13/10/14 THỨ HAI TUẦN 28 TN
Lc 11,29-32
TIN VÌ ĐƯỢC YÊU MẾN
“Ông Gio-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” (Lc 11,30)Suy niệm: Con người ngày nay có thể lên tận cung trăng và xa hơn nữa, và tuyên bố rằng không thấy Thiên Chúa đâu cả! Giống như những người Pha-ri-sêu đòi dấu lạ để tin, dù đã thấy bao phép lạ Chúa làm, thế mà rốt cuộc, họ có tin đâu! Đức tin là hồng ân Chúa ban, cùng với sự tự do đáp trả của con người, với thái độ khiêm tốn, cởi mở, xóa bỏ mọi thành kiến. Không cần đến những quảng cáo rầm rộ phô trương, chính cuộc Nhập Thể, cái chết và sống lại của Đức Giê-su, sự hiện diện của Ngài trong bí tích Thánh Thể đã là những phép lạ lớn lao, những phép lạ của tình yêu, có thể biến đổi cuộc sống của những ai tin, và dám sống hết mình với niềm tin ấy.
Mời Bạn: Đừng chạy theo thế giới tục hóa, chỉ tin vào hiệu năng của khoa học, đòi Thiên Chúa làm phép lạ để tin. Bạn có biết không, phép lạ vẫn diễn ra hằng ngày trong đời bạn, trong thế giới. Cần những phút thinh lặng để lắng nghe và nhận ra Thiên Chúa đang bày tỏ lòng yêu thương bạn. Biết Ngài yêu thương bạn, bạn hãy đáp lại và tin vào Ngài.
Chia sẻ: Làm sao để sự tiến bộ về vật chất không làm cho đời sống đức tin của bạn phai nhạt đi?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi dành vài phút gặp gỡ Chúa để thờ phượng Ngài trong tâm tình của người con thảo, không đòi hỏi yêu sách Chúa phải làm điều này điều kia mới tin Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con có trái tim rộng mở, luôn biết nhận ra những dấu chỉ yêu thương của Chúa để sống xứng đáng với ơn được làm con Chúa. Amen.
14/10/14 THỨ BA TUẦN 28 TN
Th. Ca-lít-tô, giáo hoàng, tử đạo
Lc 11,37-41
CHÉN ĐĨA VÀ NGƯỜI PHA-RI-SÊU
“Này nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.” (Lc 11,39)
Suy niệm: Những người Pha-ri-sêu bị Đức Giê-su khiển trách nặng lời vì họ giả hình: Họ chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài như rửa sạch chén đĩa nhưng lòng họ thì “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”.Rửa sạch bên ngoài chén đĩa là cần nhưng chưa đủ. Cái thực sự cần là phải rửa sạch lòng tham lam chiếm đoạt và lòng độc ác gian tà. Đối với người Pha-ri-sêu, rửa sạch ‘cái bên trong’ khó hơn rửa ‘cái bên ngoài’ nên họ né tránh bằng cách rửa ‘cái bên ngoài’ hầu có thể che đậy những xấu xa tội lỗi trong tâm hồn họ.
Mời Bạn: Nhiều người cho rằng mình chỉ có giá trị, có đẳng cấp khi khoác lên thân mình những ‘cái bên ngoài’ hào nhoáng, đắt tiền, theo thời trang. Người ta có thể đánh giá một con người dựa theo ‘cái bên ngoài’ như thế, nhưng Thiên Chúa thì không. Ngài là Đấng thấu suốt tâm can con người: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,… Hồn con đây biết rõ mười mươi” (Tv 139,13-14). Chúa đánh giá con người từ trong tâm hồn. Để được Thiên Chúa đón nhận, phải trở nên thanh sạch từ trong tâm hồn, phải loại trừ mọi thứ tham lam và gian tà, để tô điểm linh hồn mình bằng ân sủng Chúa và sinh hoa kết quả là các nhân đức!
Sống Lời Chúa: Thường xuyên chú ý tẩy sạch tâm hồn mình bằng bí tích hoà giải.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng dựng nên con người có thân xác bên ngoài và có tấm lòng bên trong. Xin dạy chúng con biết chú ý đến con người bên trong của mình và đẩy lui những hình thức và giả trá bên ngoài.
15/10/14 THỨ TƯ TUẦN 28 TN
Th. Tê-rê-xa A-vi-la, trinh nữ, tiến sĩ HT
Ga 15,1-8
NHƯ CÂY LIỀN CÀNH
“Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.” (Ga 15,5)
Suy niệm: Trong Chinh Phụ Ngâm khúc, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn tả: “Thiếp xin thề kiếp sau này, như chim liền cánh như cây liền cành.” Sự gắn bó khăng khít và chung thuỷ của tình yêu phu phụ không thể đạt được trọn vẹn ở kiếp này cho nên đành phải hẹn lại kiếp sau, bởi vì dù “ta với mình” tuy là một nhưng thực sự vẫn là hai. Thế nhưng, Chúa Giê-su, qua dụ ngôn cây nho, cho biết, sự kết hợp trong mơ đó được thể hiện nơi tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, không đợi đến “kiếp sau” trên Thiên quốc mà ngay ở “kiếp này”. Lối nói “ở trong nhau” không chỉ là một biện pháp tu từ mà là một hiện thực nơi bí tích Thánh Thể: Thịt Máu Chúa, dưới hình bánh rượu, được chan hoà trong máu thịt của chúng ta khi chúng ta rước lễ.
