vì có những ơn xá chỉ tín hữu còn sống mới được hưởng mà thôi).
Mỗi ngày chỉ được lãnh Ơn Xá Năm Thánh một lần, trừ khi một người hấp hối, linh mục ban ơn Toàn xá trong giờ sau hết. Vậy nếu ai đã lãnh nhận ơn Toàn Xá theo các khoản đã ghi trong Sách Liệt Kê các Ơn Xá, thì ngày hôm đó không được lãnh Ơn Xá Năm Thánh, dù có đi hành hương…
3/ Điều Kiện Lãnh Nhận Ơn Xá Năm Thánh
Cùng với tinh thần siêu nhiên cần phải có như đã nói ở trên, thụ nhân ơn xá cần phải có những điều kiện sau:
Các điều kiện thông thường : sạch tội, có ý muốn chân thành xa tránh tội và canh tân đời sống, kết hợp với Thiên Chúa.
Các việc phải làm:
* Xưng tội rước lễ: điều này có nghĩa là thụ nhân đang trong tình trạng không mắc tội trọng, đủ điều kiện để có thể rước lễ. Vì thế, chỉ buộc xưng tội khi mắc tội trọng. Và nếu là tham dự Thánh Lễ để lãnh ơn xá thì phải rước lễ. Sắc lệnh của Toà Ân Giải Tối Cao nói rõ là phải xưng tội cá nhân và xưng đầy đủ các tội trọng chưa xưng. Như vậy không có việc xưng tội chung hoặc giải tội tập thể, cho nhóm đi hành hương để lãnh nhận Ơn Xá Năm Thánh.
* Đi hành hương, đi riêng hay đi theo nhóm đến một nhà thờ đã được chỉ định. Tại đây, tham dự một buổi cử hành phụng vụ, (như: dâng lễ, tham dự việc hát Kinh Sáng hay Kinh Chiều; hoặc dành một thời gian để chầu Thánh Thể, suy niệm đạo đức; hoặc tham dự một buổi cử hành các việc đạo đức bình dân (như: đi đàng Thánh Giá, lần hạt Mân Côi, đọc thánh thi kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa…).
* Cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha (bằng một kinh, hay đọc kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính).
Đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính, và lời Cầu khẩn Đức Mẹ (như Kinh cầu Đức Mẹ). Về kinh Tin Kính, phải đọc Kinh do Công đồng Nicea và Constantinopoli (như trong thánh lễ các ngày Chúa Nhật và lễ trọng), hoặc Kinh Tin Kính các Thánh Tông đồ (như trong Nghi thức rửa tội trẻ nhỏ), hoặc công thức tuyên xưng đức tin trong Đêm Vọng Phục Sinh. Không được dùng một công thức tuyên xưng đức tin khác ngoài các công thức trên đây đã được Giáo Hội chính thức chấp nhận.
4/ Năm Thánh Tại Giáo Hội Địa Phương
Sắc lệnh của Toà Ân Giải Tối Cao đã xác định cho những Giáo Hội địa phương mở Năm Thánh như sau:
* Thời gian: Ơn xá Năm Thánh được ban từ khi bắt đầu khai mặc Năm Thánh cho đến khi kết thúc Năm Thánh, được tính theo thời hạn đã ấn định của Đấng Bản Quyền.
* Không Gian: Ơn xá Năm Thánh được ban tuỳ nơi theo quy định của Đấng Bản Quyền.
- Cho các tín hữu trong những trường hợp bình thường:
Hành hương tại: 1/ Nhà thờ Chính Toà; 2/ Các nhà thờ khác được Đấng Bản Quyền Giáo phận chỉ định để tín hữu hành hương kính viếng và lãnh nhận Ơn Xá Năm Thánh. 3/ Một Đền thánh do Đấng Bản Quyền địa phương chỉ định.
* Trường hợp chung không tùy vào một nơi chốn nào:
Các tín hữu đi viếng thăm trong một thời gian nào đó những anh chị em đang phải thiếu thốn, đau khổ, khó khăn (như các bệnh nhân, tù nhân, người già cả và sống cô đơn, các người tàn tật, thiếu nhi bị bỏ rơi…) và thực thi các điều kiện xưng tội rước lễ, cầu nguyện, cũng được lãnh Ơn Xá Năm Thánh.
Ơn xá Năm Thánh cũng còn được lãnh nhận với những sáng kiến hãm mình, (như nhịn uống rượu, hút thuốc, hoặc kiêng thịt… trong một ngày, và dành số tiền cho những người nghèo khổ; hoặc dành thời giờ tự do tham gia các công việc chung ; hoặc những hình thức hãm mình khác).
- Cho các tín hữu bị ngăn trở chính đáng
Riêng đối với các tín hữu bị ngăn trở cách chính đáng ở bất cứ nơi nào, không thể thực hiện cuộc hành hương, theo đoàn thể hay riêng cá nhân, Sắc lệnh đã quy định như sau:
Các tu sĩ trong dòng kín với luật lũy cấm, với các bệnh nhân, với tất cả mọi người vì lý do này hay lý do khác, không thể ra khỏi nhà, hay khỏi nơi ở: có thể viếng nhà thờ của cộng đoàn, hay nhà thờ của giáo xứ.
Cả khi không thể nào thực hiện việc viếng nhà thờ nơi mình ở, thì chỉ cần hiệp ý với các tín hữu đi hành hương, và dâng các đau khổ, các kinh nguyện, cũng như các thiếu thốn, để lãnh nhận Ơn Xá Năm Thánh như các tín hữu trong trường hợp bình thường.
5/ Những Người Liên Hệ Tới Việc Lãnh Nhận Ơn Xá Năm Thánh[1]
Sau đây là những người liên hệ tới việc lãnh nhận Ơn Xá Năm Thánh, theo Sắc lệnh của Toà Ân Giải Tối Cao:
Về phía các vị có trách nhiệm mục vụ và các thừa tác viên:
Các Đấng Bản Quyền địa phương [Giám mục và các vị có thẩm quyền tương đương theo Giáo luật]: các ngài phải chỉ định các nhà thờ trong Giáo phận, ngoài nhà thờ Chính Toà, và thông báo cho tín hữu đến hành hương để lãnh nhận Ơn Xá Năm Thánh. Danh sách các nhà thờ này phải được công bố vào cuối Nghi lễ Khai Mạc Năm Thánh trong giáo phận của mình.
Chính các giám mục phải ấn định những ngày các ngài cử hành chung tại nhà thờ Chính Toà và các nhà thờ đã chỉ định với sự tham dự của linh mục đoàn, phó tế, tu sĩ nam nữ, và sự tham dự đông đảo của giáo dân. Sự chỉ định phải làm sao có sự quân bình và nói lên tình hiệp thông trong giáo phận chung quanh giám mục của mình; nhưng phải làm nổi bật vài trò của nhà thờ Chính Toà trong giáo phận. Các ngài cũng phải chỉ định các ngày cử hành Năm Thánh cho từng giới trong giáo phận.
Các linh mục coi sóc giáo xứ, hay các vị cộng tác với các cha sở, các cha giải tội được chỉ định theo giáo luật, các linh mục khác:
Phải chuyên cần ngồi toà giải tội để các tín hữu có thể hoàn thành điều kiện cần thiết là xưng tội trong việc lãnh nhận Ơn Xá Năm Thánh.
Các cha giải tội có thể hoán đổi các việc phải làm và các điều kiện phải có để lãnh nhận Ơn Xá Năm Thánh bằng các việc đạo đức khác, cho các tín hữu bị ngăn trở chính đáng, để họ có thể lãnh nhận Ơn Xá Năm Thánh.
Các cha sở nhà thờ Chính Toà, các cha sở tại các nhà thờ, đền thánh đã được chỉ định để lãnh Ơn Xá cần hợp tác với Ủy Ban Năm Thánh trong giáo phận, để cung ứng đầy đủ các phương tiện trợ giúp thiêng liêng cho các tín hữu đến hành hương lãnh Ơn Xá Năm Thánh: mời các linh mục ngồi toà giải tội thường xuyên, các linh mục cử hành thánh lễ theo các giờ đã định, nhất là khi các đoàn hành hương không có linh mục hướng dẫn.
Các linh mục, phó tế, hay các thừa tác viên, các giáo lý viên có khả năng và được chuẩn bị trước để có thể giúp trình bày giáo lý về Năm Thánh (mục đích và các dấn thân siêu nhiên), về Ơn Xá, cho các tín hữu đến hành hương; để lãnh nhận Ơn Xá năm Thánh; hoặc để chủ sự các buổi cử hành Lời Chúa, nghi thức thống hối, các buổi cử hành các việc đạo đức bình dân.
Các Ủy Ban giáo phận (và của Hội Đồng Giám mục) về Năm Thánh và các giáo xứ – đền thánh đã được chỉ định để tín hữu có thể lãnh nhận Ơn Xá Năm Thánh: có một lịch trình về các cuộc hành hương chung theo giáo phận, giáo xứ, dòng tu… và cho các giáo xứ, dòng tu, đoàn thể… đã ghi danh đến, để có thể dễ dàng tổ chức một cách sốt sắng và trật tự; phải soạn thảo các tài liệu thiêng liêng giúp các tín hữu đến hành hương (theo đoàn, hay riêng tư), như: bản văn thánh lễ Năm Thánh và các bài đọc Sách Thánh, các lời nguyện giáo dân… đã được Giáo quyền chấp thuận; Kinh Năm Thánh đã có imprimatur; Kinh Sáng và Kinh Chiều của một số lễ kính Chúa, kính Đức Mẹ, các Chúa Nhật trong Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, Mùa Thường niên; các mẫu cử hành Lời Chúa, cử hành nghi thức thống hối; đề nghị các bài đọc Sách Thánh từ Cựu Ước, Tân Ước để giáo dân đọc và suy niệm trong một thời gian (các bài Sách Thánh được chọn theo đề tài Năm Thánh, việc thống hối, canh tân, sống đức tin, đức cậy, đức ái… nếu được thì in thành nhiều tập để dùng; các mẫu giúp suy niệm khi lần hạt Mân Côi, khi đi Đàng Thánh Giá; các bản giúp xét mình xưng tội, cho những ai muốn dùng.)
Các người trẻ phải được lưu ý đặc biệt: giúp họ tham dự Năm Thánh, các lễ nghi này một cách sốt sắng. Có những cuộc tập họp cho họ theo cấp giáo phận, giáo hạt, liên giáo xứ, giáo xứ…
Các tín hữu: bước vào Năm Thánh và cử hành Năm Thánh với tâm tình và thái độ như Giáo Hội muốn; hiểu biết ý nghĩa Năm Thánh, ý nghĩa việc lãnh nhận Ơn Xá Năm Thánh: biết rõ các trường hợp được lãnh Ơn Xá này, biết rõ các điều kiện, và các việc phải làm để lãnh nhận Ơn Xá Năm Thánh; vì thế phải tham dự các lớp giáo lý đặc biệt về Năm Thánh do các giáo xứ tổ chức. Thúc đẩy các người trong gia đình sống tinh thần Năm Thánh; tham dự các buổi cử hành trên; sống hiệp thông và công bằng. Năng đi viếng các người nghèo… hoặc từng cá nhân, hoặc cả gia đình, hoặc tham dự vào các cuộc hành hương của các đoàn thể khác.
Lm. Leony