I. TỔNG QUÁT
37, 1-36 Giuse bị bán làm nô lệ bên Ai Cập. Sự ưu ái mà tổ phụ Giacóp dành cho Giuse được coi là nguyên nhân gây bất bình trong anh em. Giuse bị anh em bắt và bán cho người lái buôn sang Ai Cập.38, 1-30 Giuđa và Tamar. Một chuyện loạn luân nhưng tác giả không nhắm đến khía cạnh đạo đức ở đây. Điều được quan tâm là qua Tamar, dòng dõi Giacóp được tồn tại, và chính qua dòng dõi này mà vị vua vĩ đại của Israel là Đavít xuất hiện.
39, 1-23 Sự thăng trầm của Giuse. Giuse bị bán cho một gia đình Ai Cập và sớm được tín nhiệm. Rồi thử thách đến với ông, khiến ông phải nằm tù.
40, 1-23 Giuse đoán mộng cho các tù nhân, nhờ đó gây sự chú ý của một quan chức hầu cận nhà vua.
41, 1- 57 Giuse đoán mộng cho vua Pharao và được vua tín nhiệm đặt làm quan lớn trong triều. Ông được ban cho một tên gọi Ai Cập là Zaphenah-paneah, nghĩa là “Thiên Chúa nói và sống.”
42, 1- 38 Giuse thử thách anh em. Vì đói kém, tổ phụ Giacóp phải sai các con sang Ai Cập, nhưng giữ lại nhà người con út là Benjamin. Giuse đòi phải thấy Benjamin để chứng tỏ nhóm người này không phải là quân do thám.
43, 1 – 34 Anh em của Giuse trở lại Ai Cập. Vừa thấy Benjamin, Giuse hết sức xúc động nhưng vẫn chưa tỏ mình ra.
44, 1 – 34 Giuse thử anh em lần cuối. Họ đã đi được một quãng đường rồi bị bắt lại. Qua những lời tâm huyết của Giuđa, Giuse hiểu rằng anh em đã thay đổi tâm tính và cách sống, quan tâm chăm sóc cho Benjamin.
45, 1 – 28 Giuse tỏ mình cho anh em. Anh em làm hòa với nhau.
46,1 – 47,28 Giacóp đi Ai Cập và định cư tại đó
47,29 -48,22 Chúc lành cho Ephraim và Manassê. Chi tộc Giuse được tách hai thành chi tộc Ephraim và Manassê.
49, 1 – 27 Chúc lành của Giacóp.
49,28-50,14 Tổ phụ Giacóp qua đời và được mai táng tại Machpelah là nơi chôn cất tổ phụ Abraham và Sara.
50, 15 – 21 Giuse trấn an anh em.
50, 22 – 26 Giuse qua đời.
II. THIÊN CHÚA RÚT RA ĐIỀU LÀNH TỪ SỰ DỮ
1. Cuộc đời tổ phụ Giuse
Tổ phụ Giuse phải chịu nhiều nỗi oan khiên: bị anh em bán làm nô lệ sang Ai cập (37,1-36), bị vu oan giá họa đến nỗi phải vào tù (39,1-23). Thế nhưng Thiên Chúa đã biến những đau khổ này thành cơ may cho cá nhân Giuse khi ông được Pharao phong làm tể tướng (41,1-57), và hơn nữa cho cả một dân vì nhờ ông mà cả một dân được cứu khỏi nạn đói.
2. Hình bóng của Chúa Giêsu Kitô
Cuộc đời tổ phụ Giuse được nhìn như hình bóng báo trước cuộc đời Chúa Kitô. Ngài phải chịu mọi nỗi oan khiên nhưng chính nhờ những đau khổ Ngài chịu mà chúng ta được cứu. Quả thật, “hòn đá người thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường” (Tv 118, 22-23). Hội Thánh hân hoan hát lên lời tuyên xưng này cách đặc biệt trong dịp lễ Phục Sinh.
3. Người Kitô hữu tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa
Cuộc đời tổ phụ Giuse và cuộc đời Chúa Kitô là bằng chứng thuyết phục về quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Chính Người là Đấng dẫn dắt lịch sử nhân loại cũng như cuộc đời mỗi người đến chỗ hoàn thành. Vì thế người Kitô hữu được mời gọi tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, đồng thời luôn kiếm tìm và thi hành Thánh Ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, bởi lẽ đó chính là nẻo đường cứu độ và bình an.
III. THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG XÉT XỬ CÔNG MINH
1. Cuộc đời của tổ phụ Giuse
Ai sẽ là Đấng giải oan cho Giuse khỏi những cáo buộc và hành động bất công? Về mặt loài người, xem ra Giuse hoàn toàn cô thân cô thế trong những nghịch cảnh này. Chỉ có Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự và xét xử công minh, Người sẽ trả lại cho mỗi người phần thuởng xứng với việc họ làm.
2. Người Kitô hữu sống trước nhan Chúa
Sự đánh giá của người đời nhiều khi hời hợt và thiếu công bằng vì chỉ dựa vào những cái bên ngoài và bị tham vọng chi phối. Vì thế người tín hữu được mời gọi tập sống trước nhan Chúa, sống theo lương tâm ngay thẳng, sống theo Lời Chúa. Tổ phụ Giuse chính là gương mẫu cho ta về lối sống đó.
Nguồn: WGPSG
Home »
học hỏi thánh kinh
» Tuần 7: Sách Sáng Thế, chương 37 – 50