Mời Bạn: Bằng hình ảnh cành nho gắn liền với cây nho, Chúa Giê-su đã cho chúng ta thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của việc mỗi người chúng ta phải kết hợp và gắn bó với Thiên Chúa; bởi đó là nguồn sống chính yếu để nuôi dưỡng cuộc sống tâm linh mỗi người. Chúng ta phải tự hỏi: Tôi có đang gắn kết với Chúa Giê-su không? Và bằng những phương cách nào? Đời sống của tôi có trổ sinh hoa trái cho Thiên Chúa không? Hay tôi đang là những cành nho khô héo, èo uột vì không gắn bó, kết hợp với Thiên Chúa của mình?
Sống Lời Chúa: Bạn liên kết trở nên một với Chúa Ki-tô bằng cách siêng năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Nếu vì lý do nào đó công việc này bị ngăn trở đối với bạn, bạn hãy dành thời gian để tâm sự với Chúa Ki-tô.
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.
16/10/14 THỨ NĂM TUẦN 28 TN
Th. Ma-ga-ri-ta A-la-cốc, trinh nữ
Lc 11,47-54
NỢ MÁU CÁC NGÔN SỨ
“Thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, từ máu ông A-ben đến máu ông Da-ca-ri-a, người đã bị biết giữa bàn thờ và Thánh Điện.” (Lc 11,50-51)
Suy niệm: Cái chết của A-ben, người công chính đầu tiên bị sát hại bởi chính anh ruột mình được Chúa Giê-su kể như cái chết của một ngôn sứ. Là ngôn sứ, không nhất thiết phải là những nabi (ngôn sứ “chuyên nghiệp”) của Do thái thời xưa. Cũng không nhất thiết phải rao giảng như I-sai hay Ê-dê-ki-en, mà nguyên đời sống công chính thánh thiện, như A-ben, đã đủ là một lời ngôn sứ đích thực có giá trị rồi. Mặt khác, các ngôn sứ bị bách hại bằng nhiều thể cách. Không đợi đến khi ném đá, chém đầu các ngài người ta mới là kẻ giết các ngôn sứ, mà người ta đã tham gia bách hại và “bị đòi nợ máu các ngôn sứ” khi từ chối lắng nghe những lời mời gọi sống công chính.
Mời Bạn: Một người làm một điều tốt, bạn hoặc những người khác châm chọc chế diễu, có khi chỉ vì vô tình hoặc để mua vui. Có thể bạn không ngờ mình đang “bách hại” hoặc đang “xây mộ” cho người “bạn ngôn sứ” ấy. Hoặc có khi nào bạn cảm thấy tức tối khi cuộc sống công chính của ai đó trở thành lời tố giác lối sống bê bối của mình?
Chia sẻ: Bạn chia sẻ về một ai đó làm một việc gì đó mà bạn cho là có tính cách ngôn sứ, nghĩa là có thể chuyển đạt cho mình lời của Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Tập đón nhan điều tốt cách thành tâm: người làm điều tốt, ta khen ngợi, noi theo; người nhắc nhở sửa lỗi cho ta, ta nhìn nhận khuyết điểm và sửa chữa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tâm hồn biết phục thiện sẵn sàng đón nhận lời người khác sửa lỗi cho con.
17/10/14 THỨ SÁU TUẦN 28 TN
Th. I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a, giám mục, tử đạo
Lc 12,1-7
RAO GIẢNG TRÊN MÁI NHÀ
“Vì thế, điều anh em nghe rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.” (Lc 12,3)
Suy niệm: Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II trong sứ điệp ngày truyền thông thế giới lần thứ 35 (21/05/2001) đã nói: Cái mái nhà ngày nay “bị chiếm cứ bởi cả rừng ăng-ten chuyên phát đi thu lại đủ thứ thông tin từ tứ phương thiên hạ.” Và dưới cái nhìn đó, ngài đã nhận ra lệnh truyền “rao giảng Tin Mừng trên mái nhà” có một ý nghĩa mới: “Chúng ta phải chuyển đạt Lời Đức Ki-tô cho thế giới năng động của các phương tiện truyền thông hiện đại và bằng cũng chính những phương tiện truyền thông đó của nó” (số 1). Đó là sứ mạng dấn thân mà Giáo Hội không có lý do để từ khước.
Mời Bạn: Sứ mạng rao giảng trên mái nhà có nhiều thách đố: các phương tiện truyền thông không chỉ truyền tải thông tin, mà còn nhào nặn thông tin vì những ý đồ khác nhau khiến cho ranh giới giữa cái thật và cái ảo trở nên mong manh; thế nhưng cũng có nhiều lợi điểm: chân lý được loan truyền thật nhanh đến thật nhiều người ở khắp nơi trên thế giới (x. số 2). “Điều quan trọng là làm thế nào người ta vẫn có thể nghe được sứ điệp Lời Chúa ở giữa đám thông tin ồn ào náo nhiệt đó” (số 1).
