I. TỔNG QUÁT
Sách Lêvi là cuốn sách về sự thánh thiện, về Thiên Chúa chí thánh và về một dân được gọi là thánh. Theo từ nguyên, “thánh” trong tiếng Hipri có nghĩa là “được cắt riêng ra, tách ra” có ý nói đến sự tách biệt giữa thánh thiện và phàm tục. “Thánh” ở đây chỉ về người, nơi chốn hoặc sự vật chỉ được tới gần hay chạm đến với điều kiện phải thanh sạch. Sách Lêvi đưa ra một định hướng và những chỉ dẫn cụ thể cho việc nên thánh, được tập trung vào lời mời gọi: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (11,44-45; 19,2; 20,7).
Tên gọi của sách này là sách Lêvi vì cuốn sách mô tả những hoạt động của các tư tế thuộc chi tộc Lêvi. Tuy nhiên trong bản văn Thánh Kinh Do Thái, tên gọi của sách này là một từ Do Thái có nghĩa là “Ngài đã gọi”. Như thế, nội dung sách nhấn mạnh đến ơn gọi và ơn gọi căn bản là sống thánh thiện được trình bày cụ thể trong bộ luật về sự thánh thiện (chương 17-26).
Những phần chính trong sách Lêvi:
* Phần I (1-7) : Nghi thức các lễ tế
* Phần II (8-10) : Nghi thức tấn phong tư tế
* Phần III (11-16) : Luật liên quan đến sự thanh sạch về Lề luật
* Phần IV (17-26) : Luật về sự thánh thiện
* Phần V (27) : Tóm kết
II. LỄ TOÀN THIÊU (1,1-17)
Mới nhìn thoáng qua, ta chỉ thấy những quy định quá tỉ mỉ về Lề luật xem ra có vẻ nặng hình thức. Vì thế cần phải khám phá lại ý nghĩa hàm ẩn bên trong những quy định này.
Theo nguyên ngữ trong tiếng Hipri, “toàn thiêu” chỉ có nghĩa đơn giản là “đi lên”. Như thế, ý nghĩa đầu tiên của lễ toàn thiêu là sự khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng ban cho ta quà tặng sự sống, bây giờ của lễ (bò, chiên hay chim) được dâng lên cho Chúa bằng cách đốt cháy của lễ. Khói bốc lên cùng với hương bay lên là hương thơm làm vui lòng Đức Chúa “Tư tế sẽ đốt nó cho cháy nghi ngút trên bàn thờ, trên củi đặt trên lửa. Đó là lễ toàn thiêu, lễ hỏa tế, là hương thơm làm vui lòng Đức Chúa” (1,17). Ngoài ra, những quy định Lề luật trên đây còn nhằm dạy cho Dân Chúa bài học về sự vâng phục. Trong tương quan giao ước với Thiên Chúa, dân Israel cần phải học vâng phục. Không có sự vâng phục, không thể có sự thánh thiện.
Nguy cơ là người ta chỉ còn tuân giữ những hình thức tỉ mỉ bên ngoài mà quên mất ý nghĩa đích thực của lễ tế. Các tiên tri đã lên tiếng cảnh giác điều này nhiều lần, và Chúa Kitô đã đến để khôi phục ý nghĩa đích thực của lễ tế. Tác giả thư Do Thái đã diễn tả rõ ràng: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-8).
III. THANH SẠCH THEO LỀ LUẬT
Các chương 11-16 trong sách Lêvi bàn đến sự thanh sạch. Lời mời gọi căn bản vẫn là: “Các ngươi phải nên thánh và phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh. Các ngươi đừng làm cho chính mình ra ô uế vì các loài vật nhỏ bò trên đất. Thật vậy, Ta là Đức chúa, Đấng đã đưa ngươi từ đất Ai Cập lên, để Ta làm Thiên Chúa của các ngươi; vậy các ngươi phải thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh” (11, 44-45). Muốn nên thánh, phải thanh sạch, cho nên sách Lêvi đưa ra những quy định Lề luật về sự thanh sạch. Các chương 11-12 nói đến sự thanh sạch của những thứ được con người đưa vào trong cơ thể của mình: thực phẩm nào là sạch hay dơ, tình trạng ô uế của phụ nữ khi sinh con. Các chương 13-14 nói đến những ô uế bên ngoài như da thịt, quần áo. Chương 15 bàn đến chuyện sạch bẩn của những gì từ cơ thể con người phát ra, cách riêng về sinh dục. Chương 16 bàn đến Ngày xá tội, tức là cầu nối giữa cái thanh sạch và sự thánh thiện.
Ngày nay, người đọc có thể cảm thấy khó chịu với những quy định quá tỉ mỉ và nặng hình thức này. Tuy nhiên không nên quên ý nghĩa căn bản của những quy định này là liên kết sự thanh sạch với sự thánh thiện, và tuân giữ những quy định Lề luật về sạch-bẩn là con đường dẫn đến sự thánh thiện.
IV. CON DÊ CHUỘC TỘI (16,20-28)
Có hai con dê và một bò tơ được dùng để làm lễ tạ tội. Một con dê được sát tế làm lễ tạ tội. Một con dê khác nhận lấy tội lỗi của cộng đoàn – qua việc đặt tay của Aaron – và sau đó được thả vào sa mạc. Như thế, một con dê biểu thị cho việc thanh tẩy thánh điện, và một con biểu thị việc xá tội cho dân: “Aaron sẽ đặt hai tay lên đầu con dê còn sống, sẽ xưng thú trên con vật mọi lỗi lầm của con cái Israel, mọi việc phản nghịch của chúng, nghĩa là mọi tội lỗi chúng. Nó sẽ trút cả lên đầu con dê, rồi sẽ dùng tay một người đang chờ sẵn mà thả vào sa mạc. Con dê sẽ mang trên mình mọi lỗi lầm của chúng vào hoang địa” (16, 21-22).
Ngày nay người Do Thái vẫn tiếp tục cử hành Ngày xá tội (Yom Kippur). Đó là ngày quan trọng để người ta hòa giải với mọi thành viên trong cộng đoàn và để được Thiên Chúa tha tội. Khi thánh Matthêu viết: “Hãy để của lể lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,24) là ngài nhắc đến điều này. Đồng thời khi cử hành Ngày xá tội, người Do Thái đọc Is 57,14 – 58,14, tức là nhấn mạnh đến việc canh tân nội tâm qua việc ăn chay:
“Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?”
Chay tịnh đích thực là ra khỏi bản thân, quan tâm đến nhu cầu của tha nhân, đặc biệt những người nghèo khổ và bất hạnh, và thay đổi đời sống mình.
Là môn đệ Chúa Kitô, trình thuật về Ngày xá tội không thể không nhắc ta nhớ đến Thứ Sáu Tuần Thánh, khi ta cử hành cuộc thương khó của Chúa Giêsu, Đấng đã gánh mọi tội lỗi nhân loại trên vai Người, nhờ đó ta được tha thứ. Trong ngày này, ta cũng được mời gọi ăn chay, không chỉ là một vài kiêng khem theo luật định, nhưng là sự từ bỏ bản thân để chia sẻ với cuộc thương khó của Chúa Cứu thế, để biết quan tâm đến người khác nhiều hơn, và như thế được dẫn vào quỹ đạo tình yêu của Đấng đã chết và sống lại vì ta.
Nguồn: tgpsaigon.net