TỔNG QUÁT
Những chương cuối trong sách Xuất Hành thuộc nguồn văn tư tế (P), kể lại việc thực hiện những chỉ thị Thiên Chúa đã truyền cho Môsê trong chương 25-31. Có thể phân chia những chương này như sau:
- 35,1-36,7 : Khởi đầu công trình xây dựng và lòng quảng đại của dân
- 36,8-39,31 : Thi hành những chỉ thị của Chúa
- 39,32-34 : Trình bày công việc cho Môsê
- 40,1-33 : Dựng thánh điện
- 40,34-38 : Đức Chúa hiện diện
XÂY DỰNG NHÀ CHÚA, CÔNG VIỆC CỦA MỌI NGƯỜI (35,1 – 36,7)
Nội dung căn bản của phần này là thi hành những mệnh lệnh Chúa đã truyền cách trực tiếp hay gián tiếp. Vì thế ở đây nhắc lại những huấn lệnh căn bản. Trước hết là giữ ngày sabát: “Trong sáu ngày, người ta sẽ làm việc, nhưng đối với anh em, ngày thứ bảy sẽ là một ngày thánh, ngày sabát, ngày nghỉ hoàn toàn, dành cho Đức Chúa” (35,2), kể cả không được đốt lửa trong ngày sabát; kế đó là quyên góp vật liệu: “Anh em hãy lấy của cải mình mà đóng góp vào việc thờ phượng Đức Chúa” (35,5), kêu gọi các thợ thủ công: “Trong anh em, ai là người khéo tay thì hãy đến thực hiện tất cả những gì Đức Chúa đã truyền”(35,10). Công việc được bắt đầu tiến hành (36,1).
Tác giả sách Xuất Hành ghi nhận rằng dân Israel đã đáp ứng những mệnh lệnh của Chúa cách hết sức quảng đại (35,20-29). Quả thật họ rất phấn khởi và nhiệt thành đối với việc xây dựng Nhà Chúa đến độ Môsê phải ra lệnh ngưng quyên góp vật liệu (36,2-6). Các thợ thủ công cũng nhiệt tình đóng góp khả năng đề hoàn tất công việc.
Điều đáng ghi nhận ở đây là tất cả mọi người đều tham gia vào công việc xây dựng Nhà Chúa. Lịch sử Hội thánh tại khắp nơi, cách riêng tại Việt Nam, tiếp tục làm chứng về nhiệt tình đó. Dù cuộc sống vật chất còn thiếu thốn nhưng nhiều cộng đoàn tín hữu đã sẵn sàng hy sinh tất cả, người góp công người góp của để xây dựng những ngôi nhà thờ xứng đáng làm nơi Chúa ngự.
Tinh thần này không thể chỉ ngưng lại ở việc xây dựng nhà thờ vật chất nhưng còn cần được triển khai trong việc xây dựng cộng đoàn Hội thánh. Đây không chỉ là việc của linh mục nhưng là công việc mọi thành phần Dân Chúa phải tham gia. Đó cũng là định hướng mục vụ mà các giám mục tại Á châu mong muốn triển khai, đó là xây dựng Hội thánh như một cộng đoàn hiệp thông và một Giáo hội tham gia, trong đó mọi người đều ý thức mình thuộc về Giáo hội và tham gia vào sứ mạng chung của Giáo hội.
ĐỨC CHÚA CHIẾM HỮU NHÀ TẠM (40,34-38)
Đối với nguồn văn tư tế (P) thì Sinai chính là mẫu mực cho việc thờ phượng. Theo trình thuật về việc Thiên Chúa ký kết giao ước với Dân trên núi Sinai (Xh 24,15-16), mây bao phủ núi và vinh quang Đức Chúa ngự trên núi Sinai. Ở đây cũng thế, mây bảo phủ thánh điện và vinh quang Đức Chúa ngập tràn thánh điện (40,34). Như thế Nhà Tạm trong hành trình sa mạc cũng lấy lại kinh nghiệm trên núi Sinai.
Sự kiện mây bao phủ và ngự trị cũng là dấu ấn Thiên Chúa chấp nhận tất cả những gì mà Môsê và dân đã làm, nghĩa là Đức Chúa chiếm hữu Nhà Tạm. Đây cũng là kinh nghiệm của Israel khi vinh quang Đức Chúa ngập tràn đền thánh thời Salômon, và các tư tế không thể thi hành nhiệm vụ vì đám mây bao phủ (1V 8,10-11). Cột mây và đám lửa cũng là dấu hiệu cho dân Israel biết khi nào hạ trại và khi nào nhổ trại (Ds 9,15-23).
Hình tượng đám mây vẫn được Thánh Kinh Tân Ước vận dụng để diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi truyền tin cho Mẹ Maria, sứ thần loan báo:“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1,35). Khi kể lại việc Chúa Giêsu biến hình trên núi thánh, các thánh sử ghi nhận: “Ông Phêrô còn đang nói thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình ở trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9, 34-35).
Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa hiện diện giữa loài người. Ngày nay Ngài không còn hiện diện cách hữu hình nhưng vẫn tiếp tục hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Nhà Tạm, nơi cất giữ Thánh Thể, là nhà của Thiên Chúa ở giữa chúng ta.Vì thế, “đặt Nhà Tạm đúng chỗ trong nhà thờ giúp nhận biết sự hiện diện thật của Chúa Kitô trong bí tích Thánh thể. Do đó, vị trí nơi cất giữ bánh Thánh Thể phải được mọi người trông thấy ngay khi bước vào nhà thờ, một phần cũng nhờ ánh đèn chiếu sáng liên tục làm dấu hiệu” (Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 74).