Chia sẻ: Bạn dùng những phương tiện truyền thông thế nào để thánh hoá bản thân mình và dùng chúng để “rao giảng Tin Mừng trên mái nhà”?
Sống Lời Chúa: Nếu có dịp bạn e-mail một câu Lời Chúa cho một người bạn của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thêm sức cho con, để dù gặp thời thuận tiện hay không, con vẫn dám dùng mọi phương tiện truyền thông hiện đại để rao giảng Lời Chúa cho thế giới hôm nay.
18/10/14 THỨ BẢY TUẦN 28 TN
Th. Luca, tác giả sách Tin Mừng
Lc 10,1-9
SỨ ĐIỆP BÌNH AN
“Vào nhà nào, trước tiên anh em hãy nói: ‘Bình an cho nhà này !’ ” (Lc 10,9)
Suy niệm: Khi sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, Chúa muốn các ông phải là những sứ giả bình an. Lời đầu tiên Chúa truyền cho các ông phải nói là lời chúc bình an. Lời chúc bình an được gửi đến một cách vô điều kiện, không phải là kết quả của những cuộc thương thuyết lâu dài; cũng không tuỳ thuộc ở hoàn cảnh bên ngoài: người môn đệ vẫn nói lời bình an dù trong tư thế của “con chiên ở giữa bầy sói”. Dù lời chúc bình an có được đón nhận hay không, trước hết sự bình an ấy vẫn “quay về với người môn đệ”và tồn tại nơi họ, và như thế biến họ thành những nhân tố xây dựng một “môi trường hoà bình”. Tuyên ngôn Tám Mối Phúc Thật gọi đó là đặc điểm nhận biết người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5,9).
Mời Bạn: Không cần những hành động to tát, bạn có thể đặt những viên đá đầu tiên xây dựng nền hoà bình thế giới bằng cách gửi đến những người anh em chung quanh bạn những lời nói bình an. Công việc này lắm khi lại đơn giản tới mức bạn chỉ cần loại trừ ra khỏi môi miệng bạn những lời gắt gỏng, chua cay, thoá mạ, thô tục...
Chia sẻ: Thử đưa ra một phương thế giúp nhau chữa thói quen hay nói tục.
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn hãy chủ ý nói một lời bình an thực sự với một người đang sống gần bạn hoặc đang công tác cùng với bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thông ban cho con sự hiền lành dịu dàng của Chúa, để con trở nên con cái của sự bình an góp phần xây dựng nền văn minh tình thương cho thế giới hôm nay.
19/10/14 CHÚA NHẬT TUẦN 29 TN – A
Khánh Nhật Truyền giáo
Mt 22,15-21
THẾ GIAN KHÔN KHÉO
“Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa.” (Mt 22,16b)
Suy niệm: Cái bẫy giăng ra thật hoàn hảo! Phe Pha-ri-sêu hợp tác với phe Hê-rô-đê –dù trước đây họ là thù địch với nhau– bàn bạc với nhau để gài bẫy Chúa một cách thật bài bản. Trước tiên là một lời khen “tẩm thuốc độc”: “Chúng tôi biết Thầy là người chân thật”, và ngay lập tức, chiếc bẫy được giăng ra: “Có được nộp thuế cho Xê-da không?” Trả lời có hay không đều rơi vào bẫy của họ, và nhân cơ hội ấy, họ có thể hạ uy tín của Chúa trước mặt bàn dân thiên hạ. Thế nhưng, “mưu độc dữ sánh làm sao mưu Chúa” (x. Thánh thi, Kinh Sách, Tuần Thánh). Chúa Giê-su lật ngược thế cờ một cách rất nhẹ nhàng, tài tình. Người dùng chính hình ảnh Xê-da dập trên đồng tiền để đưa tầm nhìn của họ từ giá trị của thực tại dưới vươn lên tới giá trị của thực tại trên trời: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.
Mời Bạn: Có khi nào trong cuộc sống, tôi hành xử với anh chị em mình theo kiểu “thế gian” như thế không? Tôi có vô tình hoặc cố ý dùng những lời khen tặng giả dối đầy ác ý để dối gạt, gài bẫy anh chị em mình không? Chúa mời gọi chúng ta tỉnh táo phân định để thanh luyện mình khỏi tinh thần “thế gian” và đem những giá trị Tin Mừng thấm nhuần vào trong cuộc sống.
Sống Lời Chúa: Trước/sau mỗi hành động, tôi phản tỉnh và tự vấn: Tôi sẽ/đã làm gì để đem tinh thần Tin Mừng vào công việc này?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mọi sự con có và chính bản thân con là của Chúa. Chúa đã cho con tất cả. Con xin trao về Chúa tất cả con người và cuộc sống con như một lời tạ ơn. Amen.