YẾU ĐUỐI VÀ TỘI LỖI Lm. Raphael Xuân Nguyên

Mừng Lễ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô gợi ta nhớ đến sự yếu đuối của con người. Sự yếu đuối ấy trước mặt Thiên Chúa xem ra đã trở thành nét đẹp đáng yêu. Bản chất của sự yếu đuối khác xa tội lỗi. Con người yếu đuối vì bản chất rất giới hạn cả thể xác lẫn tinh thần. Còn tội lỗi luôn là kẻ thù của con người vì làm họ mất Chúa. Riêng kẻ phạm tội cùng lắm là bị Chúa cảnh cáo, la rầy để giúp họ ăn năn trở về; và khi trở về thì được Chúa yêu thương có khi còn hơn trước nữa. Cuộc đời và gương của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô cho thấy rõ điều đó. Thánh Phêrô xuất thân là người chài lưới. Bản tính của ông nóng nảy, hăng hái và nhiệt thành, nhưng lại rất yếu đuối. Khi Chúa gọi, ông lập tức bỏ tất cả đi theo Ngài. Sau này có lúc chán chường nhung nhớ quá khứ, ông đã hỏi Chúa: chúng con đã theo thầy thì được gì bù lại! Khi Chúa bảo phải canh thức cầu nguyện kẻo sa vào cám dỗ phản bội, ông vội bào chữa và tuyên bố lớn tiếng: dù mọi người bỏ thầy, con đây cũng không bỏ thầy. Thế rồi khi thầy sắp bị bắt, ông đã tỉnh bơ ngủ vùi; và vào chính lúc thầy bị bắt, ông đã lo sợ chối thầy ba lần thẳng tay!... Phêrô có lẽ là người bị Chúa Giêsu mắng nhiều nhất trong nhóm mười hai, và lời mắng có lúc trở nên thật gay gắt: lần đầu bị mắng là quân yếu tin (Mt 14:31); lần hai bị mắng là kẻ u tối (Mt 15:16); lần ba bị quở là Satan khi cản Chúa thi hành sứ vụ cứu chuộc của Ngài(Mc 8:33). Nhưng dù bị mắng như thế, Phêrô vẫn được Chúa yêu và chọn làm đầu các tông đồ và hội thánh của Người sau khi ông trở lại. Sau này, với lòng mến Chúa sắt son, Phêrô đã thực sự sống khiêm tốn, can trường rao giảng Tin Mừng Phục Sinh của thầy, và chấp nhận chịu đóng đinh ngược để chứng minh đức tin và lòng mến Chúa của mình.

Thánh Phaolô thì xuất thân từ hàng trí thức: Ông là một thầy thông giáo Do Thái rất sùng đạo. Vì quá sùng đạo nên đã gia nhập đạo binh thẳng tay bắt bớ những người theo Đức Kitô mà ông cho là tà đạo. Khi bị Chúa dùng ánh sáng đánh ngã, ông đã khiêm tốn hỏi cho biết Chúa là ai và muốn được biết mình phải làm gì. Phaolô đã trở lại hiến trọn đời mình làm tông đồ rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô và mở mang Nước Người. Những lời Phaolô viết và rao giảng cho các dân ngoại đã trở thành Phúc âm ghi nhớ ngàn đời, mà chúng ta gọi là Phúc Âm Phaolô. Đời ông như ngọn lửa rực nóng tình mến Đức Kitô, Ngọn lửa ấy đã giúp ông băng ngàn sóng gío hãi hùng của biển cả bao la, đã đưa ông đối đầu với bao nguy hiểm của rắn độc, của những lần đắm tàu, của những trận ném đá, của những cơn bách hại, và sau cùng đã bị cắt rơi đầu vì danh Đức Kitô mà ông yêu mến, tôn thờ và chọn làm lẽ sống: Tôi sống, nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi.

Hai tấm gương của hai vị thánh cho thấy rõ Chúa rất thương người yếu đuối tội lỗi, nhất là khi họ trở về. Sự trở về là dấu cho thấy họ biết mình yếu đuối và cần đến Chúa. Chúa đâu nỡ bỏ những ai cần đến Ngài. Cuộc đời của hai vị thánh tông đồ nhắc chúng ta sự yếu đuối đáng yêu; nhưng cũng bảo chúng ta đừng bao giờ cố chấp ở lì trong tội, vì tội làm chúng ta mất Chúa, mà mất Chúa là mất tất cả.
Share:

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Bài viết mới

Bài xem nhiều

NÊN ĐỌC

Bạn nên xem

Tổng số lượt xem

Quốc gia truy cập

Flag Counter