SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN 30 TN

27/10/14 THỨ HAI TUẦN 30 TN
Lc 13,10-17

ĐỪNG ĐẠO ĐỨC GIẢ!

“Thế ngày sa-bát, ai trong các ngươi lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã 18 năm nay, thì chẳng lẽ không được cởi xiềng xích trong ngay sa-bát sao?” (Lc 13,15-16)

Suy niệm: Ông chủ tịch hội đường này cũng “né” Chúa Giê-su, không dám trực tiếp hạch sách Ngài, nhưng lại quay qua “bắt nạt” dân chúng, những người đang chen chúc đến xin Chúa chữa bệnh trong ngày sa-bát. Thật mỉa mai thay vì người ta lắm khi coi trọng những hệ thống luật pháp hơn cả lòng nhân đạo, thậm chí coi trọng súc vật hơn chính con người. Và đáng ngại hơn nữa, người ta quan tâm tháo gỡ những chướng ngại để thụ hưởng vật chất cho thật nhiều trong khi đó vẫn tiếp tục duy trì những trói buộc khiến con người tâm linh cứ phải “còng lưng” mãi không thể “đứng thẳng” lên được.

Mời Bạn suy nghĩ về cách thức bạn “giữ ngày Chúa Nhật”: Có thực sự bạn không thể “kiêng việc xác” ngày Chúa Nhật vì cuộc sống bạn quá khó khăn không hay chỉ vì bạn bị trói buộc quá nhiều vào cuộc sống vật chất? Hay ngược lại bạn nghỉ cả ngày thứ bảy lẫn Chúa Nhật nhưng chủ yếu tập trung cho vui chơi giải trí và chỉ dành cho Chúa một chút thì giờ “đi lễ” để gọi là có “giữ ngày Chúa Nhật”?

Sống Lời Chúa: Bạn thử nghĩ một giải pháp sao cho việc “giữ ngày Chúa Nhật” thực sự là ngày giải phóng bạn khỏi mọi ràng buộc để bạn dành cho Chúa một ngày thật trọn vẹn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sẵn sàng phụng sự Chúa với tất cả lòng trung tín và cho con biết sẵn sàng phục vụ tha nhân với tất cả lòng quảng đại. Amen.


28/10/14 THỨ BA TUẦN 30 TN
Th. Si-mon và Giu-đa, tông đồ
Lc 6,12-19

CẦU NGUYỆN LÀ LẼ SỐNG

“… và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.” (Lc 6,12)

Suy niệm: Trong suốt cuộc đời rao giảng của Đức Giê-su, người ta thấy Ngài luôn dành cho việc cầu nguyện một vị trí quan trọng. Người ta thấy Ngài cầu nguyện mọi nơi: trong hội đường, trên núi, ngoài bãi biển… và mọi lúc: lúc sáng sớm, khi đêm về, sau một ngày giảng dạy hay trước một việc làm quan trọng, như hôm nay, trước khi chọn và gọi các tông đồ. Với Đức Giê-su cầu nguyện là lẽ sống của đời mình, nơi đó Ngài gặp Chúa Cha, nhận ra ý Ngài để thực hiện. Ngày cũng dạy các tông đồ và những ai đi theo Ngài phải biết cầu nguyện luôn; “Phải cầu nguyện luôn mãi không ngừng nghỉ” (Lc 18,1); hoặc “Không có Thầy, chúng con không thể làm được gì” (Ga 15,5). Nhờ cầu nguyện mà chúng ta biết mình phải làm gì và công việc của chúng ta cũng nhờ đó mà thực sự là công việc của Chúa và để làm vinh danh Chúa.

Mời Bạn: Đức HY. Ph. Xav. Nguyễn Văn Thuận viết: “Con ngạc nhiên vì sao nhiều người mất ơn Chúa gọi, mất đức tin, phản bội Hội Thánh? Trong bao nhiêu lý do, luôn luôn có một lý do chính: họ bỏ cầu nguyện từ lâu” (ĐHV 125). Bạn có thấy việc cầu nguyện thực sự quan trọng hơn các việc làm khác trong đời sống của mình không?

Chia sẻ: Bạn đang thực hành việc cầu nguyện trong đời sống của mình như thế nào?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ luôn nhắc lại lời này: “Không có Thầy, chúng con không thể làm được gì” (Ga 15,5).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết siêng năng tìm đến Chúa trong những giờ cầu nguyện, để chúng con thực sự tìn được sức mạnh và lòng yêu mến cho cuộc đời của chúng con. Amen.


29/10/14 THỨ TƯ TUẦN 30 TN
Lc 13,22-30

VÀO QUA CỬA HẸP

Chúa Giê-su nói: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết, có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc 13,24)

Suy niệm: Nước Thiên Chúa đúng là gia sản chúng ta được thừa kế nhờ công nghiệp Đức Giê-su Ki-tô, nhưng không phải vì thế mà chúng ta đương nhiên được hưởng quyền lợi đó, mà đó còn là kết quả của cả một cuộc đời chiến đấu không ngừng. Mỗi người đều phải góp phần cứu rỗi chính mình bằng những nỗ lực của bản thân mình. Đời sống ki-tô hữu giống như một cuộc leo núi: phải luôn tiến tới và phải luôn hướng lên cao, hướng về một đích điểm chỉ có thể đạt tới ở cõi đời sau. Lối đi vào Nước Thiên Chúa phải qua cánh cửa hẹp, cánh cửa duy nhất, cánh cửa mà chính Đức Giê-su cũng đã đi qua để vào. Thiên Chúa chỉ nhận ra chúng ta khi chúng ta đi qua cánh cửa hẹp ấy. Một khi cánh cửa đó đã khép lại, Thiên Chúa sẽ không nhìn mặt những người theo lối khác mà vào nữa.

Mời Bạn: Thế giới khoa học kỹ thuật vật chất tiến bộ vượt bậc. Những tiện nghi vật chất cũng là những giá trị giúp nâng cao phẩm giá con người. Nhưng chúng lại có nguy cơ phát sinh thói hưởng thụ ích kỷ. Những hy sinh, đau khổ, nhờ kết hợp với mầu nhiệm thập giá của Đức Ki-tô, được xoá đi ý nghĩa tiêu cực để trở thành những giá trị tích cực có khả năng thánh hoá con người.

Sống Lời Chúa: Nhẫn nại trước những đau khổ tự nhiên trong cuộc sống hay những khó chịu, phiền hà do người khác gây ra, thay vì phàn nàn, bất mãn, để kết hợp với Đức Ki-tô góp phần đem lại ơn cứu độ cho thế giới.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết “hoàn tất phần còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa” là vui lòng thập giá hằng ngày của con theo Chúa. Amen.

30/10/14 THỨ NĂM TUẦN 30 TN
Lc 13,31-35

GIÊ-RU-SA-LEM! GIÊ-RU-SA-LEM ƠI!

“Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem!... Đã bao lần ta muốn tập họp ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Lc 13,34)

Suy niệm: Cuộc đời Đức Giê-su như bị tiêu hao, bị thu hút bởi một đam mê, có sức lôi cuốn Người luôn hướng về Giê-ru-sa-lem. Một số người trong nhóm Pha-ri-sêu lo lắng cho tính mạng của Chúa Giê-su nếu ở lại Thánh đô, nên đã đề nghị rằng: “Xin Ông đi ra khỏi đây vì Hêrôđê đang tìm giết Ông.” Nhưng sẽ chẳng có nơi nào khác, ngoài trung tâm của Dân Chúa đây mà Người muốn thực hiện sứ mạng cứu thế của Người: Lẽ nào “một ngôn sứ lại chết ngoài thành Giêrusalem?” Như gà mẹ ấp ủ gà con. Đức Kitô dành cho dân Ngài một trái tim, một tấm lòng người MẸ…

Bạn có cảm nghiệm được mối tình của Đức Giêsu với Giê-ru-sa-lem không? Mời bạn đọc đi đọc lại nhiều lần : “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem!... Đã bao lần ta muốn tập họp ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới canh, mà các ngươi không chịu!” Chắc chắn chẳng phải vì sự nguy nga lộng lẫy của Đền Thờ mà Đức Giê-su say mến đến thế! Nhưng Giê-ru-sa-lem đây là Dân Riêng của Thiên Chúa, là những con người Chúa đã chọn gọi, đã yêu thương giáo huấn và Ngài đã Nhập Thể, chịu chết cứu chuộc họ! Để hiểu chínhxác nhất, mời bạn cầm lấy một Thánh Giá và chiêm ngắm thật kỹ, bạn sẽ hiểu Tình yêu của Chúa Giê-su là như thế nào!

Cầu nguyện: Ôi Giê-su, con hiểu rồi, Giê-ru-sa-lem đây cũng là chính con nữa! Biết bao lần Chúa cũng đã lo lắng ấp ủ con, nhưng con vẫn chai lì lạnh giá. Nhưng như Mẹ hiền không thể quên con mình, Chúa vẫn yêu thương kiên nhẫn với con! Xin cho con hiểu hơn nữa tình Chúa yêu thương con. Amen.

31/10/14 THỨ SÁU TUẦN 30 TN
Lc 14,1-6

CHÚA NHẬT LÀ NGÀY THÁNH

“Ai trong các ông có đứa con trai hay con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát?” (Lc 14,5)

Suy niệm: Người ta bảo rằng ngày sa-bát là món quà mà đạo Do Thái đóng góp cho nền văn minh nhân loại. Con người đã lao nhọc, vất vả suốt sáu ngày, thân xác họ cần một ngày nghỉ ngơi, tinh thần họ cần một ngày thư giãn. Trong ngày ấy, con người dành thời gian, năng lực để phụng thờ Đấng Tạo Hóa và phục vụ người lân cận. Vậy mà chính những người Do Thái vào thời Đức Giê-su lại quên mục đích của ngày sa-bát, lên án Ngài vi phạm những qui định cấm đoán tỉ mỉ trong ngày nghỉ ấy. Bất chấp những ánh mắt dò xét, Đức Giê-su vẫn chữa bệnh cho người phù thũng, cho họ thấy nghỉ làm việc không có nghĩa là nghỉ làm việc lành, việc cứu chữa.

Mời Bạn: “Giữ ngày sa-bát không chỉ là nghỉ ngơi thể lý, nhưng liên hệ đến việc đổi mới tinh thần và việc thờ phượng” (J. Faust). Cũng vậy, thánh hóa ngày Chúa Nhật không chỉ là nghỉ lao động, nhưng là ưu tiên cho việc phụng thờ Thiên Chúa qua việc tham dự thánh lễ, đọc Lời Chúa... cũng như cho việc chăm sóc gia đình và những người đau ốm, bệnh tật... Con người được tạo dựng để sống vui, ngày Chúa Nhật giúp ta cảm nếm niềm vui ấy.

Sống Lời Chúa: Tôi xem lại cách sử dụng thời gian trong ngày Chúa Nhật và điều chỉnh cho thích hợp với giáo huấn của Hội Thánh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con nghỉ ngày Chúa Nhật để cử hành việc Chúa sống lại. Xin cho chúng con biết làm cho Chúa Nhật trở thành ngày thánh, ngày dành đặc biệt cho việc thờ phượng, hiểu biết Chúa, cũng như ngày thánh vì sống cho nhau. Amen.

Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter